Nước Việt Nam
vì hoàn cảnh lịch sử đã bị nước ngoài đô hộ, lại bị mấy chục năm chiến
tranh nên văn hoá Việt Nam bị đẩy lùi vào trong bóng tối do chánh quyền
thuộc địa thống trị hoặc toàn dân bị đổ dồn nghị lực vào cuộc chiến
tranh giành độc lập nên văn hoá không được chú trọng đúng mức. Khi hòa
bình lập lại, dân tộc tự chủ lại đến thời kỳ hội nhập, các nền văn hoá
trên thế giới ồ ạt tràn vào xã hội nên những nét đặc sắc của cha ông
chúng ta truyền lại đã và đang bị mai một. Khi nhắc đến văn hoá, tôi
luôn nghĩ đến văn hoá nếp sống, ẩm thực, thời trang, và nghệ thuật.
Về văn hoá nếp sống, hiện tại chúng ta mất mát quá nhiều. Trong gia đình, ít còn thấy cảnh ông bà, cha mẹ chờ đợi con cái “sớm thăm, tối viếng”, “quạt nồng, ấp lạnh” như khi xưa, không kể đến việc thế hệ trẻ ngày nay cũng quên lần việc “đi thưa, về trình”, “gọi dạ, bảo vâng”, thiếu cả tôn ti trật tự, nhiều khi con cái còn “cãi cha, mắng mẹ”. Đối với thầy không còn nhiều sự “tôn sư, trọng đạo”, lễ phép thông thường như trước .
Đối với láng giềng và mọi người trong xã hội, nếp sống cư xử giữa người với người trở nên lãnh đạm thờ ơ, ít còn thấy “lá lành đùm lá rách”, người người sống theo cách “mặc kệ nó”, sống chết mặc bay. Ra đường, văn hóa đường phố, luật lệ đi đường ít còn được tôn trọng, không nghĩ rằng sự tự do của mình có thể sẽ vi phạm đến tự do người khác. Lòng íck kỷ của con người tăng lên tột độ và người Việt đã đánh mất một nét vô cùng dễ thương từ xưa là nụ cười trên môi!
Về
văn hoá ẩm thực thì ngày xưa, cha ông chúng ta từ bắc chí nam đã tạo ra
những món ăn tuyệt vời vừa phòng bịnh vừa chống bịnh, hạp với quan điểm
vệ sinh; có những cách nấu, cách ăn rất đặc biệt, ăn tổng hợp và toàn
diện bằng cả ngũ quan.
Về
cách nấu thì người Việt ta có rất nhiều kiểu phong phú sáng tạo. Nướng
thì thường nướng bằng than, có khi lại nướng bằng đất sét, lá khô,
rơm... thuần là những thứ có trong thiên nhiên. Còn ngày nay, người ta
nướng bằng lò gaz, lò điện có khi bằng lò vi sóng... rất hại sức khoẻ và
ảnh hưởng môi trường.
Người
Việt xưa cũng có nhiều cách kho như kho bằng nước dừa, kho bằng thắng
nước mầu (đường), còn ngày nay mọi người thường sử dụng bột nêm, hạt nêm
gia vị có mùi hương “kho tiêu”, “kho quẹt”... (có lẽ cũng là dùng hoá
chất) là xong một bữa cơm, sử dụng thường xuyên đều gây hại cho sức
khoẻ.
Thức
ăn ngon thường có năm mầu cơ bản đen, trắng, vàng, xanh, đỏ; có cả năm
vị tương xứng bổ sung cho nhau là ngọt, mặn, chua, cay, đắng (hoặc béo);
lại đầy đủ những tính chất như mềm, dai, giòn và khi ăn có những tiếng
động nho nhỏ phụ kèm làm tăng thêm sự thích thú về thính giác. Cách ăn
rất khoa học, chú trọng đến sự quân bình giữa âm/dương, hàn/nhiệt; rất
dân chủ vì không bắt buộc thực khách ăn những món không thích mà thường
dọn các món ăn trên một mâm cỗ lớn. Ai thích món gì thì tự do gắp lấy,
mang tính chất cộng đồng cao, tuy mỗi người ăn một chén riêng nhưng tô
canh, nồi cơm bao giờ cũng chỉ có một để cho mọi người cùng ngồi một
mâm, có dịp “gặp nhau” trong tô canh, nồi cơm tạo nên một không khí gia
đình vui vẻ, thân mật, đầm ấm.
Trong
những năm gần đây, người ngoại quốc bắt đầu tiếp cận với những món ăn
Việt Nam mà hầu hết đều hoan nghinh hai món nem (chả giò) và phở. Hai
danh từ đó đã được ghi vào tự điển ẩm thực hay sách hướng dẫn du lịch
của rất nhiều nước. Ngoài ra, còn có những kiểu ăn “cuốn” mang đậm phong
cách Việt Nam để rồi các nhà kinh doanh nảy ra ý tưởng về những “nhà hàng cuốn”, “buffet cuốn” vừa phong phú về chủng loại, vừa đa dạng về hình thức.
Trong
văn hoá ẩm thực Việt từ xưa có lẽ cần nói đến “quà vặt” của người Việt.
Đó là “cốm” như cốm vòng miền bắc, cốm nếp miền nam; “xôi” có nhiều
loại như xôi bắp, xôi nếp than, xôi lá cẩm, xôi gấc (nguyên vật liệu tự
nhiên); “mứt” có mứt chùm ruột, mứt me, mứt gừng, mứt bí... Ngoài ra còn
có các loại trái cây phơi khô như chuối khô, hồng khô, vải khô... Ngày
nay, xã hội ít còn thấy những thứ quà vặt trên mà người ta thay thế bằng
những thực phẩm công nghiệp như khoai tây lát chiên giòn, những gói
bánh snack, thức ăn ngũ cốc công nghiệp... và còn nhiều nhiều hơn thế
nữa. Gánh hàng rong không còn kĩu kịt đi qua các con hẻm thành phố với
những lời rao ngọt ngào trong những buổi trưa tĩnh lặng, mà thay vào đó
người thành phồ hối hả tạt vào một siêu thị, một cửa hàng thức ăn nhanh
để mang theo những món thực phẩm công nghệ.
Về
trang phục, giới trẻ thường thích ăn mặc theo Âu Mỹ hoặc theo thời
trang các nước châu Á của các sao, các người mẫu, các tài tử điện ảnh.
Có thể trong công việc hàng ngày, trang phục như vậy sẽ thuận tiện cho
việc di chuyển trong văn phòng nhưng đến ngày lễ lớn, Tết, tiệc tùng
cũng thích thắt cà vạt, mặc áo dạ hội mà ít khi quan tâm đến áo dài,
khăn đóng của cha ông chúng ta khi xưa.
Các
bạn có biết rằng năm 1985 tại Tokyo, diễn ra một cuộc chọn lựa mẫu áo
đẹp nhứt cho phụ nữ châu Á mang tên “Miss Pageant international”, trong
đó phụ nữ châu Á tham dự với quốc phục đặc biệt như áo Sari Ấn Độ,
Kimono Nhựt Bổn, Hanbok Triều Tiên và Áo dài Việt Nam. Ban giám khảo
quốc tế đã chọn Áo dài Việt Nam để trao giải nhứt. Trong hai mươi năm
nay, người Việt hay tổ chức những cuộc biểu diễn thời trang tại nhiều
nước Âu, Á, Mỹ. Có hai nhà thiết kế áo dài Việt Nam là Sĩ Hoàng và Minh
Hạnh được rất nhiều nước mời đến trình diễn các bộ sưu tập và đặt mua
rất nhiều áo dài. Trong những cuộc thi Hoa hậu thế giới những năm gần
đây, thường được tổ chức tại Việt Nam, ngoài cuộc thi áo dạ hội, áo tắm
luôn có một buổi thi áo dài Việt Nam. Hoa hậu các nước trên thế giới đều
thích mặc áo dài Việt Nam, chiếc áo mà nhà thơ Văn Tiến Lê đã ca ngợi:
“Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời, Thân sau vạt trước nên lời nước non”.
Ngoài
ra, tại miền Nam còn có chiếc áo bà ba ngày xưa chỉ may bằng vải trắng,
vải đen, thông dụng khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, áo đã thấm mồ
hôi người nông dân lao động, thấm máu người chiến sĩ ra trận hay máu
quân thù đã làm nên một biểu tượng mà ngày nay người Việt nào cũng tôn
trọng là “áo bà ba, khăn rằn, nón lá”.
Về
văn hoá nghệ thuật, ngoài những bộ môn nghệ thuật đã được UNESCO tôn
vinh là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại như Nhã nhạc
Cung đình Huế, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây nguyên, Dân ca Quan
họ là di sản phi vật thể đại diện nhân loại và nghệ thuật Ca trù là di
sản phi vật thể cần được giúp đỡ khẩn cấp, chánh quyền Việt Nam đã
chuyển hai hồ sơ khác về Lễ hội Thánh Gióng và Hát Xoan đến UNESCO và
chờ đợi quyết định trong năm 2011. Bộ Văn hoá cũng đã có quyết nghị xây
dựng hồ sơ về nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ để chuyển đến UNESCO năm
2012. Còn rất nhiều bộ môn nghệ thuật sân khấu khác đáng gìn giữ và bảo
vệ như Hát Bội (Hát Tuồng), Hát Chèo, Hát Cải Lương, Hát Bài Chòi, nghệ
thuật biểu diễn như các loại hình múa rối, đặc biệt là múa rối nước,
những loại nhạc lễ như dàn ngũ âm miền Nam, bát âm miền Bắc và loại nhạc
tôn giáo như nghệ thuật tán tụng trong Phật giáo, nhạc lễ Cao Đài, nhạc
tín ngưỡng như Chầu Văn miền Bắc, Hầu Văn miền Trung, Rỗi bóng miền
Nam. Tất cả những bộ môn kể trên đều có những nét đặc thù phong phú, đa
dạng, đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam.
Với
kinh nghiệm của một người đã được tiếp cận với truyền thống văn hoá của
nhiều nước, tôi thấy rằng nước Việt Nam có một nền văn hoá đa dạng,
phong phú phản ánh được một chiều dài lịch sử của đất nước và chiều sâu
của nghệ thuật Á Đông.
Chúng
ta nên phát triển nền văn hoá nghệ thuật đặc sắc Việt Nam theo đà tiến
hoá của xã hội bằng cách không phải chỉ bảo tồn vốn cổ mà phải phát huy
cho phù hợp với nếp sống mới mang tính chất hiện đại mà vẫn giữ bản sắc
văn hoá truyền thống. Các thế hệ trước đã sáng tạo, lưu truyền nếp sống,
nền văn hoá Việt qua nhiều đời, chịu thử thách của thời gian mà trường
tồn thì chúng ta ngày nay càng phải biết giữ gìn và chắt lọc những vốn
quý đó để nét văn hoá Việt Nam luôn có một bản sắc riêng so với các dân
tộc khác trên thế giới.
Bình Thạnh, ngày 09/12/2010
GSTS TRẦN VĂN KHÊ
nguyendoan113 wrote on Dec 27, '10
Thưa Giáo sư, em muốn xin đăng bài này của GS trên Chuyên đề của báo Pháp luật Việt Nam, rất mong GD hoan hỉ.
GS hồi âm cho em vào email: phutue@gmail.com, hoặc điện thoại: 0903.483.006. Cảm ơn Giáo sư! |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét