Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

TÍNH TRUYỀN KHẨU VÀ CÁCH ỨNG TÁC trong âm nhạc các nước Đông Á (phần 1)

Tại trường Đại học Sorbonne Paris
Hội thảo quốc tế về đề tài:
TÍNH TRUYỀN KHẨU VÀ CÁCH ỨNG TÁC
TRONG ÂM NHẠC CÁC NƯỚC ĐÔNG Á
                                     (Phần 1)
Ngày 1/07/04 vừa qua, tại trường Đại học Sorbonne Paris, có một Hội thảo khoa học quốc tế về đề tài: «Truyền khẩu và ứng tác trong âm nhạc các nước Đông Á» do Hội CHIME (Chinese Music Europa) chuyên nghiên cứu âm nhạc Trung Quốc, trụ sở tại Leiden (Hà Lan) và Khoa Dân tộc nhạc học của trường Đại học Sorbonne tổ chức. Hội CHIME từ vài năm sau này mở rộng lãnh vực nghiên cứu đến các nước Đông Á.
          Ban tổ chức có gởi thư mời đến các Hội âm nhạc tại Trung Quốc, Nhựt Bổn, Triều Tiên (Đại Hàn) các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, nhưng không có mời những nhà nhạc học Việt Nam, vì trong các trường Đại học, hay các cơ quan quốc tế, kể cả Cơ quan văn hoá Liên Hiệp Quốc (Unesco), Việt Nam thuộc về Đông Nam Á.
          Tuy vậy, Trưởng ban tổ chức tại Pháp là Giáo sư François Picard, cựu môn sinh của tôi, có thư mời đích danh tôi tham luận buổi lễ khai mạc, vì hai lý do:
1. Tôi là một Giáo sư kỳ cựu đã giảng về âm nhạc Châu Á tại Sorbonne trong 26 năm.
          2. Tôi là Thầy cũ của François, và anh biết rằng tôi đã nhiều lần giảng cho anh về đề tài ứng tác ứng tấu trong âm nhạc Châu Á.
Hôm khai mạc, trong chương trình có ghi tên ba Giáo sư biệt thỉnh, theo thứ tự a, b, c, đăng đàn đọc tham luận cơ bản:
- Giáo sư Frederic LAU, ngưòi Mỹ gốc Hoa, Giáo sư  Đại học Hawaii at Manoa (Hnolulu): Đề tài lựa tại chỗ
- Giáo sư TRẦN Văn Khê: Cựu Giáo sư Đại học Sorbonne Paris: Đề tài bất ngờ.
- Giáo sư Rembrandt WOLPERT Giáo sư Đại học Arkansas (Hoa Kỳ): Thay đổi trong hình thức truyền đạt âm nhạc theo thời gian.
Có lẽ vì trong chủ đề cuộc hội thảo có yếu tố «tùy hứng», nên thính giả phải đợi lúc hai Giáo sư Frederic LAU và TRẦN Văn Khê lên bục mới biết các vị lựa đề tài nào.
Giáo sư LAU nói về Đại cương của tính truyền khẩu và ứng tác trong âm nhạc Châu Á. Còn tôi nói về tính truyền khẩu và ứng tác trong âm nhạc Việt Nam.
Trước khi vào đề, tôi xin phép được định vị trí của âm nhạc truyền thống Việt Nam trong Châu Á.
Từ trước đến giờ, trong các trường Đại học, cũng như trong các cơ quan quốc tế, các Bách khoa từ điển, trong lĩnh vực văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng, ai cũng sắp Việt Nam trong các nước Đông Nam Á, vì đứng về mặt địa lý, nước Việt Nam ở trong vùng Đông Nam Á. Cũng vì vậy nên khi bạn tôi, Giáo sư Kishibe Shigeo, trước khi biết tôi, đã chỉ đạo cho một sinh viên Đại học Tokyo soạn luận án về đề tài: «Các nhạc khí thuộc tranh loại trong các nước Đông Á» thì cô sinh viên chỉ nghiên cứu và giới thiệu đàn Guzheng Trung Quốc, Koto Nhựt và Kayageum Triều Tiên mà không đá động chi đến đàn Tranh Việt Nam. Giáo sư Wang Byong Lee khi viết quyển sách về cách tán tụng kinh kệ Phật giáo trong các nước Đông Á cũng chỉ nhắc đến 3 phong cách Trung Quốc, Nhựt Bổn và Triều Tiên.
Nhưng thật ra, trong lĩnh vực văn hoá nói chung và âm nhạc nói riêng, Việt Nam ngày nay, cùng ở trong khu vực văn hoá gồm các nước Trung Quốc, Nhựt Bổn và Triều Tiên.
Về nhạc khí, thì có những cây đàn cùng họ với nhau như:
Guzheng Trung Quốc, Kayageum Triều Tiên, Koto Nhựt Bổn, Đàn Tranh Việt Nam. Còn phải nhắc đến đàn Yatga của Mông Cổ.
Đàn Pipa Trung Quốc, đàn Pipa Triều Tiên, đàn Biwa Nhựt Bổn và đàn Tỳ Bà Việt Nam.
Ngày xưa, trong dàn nhạc cung đình Trung Quốc có kèn Pili, Triều Tiên có kèn cùng tên Pili, Nhựt Bổn kèn Hichiriki, Việt Nam kèn Tất lật (Tất cả mấy tên đó cùng viết ra một chữ theo Hán tự).
Về thang âm cổ cả 4 nước đều dùng 5 âm Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ viết cùng chung Hán tự mà đọc phát âm ra khác nhau.
Cách chép nhạc bằng các chữ Hò Xự Xang Xê Cống 4 nước đều có dùng. Chỉ trừ ra ở nước Nhựt thì cách chép nhạc như thế chỉ còn ở vùng Okinawa miền Nam nước Nhựt.
Các loại nhạc dầu khác nhau về hình thức hay trong chi tiết, cơ bản có nhiều điểm tương đồng. Nhạc cung đình và nhạc trong dân gian có những tên giống nhau Ya yueSu yue Trung Quốc, Ah akSok ak Triều tiên, Gagaku Zokkugaku Nhựt Bổn, Nhã nhạc Tục nhạc Việt Nam.
Tôi chỉ nêu ra mấy điểm tương đồng trong âm nhạc chớ trong ngôn ngữ, chữ viết theo Hán tự, danh từ âm nhạc, danh từ khoa học, chánh trị còn nhiều điểm giống nhau.
Ban tổ chức nên để ý đến các điểm đó để sau này khi tổ chức về âm nhạc các nước Đông Á, đừng quên mời đại biểu Việt Nam.
Sau phần mở đầu có hơi dài dòng nhưng cần thiết, tôi nói qua tính truyền khẩu rất rõ rệt trong dân ca, cách học nhạc thính phòng, nhạc sân khấu, nhạc lễ, nhạc tôn giáo, nhạc cung đình trong truyền thống Việt Nam.
Học đàn đáy Ca Trù thì xướng âm theo những chữ Tính, Tĩnh, Tình, Tinh, Tung, Tàng, Tang. Học ca nhạc Huế hay Đờn ca Tài tử thì xướng âm theo Hò Xự Xang Xê Cống. Học thổi kèn thì dùng những âm Hồ Hợi Hu Ha Hí. Học đánh trống thì phải biết đánh trống miệng trước khi đánh trống thật, và dùng các âm Tùng, Tà rùng, Tong, Tà rong, Táng, Tà ráng, Cắc, Trắc, Tà rắc, Sậm, Rụp, Tịch, Rù .
Tôi giải thích trong chi tiết cách dạy và học theo phương pháp truyền khẩu và tự minh họa.
Đến khi nói về ứng tác, tôi thuyết trình và minh hoạ cách Rao (hay dạo) lúc mở đầu, như Yin ze (Dẫn tử) của Trung Quốc ngày xưa, hay Netori (Âm cảm) trong Gagaku (Nhã nhạc Nhựt Bổn) ngày xưa mà ngày nay đã thất truyền.
Tôi nói qua đến cách học «Chân, Phương» mà đờn hay đánh trống «Hoa, Lá», hát khuônhát hàng hoa. Từ «lòng bản» đờn đổi ngón, thêm ngón. Và tôi minh họa những điểm đã thuyết trình bằng một khúc đờn tùy hứng trên đờn Tranh.
Sau ba bài tham luận cơ bản, có một buổi hoà nhạc rất đặc biệt.
(còn tiếp)
4 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
   
lengochan wrote on May 9, '09
Riêng việc đến năm 2004 mà vẫn còn xếp văn hóa và âm nhạc truyền thống Việt Nam ra khỏi khu vực các nước Đông Á thì con hơi lạ. Con nghĩ các nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc truyền thống trên thế giới đã biết VN thuộc văn hóa Hán tự rồi chứ. Đây là đặc điểm cơ bản quan trọng của văn hóa truyền thống VN

Cám ơn bài tường thuật của Thầy rất nhiều

Con Ngọc Hân
lengochan wrote on May 9, '09
Dạ thưa Thầy,

Con chỉ nói vài câu cảm nghĩ về đề tài thú vị này thôi. Tiếc là chỉ có vài người dự hội thảo được nghe các bài tham luận, không phổ biến rộng rãi. Con chờ bài tiếp của Thầy

Con Ngọc Hân
 
trantruongca wrote on May 9, '09
Cán ơn con đã đọc bài và góp ý. Buổi họp nầy không có ghi hình con à!
Thầy TVK

lengochan wrote on May 8, '09
Một đề tài thật thú vị, giá như buổi hội thảo này được chiếu rộng rãi cho công chúng xem để hiểu hơn về truyền thống văn hóa của các nước cùng sử dụng chữ Hán
Ngày xưa, nghệ sĩ thường bị xem là "xướng ca vô loài", ít người nào biết chữ. Vì vậy việc truyền nghề qua con đường truyền khẩu cực kỳ quan trọng. Hơn nữa người dân truyền miệng các tác phẩm dân gian phần nhiều vì ít người biết nhiều chữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét