Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

GSTS Trần Văn Khê tâm tư chuyện vinh danh di sản

GSTS Trần Văn Khê tâm tư chuyện vinh danh di sản

 

Nhân việc bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa chính thức giao trách nhiệm cho Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch 21 tỉnh thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật Đờn ca tài tử" trình UNESCO xét duyệt ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. GSTS Trần Văn Khê đã gửi tới Tuần Việt Nam một bài viết chia sẻ một vài tâm tư. Chúng tôi xin đăng tải để bạn đọc cùng suy ngẫm. 
Từ nhiều năm qua, tôi may mắn có cơ hội hiệp sức với chuyên gia người Nhật Noriko Aikawa điều chỉnh và bổ sung hồ sơ về Âm nhạc cung đình Huế, lại vinh dự được mời làm cố vấn đặc biệt xây dựng hồ sơ Ca Trù, đồng thời đảm nhận trọng trách đánh giá hồ sơ Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây nguyên cho UNESCO.

Nhờ sự ủng hộ từ chính quyền trung ương đến địa phương, sự góp sức của các chuyên gia, nghệ nhân, các cơ quan hội đoàn, các viện nghiên cứu cùng nhau nỗ lực hoàn chỉnh hồ sơ một cách đầy đủ, khoa học để gửi đến UNESCO xét duyệt, cuối cùng hồ sơ về Nhã nhạc Cung đình Huế và Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên lần lượt được vinh danh Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Còn hồ sơ về Ca trù được vinh danh là Di sản truyền khẩu và phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Vốn sinh trưởng trong một gia đình bốn đời có truyền thống về Đờn ca tài tử, nên từ lâu tôi cũng ước mong bộ môn này được thế giới biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm nhiều năm làm việc mật thiết cùng các cơ quan UNESCO, đặc biệt là hơn 30 năm gắn bó với Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của tổ chức này, tôi nắm rõ những tiêu chí của UNESCO đặt ra.

Trước đây, một bộ môn nghệ thuật muốn được UNESCO tôn vinh là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại thì hai yếu tố cơ bản phải có là bề dày của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật.
Trong khi đó Đờn ca tài tử tuy được cho rằng đã ra đời khoảng thế kỷ 19, nhưng trên thực tế chúng ta chưa có nhiều sử liệu hay hiện vật chứng minh một cách chính xác và cụ thể. Đó là chưa kể một yếu tố khác là "có nguy cơ bị chìm trong lãng quên" thì nghệ thuật Đờn ca tài tử vẫn được quần chúng ưa thích, nhiều địa phương trên cả nước đều có thành lập các câu lạc bộ, cũng như các liên hoan Ca nhạc tài tử vẫn được tổ chức khá thường xuyên.


GS.TS Trần Văn Khê hòa đờn cùng nghệ sĩ Hải Phượng nhân dịp ông ra mắt tự truyện Những câu chuyện trái tim tại tư gia ngày 13/7. Ảnh: Kiến Quân


Từ hai năm trở lại đây, khi UNESCO áp dụng một số điều chỉnh cho Công ước Di sản Phi vật thể thì sự tôn vinh ít khó khăn hơn trước. UNESCO cũng đã bỏ cụm từ "kiệt tác" mà chỉ để "Di sản văn hoá phi vật thể", không phải "của nhân loại" mà là "đại diện nhân loại". Do vậy, nay thì chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một hồ sơ về Đờn Ca tài tử để giới thiệu cho UNESCO. 
Vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chính thức giao trách nhiệm cho Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch 21 tỉnh thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật Đờn ca tài tử" trình UNESCO xét duyệt ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Về việc này, riêng cá nhân tôi có một vài suy nghĩ như sau:

- Chúng ta cần có thái độ cởi mở, phóng khoáng hơn, không bám chặt vào Đờn ca tài tử mà loại ra ngoài tất cả các bộ môn khác, như Cải lương chẳng hạn, bởi nên nhớ rằng Đờn ca tài tử và Cải lương có liên quan mật thiết với nhau. Cần xem xét, nghiên cứu Đờn ca tài tử dưới góc độ dân tộc nhạc học, xã hội học và lịch sử nhạc học, nghĩa là dài trong thời gian và rộng trong không gian.

Trong tinh thần đó, hồ sơ trình cho UNESCO sẽ có chất lượng cao hơn nếu chúng ta mở rộng đề tài là "Không gian nghệ thuật Nam Bộ" trong đó Đờn ca tài tử là một bộ môn được đông đảo quần chúng biểu diễn, nhưng còn bao gồm cả Cải lương, Nhạc lễ (xuất xứ từ Nhạc lễ cung đình giản dị hóa thành dàn nhạc ngũ âm), hát ru, các điệu hò, điệu lý, rỗi bóng, nhất là cách nói vè đặc biệt của miền Nam, có thêm bộ môn kịch nghệ người Hoa như hát Quảng - hát Tiều, có cả nghệ thuật dân tộc Khmer ở Sóc Trăng, dân tộc Chăm các vùng An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai và cả những trò chơi dân gian phong phú.

Tất cả đều là di sản quý giá của cha ông chúng ta để lại từ thời kỳ đầu khai hoang lập nghiệp ở miền Nam, như vậy hồ sơ này vừa có bề dày của lịch sử vừa có chiều sâu của nghệ thuật.

Ngoài ra, từ lâu tôi đã ấp ủ mong ước được tiếp tay với các cấp hữu quan tiến hành một đề tài nghiên cứu sâu rộng về "Không gian văn hóa Nam bộ", hay là "Không gian văn hoá đờn ca tài tử Nam bộ" nghĩa là ngoài các bộ môn nghệ thuật trên đây, còn có thêm văn hóa ẩm thực và trang phục.

Ẩm thực miền Nam rất độc đáo với các tính cách đặc thù như: hoang dã (ăn đủ loại thịt đồng lẫn thịt rừng như chuột, rùa, rắn, đuông, châu chấu...), sáng tạo (như kho tộ, kho mẵn, chiên cháy vẩy, chiên xù, nướng đất sét, bao rơm, nướng lu), phong phú (do môi trường lắm tôm cá nên nơi đây có rất nhiều loại mắm: mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá linh, mắm tôm chua, mắm còng, mắm ba khía, mắm ruốc, mắm nêm...). Cách chế biến cũng rất đặc sắc (mắm sống, mắm kho, mắm chưng, lẩu mắm, bún mắm...).


Nếu nhân dịp này chúng ta tiến hành hệ thống hoá lại tất cả các giá trị trong một đề tài "Không gian văn hóa Nam bộ" thì hồ sơ này sẽ đầy đủ, phong phú, đa dạng với rất nhiều rất nhiều yếu tố mang tính chất đặc thù, hy vọng UNESCO sẽ dễ dàng chấp nhận tôn vinh cả không gian văn hóa đó hơn là đề tài "Nghệ thuật Đờn ca tài tử".
 
Từ các nguồn nguyên liệu thuỷ sản dồi dào kết hợp với rất nhiều loại rau trái sẵn có, người Nam Bộ đã sử dụng các kỹ thuật nấu nướng đa dạng như nướng, hấp, chưng, luộc, kho, xào, khô, mắm... để chế biến ra các loại món ăn khác nhau với những hương vị quyến rũ. Chưa kể người Nam bộ chấp nhận món ăn của người nước ngoài và sửa đổi cho phù hợp khẩu vị của mình như chế biến cà-ri Ấn Độ, bò bít-tết phương Tây thành món ăn thuần Việt. 

Về trang phục thì có áo bà ba với chiếc khăn rằn dùng cho cả nam lẫn nữ. Áo bà ba gọn nhẹ rất tiện dụng cho môi trường sông nước trong khi chèo ghe, bơi xuồng, lội đồng, tát mương... Khăn rằn được dùng như chiếc nón để che nắng lại sử dụng như khăn để lau mồ hôi và khi cần có thể quấn ngang người để thay quần.
Vì vậy, nếu nhân dịp này chúng ta tiến hành hệ thống hoá lại tất cả các giá trị nói trên trong một đề tài "Không gian văn hóa Nam bộ" thì hồ sơ này sẽ đầy đủ, phong phú, đa dạng với rất nhiều rất nhiều yếu tố mang tính chất đặc thù, hy vọng UNESCO sẽ dễ dàng chấp nhận tôn vinh cả không gian văn hóa đó hơn là đề tài "Nghệ thuật Đờn ca tài tử".

Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi để Hồ sơ khi được thành lập chắc chắn sẽ được UNESCO tôn vinh. Nhưng về việc thực hiện sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, ngân quĩ, nhân sự... Rất mong các giới hữu trách quan tâm nghiên cứu về đề nghị này để tìm một đề tài rộng hơn là "Nghệ thuật Đờn ca tài tử".

(Bài viết của GS Trần Văn Khê trên TuanVietnam thứ hai - ngày 27/09/2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét