Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

YAN CAN COOK GIỚI THIỆU ẨM THỰC VIỆT NAM VỚI THẾ GIỚI

YAN CAN COOK GIỚI THIỆU
ẨM THỰC VIỆT NAM VỚI THẾ GIỚI

           
           Khách sạn Majestic, một ngày tháng 05 năm 2002 rộn rịp khác thường. Thảm đỏ đã trải dài từ cửa ngõ đến bên trong để đón một thượng khách. Đó chính là Ông "Yan can cook", một người đầu bếp lừng danh, quốc tịch Mỹ gốc Hoa, đã từng nói chuyện về nghệ thuật nấu bếp trong hơn 1500 chương trình truyền hình về ẩm thực trên thế giới, trong đó có chương trình nổi tiếng "Yan can cook" mà Đài truyền hình Việt Nam đã phát nhiều lần và được khán giả hết sức hoan nghinh.

 Hôm đó, Giám đốc khách sạn Majestic Trần Hùng Việt mời Ông Yan đến để biểu diễn nghệ thuật nấu bếp theo truyền thống Trung Quốc. Từ cách cầm dao, thái thịt, gọt khoai đến cách chiên, xào, nêm, nếm. Khách được mời tham dự gồm các nhà văn, nhà báo, các đài truyền thanh, truyền hình và tất cả bếp chánh, bếp phụ của khách sạn Majestic đều có mặt. Mọi người thán phục theo dõi đôi tay ông uyển chuyển như múa. Ông trổ tài gọt vỏ nguyên trái dưa leo với chỉ một động tác, làm mọi việc một cách mau lẹ, gọn gàng và sạch sẽ, tay bằng miệng, miệng bằng tay, với cách giới thiệu giản dị, dễ hiểu, dễ nghe. Ông Yan đúng là  con người hoạt bát, sâu sắc, hóm hỉnh, có khiếu khôi hài, trào phúng và  duyên dáng. Quả thật người biết nấu ăn ngon thì nhiều, nhưng biết làm cho khán thính giả say mê tài nấu bếp và ngang qua đó thán phục nghệ thuật nấu bếp của Trung Quốc thì chắc chỉ có một mình Ông Martin Yan.

Đầu bếp lừng danh Martin Yan ngồi trên xe xích lô Việt Nam
Giám đốc Khách sạn Majestic giới thiệu tôi với Ông Yan một cách trang trọng và nồng hậu: "Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê, một người Thầy của chúng tôi về âm nhạc truyền thống, về văn hoá nói chung và cả "văn hoá ẩm thực của Việt Nam".

Chúng tôi trò chuyện với nhau trong vòng 15 phút. Ông Yan tỏ ra rất thích thú khi nghe tôi nói đến điểm người nấu bếp Việt Nam thường quan tâm dến sự quân bình của hai yếu tố Âm, Dương giữa các thức ăn, giữa người ăn và thức ăn, giữa môi trường và thức ăn.

Về phần mình, sau khi xem ông Yan biểu diễn, nghe ông thuyết trình và nếm những món ăn ông nấu, tôi bày tỏ lòng mến mộ một người đầu bếp đã biết đem tài năng của mình làm nên niềm tự hào cho dất nước Trung quốc và cả  châu Á. Lúc chia tay, Ông Yan tươi cười nói: "Hy vọng  có ngày chúng ta sẽ gặp lại". Lúc đó, tôi nghĩ rằng đây chỉ là câu nói xã giao thông thường. 

          Không ngờ, vào trung tuần tháng sáu, khi tôi vừa từ Việt Nam trở về Paris thì dã thấy trên bàn viết của mình có một bưu kiện khá lớn ghi tên người gởi là Ông Martin Yan, Công ty Yan can cook.

        Ông Yan gởi cho tôi hai quyển sách rất dầy của ông viết, in trên giấy láng, có nhiều hình màu rất đẹp, với câu đề tặng nồng hậu: "Thân tặng Giáo sư Trần Văn Khê, một nhân vật lịch lãm, một nhà bác học và một người sành ăn". Kèm theo là bản lý lịch của Ông, bản sao chụp những bài báo khắp nơi trên thế giới ca ngợi Ông, và một bức thư như sau:

« Ngày 17 tháng 05 năm 2002
Thưa Giáo sư Trần thân mến,
          Tôi rất hân hạnh đã được gặp và trò chuyện với Ông trong chuyến đi ngắn ngủi viếng thăm nước Việt Nam xinh đẹp. Đất nước Việt Nam có bao nhiêu  nét lộng lẫy để giới thiệu cho thế giới biết về lịch sử, văn hoá, các di sản vật chất và những món ăn tuyệt vời. Tôi sẽ vui lòng nếu được làm chiếc cầu nối giữa Việt Nam và thế giới.
          Từ hơn 10 năm qua, tôi đã từng cộng tác rất chặt chẽ với nhiều chuyên gia ẩm thực nổi tiếng, cùng nhiều cơ quan du lịch của các quốc gia trong châu Á, vùng Thái Bình Dương và đã đạt được nhiều thành công đáng kể.
Thật là một vinh hạnh cho tôi nếu được Ông nhận làm cố vấn về văn hoá và nghệ thuật làm bếp trong một loạt chương trình về nấu ăn và du lịch, để đề cao và làm rạng rỡ nước Việt Nam kỳ diệu. Nếu có thể được, xin Ông gợi ý cho chúng tôi biết cách nào để bắt đầu đi lần đến việc thực hiện dự án đó.
          Theo đây tôi xin gởi cho ông những bản thông tin về Yan can cook qua  báo chí, và hai quyển sách tôi viết về nghệ thuật nấu ăn để ông có thể biết rõ thêm về tôi.
          Xin thân chúc ông được ngon cơm, ngọt rượu, và sức khỏe dồi dào.
Vạn sự tốt lành,
Martin Yan
Công ty Yan can cook ».

          Bức thư đề ngày 19/05/2002 tức là một tháng đã trôi qua. Nếu trả lời theo đường bưu điện sẽ mất thêm một khoảng thời gian, nên tôi liền trả lời ngay qua thơ điện tử (e-mail):

« Thân gởi Ông Martin Yan,
Tôi vừa mới về Pháp sau thời gian dài lưu lại ở Việt Nam. Tôi rất lấy làm vinh hạnh nhận được hai quyển sách tuyệt hay về nghệ thuật nấu ăn của Ông cùng những thông tin trên báo chí ca ngợi những kết quả mỹ mãn trong việc ông đã cộng tác chặt chẽ với những nhà đầu bếp lớn và những cơ quan du lịch của  nhiều nước châu Á và vùng Thái Bình Dương. Xin cám ơn Ông rất nhiều.
Tôi cũng rất vinh hạnh được Ông đề nghị làm "cố vấn về văn hoá và nghệ thuật nấu ăn cho một loạt chương trình về nghệ thuật nấu ăn và du lịch để đề cao và làm rạng tỡ nước Việt Nam kỳ diệu".
Hơn 30 năm qua, tôi chỉ chuyên giảng dạy về dân tộc nhạc học và âm nhạc truyền thống Việt Nam tại trường Đại học Sorbonne Paris, cũng như tại nhiều Đại học trên thế giới. Vì vậy, tôi đâu dám nhận làm cố vấn về "nghệ thuật nấu ăn" đặc biệt cho một chuyên gia nấu ăn tên tuổi như Ông! Tuy nhiên tôi sẽ  sung sướng và vinh hạnh làm "cố vấn về văn hoá và âm nhạc" cho ông trong loạt chương trình về "nghệ thuật nấu ăn và du lịch" để đề cao và làm rạng rỡ nước Việt Nam yêu quí của tôi.
Do sức khoẻ kém, việc đi lại khó khăn, ngoài ra tôi lại còn bận bịu trong một số chương trình giảng dạy tại các Viện và Đại học Việt Nam, nên tôi chưa biết liệu có thể cộng tác với Ông bằng cách nào.
          Dầu sao đi nữa, tôi rất cám ơn Ông đã có hảo ý mời tôi cộng tác với Ông.
          Tôi thành tâm chúc Ông thành công rực rỡ trong tất cả công việc.
          Và cũng như Ông đã chúc cho tôi, tôi xin gởi đến Ông lời chúc tốt đẹp nhứt, mong ông lúc nào cũng ngon cơm, ngọt rượu, nghe nhạc êm tai và sức khoẻ dồi dào. 
Kính thư
Trần Văn Khê »

Như các bạn đã biết, bản thân tôi mang nặng gánh, đâu muốn tìm thêm gánh nặng cho mình. Nhưng việc giới thiệu nước Việt Nam trên thế giới trong nhiều lãnh vực vốn là tâm niệm của tôi, một công việc mà tôi đã và đang làm từ mấy chục năm qua. Hơn nữa, được cộng tác với một người như Ông Yan can cook để giới thiệu nghệ thuật nấu bếp của người Việt cho thế giới, quả là dịp đặc biệt hiếm có và hết sức thú vị. Chỉ mong tôi còn đủ sức khoẻ để góp sức vào công việc ấy.

Trần Văn Khê
Add a Comment
   
trantruongca wrote on Sep 26, '10
Cac con trong THQH thuong men,
Thầy ít khi nhận được bài viết tôn vinh Thầy, như bài các con vừa gởi cho Thầy: chân thành, sâu sắc, dí dỏm, chứa đầy tình cảm , lòng yêu thương và kính nể. Thầy đặc biệt cám ơn người chấp bút bài nầy và Thầy hứa với các con, Thầy sẽ cố fắng giữ gìn sức khoẻ để còn nhiều dịp trao cho các con những kinh nghiệm của cuộc sống, những kiến thưc thâu thập được trong lĩnh vực âm nhạc VN và âm nhạc thế giới..
Thầy Khê của các con
TVK
 
tienghatquehuong wrote on Sep 22, '10
Kính thưa Thầy yêu quý,

Đọc xong bài này của Thầy chúng con càng thương quý và cảm phục Thầy nhiều hơn nữa. Đúng như lời ông Giám đốc Khách sạn Majestic giới thiệu Thầy với Ông Yan: "Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê, một người Thầy của chúng tôi về âm nhạc truyền thống, về văn hoá nói chung và cả "văn hoá ẩm thực của Việt Nam"". Chúng con thực vinh hạnh khi có được một người Thầy tuyệt vời như vậy!

Có lẽ đây là một cuộc gặp gỡ bất ngờ mà lý thú giữa 2 vị "đầu bếp" trứ danh. 1 vị là đầu bếp ẩm thực lừng lẫy trong giới ẩm thực thế giới, còn 1 vị lại là người "đầu bếp" cực kỳ uy tín và được ngưỡng mộ trong giới âm nhạc quốc tế. "Đầu bếp" Martin Yan phục vụ cái ngon, cái đẹp cho vị giác của con người; còn "đầu bếp" Trần Văn Khê phục vụ cái hay, cái đẹp cho thính giác của con người, cả 2 vị đều mang lại sự cảm thụ văn hóa, nghệ thuật tinh xảo cho nhân loại thưởng thức. Còn gì tuyệt vời hơn?

Riêng chúng con, chính "món ăn tinh thần" của Thầy Khê đã làm rạng rỡ quê hương Việt Nam trên trường quốc tế, khiến cho "món ăn" của quê hương mình được nhìn nhận một cách khách quan, xác đáng với những giá trị mà "món ăn" đó đem đến. Không chỉ "ngon" - là tiêu chuẩn đầu tiên phẩm định một "món ăn", mà còn là "đẹp", là "hay", là "giá trị bổ dưỡng" và "sự tinh tế khéo léo" trong cách "bày trí món ăn". "Bàn tiệc" của Thầy giản dị gần gũi mà không đơn giản chút nào. Qua tháng năm thưởng thức, chúng con càng nhận ra nhiều điều trong những vị ngon đậm đà mà Thầy đã dày công giới thiệu. Chẳng biết khi nào chúng con thưởng thức hết trọn vẹn cái "đẹp", cái "ngon" mà những "món ăn" của Thầy đem đến đây?

Thương chúc Thầy của chúng con luôn dồi dào sức khỏe để làm một "đầu bếp" tuyệt vời giới thiệu "món ngon âm nhạc" sâu rộng khắp nơi!

THQH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét