GS Trần Văn Khê: Người Việt tinh tế trong cách ăn uống
Tối 22-7, giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu văn hóa - âm nhạc cổ truyền, đã có một buổi thuyết trình về văn hóa ẩm thực Việt Nam trước đông đảo cử tọa tại sân khấu trung tâm lễ hội Văn hóa ẩm thực thế giới. Nhân dịp này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có một cuộc trò chuyện ngắn cùng giáo sư.
- TBKTSG Online:
Theo giáo sư, qua lễ hội văn hóa ẩm thực thế giới lần này, Việt Nam
giới thiệu được gì về văn hóa ẩm thực của mình với bạn bè quốc tế?
- Giáo sư Trần Văn Khê: Ẩm
thực Việt Nam trước đây được biết đến nhờ món phở hay nem (còn gọi là
chả giò) thì qua lễ hội này, bạn bè quốc tế còn biết thêm nhiều món
ngon khác của Việt Nam như các món cuốn hay các món bún rất đa dạng.
Tôi
đã đi qua hơn 60 quốc gia và thấy mỗi nước có hương vị ẩm thực riêng.
Việt Nam nên tự hào về sự đa dạng trong cách pha nước chấm ăn kèm với
từng món ăn, ví dụ như nước mắm ăn canh chua, nước mắm ăn với bánh bèo,
bánh nậm, bánh xèo, bánh khoái… là những loại nước chấm được chế biến
khác nhau.
Bên cạnh đó, cách ăn ớt của Việt Nam cũng rất đa dạng như ớt cắn, ớt dầm, ớt xắt, ớt bầm, tương ớt… tùy thuộc vào từng món ăn.
Lễ
hội văn hóa ẩm thực quốc tế quy tụ nhiều quốc gia trên thế giới là một
cơ hội tốt để người Việt Nam có thể tự hào và giới thiệu đến bạn bè
nước ngoài không những ẩm thực đất nước mình mà còn có cả nghệ thuật âm
nhạc truyền thống nữa.
- TBKTSG Online: Thưa giáo sư, Việt Nam cần làm gì để quảng bá sâu rộng hơn nữa ẩm thực của đất nước mình trên trường quốc tế?
- Trước hết phải nói đến sự phong phú của người Việt cả trong cách uống trà, uống rượu.
Tuy
chúng ta trồng được nhiều loại trà ngon như trà Bảo Lộc, trà Thái
Nguyên… nhưng chúng ta chưa biết cách làm bao bì cho bắt mắt, chưa biết
cách tiếp thị các sản phẩm của mình vươn ra thế giới. Hiện nay, chúng
ta chỉ mới căn bản giới thiệu sản phẩm của mình một cách sơ bộ. Vì vậy
ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải học cách quảng bá của các quốc gia
khác, nghiên cứu sâu sắc cách trồng trọt khoa học hợp vệ sinh, song
song với nâng cao hình thức lẫn chất lượng sản phẩm.
Cùng
với các sản phẩm đặc trưng của mình, điều quan trọng hơn cả là người
Việt cũng cần học thêm nếp sống từ việc đi đường, cho đến cách tham dự
vào các buổi hòa nhạc, kịch nghệ, vào nhà ăn hay hội thảo, cách ngồi ăn
chung và tôn trọng tự do của người xung quanh chứ không chỉ nghĩ đến
tự do cá nhân mình.
Chúng ta có cách nấu
ăn ngon nhưng cách trình bày và dọn bàn ăn chưa thật tinh tế. Vì thế,
người Việt cần phải tiếp thu những cái hay của nước khác để khắc phục
những điều chưa hay, còn thiếu sót và để biến cái bình thường trở nên
tốt hơn. Song, cũng cần phải giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc.
- TBKTSG Online:
Nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả và giới trẻ thường tìm đến thức ăn
nhanh, thức ăn được chế biến sẵn. Liệu điều này có làm mất đi những
tinh túy trong cách chế biến món ăn truyền thống của Việt Nam không,
thưa giáo sư?
- Thức ăn nhanh hay được
chế biến sẵn chỉ phục vụ những người đi làm có thời gian eo hẹp mà
không dành cho những ai thích thưởng thức món ăn ngon. Xã hội phát
triển nhưng người làm kinh tế cần phải dung hòa giữa kinh tế và văn
hóa, dù kinh tế là trọng tâm của một quốc gia. Song, cũng cần phải thay
đổi tư duy, tuy kinh tế làm cho xã hội phồn thịnh, mạnh mẽ nhưng không
làm cho bạn bè quốc tế nhớ đến hình ảnh Việt Nam bởi từ lâu người ta
biết đến Việt Nam qua những món ăn ngon hay những điệu nhạc hay, những
điệu múa đẹp…
- TBKTSG Online: Xin giáo sư nhận xét ngắn gọn về phong cách ăn uống của người Việt Nam.
-
Cách ăn uống của người Việt Nam hòa hợp với âm và dương. Danh y Hải
Thượng Lãn Ông đã phân tích hơn 200 loại rau mang tính âm, dương ra sao
và ăn với gì thì phù hợp. Điều này cũng được người xưa truyền lại, như
khi bị cảm mưa, cảm sương, trong người có khí âm nhiều nên ăn cháo
gừng để giải cảm vì trong gừng có chứa nguyên tố dương; trong khi cảm
nắng, khí dương trong người nhiều thì nên ăn cháo hành, vì hành sẽ cân
bằng âm dương.
Ngoài ra, từ lâu ông cha ta có câu “Mùa hè ăn cá sông, mùa đông ăn cá biển”
vì mùa hè khí dương nhiều, thịt con cá nước ngọt mang tính âm, trong
khi mùa đông khí âm nhiều, ăn cá biển để âm dương hòa hợp. Người Việt
Nam ta không giống như người ngoại quốc là ăn chỉ để thưởng thức mà còn
ăn để trị bệnh nữa.
- Xin cảm ơn giáo sư.
(Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét