Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

TÍNH ĐA DẠNG CỦA GIÁO DỤC TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC
VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM
▓ ▓ ▓ ▓ ▓
TÍNH ĐA DẠNG CỦA GIÁO DỤC
TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP
Trong thời kỳ Hội nhập Quốc tế của Việt Nam sẽ có rất nhiều người từ các nước trên thế giới đến làm việc, du lịch … tại Việt Nam . Người ta đến để tìm xem người Việt Nam có những nét gì độc đáo về mặt văn hóa chứ không phải đến để xem người Việt Nam bắt chước người Âu Mỹ giỏi như thế nào. Vì vậy, chúng ta nên khẩn cấp giáo dục dân tộc Việt Nam về nhiều mặt.
Giáo dục tư cách con người Việt Nam trong nếp sống :
1. Ngoài đường phố : Khách nước ngoài vừa tới Việt Nam, từ Phi trường về khách sạn, có thể nhìn qua phong cách của người Việt trên đường phố, sẽ có cảm nhận đầu tiên về con người và xã hội Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần giáo dục chặt chẽ cho những người đi đường về việc tôn trọng Luật đi đường và luôn luôn nghĩ rằng sự tự do của mình cũng liên quan đến tự do của người khác để tránh những cách chạy xe chen lấn, phóng nhanh, vượt ẩu … chỉ nghĩ đến việc thuận tiện cho mình mà không để ý đến việc mình gây rối loạn cho người khác thế nào.
2. Trong cách đi nghe nhạc và xem hát : Người khán thính giả cần giữ lễ phép tối thiểu đối với nghệ sĩ và những người cùng trong phòng hòa nhạc hay rạp hát. Người nghệ sĩ đã đem hết tài nghệ của mình để ca một bài, đàn một điệu, diễn một đoạn … thì ít nhất người khán giả cũng phải chú ý đến sân khấu, chứ không thể vừa ngồi xem hát, vừa ăn lặt vặt, đọc báo, nói chuyện với nhau hay nói qua điện thoại …
Dầu cho mình không thích bài hát, vở kịch đó cũng không nên làm rối loạn sự chú ý của người khác.
Khi xem xong vở kịch phải biết vỗ tay nồng hậu, vì người nghệ sĩ rất cần sự khen thưởng và cổ võ của quần chúng. Nếu chỉ vỗ tay qua loa vài tiếng rồi xoay lưng đi về thì người nghệ sĩ có cảm giác tủi thân. Bên Âu Mỹ, người khán giả thường đứng dậy vỗ tay tán thưởng (standing ovation).
Trong các phòng hội thảo cũng vậy, người tham dự hội thảo nên đến phòng họp và ra về đúng giờ. Tránh những việc đến trễ và làm mất trật tự trong khi hội thảo đã bắt đầu từ lâu, hay giữa chừng đứng dậy bỏ ra về sau khi ký tên nhận phong bì. Nếu có người ngoại quốc dự Hội thảo thì họ sẽ thấy người Việt không nghiêm túc.
3. Tại Nhà hàng, các buổi dự tiệc :
Cách trang trí nhà hàng, tiếp khách, cách dọn những món ăn hay rót rượu, cách cầm muỗng nĩa, dao bàn khi dự tiệc do người nước ngoài chiêu đãi cũng cần được giáo dục cẩn thận.
4. Trang phục : Phải ăn mặc chỉnh tề, phù hợp với hoàn cảnh.
Thí dụ như khi đến dự lễ phát bằng trong Trường Đại học hay Nhạc Viện, khách mời hay người tham dự đều phải ăn mặc chỉnh tề để tỏ sự tôn trọng buổi lễ. Ban tổ chức, các Giáo sư, các sinh viên cũng nên ăn mặc lễ phục để cho ngoại hình làm tăng thêm sự trang trọng và nâng cao nội dung của buổi lễ.
Trong những năm gần đây, nhân viên ban tiếp tân đều ăn mặc chỉnh tề, nhưng cũng có nhiều nghệ sĩ, diễn viên ăn mặc lố lăng, không đúng cách như khi biểu diễn nhạc Dân tộc Việt Nam, các diễn viên nam thường ăn mặc theo cách nửa Tây, nửa Đông Âu, không đồng bộ với các nữ diễn viên thướt tha trong chiếc áo dài Việt Nam.
Giáo dục con người Việt Nam trong văn hóa :
1. Trong lĩnh vực Âm nhạc :
Cần thiết nhất là trang bị cho học sinh các Trường những kiến thức tối thiểu về âm nhạc, kịch nghệ và vũ điệu trong truyền thống Việt Nam . Đến nay chúng tôi còn nghe nhiều người tưởng rằng Ca Trù và Chầu Văn là cùng một thể loại, hay khi nói đến Dân ca Việt Nam thì cho rằng Hát Chèo là một thể loại dân ca, trong khi Hát chèo là kịch nghệ dân gian.
Việc đem giáo dục âm nhạc vào trong các trường là vô cùng khẩn cấp và cần thiết, không phải tạo cho các em trở thành diễn viên, người chuyên môn nghiên cứu âm nhạc vì đó là công việc của Nhạc Viện và các Trường Đại học, nhưng để các em biết rõ âm nhạc kịch nghệ truyền thống Việt Nam có những bộ môn nào, truyền thống âm nhạc dân gian khác với truyền thống bác học (truyền thống nghệ thuật), khác nhạc Tôn giáo, khác nhạc Cung đình như thế nào ? Nếu cần thiết và có thời gian cũng nên nói sơ cho các em biết Tân nhạc là gì ? Xuất xứ và phát triển của Tân nhạc.
Quan trọng nhứt là giúp các em có đủ kiến thức để trả lời hai câu hỏi : Âm nhạc truyền thống Việt Nam có những gì ? và Âm nhạc truyền thống Việt Nam hay ở chỗ nào ?
2. Trong ngôn ngữ và chữ viết :
Nên tránh chen tiếng nước ngoài trong khi nói hoặc viết, cẩn thận về những lỗi chánh tả. Ngày nay, giới trẻ thường viết tắt để giản lược hoặc khôi hài hóa một từ. Họ nên cẩn thận hơn để tránh thói quen trong khi viết những bức thư hoặc những bài viết nghiêm túc.
3. Trong kiến thức cơ bản về văn học và lịch sử :
Cần thiết giáo dục cho giới trẻ những tục ngữ cách ngôn thuần Việt, những bài ca dao và những áng văn của văn sĩ, thi nhân nước nhà.
Những giai đoạn lịch sử, chiến công oanh liệt của đất nước cũng cần giáo dục cho thanh niên nên nắm rõ như một kiến thức cơ bản.  
Kết luận :
Những điểm đó rất cần thiết cho nền giáo dục trong nước. Đến thời kỳ Hội nhập Quốc tế, thì chẳng những cần thiết mà còn khẩn cấp, nếu không người nước ngoài sẽ có một ấn tượng sai lầm và không tốt về người Việt. Và người Việt không biết giá trị về bản sắc dân tộc của mình, sẽ rơi vào tình trạng những con người tự ti, mặc cảm, không có lòng tự hào dân tộc, hướng về tư tưởng vọng ngoại. Lúc đó thì nền văn hóa Việt Nam sẽ dễ bị hòa tan trong thế giới thay vì hòa nhập mà còn giữ được bản sắc của dân tộc mình.

Bình Thạnh, ngày 03-03-2008  
Trần Văn Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét