Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

THẢO LUẬN BÀN TRÒN VỀ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA

THẢO LUẬN BÀN TRÒN VỀ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA
Trong việc hình thành một thương hiệu quốc gia, nhân tố văn hóa, lịch sử đóng một vai trò rất quan trọng trong đất nước Việt Nam.
Nước Việt Nam là quốc gia có một bề dày của lịch sử, có được nhiều danh lam thắng cảnh danh tiếng hoàn cầu như Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha …, là một quốc gia đứng hàng đầu trong việc xuất khẩu lúa gạo, cà phê (cà phê Trung Nguyên đã được trên 50 nước biết đến và liên hệ để mua cà phê bán trong nước họ). Nhưng về mặt văn hóa có thể có nhiều nhân tố để giúp cho thế giới biết đến Việt Nam và có ý muốn đến viếng Việt Nam.
Văn hóa tôi muốn bàn tới đây bao gồm cả văn hóa Ẩm thực, Trang phục, Nghệ thuật.
+ Văn hóa Ẩm thực :
Việt Nam có phong cách rất đặc biệt trong việc chế biến và thưởng thức những món ăn. Quan tâm đến tính cách tổng hợp (làm thỏa thích ngũ quan con người, chứ không phải chỉ nhắm vào khẩu vị), tính cách khoa học (âm dương tương xứng, hàn nhiệt phân minh, lựa những thức ăn để phòng bịnh và trị bịnh), tính cách dân chủ (trong một bữa tiệc có nhiều món và dọn tất cả trên bàn để cho thực khách có khả năng và có quyền chọn lựa món nào phù hợp với khẩu vị và sức khỏe của mình), tính cách cộng đồng (nồi cơm và tô canh là nơi gặp gỡ của các thực khách).
Trong các món ăn, có chả giò miền Nam mà trên thế giới đều gọi chung một tiếng là “nem”, và “phở” miền Bắc đã được nhiều nước trên thế giới dọn để tiếp khách. Ngoài ra, các loại bún, gỏi cuốn, bì cuốn … cũng được người nước ngoài hoan nghinh. Ông Phillip Kotler, ông tổ ngành marketing hiện đại, cho rằng Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu cho mình là “Bếp ăn của thế giới”. Trong những thức uống chúng ta cũng nên để ý đến rượu Làng Vân (Bắc Ninh), rượu Bầu Đá (Quảng Nam), rượu Gò Đen (loại rượu đế miền Nam). Tôi có dịp nếm được tất cả các loại rượu đó và công tâm mà nói rượu Việt Nam ngon hơn rượu Sakê của Nhựt, có thể so sánh không thua với rượu Vodka của Nga. Cà phê Trung Nguyên hương vị thơm ngon không kém gì Nescafe, Carte noire của châu Âu.
Về nước chấm thì nước mắm Việt Nam được nhiều nơi trên thế giới biết đến, ưa thích hơn cả xì dầu của Trung Quốc.
+ Văn hóa Trang phục :
Chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam được thế giới hoan nghinh, tán thưởng. Năm 1995, tại Tokyo Nhựt Bổn có tổ chức một cuộc thi quốc tế để dành giải thưởng cho một loại áo của phụ nữ trong các nước châu Á, mang tên “Miss International Pageant”, năm đó các loại áo đều có mặt, từ sari Ấn Độ, kimono Nhựt Bổn, hanbok Triều Tiên, … nhưng áo dài Việt Nam đã được tôn vinh là trang phục phụ nữ đẹp nhứt châu Á.
Danh từ “áo dài” trong văn hóa trang phục và một số danh từ khác như “phở”, “nem” trong văn hóa ẩm thực, “đàn tài tử” trong âm nhạc (từ sau này nhờ Ea Sola phổ biến) được báo chí trên thế giới dùng mà không cần phải dịch sang tiếng bản xứ.
Trong các cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ, từ những năm 2006 đến nay, ngoài những trang phục dự dạ hội, áo tắm … đều có một cuộc thi áo dài. Năm 2008, đêm chung kết được tổ chức tại Nha Trang, ban tổ chức nhờ nhà thiết kế Võ Việt Chung may 85 bộ áo dài cho cuộc thi, mang tên là “Big Collection Hoa hậu Hoàn Vũ”.
Ngoài ra, các nhà thiết kế nổi tiếng của Việt Nam như Sỹ Hoàng, Minh Hạnh đều có những buổi giới thiệu thời trang đại quy mô trong và ngoài nước. Đặc biệt, tại Pháp, Bỉ và Nhựt, hai nhà thiết kế đó được mời đích danh để tổ chức nhiều buổi giới thiệu thời trang và những bộ sưu tập áo dài của hai vị đó được các nước kể trên quan tâm.
+ Văn hóa Nghệ thuật :
Trong các nước trên thế giới, chưa có nơi nào qui tụ những loại nhạc khí tiền sử đặc biệt như Trống Đồng vùng Đông Sơn miền Bắc, Đàn Đá vùng Tây Nguyên miền Trung Nam Việt Nam. Các nhà khảo cổ thế giới đồng ý dùng địa danh “Đông Sơn” làm tính từ cho một giai đoạn văn hóa đồng thau (Période dongsonniène).
Trống Đồng còn khai quật được tại miền Nam Trung Quốc và nhiều nước châu Á. Đàn đá chỉ có tại Tây Nguyên. Năm 1949, 11 thanh đá kêu mà dân bản xứ gọi là Goong-lu, tức là đá kêu như tiếng Cồng, tại Làng N’hứt Lieng Krak, đem về Pháp, có 3 nhà nhạc học Andre Schaeffner (Pháp), Jaap Kunst (Hà Lan) và Constantin Brailoui (Lỗ Ma Ni) đều xác nhận rằng đó là một nhạc khí tiền sử, chưa gặp được ở nơi nào trên thế giới.
Ba chục năm sau, năm 1979, Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, do cố GS Lưu Hữu Phước làm Viện trưởng, có cho một phái đoàn do Nghệ sĩ Kpa Ylang, người dân tộc Banar, làm trưởng đoàn, phối hợp với gia đình của Bobo Reng, chủ nhân của bộ đàn đá, lên đến vùng Khánh Sơn khai quật được 12 thanh đá, mang tên “đàn Đá Khánh Sơn”, đã giới thiệu đàn Đá đó tại Nhà hát lớn Hà Nội và nhạc sĩ Đỗ Lộc đã đánh trên Đàn Đá bản nhạc “Gọi nhau về nguồn” của NS Lư Nhất Vũ.
Năm 1980, tìm được tại làng Bác Ái hơn 30 thanh đá và bộ đàn đó mang tên “Đàn đá Bác Ái”.
Năm 1981, tìm được tại làng Bình Đa gần Biên Hòa những thanh đá còn được chôn chung với hiện vật đồ gốm, nên các nhà khảo cổ dùng Carbone 14 định niên đại của cây đàn, thì xác định rằng đàn này được chế tạo cách nay hơn 3.000 năm. Sau này còn thêm những đàn đá khác : “Đàn Đá Tuy An” (1995) và nhiều thanh đá khác được tàng trữ tại bảo tàng viện Bảo Lộc.
Như vậy, về mặt nhạc khí có Trống Đồng và Đàn Đá là những nhạc khí tiền sử xưa nhứt, độc đáo nhứt, chỉ tìm được trên giải đất Việt Nam, mà không tìm được nơi khác.
Về các bộ môn âm nhạc thì Ca Trù rất đặc biệt :
- Kỹ thuật của ca nương như ém hơi, nhả chữ, nảy hạt khác hẳn với các kỹ thuật thanh nhạc trên thế giới. Ca nương vừa ca, vừa gõ phách.
- Cỗ phách của Việt Nam, đặc biệt trên thế giới không có nơi nào mà dùi dùng để gõ phách. Có 2 chiếc, 1 chiếc để tròn (tượng trưng cho dương vật Linga), 1 chiếc chẻ ra làm 2 theo chiều dài (tượng trưng cho âm vật Yoni). Cỗ phách bằng tre hay bằng gỗ, hai chiếc dùi được gọi là phách cái và phách con (cũng hàm ý âm và dương), hai tiếng gõ khác nhau, một tiếng trong một tiếng đục, một tiếng cao một tiếng thấp, một tiếng nhẹ một tiếng nặng, một tiếng âm một tiếng dương. Hai dùi phách gõ trên cổ phách tạo nên một tiết tấu đặc biệt, có nhịp mà như không nhịp, hiện mà ẩn, thực mà hư, chỉ có tiết tấu bên Ấn Độ hàm chứa những yếu tố đó.
- Cây Đàn Đáy 3 dây, cần dài, được chế tạo tại đất nước Việt Nam từ thế kỷ XV, trên thế giới không có nhạc khí nào giống như thế hay cùng loại. Trong khi các cây đờn Tranh, Tỳ, Nhị, ống Sáo, ống Tiêu đều có ở nhiều nước Đông Á dưới những hình thức khác.
- Trống chầu có 3 chức năng : Tham gia biểu diễn bằng cách đánh mở đầu và chấm câu – Phê phán và khích lệ ca nương và kép đàn – Giáo dục quần chúng cho người nghe biết đoạn nào hay.
Ca Trù là một sự gặp gỡ nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc.
- Chỉ cần 2 diễn viên và 1 người cầm chầu vẫn có thể gây thích thú cho người nghe suốt đêm thâu.
- Thang âm, điệu thức và tiết tấu rất độc đáo, không tìm thấy trong bộ môn âm nhạc nào khác của Việt Nam và âm nhạc trên thế giới.
Đó là văn hóa nghệ thuật của người Kinh. Ngoài ra, còn có 54 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có một ngôn ngữ và cách đàn, hát, múa khác nhau. Vườn hoa âm nhạc của toàn nước Việt Nam có rất nhiều đóa hoa muôn hương ngàn sắc.
Kết luận :
Trên đây, nếu xem xét về mặt văn hóa thì có rất nhiều yếu tố có thể dùng để định thương hiệu cho đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ tới những tính từ sau đây : Ancient, Original, Multicultural Vietnam. (Văn hóa Cổ xưa, Độc đáo, Đa dạng)
Xin chúc Hội thảo thành công.
Bình Thạnh, ngày 28-06-2010
GSTS Trần Văn Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét