Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Trái tim tôi dành trọn cho âm nhạc

Trái tim tôi dành trọn cho âm nhạc

Nhân dịp sinh nhật 90 tuổi, GS Trần Văn Khê vừa ra mắt cuốn "Tự truyện Trần Văn Khê - những câu chuyện từ trái tim" do Đào Trung Uyên chấp bút.
 
Một cuốn sách thực sự có giá trị với bạn trẻ vì tính giáo dục cũng như những thông điệp tu thân, tu tâm, vượt qua mọi hoàn cảnh để chọn cho mình một lý tưởng đúng đắn.
12 câu chuyện xúc động và truyền cảm hứng cho người đọc là do xuất phát từ suy nghĩ chân thành, từ cuộc đời thực đầy sóng gió của giáo sư, và cũng là chuyện tâm tư ông rút ruột dành cho bạn trẻ.

Ngay trong ngày ra mắt cuốn sách 13.7, tại nhà riêng của GS Trần Văn Khê ở TPHCM, ông đã trình diễn những ngón đàn bay bướm, hát và đọc thơ say sưa. Để chuẩn bị cho buổi trình diễn này, ông đã phải luyện suốt 1 tuần để những ngón tay chơi đàn có thể mềm lại.

* Những giá trị nào ông muốn lưu lại cho thế hệ trẻ hôm nay, thưa Giáo sư?

- Từ những câu chuyện có thật trong đời, tôi chỉ muốn nói với bạn trẻ rằng, tôi là một người rất bình thường, có không ít lúc đau khổ, nhưng đã biết cách vượt qua để theo đuổi mục tiêu của đời mình. 9 tuổi mồ côi mẹ, 10 tuổi mồ côi cha, nếu chỉ thấy mình tội nghiệp thì một đứa trẻ như tôi sẽ không đi đến đâu hết. Hoàn cảnh mồ côi cha mẹ giúp tôi tự lực cánh sinh, tự lo cho mình, cho hai em nhỏ, không chờ đợi người khác giúp mình trong mọi việc.

Sang Pháp với hai bàn tay trắng, một bộ đồ trong người, nhưng nhờ tự lập mà tôi đã lập được một sự nghiệp về tinh thần, văn chương, vật chất, truyền bá âm nhạc VN khắp thế giới trong suốt 50 năm, rồi đem về cống hiến cho đất nước. Sức khỏe yếu, tôi bắt mình phải tập thể lực đều để vượt qua những căn bệnh lúc nhỏ. Trời sinh tôi có trí nhớ tốt, chưa đủ, tôi còn tập để học một biết ba - đó mới chỉ 30% mà thôi và còn lại phải nhờ vào học hỏi, luyện tập, làm việc mới có thể có lượng kiến thức dồi dào.

Chẳng những phải tu thân, mà mình phải tu tâm. Trời sinh ra tôi đã nóng tính, nên tôi tìm cách khắc chế cơn giận bằng cách tập thở, uống nước và tự mỉm cười. Đến nay thì tôi không còn tính nóng nữa. Là con người, không phải vô tri vô giác, chỉ biết nghiên cứu, tôi cũng có tình thương yêu nồng nhiệt, nhưng đừng bao giờ để mình quá mê say và cho dù ghét một ai đi nữa, thì phải biết tha thứ. Những hỉ, nộ, ái, ố trong đời đều phải biết điều tiết. Ngộ biến phải tòng quyền, phải biết vượt qua khó khăn. Các bạn nên nhớ, tính khiêm nhường và lòng quyết chí giúp ta rất nhiều chuyện hay.

Thái độ và đối thoại là cách mà tôi đi ra thế giới thành công. Tôi không muốn nói tiếng nói làm người ta hận thù, tổn thương, mà nói tiếng nói để đem lại hòa bình, tình thương, hiểu biết giữa con người. Sự hiểu biết của tôi không dành cho một ai mà cho thanh niên bất cứ tôn giáo nào, cả phương Tây lẫn phương Đông và cả đời mình tôi đã dạy nhiều học trò trên thế giới, nhưng hạnh phúc nhất vẫn là có nhiều học trò VN. Có thể nói, trái tim tôi trọn đời dành cho âm nhạc và cho VN.

* Mới đây nhất, VN đang làm hồ sơ đề cử nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản phi vật thể thế giới. Là người có công đưa nhã nhạc cung đình Huế, không gian cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ và ca trù đến với UNESCO, vậy Giáo sư có thể cho biết quan điểm của ông về điều này?

- Tài tử cải lương tồn tại cho đến nay chưa đến 100 năm, còn thiếu bề dày lịch sử, lại chưa có một ai nghiên cứu bề sâu, nên dẫu là nghệ thuật truyền thống của VN, nhưng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để UNESCO xem xét. Tôi nghĩ, tốt hơn hết là ta nên đề cử không gian văn hóa của âm nhạc tài tử cải lương chứ không chỉ là cải lương tài tử, bao gồm cả nhạc lễ, đội bóng thì mới đầy đủ và có chuyên sâu về nghệ thuật. Tiếc là cho đến nay chưa có ai hỏi ý kiến tôi về điều này.

-Xin cảm ơn Giáo sư.
 
---------------------------------------------------------------------------------------------------
 
GS - TS Trần Văn Khê sinh ngày 24.7.1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang). Năm 1949 sang Pháp học tại Học viện Chính trị Paris, năm 1951 tốt nghiệp khoa Chính trị, khoa Giao dịch quốc tế.

Từ 1954-1958 học ĐH Văn khoa Paris, Học viện Âm nhạc học (ĐH Sorbonne).

Năm 1958, ông là người VN đầu tiên đỗ tiến sĩ khoa Âm nhạc học.

Từ 1959-1988: Làm việc tại TT Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp.

Từ 1970 đến nay: Dạy thỉnh giảng cho các trường đại học, thuyết trình và giới thiệu âm nhạc truyền thống VN trên đài truyền thanh, truyền hình nhiều nước trên thế giới.

Minh Thi thực hiện
(Theo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét