Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

GS Trần Văn Khê: "Tôi không thích ra đi trong đau ốm..."

GS Trần Văn Khê: "Tôi không thích ra đi trong đau ốm..."

Ở tuổi 90, GS Trần Văn Khê phải ngồi xe lăn và sống chung với nhiều căn bệnh… Nhưng thói quen vuốt ve cây đờn, lau chùi dây vẫn được ông duy trì thường xuyên.  

Hơn cả tình bạn, với ông - những cây đờn như những tri kỷ, tri âm.

Yêu đờn như yêu con nhỏ


Tháng 12/2004, sau khi về nước, một lần GS Trần Văn Khê đưa đờn ra gảy và ghi âm lại - như thường lệ. Song, lần này, ông nghe lại mà nước
mắt chảy dài: “Thôi rồi, mình không còn là mình nữa”.

Tai ông nghe không còn tốt. Qua máy trợ thính, nhiều âm thanh nghe không chuẩn. Các khớp ngón tay cứng đơ, chẳng còn nghe theo ông: bắt dây đờn thì bắt trật, có lúc kẹt tay; muốn tay đi mau hay nhấn sâu đều không được…
 
bsjdbw
Làm bạn với đờn từ năm lên 6, đến nay tình thân của ông với đờn đã 84 năm.

Không làm chủ được lỗ tai và hai bàn tay, ông quyết định không đờn cho thính giả nghe nữa. “Điều này làm tôi buồn suốt 6 tháng trời. Dứt buồn, tôi nghĩ, dầu không đờn nữa nhưng vẫn tiếp tục dạy học trò, thỉnh thoảng tự mình đờn cho mình mình nghe” - GS Khê kể lại.

Ở tuổi 90, GS Khê đang đối mặt với không ít bệnh tật: tiểu đường, thấp khớp, gan nhiễm mỡ… Nhưng thói quen vuốt ve đờn, lau chùi dây vẫn được ông duy trì thường xuyên.
Hơn cả tình bạn, với ông - những cây đàn như tri âm, tri kỷ. Năm 1988, ông từ Paris qua Honolulu (Mỹ) dạy học. Để được mang theo cây đờn tranh, ông đã phải mua thêm một vé máy bay cho trẻ em, ghi tên: Trần Cithare (cithare, tiếng Pháp là cây đờn cùng một họ với đờn tranh).

Khi lên máy bay, “em bé đàn” có nhân viên “ẵm” rồi cột dây an toàn. Tới giờ cơm, đàn cũng có phần. “Tôi nghĩ, mang theo đờn cũng như mang theo con nhỏ vậy”, ông nói.    


Làm bạn với đờn từ năm lên 6, đến nay tình thân của ông với đờn đã 84 năm. Tất cả những cây đờn đều được ông yêu thương, trân quý. Ông kể: “Tôi không bao giờ bước ngang qua đờn. Khi đờn xong, tôi xếp đờn trở lại để phía trước rồi cúi đầu chào nó”.


Dịu dàng như người mẹ


Hiện GS Trần Văn Khê đang sống và làm việc tại số nhà 32, đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Những người thân của GS đều định cư ở nước ngoài. Bên ông là những người trợ lý tận tụy…
 
Chị Nguyễn Thị Na, 41 tuổi, người chăm sóc GS 5 năm nay, nhận xét: “Thầy nghiêm khắc như người cha, độ lượng như người ông và dịu dàng như một người mẹ”.

“Những hôm tôi nấu ăn dở, thầy chỉ ăn ít hơn chứ không bao giờ chê. Những lúc tôi buồn nhớ
gia đình, dù cố giấu nhưng bao giờ thầy cũng nhận ra và động viên ân cần”, chị Na kể.

Năm 2008, chị Na được một người đàn ông góa hỏi làm vợ. Trong lúc đang phân vân, chị nhận được lời khuyên của thầy: “Con nên suy nghĩ thấu đáo”. Đồng thời, thầy cũng đã chuẩn bị sẵn của hồi môn cho chị.  


Cân nhắc kỹ, chị đã quyết định không nhắm mắt đưa chân!
 
hegfw
Mồ côi từ nhỏ, lại là con cả nên ông sớm trở thành điểm tựa cho hai em, ngay cả khi các em đã trưởng thành.

GS kể, do mồ côi từ nhỏ, lại là con cả nên ông sớm trở thành điểm tựa cho hai em. Hồi nhỏ, mỗi khi em trai Trần Văn Trạch buồn, ông không bao giờ nói em: “Đừng buồn nữa” mà nhẹ nhàng ôm em vào lòng, vuốt tóc em, hát cho em nghe những bài em thích hay tập cho em bài mới.

Sau này, khi cả hai anh em đều đã hai thứ tóc, mỗi khi gặp chuyện không vui, ông Trạch vẫn tìm đến ông “để được anh Hai đờn vọng cổ cho em ca, để em còn biết em là ai”.


Em gái Trần Ngọc Sương luôn coi ông như một người mẹ. Bước vào tuổi cập kê, cô Sương thường tìm ông
chia sẻ tâm tư. Cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm bền bỉ của anh trai nên khi gặp gỡ người con trai nào hơi lơ là, thiếu nhạy cảm, cô lại buồn.

Có lần, cô nói về một người bạn trai: “Người ấy giọng the thé, không phải giọng trầm giống anh Hai”. Ông bảo: “Em đừng nghĩ rằng, trên đời này có hai người giống nhau hoàn toàn. Em phải làm sao thích nghi với hoàn cảnh chớ không để hoàn cảnh thích nghi với mình”. 


Nhiều năm, ông đều nhận được lễ tạ ơn của em gái trong Ngày của mẹ. Bà Ngọc Sương kể, bà chưa bao giờ phải nhỏ nước mắt của thân phận mồ côi bởi đã có anh Hai là mẹ hiền.   


Muốn nói về âm nhạc, ngay trong phút cuối cùng…

Tháng 4/2009, căn bệnh thần kinh tọa tái phát khiến ông phải nằm liệt giường.


Thời gian đó, một vài người bạn thân quen của ông lần lượt về cõi vĩnh hằng. Tinh thần ông vốn không yên lại càng bất an. Đã có lúc ông muốn buông xuôi sức khỏe, không điều trị, không uống thuốc nữa…


Rất may, sau một tháng rưỡi nằm liệt, ông đã gặp được một y sĩ Đông y giỏi. Sau 3 tuần điều trị, ông đã có thể ngồi, đứng lên và đi được - dù khó nhọc.
 
Ở tuổi 90,
GS Trần Văn Khê trong một buổi nói chuyện.

Ở tuổi 90, dù phải ngồi xe lăn nhưng công việc của ông vẫn luôn bận rộn mỗi ngày: thu băng, đọc sách, tham gia các hội nghị, hội thảo… Với ông, công việc luôn mang lại những niềm vui bất tận.

“Ước nguyện hiện tại của tôi là có thể say sưa nói về âm nhạc, trong cả những phút cuối cùng được sống. Có những sự ra đi rất đẹp, như nhà thơ Đông Hồ ra đi khi đang đứng trên bục giảng, hay như nhà soạn kịch Pháp Molière chết khi đang đóng kịch. Tôi không thích ra đi trong đau ốm, làm khổ người này, người khác…”, ông sẻ chia tâm nguyện.


Phan Tú
(Theo bee.net.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét