QUẢNG BÁ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ
VÀ CÁCH PHÁT TRIỂN
Một cách quảng bá Nhã nhạc đến với công chúng qua chương trình sinh hoạt định kỳ tại tư gia của GS Trần Văn Khê
Từ khi chưa được Unesco vinh danh là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể”, Nhạc Cung Đình Huế cũng đã được nhiều chuyên gia Dân tộc học, Nhạc học, những phóng viên của Đài phát thanh Pháp quan tâm đến.
1. Quảng bá Nhạc Cung đình Huế:
Trước
khi soạn Luận án Tiến sĩ về Âm nhạc truyền thống Việt Nam tôi đã có dịp
đọc qua những thiên khảo cứu về Nhạc Cung Đình, đặc biệt là về Tế lễ
Nam Giao của các nhà Dân tộc học Pháp Orband và Cadiere, xuất bản trong
Tạp chí “Những người bạn của Cố đô Huế” (Bulletin des Amis du Vieux
Hue).
Trong
khi tôi soạn Luận án Tiến sĩ cho Trường Đại học Sorbonne, vào năm 1954,
GS E.Gaspardone đã biết rõ về giá trị của Nhạc Cung Đình Huế nên
khuyên tôi tham khảo 2 quyển “Ức trai di tập” (Nguyễn Trãi), “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ” trong Thư viện quốc gia Pháp. Sau đó, GS còn khuyên tôi đọc thêm “Lê Triều Hội điển” và “Lịch trình hiến chương loại chí”.
Tôi đã đọc được bao nhiêu câu về cách tổ chức Âm nhạc Cung Đình Việt
Nam qua nhiều thời đại, nhưng tiếc là lỗ tai tôi chưa được nghe một bản
nhạc Cung Đình nào cả. Khi tôi vào nơi lưu trữ các chương trình phát
thanh về Âm nhạc truyền thống Việt Nam, bà giám đốc của cơ quan hướng
dẫn tôi tìm mấy dĩa hát loại 33 vòng, 30 phân đường kính, mã số AMS 1,
2, 3, 4 … và thêm một dĩa nhỏ loại 33 vòng, 25 phân đường kính về Nhạc
Phật giáo Việt Nam theo truyền thống Huế. Tôi vô cùng sung sướng vì
trong thời kỳ nước Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, có rất nhiều
phóng viên ghi lại cho chương trình phát thanh Pháp những tiết mục khác
nhau, mà đài phát thanh Pháp cho rằng chỉ có Nhạc Cung Đình là đáng
giữ lại trong kho tư liệu của đài, nên đã chuyển từ băng cối ghi âm ra
thành dĩa hát 33 vòng. Mặc dầu người Pháp chưa chắc đã hiểu rõ về nội
dung hay hình thức của Nhạc Cung Đình, nhưng cũng đã cảm nhận được giá
trị nghệ thuật của Nhạc Cung Đình (năm 1954).
Từ
khi tôi góp sức với cố Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba ghi âm, ghi hình Âm nhạc
Cung Đình Huế năm 1963, thì Viện Nghiên cứu Âm nhạc với phương pháp đối
chiếu tại Tây Bá Linh đã sẵn sàng chịu tiền tổn phí cho cố Nhạc sĩ
Nguyễn Hữu Ba ra Huế trả tiền thù lao cho nghệ nhân, nhạc sĩ để thành
lập một hồ sơ âm thanh và hình ảnh của Nhạc Cung Đình Huế. Về phương
tiện kỹ thuật thì nhờ bà Bá tước De Chambure có máy Nagra âm thanh nổi,
trong khi bà đi Việt Nam thăm vườn cao su của bà, bà sẵn sàng cho mượn
máy thật tốt và góp sức với cố GS Nguyễn Hữu Ba ghi âm tại Huế Âm nhạc
Cung Đình và Âm nhạc Phật giáo.
Khi
giới thiệu Nhạc Cung Đình dưới dạng dĩa hát do Barenreiter-Musicaphone
xuất bản với mã số BM.30 L.2002, thì được hai giải thưởng lớn về dĩa
hát. Nước Đức, năm 1969, đã cấp một giải thưởng lớn về dĩa hát xuất bản
tại Đức trong lĩnh vực Dân tộc Âm nhạc học (Deutscher Schall Platten
Preis) mà nội dung trong dĩa là Nhạc Cung Đình, Nhạc Phật giáo và một
bài ca Huế, một trích đoạn Tuồng Huế.
Năm
1970, Hàn Lâm Viện dĩa hát Pháp (Académie du Disque Francais) cho thêm
một giải thưởng lớn nhất về Dân tộc nhạc học. Dĩa hát đó được phát hành
dưới nhãn hiệu loạt dĩa Unesco (Collection de l’Unesco).
Xem
lại từ trước đến nay, tất cả các dĩa hát ghi âm nhạc dân gian và truyền
thống của các nước trên thế giới chưa có dĩa nào mà trong 2 năm liền
được nhận 2 giải thưởng lớn từ 2 nước Đức và Pháp.
Như
vậy, nhiều người thuộc về các lĩnh vực khác nhau như kỹ sư ghi âm,
nghiên cứu âm nhạc, nhà sản xuất dĩa hát đều nhìn nhận giá trị đặc biệt
của Âm nhạc Cung Đình Huế.
Từ
khi Âm nhạc Cung đình Huế được Unesco công nhận là một “Kiệt tác” của
di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, thì nhạc Cung Đình
Việt Nam đã được giới thiệu trên sân khấu lớn của nhiều nước Âu, Á, Mỹ.
Việc quảng bá Âm nhạc Cung Đình Huế thì một mặt chúng ta nên tiếp tục
công việc cho dàn nhạc Cung Đình có dịp lưu diễn tại nước ngoài, nhưng
quan trọng hơn là tạo điều kiện thuận tiện cho người nước ngoài đến
Việt Nam thưởng thức nghệ thuật Âm nhạc Cung Đình trong bối cảnh lịch
sử của nó.
Sở
Bưu chính đã phát hành 3 loại tem với đề tài Nhạc Cung Đình. Chúng ta
có thể tiếp tục phát hành những loại tem liên quan đến ca nhạc vũ kịch
Cung Đình. Dĩa hát CD và dĩa DVD trích đoạn những tiết mục xuất sắc của
bài bản Nhạc Cung Đình nên được phát hành với lời giới thiệu đầy đủ
bằng 3 thứ tiếng Việt – Anh – Pháp.
Nên
có những hiện vật (nhạc khí, nhạc công, vũ nữ … dưới dạng búp bê hay
hình in trên áo T - shirt) để du khách kỷ niệm những chuyến đi hoặc làm
quà lưu niệm cho bạn bè.
2. Phát triển:
Đã được nhận là một “kiệt tác”
của di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, thì trong việc
phát triển chúng ta không có quyền thay đổi hình thức và nội dung của
Nhạc Cung Đình Huế. Vì vậy, việc cho thêm đàn Tranh, đàn Bầu, gõ chén
vào trong dàn Nhã nhạc là không nên
làm. Cũng tránh dùng nữ nhạc công vì trong các dàn nhạc lớn của Cung
Đình Châu Á (Nhựt Bổn, Trung Quốc, Triều Tiên) đều chỉ có nam nhạc
công.
Ngày
xưa trong mỗi dàn nhạc có rất nhiều nhạc công. Nhưng cha ông chúng ta
đã nhận thấy rằng không phải số lượng của nhạc công tạo được mức cao
trong nghệ thuật, nên lần lần bớt số nhạc công. Quan điểm đúng đắn của các bậc tiền bối là đặt trọng tâm vào chất lượng chứ không phải số lượng. (Tham
khảo các sử liệu như “Đại Nam Hội điển sự lệ”; “Lê Triều Hội điển”;
“Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ”; “Luận án của GS Trần Văn Khê về Âm
nhạc truyền thống Việt Nam”)
Người xưa không cần sự ồn ào hoành tráng, mà đặt trọng tâm vào sự tinh tế của cách trộn màu âm.
Trong dàn Nhã nhạc, trừ ra sáo có 2 cây, mỗi nhạc khí chỉ dùng 1 cây
để cho thính giả nhận thức được rõ ràng màu âm của mỗi nhạc khí và xét
lại thì chúng ta có tiếng da (trống bản), tiếng mộc (sênh tiền, mõ),
tiếng kim (đồng tiền trong sênh tiền, tam âm la), tiếng tơ (dưới dạng
đờn khảy: Nguyệt, Tỳ Bà; dưới dạng đờn kéo dây: Nhị), tiếng trúc (2 sáo
ngang) thành ra có tiếng cao vút của Sáo, tiếng trầm của đờn Tam,
tiếng nghiêm túc của đờn Nguyệt, tiếng bay bướm của đờn Tỳ, tiếng vuốt
ve của đờn Nhị, tiếng rộn rã của Sinh tiền, tiếng chấm đoạn của tam âm
la, tiếng chỉ huy của Trống bản.
Vì vậy, không cần phải có nhiều cây đờn để thính giả có thể nghe rõ màu âm của mỗi loại nhạc khí.
Chúng ta chỉ chú trọng vào ngoại hình của dàn nhạc và nhạc công để phát triển.
Những
nhạc khí phải có hình dáng, số dây, số phím như nhạc khí của dàn Nhã
nhạc ngày xưa, không nên đổi mới. Đờn Tỳ Bà phải để lại 4 miếng tượng,
đờn Nguyệt chỉ dùng 8 phím chứ không cần nhiều phím như đờn Nguyệt dùng
trong Chầu Văn, chỉ cần đóng đờn kêu tốt, có hình dáng, cách trang trí
đẹp.
Khi
biểu diễn các nhạc công nên tạo cho mình một phong cách khoan thai,
thoải mái, nhưng chữ đờn phải nhấn nhá theo truyền thống, tiết tấu mau
chậm rõ ràng. Không đờn ngang bằng sổ ngay, mà phải dìu dặt. Nghiêm
trang mà không buồn bã, không hớn hở. Cách khảy, nhấn phải có thần.
Trong
cách biểu diễn nên chú trọng hình thức như lúc ra, vào phải có trật tự
và thái độ chững chạc, ngồi, đứng đồng loạt, nghiêm túc, không quá
nghiêm nghị.
Trang phục phải cố gắng dựng lại những khăn áo như ngày xưa, chân đi giày đồng loại.
Về
bài bản nên tìm những bản xưa dựng lại. Nếu có sáng tác bài mới thì nên
giữ tinh thần của các bản cổ và nắm vững các nguyên tắc thẩm mỹ của
người Việt.
Chúng
ta vẫn biết rằng một truyền thống không phải bất di bất dịch, mà
truyền thống cũng thường thay đổi theo thời gian (thời đại) và môi
trường.
Căn
cứ trên những nét đặc thù, chúng ta không nên quá “mê tín” phương Tây,
không nhất thiết phải tạo cho thật hoành tráng, cho có nhiều nhạc cụ,
nhạc khí vì số lượng luôn luôn phải đi đôi với chất lượng. Chúng ta
không thể thêm vào dàn Nhã nhạc những nhạc khí không có mặt từ xưa đến
nay, như Tam Thập Lục, đờn Tranh hay đờn Bầu. Các nhạc khí đó có thể
dùng biểu diễn như những tiết mục để làm nhẹ nội dung chương trình cả
buổi nhạc.
Chúng
ta có thể tạo ra một dàn nữ nhạc để các thiếu nữ có thể sử dụng đàn
Tranh, Bầu, hay nhịp chung (chén) và có thể đánh những bài bản khác, bởi
vì trong sách sử có nhắc đến một dàn nữ nhạc dùng trong cung cho các
Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa.
Những điều nên làm gấp:
- Nên quay phim nghệ nhân để ghi lại những ngón đàn, chữ nhấn đặc biệt của mỗi người.
- Nên phỏng vấn các cụ để biết rõ cách truyền nghề ngày xưa giúp chúng ta tìm ra cách truyền nghề ngày nay.
Hai anh em nghệ nhân Nhã nhạc Huế - cụ Lữ Hữu Thi & Lữ Hữu Cử
-
Cần nhất là nghiên cứu cách Thài trong nhạc Phật giáo và nhạc Cung Đình
Huế (cách Thài của môn sinh Thầy Từ Phương và của cụ Lữ Hữu Thi).
- Nên chọn lựa một số sinh viên để dạy cách sáng tác theo phong cách cổ truyền.
-
Nên nghiên cứu các sáng tác mới của Gagaku (Nhựt Bổn), Ah-Ak (Triều
Tiên) để tìm hiểu cách phát triển của người mà không làm mất bản sắc
dân tộc.
Kết luận:
Chúng
ta đều biết âm nhạc Cung Đình Huế có một giá trị khoa học và nghệ thuật
rất lớn. Do đó, vấn đề phát triển một kiệt tác của di sản nghệ thuật
không phải là dễ làm, chúng ta phải vô cùng thận trọng và công việc
phát triển không thể do một vài người quyết định, mà phải có sự đồng ý
của đa số tuyệt đối những chuyên gia được mời làm cố vấn.
Trên
đây là một số ý kiến của tôi về vấn đề được thảo luận hôm nay. Tôi sẵn
sàng đón nhận những ý kiến khác và cùng nhau xem xét kỹ để chúng ta
khỏi bị sai lầm trong công việc có liên quan đến tương lai của văn hóa
Việt Nam.
Bình Thạnh, ngày 25.08.2008
Trần Văn Khê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét