Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

90 năm, Dạ cổ hoài lang vẫn chưa già

90 năm, Dạ cổ hoài lang vẫn chưa già

Sáng 29-7-2009 tại Trường cao đẳng Sân khấu-điện ảnh TP.HCM, cuộc hội thảo với tên gọi "90 năm bản Dạ cổ hoài lang (DCHL)" đã quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà phê bình sân khấu, giới văn nghệ sĩ.
Trong hội trường gần như không còn ghế trống, nhiều người đến trễ phải đứng. Hội thảo diễn ra liên tục hơn bốn giờ với nhiều tham luận đã được trình bày, trong đó có những tham luận được thể hiện qua sự minh họa bằng tác phẩm âm nhạc cụ thể. Tuy nhiên, đến khi hội thảo kết thúc vẫn còn rất nhiều ý kiến được gửi đến ban tổ chức mà không có đủ thời gian để trình bày.
Quan khách xem những kỷ vật sẽ được trưng bày tại khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu -Ảnh: Gia Tiến
Phát biểu tại hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Văn Tấn - vụ trưởng, giám đốc cơ quan đại diện Bộ VH-TT&DL tại TP.HCM - tự nhận mình là người miền Trung nhưng đã thắt lòng khi nghe giai điệu của bản DCHL - khúc nhạc lòng của người dân Nam bộ. Theo ông, đó là một bản nhạc đã kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và trữ tình. 20 câu trong ca từ ngắn gọn nhưng đã kể lại câu chuyện tình chia ly, nhớ thương và hi vọng.
Về âm nhạc, các ý kiến tại hội thảo khẳng định DCHL tuy được sáng tác cách đây tròn 90 năm nhưng đã rất hiện đại với cấu trúc động và mở. Thạc sĩ Huỳnh Văn Khải cho rằng không nên xếp DCHL vào hệ thống 10 bài bản nhạc tài tử mà nên đưa vào bộ thứ 11, gọi là Bộ thập nhất: vọng cổ, bởi DCHL có một giá trị nghệ thuật đặc trưng không thể so sánh được với các bài bản khác.
Xét về lời ca, giáo sư Trần Văn Khê thẳng thắn đưa ra những suy nghĩ của mình về ngôn từ của các dị bản DCHL đang được phổ biến. Theo ông, một số từ được dùng trong các dị bản hiện nay chưa thật phù hợp với tiếng Nôm trong cách nói của người miền Nam đầu thế kỷ 20, với giai điệu, cách ca vọng cổ: "sắc phán", "lên đàng", "em", "duyên sắc cầm"... Vì thế, ông đề nghị nên có một ủy ban họp lại để quyết định dị bản nào là phù hợp nhất với tinh thần của bài ca vua này.
Cũng đồng quan điểm với giáo sư Trần Văn Khê, tác giả Lê Duy Hạnh cho rằng 20 năm mới hội thảo một lần là quá lâu đối với một tác phẩm được xem là kinh điển (hội thảo lần 1 diễn ra năm 1989 tại thị xã Bạc Liêu). Không ai có thể phủ nhận những giá trị của bản DCHL, tuy nhiên vấn đề lớn hơn chính là làm sao để những giá trị kỳ diệu ấy được bảo tồn và lan tỏa trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Sau hơn bốn giờ ngồi lại với nhau, mọi người đều thống nhất: ở tuổi 90, DCHL vẫn chưa già! Từ một tiếng khóc riêng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bản nhạc đã trở thành tiếng lòng chung của nhiều thế hệ người Việt, có một sức sống mãnh liệt không ngờ.
HOÀNG OANH  (tuoitreonline)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét