Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

NGƯỜI VIỆT BINH VỰC THI CA VIỆT TẠI PARIS

NGƯỜI VIỆT BINH VỰC THI CA VIỆT TẠI PARIS

 
Nếu có người nói với các bạn rằng “nền thi ca – văn chương Việt Nam không có gì đáng kể” thì các bạn có thể bình tâm mà ngồi nghe lời phê phán ấy không?
Tuy để cả đời nghiên cứu về Âm nhạc Truyền thống dân tộc Việt Nam nhưng tôi rất chú trọng về thi ca trong những bài dân ca hay lời ca của những bản nhạc truyền thống. Tôi lại có cái may được gặp những người Thầy người Pháp như Thầy Emile Gaspardone rất rành về sự nghiệp văn chương Việt Nam, chính ông đã dẫn dắt tôi tìm thấy những cái hay cái đẹp trong rừng văn chương Việt, trong đó có cụ Nguyễn Trãi. Và đối với tôi, những bài thơ và những bài viết của cụ Nguyễn Trãi xứng đáng là những áng văn kiệt tác. Vì vậy, khi nghe lời phê bình trên, bản thân tôi không thể đồng tình mà ngồi nghe được, cần phải có tiếng nói binh vực để “giải oan” cho văn chương – thi ca Việt Nam. Xin kể lại cho các bạn nghe một câu chuyện mà tôi không thể nào quên khi tham dự một buổi họp của Hội Truyền bá Tanka Nhựt Bổn năm 1964 ở Paris.
Tại Pháp, có Hội Truyền bá Tanka Nhựt Bổn, mỗi tháng họp một lần tại Palais d’Orsay. Tanka viết theo Hán tự là “Đoản ca”, là một bài ca nhỏ, một thể thơ rất độc đáo của thi ca Nhựt Bổn, nội dung diễn tả những cảm xúc của chúng ta hằng ngày: vui, buồn, giận dỗi; những cảnh đẹp thiên nhiên, hoa thơm cỏ lạ; ghi lại những chủ đề của cuộc sống như tình yêu, du ngoạn... Về hình thức, một bài thơ Tanka chỉ có 31 âm với cấu trúc 5-7-5-7-7. Người Pháp và người của nhiều nước Âu Mỹ rất thích loại thơ nầy nên lập hội hay tổ chức những câu lạc bộ để giới thiệu những bài Tanka hay của Nhựt dịch ra tiếng Âu Mỹ, khuyến khích hội viên đặt những bài thơ bằng tiếng Âu Mỹ mà cấu trúc như thơ Tanka.
Một buổi chiều chủ nhựt, năm 1964, Hội truyền bá Tanka Nhựt Bổn có mời một Thủy sư Đề đốc Pháp, một thành viên của Hội đã từng làm nhiều bài thơ tiếng Pháp theo phong cách Tanka, đến thuyết trình cho hội viên những nét đặc thù của thi ca Nhựt Bổn nói chung và Tanka nói riêng.
Tất cả hội viên đều là người Nhựt và Pháp. Hôm đó tôi đến với tư cách khách mời đặc biệt của Ban chủ nhiệm, nên diễn giả không biết rằng trong hội trường hôm ấy có một người Việt Nam. Ông đã mở đầu câu chuyện như thế nầy :
“Tôi đã từng làm Thủy sư Đề đốc tại Việt Nam trong gần 25 năm, mà tôi không tìm ra được một áng văn chương nào đáng kể. Nhưng khi tôi sang Nhựt, chỉ trong vòng 2,3 năm tôi đã khám phá ra một rừng thi ca văn học đa dạng và phong phú. Và trong khu rừng đó, có một đóa hoa tuyệt đẹp : Những bài thơ Tanka”.
Ông cho rằng không có một bài thơ nào trên thế giới có thể diễn tả tất cả những cảm xúc sâu đậm, một cảnh nên thơ chỉ bằng 31 âm như trong thơ Tanka của Nhựt. Ông đơn cử ra rất nhiều bài thơ Tanka bằng tiếng Nhựt đã được dịch sang tiếng Pháp và đọc rất nhiều bài thơ do một số thi sĩ Pháp (trong đó có ông) đã đặt ra theo cấu trúc của Tanka. Cử toạ nhiệt liệt hoan nghênh bằng những tràng pháo tay rất dài.
Sau những câu hỏi của thính giả, lời đáp của diễn giả, ban chủ tọa buổi họp hôm đó nói thêm : “Trong quý vị thính giả có còn câu hỏi nào khác hay những thắc mắc chi có thể nói lên trước khi chúng ta bế mạc buổi họp hôm nay?”.
Tôi đứng dậy đặt mấy câu hỏi sau đây và nêu lên những thắc mắc của mình :
“Kính thưa quý vị, tôi không phải là một nhà thơ, chỉ là một nhà nghiên cứu Âm nhạc dân tộc Việt Nam, hiện đang là Giáo Sư Âm nhạc học tại Đại học Sorbonne (Paris), Giáo Sư chỉ đạo nghiên cứu trong Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp với chức vị Giám Đốc Nghiên cứu (Directeur de Recherches), thành viên Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc Unesco. Tôi là người Việt Nam duy nhứt trong buổi họp hôm nay, tôi không đủ khả năng để nhận xét chi hơn các thính giả đã phát biểu trước đây. Nhưng tôi chỉ thắc mắc một điều : một người sành về thi ca văn hóa Nhựt Bổn như ngài Thuỷ sư Đề đốc đây mà trong 25 năm sống tại Việt Nam vì sao lại không tìm ra một áng văn nào đáng kể?
Trong lúc ngài lưu tại Việt Nam, chẳng biết bạn bè thân thuộc của ngài là ai? Thuộc về hạng người nào mà ngài không tìm ra được một áng văn Việt Nam nào đáng kể. Chớ phải chi ngài có những người bạn như Giáo Sư Emile Gaspardone (thành viên Trường Viễn Đông Bác Cổ) thì ngài sẽ biết rằng Giáo Sư đã in ra trong Tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient), số 1, năm 1931, một thư mục gồm có trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam. Hay những nhà nghiên cứu Pháp nổi danh như Maurice Durand đã sưu tập cả ngàn câu ca dao Việt Nam; đã thông hiểu về nghệ thuật Chầu Văn, trong đó có những bài ca ngợi các Đức Thánh, các vị Mẫu mà văn chương rất sâu sắc; đã từng cộng sự với một Giáo Sư Bác sĩ Y khoa Pierre Huard một thiên nghiên cứu về Dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực Dân tộc học, Văn học và Âm nhạc học. Ngài sẽ thấy không phải chỉ có một áng văn mà hàng ngàn áng văn đáng kể. Trong lúc ngài làm việc tại Việt Nam, chẳng biết ngài là người thế nào mà không có một người dân Việt - thường hay có câu “chọn mặt gửi vàng” - nói cho ngài biết về Thi ca, Dân ca, Âm nhạc Việt Nam?
Trong khi ngài ca ngợi Thi ca và Tanka của Nhựt Bổn, ông không ngớt lời khen tặng và nói rằng chỉ cần nêu lên hình ảnh một con sông, một ngọn núi, một đoá hoa… là đủ diễn tả một cách thi vị tình cảm giữa đôi lứa; chỉ cần 31 âm mà tạo nên những bài thơ hàm súc ngắn gọn. Tuy không phải là một người chuyên môn về Thi ca, nhưng với những hiểu biết căn bản của tôi trong khi còn ở cấp Trung học, tôi cũng đủ tìm những thí dụ cho ngài thấy trong Văn học Việt Nam cũng không thiếu những điểm mà ông cho là tuyệt vời trong Văn học Nhựt Bổn.
Chỉ nhắc đến một ngọn núi cũng đủ tả tình thương nhớ người yêu :
“Núi cao chi lắm núi ơi !
Che khuất mặt trời chẳng thấy người yêu”
Khi ướm hỏi người phụ nữ đã có nơi nào chưa thì chàng trai có thể dùng hai loại hoa :
“Hôm nay Mận mới hỏi Đào
Vườn Hồng đã có ai vào hay chưa ?”
Nếu nói những bài thơ ngắn gọn, chỉ 31 âm mà diễn tả được một sự kiện đầy đủ, tôi có thể đơn cử ra một bài thơ do Đại sứ Việt Nam tại nhà Nguyên ứng tác khi đến dự buổi tế lễ người Hậu phi của vua Nguyên qua đời. Người Nguyên đưa cho chánh sứ nước Việt bài điếu văn viết sẵn, nhờ chánh sứ đọc lên. Khi Mạc Đỉnh Chi mở tờ giấy ra, chỉ thấy bốn chữ “Nhứt”, ông không hề lúng túng, vừa nghĩ vừa đọc bài điếu văn như sau :
“Thanh thiên nhứt đoá vân
Hồng lô nhứt điểm tuyết
Thượng uyển nhứt chi hoa
Dao trì nhứt phiến nguyệt
Y ! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết !”

青天一
烘爐一點雪
上苑一枝花
瑤池一片月
噫雲散雪消花殘月缺

Tạm dịch :
Trên trời xanh có một áng mây
Ở lò hồng có một nụ tuyết
Trong vườn ngự có một bông hoa
Trên mặt hồ có một mảnh trăng
Than ôi ! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng lặn !!!

Dịch thơ :
Áng mây bay giữa trời xanh
Chấm tuyết trắng xóa điểm mình hồng lô
Cành hoa đẹp chốn vườn Vua
Mảnh trăng thơ mộng trên hồ nghiêng soi
Than ôi ! Mây rã, tuyết tiêu, hoa tàn, trăng lặn !!!


 
Thanh thiên nhứt đóa vân

 
Hồng lô nhứt điểm tuyết

 
Thượng uyển nhứt chi hoa

 
Dao trì nhứt phiến nguyệt

Để khóc than, thương tiếc một người đẹp như Hậu phi của vua Nguyên, chánh sứ Việt Nam Mạc Đỉnh Chi nhân có 4 chữ NHỨT đã ứng tác 4 câu thơ ví Hậu phi như một áng mây trên vòm trời xanh, một chấm tuyết giữa lò hồng, một nhành hoa trong vườn thượng uyển, một phiến trăng phản chiếu trên mặt nước ao; vậy mà tất cả những nét đẹp đó đều mất đi, dụng ý muốn nói rằng Hậu phi đã từ trần. Không cần phải có đủ 31 âm như trong thơ Tanka, mà chỉ cần 29 âm, Chánh sứ Mạc Đỉnh Chi đã sáng tác một bài thơ ngắn mà bao hàm đủ ý nghĩa.
Tôi không đặt những câu hỏi, mà chỉ góp ý như trên. Thứ nhứt để đính chánh quan điểm diễn giả cho rằng trong nước Việt Nam không có một áng văn nào đáng kể và đồng thời nhắc nhở ngài Thủy sư Đề đốc khi nhập đề, muốn đưa ra một hình ảnh đối chọi, mà vô tình xúc phạm đến một dân tộc, một nền văn hóa do sự kém hiểu biết của mình. Xin lỗi quý vị trong phòng này vì tôi đã đi lạc đề buổi họp hôm nay”.
Cử tọa vỗ tay hoan nghênh. Bà chủ toạ phiên họp trao lời lại cho vị Thủy sư Đề đốc, ông đứng dậy và nói rằng : “Đến ngày nay tôi chưa bao giờ gặp người đối thoại của tôi, nhưng khi được phê bình cách nhập đề của tôi đã làm tổn thương danh dự một dân tộc, tôi cảm thấy ân hận vô cùng. Tôi thành thật xin lỗi dân tộc Việt Nam, vì nhận xét không đúng về giá trị của Thi ca Việt Nam và xin người đối thoại của tôi hôm nay cũng tha thứ cho tôi”.
Nói xong, ông cúi đầu trước mặt tôi, có vẻ ăn năn hối hận thực sự. Tôi trả lời : “Ngài là một người Pháp, chắc biết rõ câu “Une faute avouée, est à moitié pardonnée” (khi người làm lỗi đã nhận lỗi, thì lỗi đó đã được tha thứ hơn phân nửa rồi). Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giàu lòng tha thứ, nên khi ngài thật tình xin lỗi, thì chắc chắn sẽ tha lỗi cho ngài, tôi cũng là người Việt Nam, nên sẵn sàng bỏ lỗi cho ngài”.
Sau khi buổi họp bế mạc, ông Thuỷ sư Đề đốc và phu nhân đến gặp tôi, bắt tay xin lỗi lần nữa và ngỏ ý muốn mời tôi đến nhà dự bữa cơm để ngài có dịp tiếp cận Thi ca, Âm nhạc Dân tộc Việt Nam. Tôi tươi cười và đáp : “Người Việt chúng tôi không phải khi nào được mời dự tiệc cũng nhận lời cả. Chúng tôi chỉ ngồi ăn chung với một đối tượng mà chúng tôi có cảm tình, thân thiện hay quý mến. Chúng ta chỉ mới gặp nhau chiều nay, trong một hoàn cảnh không có chi vui lắm, ngài và tôi mỗi người đều có nhiều công việc, tôi chưa dám nhận lời đến dự tiệc tại nhà ngài, vì sợ e làm mất thời gian quý báu của ngài và của tôi”. Ông tươi cười nói tiếp : “Như vậy tức là Giáo Sư chưa tha lỗi cho tôi”. Tôi trả lời : “Thưa ngài, có một câu của người Anh có thể dùng diễn tả tâm trạng của tôi một cách ví von hơn tiếng Pháp và tiếng Việt, đó là “I forgive but I cannot yet forget” (Tôi đã tha thứ nhưng tôi chưa thể quên được)”. Chúng tôi chia tay nhau và từ ngày đó đến nay tôi không có dịp gặp lại vị Thuỷ sư Đề đốc đó. Bà chủ nhiệm hội Tanka mời tôi trong hai lần họp sau thuyết trình về “Các loại Thi ca trong văn chương Việt Nam” và “Đại cương Âm nhạc truyền thống Việt Nam”.
Mà như các bạn đã biết, được dịp nói chuyện với bạn bè thế giới về văn hóa và Âm nhạc Việt Nam, làm sao tôi có thể từ chối cho được!

Bình Thạnh, ngày 10-12-2009 
Trần Văn Khê                       

Hình minh họa: Kh.V (nguồn ảnh: Internet)
4 Comments Chronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
   

tonthathoa wrote on Mar 31, '10
Cháu không làm thơ, nhưng đọc câu chuyện này của bác cháu cảm thấy sự tự hào dân tộc trỗi dậy. Cảm ơn bác :-)

mimikhanhvan wrote on Mar 2, '10
Chết con rồi Thầy ơi!!!

Vào đây mê mải trong đây!

Ngẩn ngơ với một áng Mây
Hồng lô điểm Tuyết mơ say bồi hồi
Cành Hoa thắm sắc hương đời
Lung linh bóng Nguyệt giữa trời mênh mang...

Xem qua lòng thấy rộn ràng
Văn chương như thế lại càng mê thôi!
Ôi trời! Trời đất! Trời ơi!
Đọc đi đọc lại chẳng thời chịu ngưng!
Vui như được có... lộc Xuân! (Hihihihihi)

Con - Mây

trantruongca wrote on Mar 1, '10, edited on Mar 1, '10
Lê Ngọc Đình thương quí,
Thầy rất vui khi con đọc bài của Thầy xúc động, mượn thơ của TNHK hiền muội ca ngợi Thầy. Thầy vui vì giới trẻ cảm thông việc làm của Thầy.

Thương chúc con khỏe mạnh và thành công trong mọi việc.
Thầy TVK

sondacuongnhan wrote on Feb 28, '10
"Thương anh mấy cũng chẳng vừa,
Ngợi ca anh mấy cũng chưa hết lời,
Anh làm rạng rỡ giống nòi,
Anh tô điểm rạng khung trời Việt Nam"

Thưa Thầy không còn gì hay hơn mấy câu thơ mà Cô Tôn Nữ Hỷ Khương thay cho triệu tấm lòng tri ân gửi đến Thầy, đọc mà không sao ngăn được dòng cảm xúc, thương quá Thầy ơi !

Dã Hạc Cư tiết Nguyên Tiêu năm Canh Dần
Ngu đồ sơn dã cuồng nhân Lê Ngọc Đình bái bút

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét