Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Nhạc khí phương tây thêm màu sắc mới cho dàn nhạc dân tộc

Nhạc khí phương tây thêm màu sắc mới cho dàn nhạc dân tộc

Âm nhạc cổ truyền là một trong những vốn quý ông cha để lại cho thế hệ sau giữ gìn và phát huy. Trên hành trình bảo tồn văn hóa cổ, người nghệ sĩ Việt Nam đã tiếp thu và sáng tạo không ngừng để âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng trẻ cả trong lẫn ngoài nước.
 
Trong đó, chúng ta học tập những nét mới lạ của bạn bè quốc tế để làm phong phú thêm nền âm nhạc truyền thống. Buổi sinh hoạt nghệ thuật mang chủ đề “Nhạc khí phương Tây trong đờn ca tài tử: Làm giàu cho vốn cổ” do GS.TS Trần Văn Khê tổ chức tại tư gia vào tối 25-9 cho thấy sự kết hợp hài hòa, khéo léo giữa nhạc cụ dân tộc và các nhạc cụ nước ngoài.

Làm giàu cho vốn cổ



Nghệ sĩ Hà Thu trình bày bản vọng cổ “Tấm lụa đào”

Một số nhạc sĩ không đồng ý sử dụng các nhạc khí Tây phương trong dàn nhạc cổ truyền vì cho rằng như thế là lai căng, sính ngoại. Tuy nhiên, nhiều nhà dân tộc học về âm nhạc trên thế giới đều tán thành và đã chứng minh rằng những nhạc khí nước ngoài vẫn có thể biểu diễn trung thực tiếng nói âm nhạc của nước họ, làm phong phú thêm nét nhạc truyền thống, qua đó giữ gìn và làm giàu cho vốn cổ.

Trường hợp này khá đúng với đờn ca tài tử ở nước ta, đặc biệt là trong dàn nhạc cải lương của Nam bộ vì từ lâu các nghệ sĩ đã dùng một số nhạc khí phương Tây để biểu diễn, chẳng hạn đàn violon, guitar, mandoline và guitar Hawaii.

Những nhạc khí ấy đã được chỉnh sửa về cách lên dây, cầm cung, khoét phím… cho thích hợp với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Người nhạc công có thể dùng những thủ pháp đặc thù như rung, nhấn, mổ để thể hiện các làn hơi Bắc, hơi Xuân, hơi Nam, hơi Oán của âm nhạc tài tử bằng các nhạc cụ nước ngoài này.



GS.TS Trần Văn Khê luôn hào hứng khi nói về âm nhạc dân tộc

GS.TS Trần Văn Khê đã kể lại sự du nhập của các nhạc khí phương Tây và hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ Việt Nam qua từng thế hệ để làm giàu thêm cho vốn văn hóa của ông cha. Điển hình như đàn violon đã xuất hiện vào năm 1927 tại nước ta khi nhạc sĩ Jean Tịnh sử dụng nhạc cụ này trong bản Dạ cổ hoài lang phát trên Đài phát thanh Pháp Á.

Từ đó, ở một số địa phương, vài nhạc công bắt đầu dùng violon, cello trong dàn nhạc đờn ca tài tử, có người còn đặt vĩ cầm trên đầu gối như cách sử dụng đàn cò. Violon được sử dụng khéo léo bằng cách lên dây, cầm cung khác với phong cách phương Tây và có kỹ thuật kéo cung, rung cung, vuốt dây khá gần với đàn cò hay đàn gáo.

Ngoài ra, đàn guitar phím lõm, guitar Hawaii hay mandoline cũng đều được thay đổi một số cách lên dây để phù hợp với những bản vọng cổ và tạo ra những nốt nhạc trầm bổng, da diết trong dàn nhạc đờn ca tài tử.

Tuy nhiên, các nhạc khí Tây phương ấy dù mang lại thêm màu sắc đa dạng cho cải lương, hát bội nhưng cũng chỉ nên sử dụng có mức độ. Đặc biệt là trong dàn nhạc lễ không nên sử dụng guitar hay violon để thay thế cho đàn cò và kèn vì sự hiện diện của nhạc cụ nước ngoài sẽ làm mất đi vẻ cổ kính, trang trọng của cuộc tế lễ theo phong cách truyền thống.

Sự sáng tạo đáng tự hào của âm nhạc dân tộc



Đàn guitar Hawaii và đàn kìm (đàn nguyệt) cùng hòa tấu

Tại buổi sinh hoạt, sau phần giới thiệu và diễn giải của giáo sư, các nghệ sĩ đã dùng guitar, violon, guitar Hawaii minh họa bằng những làn điệu vọng cổ rất ngọt ngào. Nếu chỉ nghe những giai điệu lúc ấy mà không tận mắt nhìn thấy trên sân khấu chỉ toàn nhạc khí phương Tây, hẳn nhiều người nghĩ đó là một bản nhạc được chơi bài bản bằng một dàn nhạc đờn ca tài tử chính thống.

Quả thật, tiếng đàn violon trong bản vọng cổ nghe đầy nỉ non, da diết với những thanh âm chậm rãi, cao vút, còn guitar Hawaii thì cất giai điệu trầm buồn, não nuột như một lời tâm sự. Giọng hát của nghệ sĩ Hà Thu khi trình bày những câu vọng cổ rất hài hòa với dàn nhạc càng cho thấy nhạc khí phương Tây đã được đặt vào dàn nhạc đờn ca tài tử của dân tộc đúng chỗ, không chút gượng ép, khập khiễng.

Nhiều khán giả đã vỗ tay thán phục khi được chứng kiến sự giao thoa văn hóa độc đáo này. Trong buổi sinh hoạt hôm ấy còn có ông Lê Thành ân - Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM cùng phu nhân - những người Việt xa quê đã lâu năm. Họ đều trải lòng chia sẻ những cảm xúc khi được nghe lại những giai điệu quê hương và càng hiểu sâu sắc hơn về âm nhạc dân tộc qua lời giảng giải của GS.TS Trần Văn Khê. Sự kết hợp tài tình giữa nhạc khí Tây phương trong dàn nhạc đờn ca tài tử giúp ông bà cùng nhiều khán giả thêm tự hào về truyền thống giữ gìn và sáng tạo bản sắc lâu đời của người Việt Nam.



Ông Lê Thành Ân, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM và phu nhân phát biểu cảm nghĩ

GS.TS Trần Văn Khê đã khép lại buổi sinh hoạt nghệ thuật bằng màn hát nói của chính ông, được khán giả hoan nghênh nồng nhiệt. Nhiều bạn trẻ không giấu niềm cảm phục khi chứng kiến giáo sư như trẻ hẳn lại mỗi lần ông lắc lư theo điệu nhạc hay tấm tắc trước một làn điệu hay.

Ông Bửu Hoàn, Giám đốc Công ty Toyota Biên Hòa - nhà tài trợ thường xuyên cho các chương trình sinh hoạt nghệ thuật định kỳ tại tư gia của giáo sư cho biết: “Mong giáo sư sẽ như một con tằm nhả tơ để một ngày nào đó âm nhạc Việt Nam sẽ trở thành một tấm vải thật đẹp được tiếp sức dệt nên bởi thế hệ trẻ Việt Nam”.

ANH KHANG

(Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét