Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

MỪNG BẠN PHẠM DUY TUỔI 90 - Nhớ về những kỷ niệm của một tình bạn đẹp

Trời chiều tháng 10 vẫn còn mưa rơi tầm tã, đường đi đến nơi tổ chức sinh nhựt Phạm Duy kẹt xe rất đông, loay hoay hơn một hồi mới tới nơi. Bạn tôi Phạm Duy đã đứng trước cửa nhà hàng, vừa thấy tôi liền đến ôm hôn và 2 con của Phạm Duy (Duy Quang & Duy Cường) cũng đến ôm tôi, dìu tôi vào phòng khách lớn. Tôi được sắp xếp ngồi chung bàn với Nguyễn Văn Tý và một vài người bạn thân của Phạm Duy, báo chí đến chụp ảnh rất nhiều. Chúng tôi uống trà đợi khách đến trễ vì mưa to, mãi đến gần 20 giờ chương trình mới bắt đầu.





Tình bạn đẹp của Trần Văn Khê & Phạm Duy

Cháu Duy Quang ra chào, cảm ơn những vị khách đã tới chung vui và nói lý do buổi lễ đêm nay, rồi hát bài “Cây đàn bỏ quên” - một trong những sáng tác đầu tay của Phạm Duy. Lần lượt những ca sĩ danh tiếng như Tuấn Ngọc (con rể của Phạm Duy), Ánh Tuyết, Trang Nhung … lên hát những nhạc phẩm mà Phạm Duy sáng tác dài theo đường đời. Bữa ăn khá ngon, những bài hát rất hay, không khí cũng ấm cúng mặc dầu ngoài trời vẫn mưa rả rích. 



 
 Trần Văn Khê - Nguyễn Văn Tý - Phạm Duy
 
Đến gần cuối chương trình Phạm Duy lên cảm ơn quan khách và ca bài “Ta chúc mừng ta” mới đặt đêm qua, lời ca dí dỏm, cho rằng tuổi dầu 90 mà “ta đi không cần ai đỡ, mắt ta vẫn sáng, tai ta nghe rõ, lúc nào tim ta cũng rung động trước cái đẹp. Tiếp tục như thế đến khi 100 tuổi ta mới chịu lùi”. MC Thanh Bạch đến để quay phim Phạm Duy vào lúc chót, cháu rất vui vẻ khi gặp tôi. Thanh Bạch mời tôi đến đứng gần Phạm Duy để quay phim 2 anh em. Sau câu trả lời của Phạm Duy, Thanh Bạch hỏi tôi bác có chúc gì cho bạn không? Tôi cười và ứng khẩu 4 câu :

“Biết nhau quá tuổi đôi mươi
Hôm nay mừng bạn chín mươi tuổi rồi
Mặc cho vật đổi sao dời
Đến khi trăm tuổi còn ngồi bên nhau
Đến khi trăm tuổi đẹp lời chúc nhau”

 
(TVK)

Mọi người thích thú cười to. Thanh Bạch lấy ra 2 tấm mặt nạ biểu diễn trên sân khấu tặng Phạm Duy 1 cái và tôi 1 cái, rồi mời hai anh em đứng gần nhau, đưa mặt nạ lên cho truyền hình quay.


  Hai anh em vui mừng gặp lại nhau

Gặp nhau trong ngày sinh nhựt của Phạm Duy làm cho tôi hồi tưởng lại tình bạn của chúng tôi những ngày xa xưa. Tôi nhớ lúc gặp Phạm Duy lần đầu tại Cầu Lộ thuộc tỉnh Vĩnh Long năm 1946, Phạm Duy đã hát cho tôi nghe sáng tác đầu tay "Cô Hái Mơ" (thơ Nguyễn Bính do Phạm Duy phổ nhạc). Lúc đó Phạm Duy còn sáng tác theo phong cách phương Tây nhưng bạn đã biết sử dụng 2 cung Thứ và Trưởng một cách tuyệt vời. Thời gian ấy Phạm Duy đi theo gánh cải lương Charlot Miều lưu diễn khắp lục tỉnh Nam Kỳ, đảm nhiệm phần giới thiệu tân nhạc mỗi khi sân khấu hạ màn sau mỗi lớp diễn. Phạm Duy thường trình bày những nhạc phẩm như "Suối Mơ", "Buồn Tàn Thu"... của Văn Cao. Mỗi đêm tôi đều đến rạp để nghe Duy hát và sau giờ vãn hát lại còn đi đây đó nói chuyện tiếp theo với nhau về quan điểm sáng tác âm nhạc.

Rồi khi gặp nhau tại Sài Gòn, tôi giới thiệu Phạm Duy cho Lưu Hữu Phước, lúc đó đang chuẩn bị thành lập nhóm Hoàng Mai Lưu. Phạm Duy có cho tôi xem quyển sách viết về âm nhạc của Lavignac, trong đó Phạm Duy đã có gạch những đoạn thú vị bằng viết chì màu. Tôi thích quá, muốn mượn để đọc thì Phạm Duy cho mượn liền mà nói: "Nhớ trả lại quyển này cho tớ vì tớ quý quyển sách này như mẹ của mình". Sau đó, vì thời cuộc, 2 anh em không kịp gặp nhau, mỗi người đi một phía. Phạm Duy đi về phía miền Đông, còn tôi đi về miền Tây. Và suốt thời gian kháng chiến cúng tôi không gặp nhau. Tôi đã bị mất rất nhiều tư liệu riêng vì chiến tranh nhưng quyển sách Phạm Duy cho mượn tôi vẫn giữ theo mình và khi chiến tranh chấm dứt, tôi trả lại quyển sách ấy cho Duy. Phạm Duy rất mừng. Tôi cũng vui vì đã giữ trọn niềm tin của bạn.

Khi tôi ở Pháp, Phạm Duy ở Mỹ thì chúng tôi cũng có nhiều lúc gặp nhau. Có lúc Phạm Duy sang Pháp học sáng tác và có ý muốn dự thính lớp học của Thầy Chailley dạy về ngôn ngữ âm nhạc. Lúc đó tôi có dịp được nghe bài "Ngày Trở Về" mà theo lời Phạm Duy nói "được thai nghén trên biển Đỏ (La Mer Rouge - Red Sea, nước Ai Cập), hoàn thành trên chiếc tàu xanh (Le Train Bleu - là chiếc xe lửa đi từ Marseille tới Paris)" và giới thiệu bài hát tại nhà chị Châu - một cán bộ Việt kiều. Chị thường tự tay trồng rau để cho chồng ăn và đãi khách. Hôm đó chị Châu đãi Phạm Duy và tôi ăn bún chả. Ngồi ăn có anh Châu - một kỹ sư hàng không, anh thường nói rằng: "Tôi cưới bà xã tôi vì bà nấu ăn rất ngon". Chị Châu hái nhiều loại rau thơm, húng cây, húng lủi, tươi cười nói: "Cây rau, ngọn cỏ em trồng, em ra em hái cho chồng em ăn". Và sau bữa ăn, Phạm Duy hát lần đầu bài "Ngày Trở Về", tôi nghe vô cùng xúc động. Tôi lại được biết Phạm Duy không bị ảnh hưởng cách sáng tác nhạc phương Tây vì khi tôi hỏi Phạm Duy: "Sau mấy tháng học sáng tác, Duy có thấy tiến bộ gì chăng?" thì Phạm Duy trả lời: "Tớ học cho biết tụi nó sáng tác như thế nào, rồi tớ vứt những kiến thức đó ... vào sọt rác! Nếu không, Duy sẽ không còn là Duy". Tôi rất thích thái độ đó vì học bên ngoài mà giúp mình làm việc bên trong. Nếu học bên ngoài mà làm mất cái bản ngã của một người nhạc sĩ như Phạm Duy để sáng tác theo phong cách của nhạc sĩ Lopez thì là một mất mát rất lớn.

Tôi còn nhớ mỗi ngày thứ năm, hai anh em gặp nhau từ 2 giờ trưa, đi đánh billard electrique, hai đứa đều đánh giỏi nên chỉ tốn 5 france để mua một thẻ và uống 2 ly bia, mà đánh cả giờ, khỏi mua thẻ thêm. Vì 2 đứa đánh đều thắng nên đến khi rời tiệm, có khi còn dư hàng chục bàn. Nhưng một hôm, khi Phạm Duy đến, tôi nói: "Mình đi đánh billard nhé!", Phạm Duy trả lời: "Hôm nay mình muốn nói với Khê rằng mình mới nghĩ ra đề tài cho một trường ca "Con đường cái quan", một chàng thanh niên bắt đầu ra đi từ Ải Nam Quan, dọc đường một cô thôn nữ trên đồng hát một câu "Hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân đứng lại cho em than đôi lời, đi đâu vội mấy ai ơi..." thì chàng trai trả lời: "Tôi đi từ Ải Nam Quan, tôi gặp nàng Tô Thị, cho tôi gởi một câu khuyên :"chớ về"!. Tôi yêu lịch sử yêu tôi, ơi người ôi, ơi người ôi! Ti ti tì tì tỉ ti ti ti tì tì tí...". Câu này có nhạc mà chưa có lời. Phạm Duy say sưa tiếp "rồi chàng trai tiếp tục con đường mình đi, đến mỗi một nơi, nghe hát một bài dân ca của vùng đó, chàng trai trả lời đôi câu rồi tiếp tục đi đến Mũi Cà Mau". Tôi xúc động quá, nói: "Duy ơi, đề tài này tuyệt vời! Trong khi đất nước chúng ta còn đang bị chia cắt vì chiến tranh thì Phạm Duy muốn nối liền đất nước bằng bước đi của một chàng trai từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau và ở mỗi nơi một bài dân ca của vùng đó được hát lên". Hai anh em ôm nhau cười to. Sau này, khi bài "Con đường cái quan" đã viết xong, Phạm Duy đã cho in ra thành dĩa hát. Khi giới thiệu việc thai nghén bài này, Phạm Duy từ Mỹ sang Pháp để ghi hình lại những câu tôi hát đoạn đầu của bài "Con đường cái quan". Trên con đường dài, những bài nhạc Phạm Duy sáng tác mang âm hưởng của dân ca các miền, nhứt là những bản ở miền Trung. Nhưng khi vào miền Nam thì nét nhạc lại giống như những bài hát loại country của Mỹ. Tôi không đồng ý và có nói cho Phạm Duy biết rằng: "Khi vào tới miền Nam, tại sao Phạm Duy lại xoay lưng với dân ca mà sáng tác theo phong cách của Mỹ?". Phạm Duy nghe lời nhận xét đó, không những không giận tôi mà lại còn cho đăng bài của tôi viết trong tập giới thiệu "Con đường cái quan" và bài trả lời của Phạm Duy. Khi tôi hỏi Phạm Duy vì sao bài này tôi không hoàn toàn khen Phạm Duy mà Duy lại để trong tập giới thiệu thì Phạm Duy cười mà trả lời: "Tuy không khen mình mà viết đúng thì mình cứ đăng để có dịp mình trả lời!". Tôi rất thích thái độ đó.

Lắm lúc tôi không chấp nhận một số sáng tác của Phạm Duy và có khi tôi còn giận Phạm Duy. Tôi nghĩ rằng, người như Phạm Duy đã thốt ra bao nhiêu câu thơ đẹp như trong bài "Tìm Nhau":

"Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh tố nữ
....................................
Tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như thiên cổ tìm nghìn thu..."


thì tôi không muốn từ miệng Phạm Duy có những câu mà Phạm Duy cho rằng "mình văng tục cho đỡ giận". Vì vậy, nhiều lúc tôi giận Phạm Duy, không gọi điện thoại thăm cả tháng, nhưng mà sau rồi, khi thấy một con người mà "công" nhiều hơn "tội", một con người cũng biết rung động trước cái khổ của người khác khi viết những câu "mùa đông đã đến kia rồi, gởi mau áo rét cho người chiến binh, nào ai vui thú gia đình, gửi cho chiến sĩ chút tình nước non..." (Mùa đông chiến sĩ) thì tuy "giận thì giận mà thương thì thương" như trong câu hát ví dặm.

Vào lúc hoàng hôn của cuộc đời, tôi rất vui khi thấy một người bạn thâm giao của tôi đã từng bôn ba bốn biển năm châu cũng trở về quê hương xứ sở để thắm tình đất nước và để tắm mình trong không khí nghệ thuật của dân tộc. Phạm Duy cũng giống như những người bạn nghệ thuật của tôi trên thế giới. Như ông Maceda ở Phi Luật Tân, sau khi biểu diễn đờn piano trên nhiều nước Âu Mỹ như một danh cầm - học trò của ông Alfred Cortot, nhưng một hôm nhận thấy rằng mình là người sanh ra tại đất nước Phi Luật Tân mà không biết nhạc Phi Luật Tân và không đờn cho dân tộc mình nghe một bài nào ngoài những sáng tác bên Âu Mỹ thì ông từ bỏ nghề nghiệp độc tấu dương cầm, trở về Phi Luật Tân, đi điền dã và sau mấy năm nghiên cứu, soạn một luận án tấn sĩ về cách đánh cồng chiêng của 2 dân tộc thiểu số Mindanao và Magindanao (miền Nam Phi Luật Tân). Ông trở thành một nhà nghiên cứu nổi danh thế giới, chuyên môn âm nhạc dân tộc Phi Luật Tân và các loại cồng chiêng của Đông Nam Á. Hay là Ravi Shankar - một danh cầm Sitar Ấn Độ, đã từng dạy cho thành viên George Harrison của nhóm nhạc Anh nổi tiếng The Beatles biết đờn Sitar, đã từng lập nghiệp trên đất Mỹ nhưng đến lúc hoàng hôn cuộc đời cũng bán nhà, bán xe đã tậu được ở Mỹ, trở về dạy nhạc tại New Delhi theo phong cách cổ truyền. Phải chăng đó là một quy luật thiên nhiên đối với những người thiết tha đến nghệ thuật truyền thống?

Nước trở về nguồn, lá rụng về cội, Phạm Duy bây giờ có lẽ cũng đã thỏa được ước mong "Ngày trở về" như bạn từng hát cho tôi nghe.

TRẦN VĂN KHÊ

Sài Gòn ban trưa
Mùa Thu tháng 10/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét