Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

TƯỞNG NHỚ CỐ GIÁO SƯ HOÀNG CHÂU KÝ

TƯỞNG NHỚ 
CỐ GIÁO SƯ HOÀNG CHÂU KÝ
 
MỘT NGƯỜI BẠN ÍT GẶP NHƯNG RẤT THÂN



Trong quá trình nghiên cứu về hát Bội (hát Tuồng), tôi hết sức may mắn vì đã gặp được nhiều chuyên gia nghiên cứu rất sâu sắc về ba phong cách : Tuồng Bình Định – Tuồng Quảng Nam – Tuồng Gia Định. Những nhà nghiên cứu đó đúng với sự mong mỏi của tôi, không phải chỉ am hiểu về lý thuyết, mà lại còn rất sành về thực hành. Một nhà khoa học lại kiêm một nghệ sĩ, một người truyền nghề cho rất nhiều thế hệ trẻ. Tôi không kể tên ra đây tất cả những người bạn, người thầy của tôi trong lĩnh vực Tuồng, nhưng hôm nay tôi muốn nhắc đến Giáo sư Hoàng Châu Ký, là một người đã gieo một ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi.

Giáo sư Hoàng Châu Ký cùng sanh một năm với tôi (1921), tuổi con Gà. Lần đầu tiên tiếp xúc là tại cuộc Hội thảo quốc tế về hát Bài Chòi (Phan Thiết). Trong phần thảo luận, tôi có đưa ra ý kiến về từ “nâng cao” mà tôi nghe rất nhiều lần, tại nhiều nơi. Tôi không đồng ý vì không những trong chánh quyền, trong giới nghiên cứu, trong lĩnh vực nghệ thuật mọi người thường dùng những cụm từ “dân ca cổ truyền”, “nhạc dân tộc cổ truyền”, “kịch nghệ cổ truyền” và “dân ca, nhạc dân tộc, kịch nghệ được nâng cao”. Tôi tự hỏi ai là người hiểu biết thấu đáo giá trị nghệ thuật của những bài dân ca, những bản đờn cổ truyền, những nghệ thuật Chèo, hát Bội, để có quyền đánh giá các bộ môn nghệ thuật đó thấp đến đâu mà cần phải nâng cao ? Ai là người có đủ khả năng để năng cao ? Nâng cao theo phương pháp nào ? Khi nâng cao dùng yếu tố nào ? Không ai có thể trả lời những câu hỏi đó. Nhưng trong thực tế, khi nghe một bài Dân ca một bè thì ai cũng nói đó là Dân ca cổ truyền, nếu là một bài Dân ca có nhiều bè là Dân ca đã nâng cao ; nếu một bản nhạc chỉ dùng nhạc khí Dân tộc để hòa tấu đó là bản nhạc cổ truyền, nếu có dùng đàn phương Tây như Violon, có khi dùng cả Organ thì đó là một bản nhạc đã nâng cao ; một bản nhạc ký âm bằng Hò Xự Xang Xê Cống là bản nhạc xưa, nếu ký âm bằng Đô Rê Mi Fa Sol là ký âm có nâng cao. Như vậy, nếu y khuôn như Dân ca cổ nhạc ngày xưa thì bị xem là cổ lỗ, khi Âu hóa là đã nâng cao, thì tôi không đồng ý với cách nói đó. Theo tôi, những bản nhạc có đổi mới thì phải gọi đó là Dân ca đổi mới, Dân ca phát triển, Dân ca cải biên, chứ không phải là Dân ca “nâng cao”. Tôi xin đề nghị không dùng cụm từ “nâng cao” trong mọi trường hợp. Cả hội trường im lặng, không ai tán đồng, cũng không người phản biện. Tôi hơi buồn, bỗng nhiên trong các đại biểu tham dự có người đứng dậy và nói : “Tôi đồng ý với những nhận xét của anh Trần Văn Khê”. Người đó là Giáo sư Hoàng Châu Ký. 
 
GS Hoàng Châu Ký với Tuồng

Từ đấy chúng tôi đã gặp gỡ nhau nhiều lần. Anh Hoàng Châu Ký vào Saigon làm việc tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc, số 2 Trần Quý Khoách, Quận 1. Trong thời gian đó tôi từ Pháp đã về và gặp được anh trong cả tuần lễ, đặt nhiều câu hỏi về Lịch sử và Nghệ thuật hát Bội. Tôi rất vui khi được anh minh họa cách nói Lối, hát Khách, hát Nam, kể các động tác Múa như một diễn viên nhà nghề và tôi biết thêm rằng anh đã sáng tác trên 20 vở Tuồng, đã từng giảng cho nhiều lớp thanh niên hiểu biết, tôi rất vui khi gặp một người bạn đồng hành trên con đường tìm hiểu, học hỏi, phân tách, nghiên cứu, truyền dạy Âm nhạc Kịch nghệ Dân tộc Việt Nam. Vừa là một nhà lý thuyết nghiêm túc, lại là một nghệ sĩ nắm vững tay nghề, một người thầy dạy có sức thuyết phục người nghe. Vì công việc làm và môi trường sống khác nhau, anh em ít có dịp gặp nhau thường xuyên, nhưng đối với tôi Giáo sư Hoàng Châu Ký là một người bạn rất thân, tri âm tri kỷ như những nhà nghiên cứu khác mà tôi đã có may mắn gặp được như các anh Mịch Quang, Vũ Ngọc Liễn, Hoàng Chương. Anh vĩnh viễn ra đi đã tròn một năm trời, nhưng vẫn còn nhiều người trong thế hệ trẻ tưởng nhớ tới anh và viết nhiều bài ca ngợi công việc của anh trong lĩnh vực hát Bội (hát Tuồng). Rất mong rằng trong tương lai sẽ có những cuộc Hội thảo về công trình nghiên cứu giảng dạy của anh và minh họa bằng một vở Tuồng có chọn lọc của anh, đặc biệt trong các vở “Tuồng Đồ”, để làm sáng tỏ thêm tên anh trong và ngoài nước.

Bình Thạnh, ngày 31-12-2009

Trần Văn Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét