Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ TRONG KHÔNG GIAN VĂN HOÁ NAM BỘ

NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ
TRONG KHÔNG GIAN VĂN HOÁ NAM BỘ
(Bài tóm tắt họp báo 04-01-2011)
Đờn ca tài tử là một sinh hoạt văn nghệ thuộc loại thính phòng (một nghệ thuật do một nhóm nhỏ nghệ sĩ biểu diễn cho một nhóm nhỏ thính giả, không gian ấm cúng của một căn phòng trong tư gia, chớ không phải trong một hội trường lớn, hay trên một sân khấu hoành tráng cho đông đảo thính giả).
Trong buổi họp báo này tôi muốn nêu lên một vài vấn đề quan trọng :
1. Về danh từ đờn ca tài tử
Phần đông khi nhắc đến đờn Tài tử thì cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc chuyên nghiệp mà mang tính cách giản dị của dân gian hay “a ma tơ (theo chữ Pháp “amateur của những người nghiệp dư. Thực ra “Tài tử” có nghĩa là người có tài (dập dìu tài tử giai nhân … Tài tử giai nhân tế ngộ nan). Người đàn Tài tử không dùng nhạc Tài tử làm kế sinh nhai. Khi nào thích đàn thì họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đàn chơi, ai biết đàn ca cũng có thể tham gia được. Dầu vậy mà trình độ nghệ thuật của đàn Tài tử không thấp. Ngược lại, họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và tạo cho mình một phong cách riêng. Muốn trở thành người đàn Tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian tập luyện khá công phu.
2. Sự thành hình nghệ thuật đờn ca tài tử
Đến cuối thế kỷ 19, khi có phong trào Cần Vương, một số nghệ nhân, nghệ sĩ vào Nam lập nghiệp, đem theo truyền thống đờn ca Huế như các cụ : Nguyễn Liêng Phong, Nguyễn Tòng Bá, thường gọi là ông Tư Bá dạy đờn nguyệt (trong Nam gọi là đờn kìm), đờn tranh ; ông Phạm Đăng Đàn, cư ngụ tại Vĩnh Long chuyên dạy đờn độc huyền (đờn bầu) ; cụ Trần Quang Thọ (nhạc công cung đình Huế, ông cố nội của tôi) dạy đờn tỳ bà.
Trong Nam có rất nhiều người học, không những người giai cấp thượng lưu, thầy thông, thầy ký thích học và tấu đờn ca tài tử, mà những ngưởi nông dân chân lấm tay bùn sau những ngày lao động ngoài đồng áng, hay người chèo thuyền trên sông, những chuyến đò ngang, đò dọc, đều thích học và biểu diễn đờn kìm, đờn cò hay thổi sáo trúc. Tất cả những người học luyện đờn ca không phải để mưu sống mà để thoả thích nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, mình đờn cho mình nghe, cho bạn bè, người thân, kẻ thích nghe, không lấy tiếng đờn làm kế sanh nhai, nên cách đờn đó được mang danh là “đờn ca tài tử”. Vì vậy nên có thể nói đờn ca tài tử hình thành từ “ca Huế” một loại nhạc truyền thống nghệ thuật” có thể nói là “bác học” lại mang nặng tính các “truyền thống dân gian”.
3. Những nhạc khí dùng trong truyền thống đờn ca tài tử
Trước kia ở miền Trung thuộc loại “ngũ tuyệt”, gồm có 1 cây đờn kìm (đàn nguyệt), 1 cây đờn tranh, 1 cây đờn tỳ bà  1 cây đờn tam hoặc cây đờn độc huyền, 1 cây đờn cò (đàn nhị)
Theo truyền thống đờn ca tài tử, ít khi nhạc công độc tấu mà thường thì song tấu, tam tấu (kìm, tranh, cò). Đôi khi có ống sáo ngang hay ống tiêu thổi dọc. Từ khoảng năm 1930 có thêm những cây đờn phương Tây, như violon, mandoline khoét phím, ghi-ta măng-đô, ghi-ta Hạ-uy-di, ghi-ta Tây Ban Nha được nhạc công Việt sửa lại bằng cách khoét sâu khoảng giữa hai phím đờn ghi-ta và gọi là “ghi ta pím lõm”, những nhạc khí nầy, nói rất “trung thực, chính xác” ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Khác với truyền thống ca nhạc thính phòng, ca trù miền Bắc, ca Huế miền Trung trong đó tiếng ca quan trọng hơn tiếng đờn. Trong đờn ca tài tử dàn đờn quan trọng hơn tiếng ca.
4. Một buổi đờn ca tài tử
Những bạn đồng điệu, thường gặp nhau và cùng hoà đờn ca tài tử. Ngày xưa,  bắt đầu, bằng những bản đờn, bài ca điệu Bắc, hơi Bắc, (thường là bài Lưu thủy trường, Phú lục chấn, hay ba bài Bắc ngắn: Lưu Thủy đoản, Bình bán vắn, Kim Tiền) chuyển sang hơi Quảng (Khốc hoàng thiên, Xang xự líu, Sương chiều, hay đờn Tây Thi Quảng) hơi Nhạc, hơi Hạ (Ngũ đối Hạ, Xàng Xê), rồi chuyển qua điệu Nam, hơi Xuân, hơi Ai qua Đảo Ngũ cung). Và lúc chót bao giờ cũng qua đến hơi Oán, Ai Oán, và Vọng cổ. Người nghe thường thích nghe những điệu buồn hơn những bài vui.
Một buổi đờn ca tài tử không theo một chương trình sắp đặt trước. Anh em gặp nhau, cao hứng muốn đờn bản gì thì tất cả đồng ý hoà với nhau.
5. Những nét đặc thù của nghệ thuật đờn ca tài tử
1. Rao :
Trước khi vào bản thuộc hơi nào, nhạc công đờn ca tài tử luôn có câu rao theo hơi đó. Câu Rao theo truyền thống miền Nam khác hẳn với những bài Dạo của miền Trung, những bài này Dạo khách, Dạo nam có một nét nhạc cố định, học trò học rồi mỗi lần trước khi vào bài thì đờn những câu dạo theo Thầy dạy mà không thay đổi. Câu rao miền Nam phóng túng hơn nhiều. Mỗi người thầy có một cách Rao, lúc đầu dạy học trò, thì học trò đờn theo thầy, nhưng khi học trò đến một mức nghệ thuật tương đối khá cao, thầy cho phép học trò tạo những câu rao đặc biệt cho mình.
2. Cách tô điểm chữ nhạc :
Mỗi chữ nhạc đều phải được tô điểm bằng những thủ pháp đặc biệt cho mỗi cây đàn, nhưng mỗi chữ đàn trong các hơi, có những cách tô điểm đặc thù, tức là bó buộc chứ không phải tuỳ hứng.
3. Phát triển và vận hành giai điệu :
Khi hoà đờn, người đờn ca tài tử không bao giờ lập lại y khuôn lòng bản mà thầy đã dạy cho. Theo một quan điểm thẩm mỹ mà trong gia đình tôi thường truyền lại cho con cháu thì học chân phương đờn hoa lá. Quan điểm này giúp cho người nghệ sĩ có phần sáng tạo trong khi biểu diễn để cho nét nhạc thêm tươi, tiết tấu thêm sôi động. Mỗi nhạc công khi đờn giai điệu có cách sắp chữ, sắp câu theo ý mình, miễn là đi sát theo lòng bản và giữ vững điệu và hơi. Người nghe theo dõi giai điệu theo chiều ngang chứ không theo chiều dọc. Nếu có nhiều bè khác nhau thì người thính giả có thể chọn lựa bè nào mình thích nghe để nghe, các bè phần nhiều đang xen với nhau rất nghệ thuật, có nhạc công đờn lớn, có nhạc công ngưng đàn rồi chạy theo câu và khi nào đến cuối câu đều gặp gỡ nhau rất ăn. Những âm thanh trong các bè không giống nhau, không bao giờ chõi nhau, tất cả đều hoà chung trong một điệu thức, một hơi đàn.
Sở dĩ trong khi hoà đờn các nhạc công đờn tài tử, mỗi người phát triển giai điệu theo một cách, nhiều lúc chưa bao giờ hoà chung với nhau, nhưng khi nhập cuộc thì tiếng đờn rất ăn với nhau, hoà hợp nhuần nhuyễn, là nhờ cách phát triển và vận hành giai điệu trong đờn ca tài tử tuân theo những nguyên tắc của dịch lý, một triết lý sống trong xã hội người Việt nói riêng và người vùng Đông Á nói chung.
Theo quan điểm của dịch lý thì vạn vật đều thay đổi từng giây từng phút, các vật dụng hàng ngày mỗi giây phút qua đều mòn đi một chút, trong con người chúng ta có hàng trăm hàng ngàn tế bào chết đi và được sanh ra (biến dịch). Nhưng sự thay đổi đó không làm mất đi hình dạng của vật dụng và vóc dáng của con người, nhờ có những yếu tố không bao giờ thay đổi (bất dịch). Có một sự thay đổi khác nhứt thời khi gặp một đối tượng như lúc chúng ta gặp người bạn thân thì nét mặt tươi cười, với người lạ thì nét mặt nghiêm trang, dè dặt (giao dịch).
5. Bài bản :
Những nghệ sĩ đờn ca tài tử đều biết có 20 bài mà phần đông thườg gọi là “ 20 bài tổ” cần phải học, nhưng thực ra ít có ai thuộc hết 20 bài đó, khi gặp nhau hoà đờn cũng không đờn hết 20 bài, nhưng phải biết tên các bài đó :
- 6 bài Bắc : Lưu Thủy Trường – Phú Lục Chấn – Tây Thi – Cổ Bản – Bình Bán Chấn – Xuân Tình.
- 3 bài Nam : Nam Xuân – Nam Ai – Đảo Ngũ Cung (cũng có khi gọi là Nam đảo).
- 4 bài Oán : Tứ Đại Oán – Giang Nam – Phụng Hoàng – Phụng Cầu.
- 7 bài lớn (có khi gọi là 7 bài hơi nhạc hoặc 7 bài cò) : Xàng Xê – Ngũ Đối Thượng – Ngũ Đối Hạ - Long Đăng – Long Ngâm – Tiểu Khúc – Vạn Giá (những bài này thường được dùng trong nhạc lễ). Đờn tài tử chỉ dùng Xàng Xê – Ngũ Đối Hạ (thường gọi là bài Hạ).
Ngoài 20 bài kể trên, còn có rất nhiều bài bản khác được dùng như những bài Bắc nhỏ : Lưu Bình Kim (Lưu Thủy đoản – Bình Bán vắn – Kim Tiền) – Khổng Minh toạ lầu – Mẫu tầm tử – Tam pháp nhập môn – Thu hồ.
Có những bản đờn hơi Quảng, thường dùng trong dàn nhạc tài tử : Ngũ điểm bài tạ – Khốc Hoàng Thiên – Xang xừ líu – Sương chiều Tú Anh …
Có những bản hơi Triều Châu : Trạng ngươn hành lộ – Mạnh Lệ Quân.
Về hơi Ai Oán thì có những bài lớn : Văn Thiên Tường – Trường tương tư. Thường được đờn theo phong cách tài tử, sau này có một số bài ngắn rất được phổ biến : Đoản khúc Lam Giang …
Ngoài ra, Vọng cổ 32 nhịp là được thông dụng nhứt. Trong một chương trình hoà nhạc đờn ca tài tử lúc nào cũng có bài Vọng cổ này.
Kết luận :
Nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử dính liền với nếp sống của nhiều tầng lớp trong xã hội ngày xưa. Rất nhiều nghệ sĩ tài tử là thợ hớt tóc, lái đò, công chức và một số bác sĩ, luật sư. Với thời lượng của một buổi họp báo không cho phép tôi đi sâu vào chi tiết của những vấn đề được nêu ra, nhưng chúng ta cũng thấy rằng nghệ thuật đờn ca tài tử rất phong phú, đa dạng, sâu sắc, tế nhị.
Sau khi đã giới thiệu thành công các bộ môn nghệ thuật như Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian Văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên, Nghệ thuật Ca Trù, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, chánh quyền Việt Nam đã có quyết định xây dựng một hồ sơ hoàn hảo và toàn diện về nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử.
Kính chúc buổi họp báo thành công, tốt đẹp.
Bình Thạnh, ngày 28-12-2010
GSTS Trần Văn Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét