Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

KỶ NIỆM VỀ HOA TẠI NƯỚC NGOÀI (Phần cuối)

KỶ NIỆM VỀ HOA TẠI NƯỚC NGOÀI
(Phần cuối)

Hốt nhiên nhất dạ thanh hương phát
Tán tác càn khôn vạn lý xuân

 
Quan san ấy mấy lần trở cách
Hiềm nỗi chàng làm khách rất lâu.
Chàng đi mới ố bông lau,
Mà nay mấy độ trắng màu hoa mai…
(Tô Huệ - Chức cẩm hồi văn)

HOA MAI

Tôi sang Đài Loan dạy nhạc Dân tộc Việt Nam theo lời mời của cố GS Hsu Tsang Hoei (Hứa Thường Huệ). Đến mùa hè tôi đi miền Đài Trung, tới một làng mang tên là “Khê Đầu” để xem rừng trúc nổi tiếng tại đó.

Cảnh đẹp thơ mộng của Khê Đầu - Đài Loan

 
Đường vào rừng trúc Khê Đầu

Trên đường đi nghỉ đêm tại một ngôi nhà cổ đầy đủ tiện nghi, ngôi nhà toạ lạc trong một khu vườn thật lớn, mang tên “Bạch Mai Viên”. Buổi sáng đi dạo, chỉ thấy cả ngàn cây Mai, cành trơ trụi lá, chủ nhân ngôi nhà cổ nói với tôi : “Giáo Sư đến đây gặp mùa hè, rất tiếc không được ngắm cảnh Bạch Mai nở rộ từ cuối tháng 11 đến Tết”. Tôi trả lời trong nước khi đến Tết, miền Nam nở rộ Mai vàng (Huỳnh Mai), miền Bắc tràn đầy Đào thắm. Trường Y được cất lên trong làng Bạch Mai mà chính mắt tôi chưa được hưởng cảnh Bạch Mai mãn khai bao giờ. Hôm nay, lòng tôi ước ao thấy được Bạch Mai. Nói xong, tôi và một người bạn vong niên tên Thiên Thiên Mai đi dạo, tôi ước thầm :
Đi cạnh Thiên Thiên Mai
Mong được thấy Bạch Mai
Nở trên cành khô héo
Thì mới thoả lòng này…

  
Bạch Mai nở trên cành khô héo...

Các bạn ơi, Hoa Quỳnh tại Pháp đã không phụ lời ước của con tôi, đến thì mà còn nán đợi tôi hôm sau, tôi đi dự hội nghị nước ngoài trở về thưởng thức được mùi hương dịu dàng của Hoa Quỳnh chớm nở. Ngày nay, tại Đài Trung hồn Bạch Mai đã chứng kiến được lòng ao ước chân thành của tôi, nên một Bạch Mai cánh trắng, nhụy vàng xuất hiện, Thiên Thiên Mai reo mừng : “Thầy ơi, Bạch Mai đang cười chào Thầy nè!”. Tôi vô cùng xúc động đến nhìn Hoa Mai tận mắt, vuốt nhẹ cánh Mai trong tay và nói nhỏ : “Cám ơn thiên nhiên cho tôi thấy được một Hoa Mai để thỏa lòng mơ ước”. Thiên Thiên Mai đề nghị : “Thầy hãy xin phép Bạch Mai hái nụ hoa này đem về ướp khô để làm kỷ niệm”. Tôi khước từ và nói : “Không, em à, hoa đã nở trái mùa, làm đẹp lòng khách lạ đến từ phương xa, Thầy nỡ nào rút ngắn cuộc sống của hoa, ngắt đi để làm của riêng cho mình. Hãy để hoa trên cành và Thầy trò mình sau buổi ăn trưa trở lại ngắm hoa trước khi đi họp buổi chiều”.
Tôi lấy máy chụp hình, nhờ Thiên Thiên Mai chụp khi tôi đang nâng cành hoa. Thiên Thiên Mai quay thêm một đoạn video, giữ lại kỷ niệm này. Hai tư liệu đó tôi đang còn giữ đến ngày nay.

http://i62.photobucket.com/albums/h120/mimikhanhvan/Thay%20Tran%20Van%20Khe/TVKnhutchimai.jpg
 
 Trời thưởng Nhứt Chi Mai
(Trần Văn Khê - Ảnh tư liệu tại Đài Loan)


Buổi chiều trước khi đi họp, Thầy trò đến ngắm hoa lần nữa trước khi rời nhà. Trong giờ họp, một cơn mưa to chợt đến, chiều về Thầy trò trở ra vườn, không còn thấy hoa trên cành, mà gió mưa đã làm cho hoa rụng, không tìm được xác hoa. Thiên Thiên Mai tỏ ý tiếc nuối. Tôi nhớ lại hai câu thơ của một nữ sinh trường Đồng Khánh năm 1938 đã gửi cho bạn tôi, anh Nguyễn Văn Đường, sau này trở nên Kiến Trúc Sư. Cô nữ sinh trường Đồng Khánh và bạn tôi nay đã ra người quá vãng, nhưng hai câu thơ vẫn còn lại trong tim, tôi đọc nhỏ :
Nở để tàn, sống để tìm cõi chết
Khóc than chi, đấy số phận Hoa, Người.

 
 
              
 Bạch Mai thanh khiết

Thiên Thiên Mai đồng ý và hai Thầy trò vui vẻ uống cạn chén trà chủ nhân thiết đãi. Tôi đi ngủ, mong rằng sẽ gặp lại Bạch Mai trong giấc mơ.
Sáng hôm sau, lúc tôi đang ghi lại cảm xúc hôm qua trong tập du ký, Thiên Thiên Mai tươi cười đến trước mặt tôi mà nói : “Thầy ơi, sáng nay em trở lại vườn hoa và ước thầm Bạch Mai ơi, hôm qua không giữ được xác của Bạch Mai, hôm nay Thầy trò tôi rời Kiết Tường để đến Khê Đầu. Nếu hoa có cảm tình với Thầy trò tôi, thì xin nở một đoá nữa để tôi hái đem về cho Thầy tôi làm kỷ niệm”. Trong tay Thiên Thiên Mai là một đóa Bạch Mai khoe màu khoe sắc, tôi vô cùng xúc động, nhắm mắt lại để cám ơn Bạch Mai và mở mắt to để tạ lòng Thiên Thiên Mai. Đóa hoa đó được ép khô và dán lên trên một trang giấy của tập “Du Ký Đài Loan” mà hiện nay tôi còn giữ trong Thư viện, và trên đó tôi có ghi lại mấy câu sau đây :
Ước Mai
Trần Văn Khê – 05.12.1991

Ước gì thấy Bạch Mai !
Trời thưởng nhứt chi Mai
Một đóa hoa hàm tiếu
Làm ngây ngất hồn ai ?

  
  
 
Trên đây là một vài kỷ niệm về hoa mà tôi còn giữ lại trong những năm bôn ba hải ngoại, xin gửi đến những người thân và bè bạn bốn phương.

Bình Thạnh, ngày 27.11.2009
Trần Văn Khê

Add a Comment
   
banbenha wrote on Aug 28, '10
"Nhân gian có được mấy người"
Con kính mến gửi đến người tài hoa lời chúc phúc.Chúc Giáo Sư Trần Văn Khê được ơn trên ban phước lành vượt qua những bệnh tật tuổi già để mạnh giỏi sống thật lâu.
Kính.
 
nguyendoan113 wrote on May 26, '10
Hôm nay gặp chuyện không vui, lại lần nữa ghé qua nhà GS để tìm kiếm một đoạn hay một bài viết nào đó, hòng mong tỏ tường điều gì đó. Và... có những điều không thể nói ra vì từ ngữ không đủ để miêu tả, hoặc chưa tiện nói ra. Giống như Nhất Chi Mai, không phải lúc nào cũng nở.
Trong bài viết này của GS, PT thích nhất 2 câu:
"Nở để tàn, sống để tìm cõi chết
Khóc than chi, đấy số phận Hoa, Người."
Dẫu rằng, không dễ gì thẩm thấu được ý tứ thẳm sâu từ đấy, nhưng thấy rõ như lời tạo hoá vang dội.
Cảm ơn GS!

Photobucket
Photobucket
Photobucket
trantruongca wrote on Apr 15, '10
Cam on chau da doc bai va gop y
Bac Tran Van Khe
 
tonthathoa wrote on Mar 31, '10
Đọc bài này cháu thấy bác yêu hoa đến lạ :-)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét