Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI


GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI  
1. Giáo sư Francois Picard trong tạp chí “Cahiers de Musiques Traditionnelles” 02/1989 (Tạp chí Âm nhạc Truyền thống, xuất bản tại Thụy Sĩ) :
"Ngoài tài năng đặc biệt trong lĩnh vực Âm nhạc Truyền thống Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Khê còn là một nhà nghiên cứu Âm nhạc có mặt trong nhiều Hội nghị quốc tế từ mấy chục năm nay, một Giáo sư hoàn toàn tận tụy với học sinh của Người. Là một người tiếp nối công việc làm của những người tiền bối trong lĩnh vực Dân tộc nhạc học của nước Pháp, Giáo sư Trần Văn Khê đã biết phối hợp nhuần nhuyễn phương pháp nghiên cứu của phương Tây với một phong cách đặc biệt chứng tỏ rằng ông đã thấm nhuần văn hoá truyền khẩu của Châu Á và tỏ ra được sự tôn trọng truyền thống của nước ông".

GS Trần Văn Khê trong một hội nghị Âm nhạc do Yehudi Menuhin tổ chức tại BATH - Anh Quốc để gặp gỡ những người chuyên môn ngẫu hứng trong biểu diễn 

(từ phải sang: có sự hiện diện của Trần Văn Khê - Đờn Tranh Việt Nam, nghệ sĩ Paul Robertson - chuyên gia ngẫu hứng trong truyền thống Jazz, danh cầm violin Yehudi Menuhin nói về ngẫu hứng trong cổ điển, TS Narayana Menon chuyên ngẫu hứng trên Sarasvati Vina)
2. Nhà nghiên cứu Francis Pinguet trong tạp chí “La Revue Musicale” số 402 – 403 – 404 tháng 12 năm 1987 :
"Giáo sư Trần Văn Khê là người Việt Nam nổi tiếng nhất trong lĩnh vực Âm nhạc và Dân tộc nhạc học ngày nay, danh tiếng khắp hoàn cầu. Chỉ cần nhắc lại rằng trong lúc chúng tôi soạn ra số tạp chí này, đặc biệt mang tựa là Tran Van Khe et le Viet Nam (Trần Văn Khê và nước Việt Nam ), ông đã đi dự nhiều Hội nghị bên Trung Quốc, Brésil, Việt Nam, Ý... và ông dự định sang dạy học tại Hoa Kỳ khoảng 9 tháng, số báo này in lại 7 bài Giáo sư đã viết và một thư mục đầy đủ gồm các bài Giáo sư đã viết từ năm 1959 đến năm 1987, cộng thêm một số hình ảnh để rọi sáng nhiều khía cạnh về con người, sự nghiệp, tinh thần và những hoạt động của Giáo sư Trần Văn Khê".

GS Trần Văn Khê dạy học tại Đài Loan thập niên 90
3. Nhà xuất bản Buchet / Chastel năm 1996 :
"Giáo sư Trần Văn Khê cùng một lúc đã làm 4 chuyện khác nhau trong nghề nghiệp : Nghiên cứu trong Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp đến năm 1987, Giáo sư Dân tộc Nhạc học tại đại học Sorbonne Parisđến năm 1988, một Nhạc sĩ truyền thống Việt Nam, và là một nhà Âm nhạc học mà kết quả nghiên cứu đã được đăng khắp nơi cho đến ngày nay".

Nghiên cứu và giảng dạy (Trung tâm Nhạc học Đông phương CEMO)
Giới thiệu Nhạc truyền thống Việt Nam với tư cách Nhạc sĩ - Nghệ sĩ cùng với nhà nghiên cứu Alain Daniélou (người Pháp) chuyên về văn hóa Ấn Độ và biết đờn Sarasvati Vina 
4. Nhà xuất bản Ricordi (Torino Ý) :
"Giáo sư Trần Văn Khê là một người thầy lớn về Âm nhạc Dân tộc Việt Nam, nguyên Giáo sư đại học Sorbonne Paris, thành viên danh dự của Hội đồng quốc tế Âm nhạc thuộc Unesco, Viện sĩ thông tấn của Hàn Lâm Viện Châu Âu về Khoa học – Văn chương và Nghệ thuật, chẳng những hiểu biết thông suốt về Âm nhạc Dân tộc truyền thống Việt Nam mà còn là một chuyên gia về Âm nhạc truyền thống Ấn Độ, Ba Tư, Trung Quốc, Nhựt Bổn và các nước Ả Rập, ông đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến Âm nhạc Châu Á trên thế giới”.

Đến Ấn Độ để nghiên cứu Âm nhạc truyền thống xứ Ấn
(Trần Văn Khê ngồi trước đền thờ nổi tiếng Taj Mahaj)

Đến Nhựt Bổn nghiên cứu và so sánh đối chiếu các loại đàn cùng họ Đàn Tranh ở Châu Á
(Trần Văn Khê học đờn Koto Nhựt Bổn với các bậc thầy tại xứ Phù Tang)
Ảnh tư liệu: TRẦN VĂN KHÊ 
3 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
trantruongca wrote on Feb 27, '10
@ Lê Ngọc Đình: Thầy vừa đọc bài thơ con viết cho Thầy, Thầy rất xúc động nhưng vì đang có nhiều công việc, chưa đủ bình tâm để gởi cho con lời hồi âm của Thầy muốn viết. Hẹn con trong ít ngày sau. Cám ơn con rất nhiều!

Thầy TVK
sondacuongnhan wrote on Feb 24, '10
Khi đọc bài viết này, trong lòng con tự dưng nhớ lại cái ngày đầu tiên được hạnh ngộ cùng Thầy vào một sớm mùa thu năm Ất Dậu tại khách sạn Saigon. Duyên tương tri không dài lắm, nhưng con cũng diễm phúc đôi lần nghe tiếng đàn của Thầy, khi qua băng từ do Thầy tặng, khi được trực tiếp hầu nghe cung đàn kỳ diệu của Thầy. Nhất là khi nghe tiếng đàn do chính Thầy đệm khi Thầy ngâm bài thơ “Nhớ Rừng”, trong cuộn băng ghi âm ấy, tiếng đàn tranh hoà chung cùng tiếng trống của một môn sinh của Thầy, thưa Thầy, không biết Thầy còn nhớ không, khi ấy con vui quá nên có thưa với Thầy cảm xúc của con rằng “tiếng đàn Thầy sao mà tình như một cô gái đang độ xuân thì”, khi ấy Thầy cười thật tươi !
Bây giờ ngồi hồi tưởng lại, mạch cảm xúc như trào dâng bất tận, vội thảo mấy dòng thơ của một kẻ ngoại đạo không phải “nhà thơ”, ngôn từ thô lậu, nhưng hàm chứa tấm lòng của một kẻ môn sinh “đến muộn” và “bất đắc dĩ” của Thầy, ngưỡng mong Thầy thương mà nhận cho.
Kính chúc Thầy thân tâm thường an lạc, mãi khơi nguồn cho mạch sống bất tận của một “khúc cầm thi” .

CẢM XÚC TRẦN VĂN KHÊ
Kính dâng Thầy – Trần Văn Khê tiên sinh

Nụ cười gửi khắp trời Âu,
Mang tình đất Á thắm mầu quê hương.
Một phím nhớ, một cung thương,
Một thang âm mở con đường từ tim.
Đây tiếng tranh, nọ tiếng kìm,
Cho bâng khuâng cả nỗi niềm tri âm.
Phải đâu Tư Mã khúc cầm,
Mà nghe như dạ ước thầm Văn Quân.
Phải đâu đàn Bá xuất thần,
Mà trong thiên hạ chồn chân Tử Kỳ.
Giai âm lắng buổi tương tri,
Trần Văn Khê khúc cầm thi tuyệt vời.

Dã Hạc Cư 24.02.2010
Ngu đồ sơn dã cuồng nhân Lê Ngọc Đình bái bút
bacthanhrau wrote on Feb 24, '10
Âm nhạc truyền thống, dân gian châu Á ? Hãy đến với người đại biểu xứng đáng nhất trên thế giới : GS Trần văn Khê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét