Trong
toàn nước Việt Nam từ Bắc chí Nam và cả trên thế giới, chiếc áo dài
được nhiều người xem là một trang phục truyền thống dành cho nam nữ nước
Việt mặc vào các dịp lễ hội trang trọng, dùng làm đồng phục trong các
công sở, doanh nghiệp … đặc biệt là đồng phục cho nữ sinh các trường
Trung học.
Danh
từ “áo dài” trong văn hóa trang phục và một số danh từ khác như “phở”,
“nem” trong văn hóa ẩm thực, “đàn tài tử” trong âm nhạc (từ sau này
nhờ Ea Sola phổ biến) được báo chí trên thế giới dùng mà không cần phải
dịch sang tiếng bản xứ.
Chưa
ai biết rõ áo dài xuất hiện trong nước Việt Nam từ bao giờ. Một số
nhà khảo cổ để ý rằng trên mặt Trống Đồng Ngọc Lũ (hiện được lưu trữ
tại Bảo tàng viện Lịch sử Hà Nội) có chạm hình ảnh những người phụ nữ
Việt mặc áo hai vạt, nhưng chưa phải là áo dài ngày nay và cho rằng có
lẽ chiếc áo đó là tiền thân của áo dài.
Trong
quyển “Sử ký Văn hóa Việt Nam”, Đào Duy Anh có nói tới một loại áo gài
nút bên trái mà người Việt đã thường hay mặc, khác với áo của người
Trung Quốc gài nút bên mặt. Chúng ta cũng được biết một loại áo gọi là
“áo giao lãnh”, hình dáng như áo tứ thân, nhưng không buộc hai vạt vào
nhau ở phía trước. Người nông dân trong công việc đồng áng thường buộc
hai vạt trước lên cao để tiện cho công việc. Áo tứ thân được mặc rất
thông dụng tại miền Bắc và phần thân dưới các phụ nữ còn mặc váy.
Trong
dân chúng có lẽ trang phục của Trung Quốc được người dân bắt chước nên
sử có ghi lại năm 1744, một chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Khoát) có cho ra
một sắc dụ khuyên dân không nên mặc áo Tàu, mà nam nữ đều phải may áo
theo mẫu quy định. Về thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng
ngắn tay, cửa ống tay rộng hẹp tùy tiện, hai bên nách áo trở xuống phải
khâu kín không được xẻ mở (Đại Nam Thực Lục tiền biên). Lê Quý Đôn,
trong quyển “Phủ biên Tạp lục” có viết: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu tiên cho chiếc áo dài như vậy”.
Căn cứ vào hai tư liệu trên, chúng ta có thể nghĩ rằng danh từ “áo dài” xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII.
Dưới
triều Nguyễn, thời Minh Mạng, có chiếu nhà vua không cho mặc váy mà
phải mặc quần hai ống. Vì vậy nên trong dân gian có câu ca dao :
Chiếu vua Minh Mạng ban ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Khoảng
đầu thế kỷ XIX, người phụ nữ miền Bắc trên mặc áo tứ thân, dưới mặc
quần hai ống. Từ miền Trung đi tới miền Nam phụ nữ không mặc áo tứ
thân, mà chỉ mặc một loại áo hai vạt mang tên là áo dài, mọi người đều
mặc một kiểu, áo may rộng không sát vào thân, luôn luôn có tay dài. Áo
dài thường được mặc trong nhà hay ra ngoài đường. Trong miền Nam, vào
giữa thế kỷ XIX, xuất hiện chiếc áo bà ba (nếu có dịp tôi sẽ bàn đến).
Áo dài Việt Nam đầu thế kỷ XX
Chiếc áo dài nữ ở đầu thế kỷ XIX
Qua
thế kỷ XX, từ năm 1920 đến 1930, tại miền Bắc có một nhóm họa sĩ nghĩ
ra một chiếc áo dài hai vạt, không chỉ may bằng vải mà may bằng lụa,
màu sắc đẹp, nhã như màu trắng, đen, xanh, tím. Nhóm Tự lực văn đoàn
rất ủng hộ ý kiến này và trong nhóm có 2 họa sĩ (Nguyễn Cát Tường &
Lê Phổ) tạo ra một chiếc áo dài may ráp vai. Thuở ấy, áo mới ra đời
mang tên là “áo dài Le Mur” (Mur là tiếng Pháp, chỉ một bức tường, mà
tường là tên của một họa sĩ). Chiếc áo đó được phụ nữ hoan nghênh và
năm 1935 có một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hậu mặc áo dài Le Mur chụp
ảnh, mọi người phụ nữ Việt Nam đều thích xem và một số đông bắt chước
may theo áo Le Mur. Họa sĩ Lê Phổ để nghị may áo dài sát vào người hơn
là để rộng, có một số phụ nữ rất hoan nghinh chiếc áo mới này.
Vài
năm sau, trong miền Nam có một thợ may tên Dung, ở tại Đakao, hiệu
may mang tên “Dung Tailor” chế ra một áo dài ráp vai theo phương Tây, gọi
là “áo dài Raglan”, người Việt thường gọi “áo dài giác lăng” hay “áo
dài ráp lăng”, cổ ráp xéo, quần ráp xéo, ống rộng. Đó là thời trang
mới.
Nhưng
ở cả ba miền áo dài “cổ điển” vẫn được đa số người lớn tuổi thích may.
Chỉ có các phụ nữ trẻ tuổi thích theo thời trang nên mặc những áo dài
chạy theo thời trang. Các nữ sinh lại thích mặc áo dài mini Raglan, áo
chỉ dài tới đầu gối.
Năm
1958, trong cuộc triển lãm nữ công tại Cô Nhi Viện, phu nhân của ông
cố vấn Ngô Đình Nhu xuất hiện với một áo dài mới do bà thiết kế, áo hở
cổ, không bâu, tay ngắn và mang găng tay, tóc bới cao. Lúc đó, các thợ
may gọi loại áo đó là “áo dài bà Nhu”. Thời trang đó ít được người
theo, sau vài năm không ai nhắc tới nữa.
Năm
1968, giới phụ nữ trẻ thích mặc một lối áo mới, phần nhiều chỉ dài tới
đầu gối, phía trên sát vào thân, dùng nhiều loại hàng ngoại màu sắc
rực rỡ, các cô gọi là “áo dài hippy”, thời trang đó cũng không được
nhiều người hưởng ứng, đa số chỉ chấp nhận việc dùng hàng mới có in
bông hoa để may áo dùng trong những trường hợp đặc biệt (tiệc cưới, dạ
hội …).
Năm
1970, tại Hội nghị Quốc tế Osaka Nhựt Bổn, các thành viên nữ trong
phái đoàn Việt Nam mặc áo dài được báo chí Nhựt Bổn khen tặng.
Năm
1973, tại Hội nghị Hòa Bình Bốn Bên, bà Nguyễn Thị Bình, đại diện cho
chánh phủ Cách mạng lâm thời (GPMN) mặc áo dài dự Hội nghị, được các
báo thế giới chụp ảnh và khen rằng chiếc áo dài Việt Nam nghiêm trang
mà rất đẹp.
Nhưng
khi nước nhà thống nhứt thì chiếc áo dài không còn được phổ biến như
ngày xưa, vì lúc đó những phụ nữ từ vùng kháng chiến về thành đều mặc
áo bà ba đen, cổ cuốn khăn rằn. Hình ảnh của những người phụ nữ xả thân
vì nước trong con mắt của dân chúng thời ấy có cái gì đáng tôn trọng.
Những người có áo dài ngần ngại không dám mặc áo dài dự hội, mà ai cũng
cắt áo dài thành áo bà ba. Huống chi đất nước nghèo nàn, thiếu ăn,
thiếu mặc, hàng vải may 2 áo dài có thể dùng may 3 chiếc áo bà ba. Do
đó, áo bà ba thịnh hành và áo dài vắng bóng. Nhưng trong những cuộc lễ
lớn của chánh quyền cách mạng, nhân viên nữ các ban tiếp tân được mặc
áo dài để tiếp khách quốc tế.
Dầu
cho chiếc áo dài không còn được phổ biến như xưa, nhưng trong nhiều
gia đình cũng còn giữ chiếc áo dài để mặc trong các dịp trọng đại.
Khi
nền kinh tế trong nước được phát triển, nữ sinh cấp III các trường
phổ thông bắt đầu được mặc lại áo dài trắng. Tại các cơ quan, doanh
nghiệp, áo dài các màu được mặc thành đồng phục. Hàng ngoại được nhập
nên những nhà thiết kế bắt đầu tạo ra những kiểu áo dài mới, dùng hàng
lụa mới.
Năm
1989, trong nước Việt Nam đã tổ chức cuộc thi “áo dài” để chọn hoa
hậu áo dài, theo báo chí ghi lại thì trong nước có tới 16 ngàn người
tham dự.
Năm
1995, tại Tokyo Nhựt Bổn có tổ chức một cuộc thi quốc tế để dành giải
thưởng cho một loại áo của phụ nữ trong các nước châu Á, mang tên “Miss
International Pageant”, năm đó các loại áo đều có mặt, từ sari Ấn Độ,
kimono Nhựt Bổn, hanbok Triều Tiên, … nhưng áo dài Việt Nam đã được tôn
vinh là trang phục phụ nữ đẹp nhứt châu Á.
Qua
thế kỷ XXI, trong những cuộc thi hoa hậu thế giới, ứng cử viên Việt
Nam luôn được chú ý nhờ chiếc áo dài, đã được các nhà thiết kế thời
trang tạo mẫu thành những chiếc áo dài dạ hội, áo dài cưới… với hình
dáng và màu sắc đa dạng, phong phú. Các báo trên thế giới đua nhau chụp
ảnh áo dài Việt Nam.
Đến
năm 2000, Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi hoa hậu thế giới, có một
buổi thi “người đẹp áo dài”, cùng với trang phục dạ hội, áo tắm. Năm
đó, bắt đầu những cuộc thi hoa hậu thế giới và hoa hậu hoàn vũ đều có
những buổi thi đặc biệt về “áo dài”.
Năm
2007, nhà thiết kế Việt Nam David Minh Đức đã thiết kế 30 chiếc áo
dài, đặt tên là “Long hoa tụ hội”, nhiều hoa hậu trên thế giới sau khi
mặc áo dài rất thích và muốn giữ làm kỷ niệm.
Nhà thiết kế David Minh Đức chỉnh sửa áo dài cho một người mẫu
Các mẫu áo dài trong Festival Huế
Năm
2008, trong cuộc thi hoa hậu hoàn vũ, đêm chung kết được tổ chức tại
Nha Trang, ban tổ chức nhờ nhà thiết kế Võ Việt Chung may 85 bộ áo dài
cho cuộc thi, mang tên là “Big Collection Hoa hậu hoàn vũ”. Nhà thiết
kế lấy chủ đề là “Bốn mùa”, lựa những chất liệu ren, lụa, tơ cao cấp,
một số lớn loại vải du nhập từ nước ngoài. Nhà thiết kế muốn cho các
hoa hậu lúc mặc áo dài vẫn thấy thoải mái và gần gũi với văn hóa của
họ, nên chọn lựa hướng đi “đông tây kết hợp”. Do đó, chiếc áo dài tuy
vẫn còn kín đáo, e ấp nhưng cũng có nét gợi cảm, hiện đại. Nhà thiết kế
này rất cầu toàn nên trong khi thực hiện 85 chiếc áo dài, nhiều lúc
không ngại bỏ tiền túi ra để sửa lại những chiếc áo dài chưa thỏa mãn.
Nhà thiết kế Võ Việt Chung đang chỉnh sửa một mẫu áo dài
Năm
2009, trong kỳ thi hoa hậu thế giới, tổ chức tại Mỹ, hoa hậu là một
người Mỹ gốc Việt, tên Đỗ Linh Phượng (Lynn Phuong Frazier) đoạt giải
trong chiếc áo dài lộng lẫy.
Năm
2010, trong cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt sắp tới, ban tổ chức
đã qui định sẽ có 4 cuộc thi quan trọng : trang phục dạ hội, áo tắm, áo dài và thi ứng xử.
Nói
tới áo dài, cũng không thể không nhắc tới hai nhà thiết kế hàng đầu của
Việt Nam là NTK Sỹ Hoàng và Minh Hạnh. Họ là những chuyên gia thời
trang đã từng có mặt trong các kỳ thi Hoa Hậu trong nước, chương trình
Duyên Dáng Việt Nam tại nước ngoài, các cuộc thi thiết kế thời trang...
và được chánh thức mời giới thiệu áo dài tại các nước Châu Á, Châu Âu,
đặc biệt là ở Pháp và Bỉ là những trung tâm văn hóa nghệ thuật nổi tiếng
thế giới.
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng phát biểu trong một chương trình sinh hoạt định kỳ của GS Trần Văn Khê
Nhà thiết kế Minh Hạnh - một phụ nữ Huế tài năng
Cả
hai nhà thiết kế đều tạo lập cho mình phong cách riêng trong từng bộ
sưu tập áo dài và khơi gợi được vô số sự quan tâm trong các giới thời
trang, nghệ thuật, báo chí... đối với văn hóa Việt Nam.
Minh
Hạnh là nhà thiết kế Việt Nam đầu tiên, sau khi đoạt giải thưởng New
Designer Award tại cuộc thi thiết kế Makuhari Grand Prix tại Nhựt (tháng
9/1997), đã từng có vinh hạnh
giới thiệu 100 mẫu thời trang trong bộ sưu tập áo dài "Truyền thống và
tương lai" tại đền Kiyomizu - Dera (Nhựt Bổn), nơi chưa có ai được trình
diễn tại đây, ngay cả với giới thiết kế Nhựt Bổn. Cô dành hết thời gian
trong sự nghiệp của mình để tôn vinh chiếc áo dài quê hương trong mắt
đồng bào và bạn bè quốc tế.
Theo
Minh Hạnh, vẻ đẹp truyền thống và bí ẩn của chiếc áo dài Việt Nam là
"một ngôn ngữ không cần phiên dịch", những đường nét kín đáo mà gợi cảm,
những tà áo thêu bao đường chỉ thăng trầm của thời gian đã
nói lên tất cả. Điểm sơ qua vài bộ sưu tập của Minh Hạnh như "Rồng và
Bướm", "Trở lại thiên đường", áo dài thụng xưa, áo dài thổ cẩm... cũng
đủ thấy tình yêu chiếc áo dài dân tộc luôn cháy bỏng trong tâm hồn Minh
Hạnh.
Còn
Sỹ Hoàng, ngoài những bộ sưu tập áo dài thiết kế cho người lớn như
"Hương xưa", "Thanh xuân", "Áo dài cưới cung đình Huế", "Áo dài cưới
vương triều", "Màu thời gian", "Bốn mùa"... nhà thiết kế tài hoa này còn
có óc sáng tạo phong phú khi thực hiện những bộ áo dài dành riêng cho
trẻ em, đặc biệt là từ những bức tranh mà các em thiếu nhi tham gia
trong cuộc thi Nét Vẽ Xanh của thành phố. Táo bạo hơn nữa, Sỹ Hoàng cũng
đang bắt tay thực hiện dự án về việc xây dựng một "nhà hát áo dài" nhằm
tôn vinh trang phục áo dài dân tộc lên thành một tác phẩm nghệ thuật.
Bộ sưu tập "Thanh Xuân" của NTK Sỹ Hoàng
Ngoài
ra, Sỹ Hoàng còn là một nhà tổ chức nhiều sáng kiến khi đã tổ chức cuộc
thi vẽ áo dài trẻ em "Tài năng thiết kế nhí" trong năm 2008, tổ chức
cuộc thi vẽ áo dài trẻ em trong hội thi "Nét Vẽ Xanh" 2009, và mới đây
nhứt cũng là cuộc thi vẽ áo dài trẻ em trong "Nét Vẽ Xanh" lần 13 năm
2010. Tất cả những mẫu áo dài thiếu nhi của Sỹ Hoàng đều biểu hiện tính
cách hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu của tuổi thơ, với gam màu tươi tắn,
ý tưởng ngộ nghĩnh tràn đầy mơ ước của các em thể hiện từ nguyên gốc
bức tranh đoạt giải.
Bộ sưu tập áo dài "Trái Đất Này Là Của Chúng Em" do Sỹ Hoàng thiết kế
Trong
"Lễ hội Áo Dài 2010" tại Festival Huế, có sự góp mặt của 17 nhà thiết
kế, kể cả hai nhà thiết kế hàng đầu: Sỹ Hoàng cùng bộ sưu tập "Chị và
Em", Minh Hạnh với bộ sưu tập "Mẹ và Con" được khán giả rất quan tâm.
Các nhà thiết kế áo dài chẳng những tạo những mẫu áo phù hợp với người
phụ nữ Việt Nam mà còn nghĩ tới những người phụ nữ trên thế giới, đặc
biệt là các phụ nữ Tây Âu, nên các kiểu áo dài này cũng được thiết kế
sao cho phù hợp với vóc người phương Tây để khi diện chiếc áo dài Việt
Nam lên người, họ có thể cảm thấy mình trở nên dịu dàng, đằm thắm.
Qua
bao nhiêu thăng trầm, áo dài phụ nữ Việt Nam hiện nay được mọi người
trong và ngoài nước quí trọng như một chiếc áo truyền thống đặc biệt
của dân tộc Việt. Các nhà thiết kế dầu cho có dùng chất liệu mới, vẽ
hình dáng cách tân … cũng không thể nào làm mất nét đặc biệt của chiếc
áo hai vạt mà nhà thơ Văn Tiến Lê đã từng ca ngợi :
Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời
Thân sau vạt trước nên lời nước non.
Bình Thạnh, ngày 01-06-2010
Trần Văn Khê
ngocthuthao wrote on Apr 16, '11
Con
đang làm báo cáo thực tập với đề tài về áo dài, thật buồn khi thầy cô
bảo là một đề tài không mới, nhưng con vẫn làm! Vì con nghĩ, dù là một
đề tài không mới, hình ảnh chiếc áo dài quá đỗi quen thuộc với con người
Việt Nam và cả người nước ngoài, nhưng đâu phải ai cũng biết tường tận
về áo dài, dúng không thầy?! Vậy thì, theo thầy, chúng ta phải làm gì để
bào tồn và gìn giữ vẻ đẹp của áo dài trong xu thế hiện nay và trong
tương lai?
Con rất mong lời phúc đáp của thầy! Ngọc Huyền |
trantruongca wrote on Aug 13, '10, edited on Aug 18, '10
Thầy
rất vui vì có nhiều người thích bài nầy. Cô Tường Vân bạn của Thầy rất
thích và khen Kh V minh họa bài nầy. Thầy cám ơn Kh V về hình ảnh trong
bài và bài comment của con.
Thầy vui lắm. Thầy TVK |
mayhong2009 wrote on Jul 15, '10
cảm ơn GS đã cho nhìn thấy và biết được nguồn gốc của chiếc áo dài VN.
|
mimikhanhvan wrote on Jun 23, '10
A,
con quên nói với Thầy là con đặc biệt rất ưa thích những chiếc áo dài
dành cho trẻ em của NTK Sỹ Hoàng, tranh vẽ được in trên áo với màu sắc
sinh động sắc sảo, nét vẽ táo bạo ngộ nghĩnh như vậy rất hợp với cá tính
của con!
Trong tạp chí Hồn Việt số 36 (tháng 06/2010) có bài viết về "quốc phục VN" của Thầy Nguyễn Quảng Tuân, bàn về chiếc áo dài và tính cách dân tộc của nó, có nhắc tới Thầy khi đi thuyết trình nhạc truyền thống VN trên khắp thế giới đều mặc chiếc áo dài khăn đóng của quê hương. Tự hào quá đi! (Thầy nhớ mở ra xem nha!) |
mimikhanhvan wrote on Jun 23, '10, edited on Jun 23, '10
Thầy
thương ơi, đọc bài của Thầy viết đầy đủ tư liệu con rất thích. Lúc nào
mặc áo dài Việt Nam con cũng có cảm giác mình dễ thương hơn một chút, tự
hào nhiều hơn về quốc phục VN và càng hiểu thêm lời tâm sự của Thầy:
khi mặc áo dài VN để biểu diễn và đờn nhạc cổ truyền VN mới có thể làm
cho tâm hồn dâng tràn bao nhiêu cảm xúc, mới có thể hiểu hết sự phiêu
linh lẫn tình tri âm đan quyện vào nhau, mới thực sự thấy từng đường gân
thớ thịt của mình đang run lên những cung bậc của "Lĩnh Nam cầm"...
Con rất hiểu rất hiểu điều đó, vì khi biểu diễn trên sân khấu, mặc một bộ đồ âu phục hay áo pull, quần jeans thì khó thể nào phiêu cùng cảm xúc nhạc dân tộc được, lại khó thể nào có hứng thú cho bằng khi diện chiếc áo dài đẹp thiệt đẹp, ngồi trước bao nhiêu khán thính giả để rải những giai điệu ngọt ngào... Cho nên, con rất yêu quý những tà áo dài đủ màu sắc của Tiếng Hát Quê Hương, thương quý những chiếc áo dài the gấm của Ca Trù Thăng Long, thương mến những chiếc áo dài tươi trẻ của các ban Phượng Ca, Hướng Việt ở hải ngoại, say mê ngắm nhìn những cô nữ sinh hay những người phụ nữ tha thướt trong tà áo dài dân tộc (con là con gái mà còn mê huống chi các đấng mày râu!)... Con có một người bạn "vong niên" đặc biệt, chị là người gốc Huế hoàng tộc, xa quê hương đã lâu và hiện định cư tại xứ Áo xa xôi, sinh sống bằng việc dạy piano cho người dân, cho trẻ em xứ đó lẫn người Việt sang cư trú. Chị còn tham gia hoạt động văn nghệ trong một ban nhạc, tuy sử dụng nhạc khí phương Tây nhưng khi biểu diễn lúc nào cũng diện trên mình chiếc áo dài tuyệt đẹp của VN (chị và các bạn của chị rất thích mặc áo dài), nhìn rất đáng yêu. Con quý mến họ vì những điều như vậy. Bài viết của Thầy còn làm cho con nhớ 4 câu thơ rất tình, rất đẹp của nhà thơ Trần Mạnh Hảo (bài thơ này con ghiền lắm hihihi): "Dòng đời con nước vèo qua, Trái tim mắc cạn trong tà áo bay Cỏn con một sợi lông mày Mà đem buộc trái đất này vào anh!" (anh chàng nào đem 4 câu thơ này mà làm lời tỏ tình với bạn mình chắc mấy cô đó về nhà mất ngủ suốt đêm đó Thầy!) Trời ơi, "trái tim" nào lại có thể "mắc cạn" trong "tà áo bay" ngoài tà áo dài mộng mơ của thiếu nữ Việt Nam? "Tà áo" và "em", "trái tim" và "anh", dễ thương quá sức! Con thương ôm hôn Thầy nhiều vì nỗi xúc động khi đọc bài viết này. Con rất mong một ngày nào đó, "nhà hát áo dài" của chú Sỹ Hoàng khánh thành để chúng ta có thể chiêm ngưỡng từng chiếc áo dài là từng tác phẩm nghệ thuật giá trị, làm đẹp cho văn hóa Việt Nam! Con của Thầy - Mây |
trantruongca wrote on Jun 23, '10
Cám ơn em đã đọc bài và có lời góp ý . Thầy đã bổ sung thêm hình ảnh và đọan viềt về Sỹ Hòang va Minh Hạnh.
Thầy TVK |
Dạ
! em từ bé đã rất yêu thích nhạc cụ thuần Việt và gần như em tự học qua
sách . Thổi sáo em phải phì phò hơn 3 ngày mới ra tiếng và bắt đầu tập
theo Do - Re - Mi , bài đầu tiên em thổi được là bài "Lòng Mẹ" , sau này
sáo là em tự tìm trúc theo ý để làm . Đàn bầu cũng tự làm bằng gáo dừa
và 2/3 thân ống tre tàu , rồi đàn tranh ( mượn ) và các bộ đàn gõ ( em
đã thử chia nước vào chén kiểu để chơi ) . Em biết thầy từ lúc thầy đi
giới thiệu đàn bầu ViệtNam với phương tây và kính mến thầy từ lúc đó
nhưng không có duyên làm học trò của thầy . Lúc bé em chỉ biết Bác Trần
Văn Trạch trên TV.
Em rất vui được làm học trò của thầy . Chúc thầy và gia quyến luôn được nhiều tốt đẹp . Kính mời thầy ghé thăm blog của em ( http://vn.360plus.yahoo.com/nhatlinhbd ) và website ( http://chualongchau-bencat.yolasite.com ) |
trantruongca wrote on Jun 22, '10, edited on Jun 22, '10
Em có thể copy bài nầy. Cám ơn em đã đọc bài Thầy viết và tự nhận là học trò của Thầy.
Thầy TVK |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét