Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

GS-TS Trần Văn Khê: “Tôi viết tự truyện dành cho tất cả mọi người…”

Sau bộ Hồi ký Trần Văn Khê được độc giả đón nhận nồng nhiệt, tái bản khá nhiều lần, GS-TS Trần Văn Khê vừa ra mắt tiếp tự truyện Trần Văn Khê - Những câu chuyện từ trái tim ký giã Đào Trung Uyên chấp bút, Công ty Sách First News và NXB Trẻ ấn hành). Nhân buổi ra mắt tác phẩm tại nhà riêng, giáo sư đã dành cho Giáo Dục TP.HCM một cuộc trò chuyện xoay quanh quyển tự truyện này.

PV: Xin chúc mừng giáo sư với tác phẩm rất xúc động. Được biết, đây cũng là món quà mà những người thực hiện muốn dành tặng nhân dịp mừng sinh nhật thượng thọ lần thứ 90 của giáo sư (24-7) sắp tới?

Vâng! Tôi rất vui với món quà thật sự ý nghĩa này. Mặc dầù hiện tại, sức khỏe tôi không được tốt lắm nhưng có thêm được nhiều niềm vui lớn như thế, tôi sẽ sống lâu hơn nữa (cười). Thật ra, tôi đã từng có ý định viết tự truyện song song với việc thực hiện bộ hồi ký nhưng điều kiện sức khỏe không cho phép. May mắn, tôi được sự “tiếp sức” của cây bút trẻ Đào Trung Uyên. Tôi hài lòng về cách chấp bút của Trung Uyên trong quyển tự truyện này vì giữ đúng văn phong và cách suy nghĩ của tôi. Ngay từ đầu, tôi đã thỏa thuận, tôi viết tự truyện nhưng không dành cho riêng bản thân tôi mà dành cho tất cả mọi người…

“Mọi người” ở đây có phải là những độc giả trẻ mà trong phần thay lời tựa của tự truyện giáo sư đã bày tỏ?

Đúng vậy, trong phần thay lời tựa, tôi đã viết: “Các câu chuyện ghi lại trong quyển sách này chỉ để minh họa những lời tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ, giúp các bạn có thể tìm được và nhận thức rõ hạnh phúc trong cuộc sống qua những kinh nghiệm của bản thân. Tôi tin rằng ai cũng có thể thành công nếu có ý chí. Quan trọng nhất là phải biết làm chủ con tim, biết yêu thương nồng nàn mà không bi lụy; biết bỏ cái bản ngã ích kỷ để nghĩ tới việc cho, giúp đỡ người khác; biết chế ngự hỷ, nộ, ái, ố để tìm được thanh thản cho tâm hồn”. Thông qua các bài đối thoại chân tình này, tôi mong thế hệ trẻ phải xác định được mục tiêu, ước mơ thật đẹp rồi thực hiện nó bằng chính khả năng của mình. Tâm nguyện của tôi đề xuất với đơn vị phát hành là lợi nhuận từ quyển sách sẽ được trích ra để trao 10 suất học bổng cho các sinh viên xuất sắc của Khoa Âm nhạc dân tộc thuộc Nhạc viện TP.HCM để khuyến khích các em đang đi trên con đường bảo tồn vốn quý của dân tộc.

Trong bài viết Vượt khỏi bóng mây buồn tuổi thơ mồ côi, giáo sư đã đưa ra một thông điệp rất sâu sắc?

Theo triết học Phật giáo thì không ai chọn cửa mà sanh và cũng không ai trong đời chưa từng ít nhiều trải qua sóng gió. Khi cuộc sống đẩy bạn vào nghịch cảnh, cũng rất có thể đang trao cho bạn một cơ hội để bạn vững vàng hơn trong dòng đời. Bản thân tôi mồ côi mẹ năm 9 tuổi và mất cha năm 10 tuổi nên tôi đã sớm biết biến hoàn cảnh của mình thành “cơ hội đáng quý” nhằm tôi luyện bản thân để có được những thành quả ngày hôm nay.Các bài viết Những bài ca cho bệnh tật, Yêu chiếc áo dài để thêm hiểu mình là ai, Tự lực cánh sinh, Làm chủ bản thân, Tùy cơ ứng biến, Yêu đờn như yêu người, Việt Nam luôn trong tôi… cũng rất cần thiết cho các bạn trẻ…

Và một điều không thể không nhắc đến đó chính là những tâm tình của giáo sư với bạn trẻ về bước đường tự học suốt đời của mình?

Trong tự truyện, tôi đã hướng các bạn trẻ xác định được mục tiêu và phương pháp của việc học, ý thức được vai trò của sự học sẽ dẫn dắt các bạn đến những thành công theo đúng khả năng mà họ có. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn trẻ cách ghi nhớ các sự kiện lịch sử Việt Nam cũng như thế giới; việc đọc sách có hệ thống, có phương pháp, học ngoại ngữ gắn liền với thực hành… một cách dễ hiểu nhất.

Điều giáo sư ưu tư nhất hiện nay là gì?

Đó là việc giữ gìn nền âm nhạc truyền thống cũng như bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, tôi quyết định trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam đồng thời hiến tặng cho nhưng nhà nghiên cứu âm nhạc và các bạn trẻ 420 kiện hiện vật , trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc., dưới sự quản lý của Sở Văn hóa Thông tinthành phố, hiện đang lưu trử tại căn nhà tôi đang ở và sau nầy sẽ lả "nhà lưu niệm Trần Văn Khê".

Xin cảm ơn giáo sư rất nhiều về cuộc trò chuyện này.

Minh Tuyền (thực hiện)/Theo GD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét