Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

NÓI "ANH YÊU EM" HÌNH NHƯ CÒN THẤY THIẾU

I LOVE YOU
DOESN'T SEEM LIKE ENOUGH




 
I love you doesn't seem like enough
For someone
Who will always be there
to celebrate with me
When everything goes my way
and to hold my hand
When my whole world
doesn't seem quite right

I love you doesn't seem like enough
For someone whose smile still brighten my day
Whose touch can make me forget
the rest of the world

I love you
doesn't quite tell you
How much I always
look forward to being with you
How empty my world would be without you.

But even though I love you
doesn't quite express
the depth of my feelings for you
I hope you somehow know what's in my heart
Because loving you mean more to me
than anything in the world ever has or ever will.

(Nữ thi sĩ RENÉE DURALL)

Mùa xuân về trên khắp đất trời, mùa của an vui, hạnh phúc và cũng là mùa của tình yêu. Trong tháng 2 này, mùa xuân cũng ngân nga chút không khí đang đến gần của ngày Valentine, ngày thể hiện tình yêu, tình thương đến với nhau của mọi người, nhứt là các đôi tình nhân. Khi ngồi xem những trang thơ cũ trong dịp Tết, tôi gặp lại một số thi phẩm nói về tình yêu rất nên thơ, duyên dáng mà sâu đậm, nhớ lại lúc xưa còn trẻ, mình có dịch một số bài thơ như thế, mãi hôm nay mới có dịp soạn lại. Thân mời các bạn thưởng thức để thấy rằng không chỉ ngôn ngữ nước ngoài mới thể hiện được sự lãng mạn mà ngay cả ngôn ngữ thi ca Việt Nam cũng có vẻ đẹp tinh tế, đáng yêu khi nói đến tình yêu.

NÓI "ANH YÊU EM" HÌNH NHƯ CÒN THẤY THIẾU



 
Nói "Anh yêu Em" hình như còn thấy thiếu
Đối với người đã chịu bỏ đời riêng
Để cùng Anh se chặt mối lương duyên
Vui cùng hưởng, khổ đau cùng chung chịu

Nói "Anh yêu Em" hình như còn thấy thiếu
Đối với người "Nhứt tiếu tợ thiên kim"
Nụ cười duyên xoá bao nỗi ưu phiền
Làm sáng rực đời Anh như nắng chiếu

Mỗi khi nắm tay Anh, Em nũng nịu
Làm Anh say quên tất cả đất trời
Nói "Anh yêu Em" không tả được Em ơi
Lòng Anh mong đợi phút gần Em mãi mãi
Sống xa Em cuộc đời nghe trống trải
Đâu còn vui với nước chảy mây bay
Dẫu nói "Anh yêu Em" không đủ để tỏ bày
Tình sâu đậm Anh suốt đời ôm ấp
Tình tha thiết trên trần không dễ gặp
Mong rằng Em thấu rõ được lòng Anh

Vì... yêu Em, Em ơi
Với tình yêu ngọt ngào
Quý hơn mọi vật trên đời
Ngày nay và cả mai sau

TRẦN VĂN KHÊ phỏng dịch
(Vitry - Paris 23.08.1995)
 

Thơ hát nói HỘI NGỘ CUỐI NĂM GIA ĐÌNH TRẦN VĂN KHÊ

Thơ hát nói
HỘI NGỘ CUỐI NĂM GIA ĐÌNH TRẦN VĂN KHÊ

Thân tặng GS Trần Quang HảiCa sĩ Bạch YếnKTS Trần Quang Minh


Đêm nay hội ngộ
Mọi người đều ngưỡng mộ Trần gia
Giáo sư Khê nổi tiếng bực tài hoa
Cùng Minh, Hải và danh ca Bạch Yến
Gõ muỗng, trình bày đà phát triển
Đàn Môi biểu diễn thật tinh vi
Cả gia đình có tuyệt thú ly kỳ
Yêu ca nhạc, đã từng đi thuyết giảng
Khắp thế giới đến nay đà toả rạng
Nền nhạc xưa truyền thống Việt Nam ta.
Công lao đóng góp thiệt là …

07-01-2011
Nguyễn Quảng Tuân

KHAI BÚT ĐẦU NĂM TÂN MÃO 2011 - Tiếp tục nhả tơ…

Xuân Tân Mão:
Tiếp tục nhả tơ…

http://i62.photobucket.com/albums/h120/mimikhanhvan/Thay%20Tran%20Van%20Khe/100_1485.jpg

Tân Mão, tuổi vừa quá chín mươi
Tuy thường đau yếu vẫn tươi cười
Truyền hình luôn được mời nhiều buổi
Thuyết giảng hãy còn đi khắp nơi
Thi phú luật Đường thường thích hoạ
Đờn ca tài tử rất thèm chơi!
Sống an nhiên, chẳng màng danh lợi
Tiếp tục vương tơ dệt mộng đời.

TRẦN VĂN KHÊ
Tân Mão, Nguyên đán, giờ Thìn,
03.02.2011, 8g45

10 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
   
trantruongca wrote on Mar 7, '11
Kính hoạ thơ:

Điểm sang năm mới tối ba mươi
Khắp chốn thăng hoa những nụ cười
Ấm áp câu thơ trao tới bạn
Rộn ràng nốt nhạc gởi về nơi
Tài hoa bút lực luôn còn viết
Điệu nghệ tay đàn vẫn cứ chơi
Hơn chín chục năm cùng đón tết
Bác Khê tô điểm nét duyên đời.

Đông A

Kính gửi: GSTS Trần Văn Khê

Cháu được biết địa chỉ của Bác qua một người bạn. Nay mạo muội gửi đến Bác hai bài thơ họa. Một bài cháu đã họa từ năm ngoái và một bài cháu mới họa sau Tết Tân Mão, xem như món quà nhỏ bày tỏ sự ngưỡng mộ của cháu đối với Bác.

Kính chúc Bác luôn khỏe.

Ngày 05 tháng 03 năm 2011
Đông A - Trần Chí Cao

Bài xướng: CANH DẦN KHAI BÚT

Tiễn đưa Kỷ Sửu đón Canh Dần
Khai bút đầu năm thảo mấy vần
Sức khỏe, ngoại hình tuy có kém
Tinh thần, nội lực vẫn còn gân
Truyền hình, hội thảo luôn tham dự
Thuyết giảng, liên hoan vẫn góp phần
Tiếp tục việc làm theo lý tưởng
Sống nhờ Trời Phật thưởng hồng ân.

GSTS Trần Văn Khê

Đông A kính họa: CHÚC THỌ

Mai nở vàng sân rộn tết Dần
Khai xuân cẩn họa một đôi vần
Tài hoa âm nhạc - cung đàn. Mượt!
Uyên bác văn chương - bút lực. Gân!
Quốc bảo xứng danh thơm vạn thuở
Danh nhân nức tiếng đẹp muôn phần
Tuổi trời đương thọ càng thêm thọ
Lớp lớp hậu sinh hưởng đức ân.
 
trantruongca wrote on Feb 27, '11
Thẻ hạc trời ban lẻ chín mươi
Ngon xơi ngơi khỏe mãi tươi cười
Nước non Nam Bắc tình lai láng
Âm nhạc Đông Tây thuyết khắp nơi
Bạn hữu tri âm vui xướng họa
Môn sinh hiếu tử hứng đàn chơi
Hồn nhiên tự tại tâm là Phật
Phước Thọ Khương An hưởng trọn đời

Nguyên tiêu Tân Mão kính họa,
Trần Đình Sơn
 
trantruongca wrote on Feb 8, '11, edited on Feb 9, '11
Sẵn lòng đi quá tuổi mười mươi
Thơ quyện cầm ngân giữa nụ cười
Đãi cát ra công ngoài bốn bể
Tìm vàng dốc sức khắp muôn nơi
Tình quê rót mãi ngàn câu hứng
Duyên nhạc say hoài một thú chơi
Kết đoá chân thường ngoài chốn bụi
Hoá thân Bồ Tát ngát hương đời

Tiểu đồ Sơn Dã Cuồng Nhân Lê Ngọc Đình khể thủ kính bái
Mùng 6, giờ Thìn (8g45)
 
trantruongca wrote on Feb 5, '11
Luôn trẻ dầu qua tuổi chín mươi,
Hồn Xuân sức yếu vẫn tươi cười.
Dự phần hội thảo hơn trăm buổi,
Góp mặt thuyết trình cả vạn nơi (Hihihi!)
Tình tứ đối thơ, tay Suối họa
Xuyến xao ru nhạc, ngón Mây chơi
An nhiên giữa “mộng bình thường” hát
Nhờ gió se thơm thổi mát đời.

Con - Khánh Vân thương kính phụng họa Thầy
Mùng Ba Tân Mão, giờ Dần
05/02/2011, 4g30
 
adrianngocan wrote on Feb 5, '11
Kính chúc giáo sư dồi dào sức khỏe và luôn yêu đời!
 
trantruongca wrote on Feb 5, '11
HỌA THƠ XUÂN ANH KHÊ NĂM TÂN MÃO 2011

Thấm thoát Xuân này quá chín mươi
Khen sao lắm bệnh vẫn tươi cười
Tinh thần vững mạnh không lay chuyển
Chân gối tuy đau đi khắp nơi!
Thuyết giảng, truyền hình không thấy mệt
Thơ Đường xướng họa dễ như chơi!
Tiền tài danh vọng không màng nghĩ
Nếp sống đơn sơ đẹp cuộc đời!

Bạn thâm giao Tường Vân
Ngày mùng ba Tết Tân Mão 2011
(làm tại 86 Tản Đà cao ốc)
 
trantruongca wrote on Feb 5, '11
Thượng thọ vừa qua đã chín mươi,
Chín mươi mà vẫn mãi tươi cười,
Gia đình sum họp sao vui quá!
Thân hữu chung vui khắp mọi nơi,
Âm nhạc cổ truyền mê nghiên cứu,
Ca trù, tài tử rất mê chơi!
Văn hóa nước nhà, cây đại thụ,
Giữ gìn vốn cổ để lại đời

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã kính phụng họa
 
trantruongca wrote on Feb 5, '11
Thương mến hòa vận thơ TRẦN VĂN KHÊ hiền huynh
XUÂN TÂN MÃO –TIẾP TỤC NHẢ TƠ

Ai bảo rằng anh ngoại chín mươi?
Nói năng lưu loát, vẫn vui cười.
Văn đàn thuyết giảng nhiều mời gọi,
Âm nhạc lưu truyền khắp mọi nơi.
Ẩm thực tham gia bao thích thú,
Truyền hình đề đạt lắm trò chơi.
Hồng ân Trời Phật cho thanh thản,
Càng thọ càng thêm đẹp cuộc đời.

Mồng 1 Tết Tân Mão 2011
Tôn Nữ Hỷ Khương Muội Muội
Sau một giờ khi nhận được thơ xướng của Hiền Huynh đọc qua điện thoại
 
trantruongca wrote on Feb 5, '11
PHỤNG HỌA

Còn vài xuân nữa đủ mười mươi,
Dẫu bị yếu đau vẫn mỉm cười.
Nói chuyện trên đài khôn kể buổi,
Thuyết trình ngoài nước biết bao nơi.
Thơ Đường xướng họa hằng ham thích,
Tài tử đàn ca một thú chơi.
Danh lợi chẳng màng luôn tự tại,
Nhạc xưa truyền thống tiếng lưu đời.

NGUYỄN QUẢNG TUÂN
Mồng Một Tết Tân Mão
03 - 02 - 2011, 18g45
 
trantruongca wrote on Feb 5, '11
Dù tuổi năm nay quá chin mươi
Quên đi cơn bịnh với vui cười
Lưu truyền sự nghiệp trên hoàn vũ
Quãng bá công trình khắp mọi nơi
Thơ họa thả hồn nghìn bạn hưởng
Nhạc hòa buông ngón một nghề chơi
Thảnh thơi nhàn hạ cần chi lợi
Thương chúc Ba vui mãi với đời

Trần Quang Hải họa

Tân Mão, Nguyên Đán
03.02.2011, 8 giờ 22 (giờ Pháp)

Một cuộc chơi họa thơ giữa hai cha con từ gần một nửa thế kỷ và vẫn còn tiếp tục...

THÔNG BÁO Chương trình truyền hình Tết GALA NGÀY TRỞ VỀ 2011

THÔNG BÁO
Chương trình truyền hình Tết
GALA NGÀY TRỞ VỀ 2011

Gala NGÀY TRỞ VỀ (có sự tham gia của GS Trần Văn Khê và tốp thiếu nhi Tiếng Hát Quê Hương) sẽ phát sóng lúc 20h00 ngày mồng 1 Tết trên kênh VTV4 và 16h50 ngày mồng 2 tết trên kênh VTV1. Thân mời quý vị và các bạn đón xem!

Kính chúc quý vị và các bạn vui hưởng một mùa xuân an lành, hạnh phúc!

NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ TRONG KHÔNG GIAN VĂN HOÁ NAM BỘ

NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ
TRONG KHÔNG GIAN VĂN HOÁ NAM BỘ
(Bài tóm tắt họp báo 04-01-2011)
Đờn ca tài tử là một sinh hoạt văn nghệ thuộc loại thính phòng (một nghệ thuật do một nhóm nhỏ nghệ sĩ biểu diễn cho một nhóm nhỏ thính giả, không gian ấm cúng của một căn phòng trong tư gia, chớ không phải trong một hội trường lớn, hay trên một sân khấu hoành tráng cho đông đảo thính giả).
Trong buổi họp báo này tôi muốn nêu lên một vài vấn đề quan trọng :
1. Về danh từ đờn ca tài tử
Phần đông khi nhắc đến đờn Tài tử thì cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc chuyên nghiệp mà mang tính cách giản dị của dân gian hay “a ma tơ (theo chữ Pháp “amateur của những người nghiệp dư. Thực ra “Tài tử” có nghĩa là người có tài (dập dìu tài tử giai nhân … Tài tử giai nhân tế ngộ nan). Người đàn Tài tử không dùng nhạc Tài tử làm kế sinh nhai. Khi nào thích đàn thì họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đàn chơi, ai biết đàn ca cũng có thể tham gia được. Dầu vậy mà trình độ nghệ thuật của đàn Tài tử không thấp. Ngược lại, họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và tạo cho mình một phong cách riêng. Muốn trở thành người đàn Tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian tập luyện khá công phu.
2. Sự thành hình nghệ thuật đờn ca tài tử
Đến cuối thế kỷ 19, khi có phong trào Cần Vương, một số nghệ nhân, nghệ sĩ vào Nam lập nghiệp, đem theo truyền thống đờn ca Huế như các cụ : Nguyễn Liêng Phong, Nguyễn Tòng Bá, thường gọi là ông Tư Bá dạy đờn nguyệt (trong Nam gọi là đờn kìm), đờn tranh ; ông Phạm Đăng Đàn, cư ngụ tại Vĩnh Long chuyên dạy đờn độc huyền (đờn bầu) ; cụ Trần Quang Thọ (nhạc công cung đình Huế, ông cố nội của tôi) dạy đờn tỳ bà.
Trong Nam có rất nhiều người học, không những người giai cấp thượng lưu, thầy thông, thầy ký thích học và tấu đờn ca tài tử, mà những ngưởi nông dân chân lấm tay bùn sau những ngày lao động ngoài đồng áng, hay người chèo thuyền trên sông, những chuyến đò ngang, đò dọc, đều thích học và biểu diễn đờn kìm, đờn cò hay thổi sáo trúc. Tất cả những người học luyện đờn ca không phải để mưu sống mà để thoả thích nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, mình đờn cho mình nghe, cho bạn bè, người thân, kẻ thích nghe, không lấy tiếng đờn làm kế sanh nhai, nên cách đờn đó được mang danh là “đờn ca tài tử”. Vì vậy nên có thể nói đờn ca tài tử hình thành từ “ca Huế” một loại nhạc truyền thống nghệ thuật” có thể nói là “bác học” lại mang nặng tính các “truyền thống dân gian”.
3. Những nhạc khí dùng trong truyền thống đờn ca tài tử
Trước kia ở miền Trung thuộc loại “ngũ tuyệt”, gồm có 1 cây đờn kìm (đàn nguyệt), 1 cây đờn tranh, 1 cây đờn tỳ bà  1 cây đờn tam hoặc cây đờn độc huyền, 1 cây đờn cò (đàn nhị)
Theo truyền thống đờn ca tài tử, ít khi nhạc công độc tấu mà thường thì song tấu, tam tấu (kìm, tranh, cò). Đôi khi có ống sáo ngang hay ống tiêu thổi dọc. Từ khoảng năm 1930 có thêm những cây đờn phương Tây, như violon, mandoline khoét phím, ghi-ta măng-đô, ghi-ta Hạ-uy-di, ghi-ta Tây Ban Nha được nhạc công Việt sửa lại bằng cách khoét sâu khoảng giữa hai phím đờn ghi-ta và gọi là “ghi ta pím lõm”, những nhạc khí nầy, nói rất “trung thực, chính xác” ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Khác với truyền thống ca nhạc thính phòng, ca trù miền Bắc, ca Huế miền Trung trong đó tiếng ca quan trọng hơn tiếng đờn. Trong đờn ca tài tử dàn đờn quan trọng hơn tiếng ca.
4. Một buổi đờn ca tài tử
Những bạn đồng điệu, thường gặp nhau và cùng hoà đờn ca tài tử. Ngày xưa,  bắt đầu, bằng những bản đờn, bài ca điệu Bắc, hơi Bắc, (thường là bài Lưu thủy trường, Phú lục chấn, hay ba bài Bắc ngắn: Lưu Thủy đoản, Bình bán vắn, Kim Tiền) chuyển sang hơi Quảng (Khốc hoàng thiên, Xang xự líu, Sương chiều, hay đờn Tây Thi Quảng) hơi Nhạc, hơi Hạ (Ngũ đối Hạ, Xàng Xê), rồi chuyển qua điệu Nam, hơi Xuân, hơi Ai qua Đảo Ngũ cung). Và lúc chót bao giờ cũng qua đến hơi Oán, Ai Oán, và Vọng cổ. Người nghe thường thích nghe những điệu buồn hơn những bài vui.
Một buổi đờn ca tài tử không theo một chương trình sắp đặt trước. Anh em gặp nhau, cao hứng muốn đờn bản gì thì tất cả đồng ý hoà với nhau.
5. Những nét đặc thù của nghệ thuật đờn ca tài tử
1. Rao :
Trước khi vào bản thuộc hơi nào, nhạc công đờn ca tài tử luôn có câu rao theo hơi đó. Câu Rao theo truyền thống miền Nam khác hẳn với những bài Dạo của miền Trung, những bài này Dạo khách, Dạo nam có một nét nhạc cố định, học trò học rồi mỗi lần trước khi vào bài thì đờn những câu dạo theo Thầy dạy mà không thay đổi. Câu rao miền Nam phóng túng hơn nhiều. Mỗi người thầy có một cách Rao, lúc đầu dạy học trò, thì học trò đờn theo thầy, nhưng khi học trò đến một mức nghệ thuật tương đối khá cao, thầy cho phép học trò tạo những câu rao đặc biệt cho mình.
2. Cách tô điểm chữ nhạc :
Mỗi chữ nhạc đều phải được tô điểm bằng những thủ pháp đặc biệt cho mỗi cây đàn, nhưng mỗi chữ đàn trong các hơi, có những cách tô điểm đặc thù, tức là bó buộc chứ không phải tuỳ hứng.
3. Phát triển và vận hành giai điệu :
Khi hoà đờn, người đờn ca tài tử không bao giờ lập lại y khuôn lòng bản mà thầy đã dạy cho. Theo một quan điểm thẩm mỹ mà trong gia đình tôi thường truyền lại cho con cháu thì học chân phương đờn hoa lá. Quan điểm này giúp cho người nghệ sĩ có phần sáng tạo trong khi biểu diễn để cho nét nhạc thêm tươi, tiết tấu thêm sôi động. Mỗi nhạc công khi đờn giai điệu có cách sắp chữ, sắp câu theo ý mình, miễn là đi sát theo lòng bản và giữ vững điệu và hơi. Người nghe theo dõi giai điệu theo chiều ngang chứ không theo chiều dọc. Nếu có nhiều bè khác nhau thì người thính giả có thể chọn lựa bè nào mình thích nghe để nghe, các bè phần nhiều đang xen với nhau rất nghệ thuật, có nhạc công đờn lớn, có nhạc công ngưng đàn rồi chạy theo câu và khi nào đến cuối câu đều gặp gỡ nhau rất ăn. Những âm thanh trong các bè không giống nhau, không bao giờ chõi nhau, tất cả đều hoà chung trong một điệu thức, một hơi đàn.
Sở dĩ trong khi hoà đờn các nhạc công đờn tài tử, mỗi người phát triển giai điệu theo một cách, nhiều lúc chưa bao giờ hoà chung với nhau, nhưng khi nhập cuộc thì tiếng đờn rất ăn với nhau, hoà hợp nhuần nhuyễn, là nhờ cách phát triển và vận hành giai điệu trong đờn ca tài tử tuân theo những nguyên tắc của dịch lý, một triết lý sống trong xã hội người Việt nói riêng và người vùng Đông Á nói chung.
Theo quan điểm của dịch lý thì vạn vật đều thay đổi từng giây từng phút, các vật dụng hàng ngày mỗi giây phút qua đều mòn đi một chút, trong con người chúng ta có hàng trăm hàng ngàn tế bào chết đi và được sanh ra (biến dịch). Nhưng sự thay đổi đó không làm mất đi hình dạng của vật dụng và vóc dáng của con người, nhờ có những yếu tố không bao giờ thay đổi (bất dịch). Có một sự thay đổi khác nhứt thời khi gặp một đối tượng như lúc chúng ta gặp người bạn thân thì nét mặt tươi cười, với người lạ thì nét mặt nghiêm trang, dè dặt (giao dịch).
5. Bài bản :
Những nghệ sĩ đờn ca tài tử đều biết có 20 bài mà phần đông thườg gọi là “ 20 bài tổ” cần phải học, nhưng thực ra ít có ai thuộc hết 20 bài đó, khi gặp nhau hoà đờn cũng không đờn hết 20 bài, nhưng phải biết tên các bài đó :
- 6 bài Bắc : Lưu Thủy Trường – Phú Lục Chấn – Tây Thi – Cổ Bản – Bình Bán Chấn – Xuân Tình.
- 3 bài Nam : Nam Xuân – Nam Ai – Đảo Ngũ Cung (cũng có khi gọi là Nam đảo).
- 4 bài Oán : Tứ Đại Oán – Giang Nam – Phụng Hoàng – Phụng Cầu.
- 7 bài lớn (có khi gọi là 7 bài hơi nhạc hoặc 7 bài cò) : Xàng Xê – Ngũ Đối Thượng – Ngũ Đối Hạ - Long Đăng – Long Ngâm – Tiểu Khúc – Vạn Giá (những bài này thường được dùng trong nhạc lễ). Đờn tài tử chỉ dùng Xàng Xê – Ngũ Đối Hạ (thường gọi là bài Hạ).
Ngoài 20 bài kể trên, còn có rất nhiều bài bản khác được dùng như những bài Bắc nhỏ : Lưu Bình Kim (Lưu Thủy đoản – Bình Bán vắn – Kim Tiền) – Khổng Minh toạ lầu – Mẫu tầm tử – Tam pháp nhập môn – Thu hồ.
Có những bản đờn hơi Quảng, thường dùng trong dàn nhạc tài tử : Ngũ điểm bài tạ – Khốc Hoàng Thiên – Xang xừ líu – Sương chiều Tú Anh …
Có những bản hơi Triều Châu : Trạng ngươn hành lộ – Mạnh Lệ Quân.
Về hơi Ai Oán thì có những bài lớn : Văn Thiên Tường – Trường tương tư. Thường được đờn theo phong cách tài tử, sau này có một số bài ngắn rất được phổ biến : Đoản khúc Lam Giang …
Ngoài ra, Vọng cổ 32 nhịp là được thông dụng nhứt. Trong một chương trình hoà nhạc đờn ca tài tử lúc nào cũng có bài Vọng cổ này.
Kết luận :
Nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử dính liền với nếp sống của nhiều tầng lớp trong xã hội ngày xưa. Rất nhiều nghệ sĩ tài tử là thợ hớt tóc, lái đò, công chức và một số bác sĩ, luật sư. Với thời lượng của một buổi họp báo không cho phép tôi đi sâu vào chi tiết của những vấn đề được nêu ra, nhưng chúng ta cũng thấy rằng nghệ thuật đờn ca tài tử rất phong phú, đa dạng, sâu sắc, tế nhị.
Sau khi đã giới thiệu thành công các bộ môn nghệ thuật như Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian Văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên, Nghệ thuật Ca Trù, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, chánh quyền Việt Nam đã có quyết định xây dựng một hồ sơ hoàn hảo và toàn diện về nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử.
Kính chúc buổi họp báo thành công, tốt đẹp.
Bình Thạnh, ngày 28-12-2010
GSTS Trần Văn Khê

VIỆC BẢO TỒN NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC CỦA VĂN HOÁ VIỆT NAM


Nước Việt Nam vì hoàn cảnh lịch sử đã bị nước ngoài đô hộ, lại bị mấy chục năm chiến tranh nên văn hoá Việt Nam bị đẩy lùi vào trong bóng tối do chánh quyền thuộc địa thống trị hoặc toàn dân bị đổ dồn nghị lực vào cuộc chiến tranh giành độc lập nên văn hoá không được chú trọng đúng mức. Khi hòa bình lập lại, dân tộc tự chủ lại đến thời kỳ hội nhập, các nền văn hoá trên thế giới ồ ạt tràn vào xã hội nên những nét đặc sắc của cha ông chúng ta truyền lại đã và đang bị mai một. Khi nhắc đến văn hoá, tôi luôn nghĩ đến văn hoá nếp sống, ẩm thực, thời trang, và nghệ thuật.

Về văn hoá nếp sống, hiện tại chúng ta mất mát quá nhiều. Trong gia đình, ít còn thấy cảnh ông bà, cha mẹ chờ đợi con cái “sớm thăm, tối viếng”, “quạt nồng, ấp lạnh” như khi xưa, không kể đến việc thế hệ trẻ ngày nay cũng quên lần việc “đi thưa, về trình”, “gọi dạ, bảo vâng”, thiếu cả tôn ti trật tự, nhiều khi con cái còn “cãi cha, mắng mẹ”. Đối với thầy không còn nhiều sự “tôn sư, trọng đạo”, lễ phép thông thường như trước .

Đối với láng giềng và mọi người trong xã hội, nếp sống cư xử giữa người với người trở nên lãnh đạm thờ ơ, ít còn thấy “lá lành đùm lá rách”, người người sống theo cách “mặc kệ nó”, sống chết mặc bay. Ra đường, văn hóa đường phố, luật lệ đi đường ít còn được tôn trọng, không nghĩ rằng sự tự do của mình có thể sẽ vi phạm đến tự do người khác. Lòng íck kỷ của con người tăng lên tột độ và người Việt đã đánh mất một nét vô cùng dễ thương từ xưa là nụ cười trên môi! 

Về văn hoá ẩm thực thì ngày xưa, cha ông chúng ta từ bắc chí nam đã tạo ra những món ăn tuyệt vời vừa phòng bịnh vừa chống bịnh, hạp với quan điểm vệ sinh; có những cách nấu, cách ăn rất đặc biệt, ăn tổng hợp và toàn diện bằng cả ngũ quan.

Về cách nấu thì người Việt ta có rất nhiều kiểu phong phú sáng tạo. Nướng thì thường nướng bằng than, có khi lại nướng bằng đất sét, lá khô, rơm... thuần là những thứ có trong thiên nhiên. Còn ngày nay, người ta nướng bằng lò gaz, lò điện có khi bằng lò vi sóng... rất hại sức khoẻ và ảnh hưởng môi trường.

Người Việt xưa cũng có nhiều cách kho như kho bằng nước dừa, kho bằng thắng nước mầu (đường), còn ngày nay mọi người thường sử dụng bột nêm, hạt nêm gia vị có mùi hương “kho tiêu”, “kho quẹt”... (có lẽ cũng là dùng hoá chất) là xong một bữa cơm, sử dụng thường xuyên đều gây hại cho sức khoẻ.

Thức ăn ngon thường có năm mầu cơ bản đen, trắng, vàng, xanh, đỏ; có cả năm vị tương xứng bổ sung cho nhau là ngọt, mặn, chua, cay, đắng (hoặc béo); lại đầy đủ những tính chất như mềm, dai, giòn và khi ăn có những tiếng động nho nhỏ phụ kèm làm tăng thêm sự thích thú về thính giác. Cách ăn rất khoa học, chú trọng đến sự quân bình giữa âm/dương, hàn/nhiệt; rất dân chủ vì không bắt buộc thực khách ăn những món không thích mà thường dọn các món ăn trên một mâm cỗ lớn. Ai thích món gì thì tự do gắp lấy, mang tính chất cộng đồng cao, tuy mỗi người ăn một chén riêng nhưng tô canh, nồi cơm bao giờ cũng chỉ có một để cho mọi người cùng ngồi một mâm, có dịp “gặp nhau” trong tô canh, nồi cơm tạo nên một không khí gia đình vui vẻ, thân mật, đầm ấm.

Trong những năm gần đây, người ngoại quốc bắt đầu tiếp cận với những món ăn Việt Nam mà hầu hết đều hoan nghinh hai món nem (chả giò) và phở. Hai danh từ đó đã được ghi vào tự điển ẩm thực hay sách hướng dẫn du lịch của rất nhiều nước. Ngoài ra, còn có những kiểu ăn “cuốn” mang đậm phong cách Việt Nam để rồi các nhà kinh doanh nảy ra ý tưởng về những “nhà hàng cuốn”, “buffet cuốn” vừa phong phú về chủng loại, vừa đa dạng về hình thức.

Trong văn hoá ẩm thực Việt từ xưa có lẽ cần nói đến “quà vặt” của người Việt. Đó là “cốm” như cốm vòng miền bắc, cốm nếp miền nam; “xôi” có nhiều loại như xôi bắp, xôi nếp than, xôi lá cẩm, xôi gấc (nguyên vật liệu tự nhiên); “mứt” có mứt chùm ruột, mứt me, mứt gừng, mứt bí... Ngoài ra còn có các loại trái cây phơi khô như chuối khô, hồng khô, vải khô... Ngày nay, xã hội ít còn thấy những thứ quà vặt trên mà người ta thay thế bằng những thực phẩm công nghiệp như khoai tây lát chiên giòn, những gói bánh snack, thức ăn ngũ cốc công nghiệp... và còn nhiều nhiều hơn thế nữa. Gánh hàng rong không còn kĩu kịt đi qua các con hẻm thành phố với những lời rao ngọt ngào trong những buổi trưa tĩnh lặng, mà thay vào đó người thành phồ hối hả tạt vào một siêu thị, một cửa hàng thức ăn nhanh để mang theo những món thực phẩm công nghệ.
Về trang phục, giới trẻ thường thích ăn mặc theo Âu Mỹ hoặc theo thời trang các nước châu Á của các sao, các người mẫu, các tài tử điện ảnh. Có thể trong công việc hàng ngày, trang phục như vậy sẽ thuận tiện cho việc di chuyển trong văn phòng nhưng đến ngày lễ lớn, Tết, tiệc tùng cũng thích thắt cà vạt, mặc áo dạ hội mà ít khi quan tâm đến áo dài, khăn đóng của cha ông chúng ta khi xưa.

Các bạn có biết rằng năm 1985 tại Tokyo, diễn ra một cuộc chọn lựa mẫu áo đẹp nhứt cho phụ nữ châu Á mang tên “Miss Pageant international”, trong đó phụ nữ châu Á tham dự với quốc phục đặc biệt như áo Sari Ấn Độ, Kimono Nhựt Bổn, Hanbok Triều Tiên và Áo dài Việt Nam. Ban giám khảo quốc tế đã chọn Áo dài Việt Nam để trao giải nhứt. Trong hai mươi năm nay, người Việt hay tổ chức những cuộc biểu diễn thời trang tại nhiều nước Âu, Á, Mỹ. Có hai nhà thiết kế áo dài Việt Nam là Sĩ Hoàng và Minh Hạnh được rất nhiều nước mời đến trình diễn các bộ sưu tập và đặt mua rất nhiều áo dài. Trong những cuộc thi Hoa hậu thế giới những năm gần đây, thường được tổ chức tại Việt Nam, ngoài cuộc thi áo dạ hội, áo tắm luôn có một buổi thi áo dài Việt Nam. Hoa hậu các nước trên thế giới đều thích mặc áo dài Việt Nam, chiếc áo mà nhà thơ Văn Tiến Lê đã ca ngợi: “Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời, Thân sau vạt trước nên lời nước non”. 

Ngoài ra, tại miền Nam còn có chiếc áo bà ba ngày xưa chỉ may bằng vải trắng, vải đen, thông dụng khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, áo đã thấm mồ hôi người nông dân lao động, thấm máu người chiến sĩ ra trận hay máu quân thù đã làm nên một biểu tượng mà ngày nay người Việt nào cũng tôn trọng là “áo bà ba, khăn rằn, nón lá”.

Về văn hoá nghệ thuật, ngoài những bộ môn nghệ thuật đã được UNESCO tôn vinh là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại như Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây nguyên, Dân ca Quan họ là di sản phi vật thể đại diện nhân loại và nghệ thuật Ca trù là di sản phi vật thể cần được giúp đỡ khẩn cấp, chánh quyền Việt Nam đã chuyển hai hồ sơ khác về Lễ hội Thánh Gióng và Hát Xoan đến UNESCO và chờ đợi quyết định trong năm 2011. Bộ Văn hoá cũng đã có quyết nghị xây dựng hồ sơ về nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ để chuyển đến UNESCO năm 2012. Còn rất nhiều bộ môn nghệ thuật sân khấu khác đáng gìn giữ và bảo vệ như Hát Bội (Hát Tuồng), Hát Chèo, Hát Cải Lương, Hát Bài Chòi, nghệ thuật biểu diễn như các loại hình múa rối, đặc biệt là múa rối nước, những loại nhạc lễ như dàn ngũ âm miền Nam, bát âm miền Bắc và loại nhạc tôn giáo như nghệ thuật tán tụng trong Phật giáo, nhạc lễ Cao Đài, nhạc tín ngưỡng như Chầu Văn miền Bắc, Hầu Văn miền Trung, Rỗi bóng miền Nam. Tất cả những bộ môn kể trên đều có những nét đặc thù phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam.

Với kinh nghiệm của một người đã được tiếp cận với truyền thống văn hoá của nhiều nước, tôi thấy rằng nước Việt Nam có một nền văn hoá đa dạng, phong phú phản ánh được một chiều dài lịch sử của đất nước và chiều sâu của nghệ thuật Á Đông.

Chúng ta nên phát triển nền văn hoá nghệ thuật đặc sắc Việt Nam theo đà tiến hoá của xã hội bằng cách không phải chỉ bảo tồn vốn cổ mà phải phát huy cho phù hợp với nếp sống mới mang tính chất hiện đại mà vẫn giữ bản sắc văn hoá truyền thống. Các thế hệ trước đã sáng tạo, lưu truyền nếp sống, nền văn hoá Việt qua nhiều đời, chịu thử thách của thời gian mà trường tồn thì chúng ta ngày nay càng phải biết giữ gìn và chắt lọc những vốn quý đó để nét văn hoá Việt Nam luôn có một bản sắc riêng so với các dân tộc khác trên thế giới. 

Bình Thạnh, ngày 09/12/2010
GSTS TRẦN VĂN KHÊ

2 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
  

trantruongca wrote on Dec 28, '10
Thầy đồng ý! Sẽ trả lời em qua điện thoại
Thày TVK

nguyendoan113 wrote on Dec 27, '10
Thưa Giáo sư, em muốn xin đăng bài này của GS trên Chuyên đề của báo Pháp luật Việt Nam, rất mong GD hoan hỉ.
GS hồi âm cho em vào email: phutue@gmail.com, hoặc điện thoại: 0903.483.006.
Cảm ơn Giáo sư!

MỪNG BẠN PHẠM DUY TUỔI 90 - Nhớ về những kỷ niệm của một tình bạn đẹp

Trời chiều tháng 10 vẫn còn mưa rơi tầm tã, đường đi đến nơi tổ chức sinh nhựt Phạm Duy kẹt xe rất đông, loay hoay hơn một hồi mới tới nơi. Bạn tôi Phạm Duy đã đứng trước cửa nhà hàng, vừa thấy tôi liền đến ôm hôn và 2 con của Phạm Duy (Duy Quang & Duy Cường) cũng đến ôm tôi, dìu tôi vào phòng khách lớn. Tôi được sắp xếp ngồi chung bàn với Nguyễn Văn Tý và một vài người bạn thân của Phạm Duy, báo chí đến chụp ảnh rất nhiều. Chúng tôi uống trà đợi khách đến trễ vì mưa to, mãi đến gần 20 giờ chương trình mới bắt đầu.





Tình bạn đẹp của Trần Văn Khê & Phạm Duy

Cháu Duy Quang ra chào, cảm ơn những vị khách đã tới chung vui và nói lý do buổi lễ đêm nay, rồi hát bài “Cây đàn bỏ quên” - một trong những sáng tác đầu tay của Phạm Duy. Lần lượt những ca sĩ danh tiếng như Tuấn Ngọc (con rể của Phạm Duy), Ánh Tuyết, Trang Nhung … lên hát những nhạc phẩm mà Phạm Duy sáng tác dài theo đường đời. Bữa ăn khá ngon, những bài hát rất hay, không khí cũng ấm cúng mặc dầu ngoài trời vẫn mưa rả rích. 



 
 Trần Văn Khê - Nguyễn Văn Tý - Phạm Duy
 
Đến gần cuối chương trình Phạm Duy lên cảm ơn quan khách và ca bài “Ta chúc mừng ta” mới đặt đêm qua, lời ca dí dỏm, cho rằng tuổi dầu 90 mà “ta đi không cần ai đỡ, mắt ta vẫn sáng, tai ta nghe rõ, lúc nào tim ta cũng rung động trước cái đẹp. Tiếp tục như thế đến khi 100 tuổi ta mới chịu lùi”. MC Thanh Bạch đến để quay phim Phạm Duy vào lúc chót, cháu rất vui vẻ khi gặp tôi. Thanh Bạch mời tôi đến đứng gần Phạm Duy để quay phim 2 anh em. Sau câu trả lời của Phạm Duy, Thanh Bạch hỏi tôi bác có chúc gì cho bạn không? Tôi cười và ứng khẩu 4 câu :

“Biết nhau quá tuổi đôi mươi
Hôm nay mừng bạn chín mươi tuổi rồi
Mặc cho vật đổi sao dời
Đến khi trăm tuổi còn ngồi bên nhau
Đến khi trăm tuổi đẹp lời chúc nhau”

 
(TVK)

Mọi người thích thú cười to. Thanh Bạch lấy ra 2 tấm mặt nạ biểu diễn trên sân khấu tặng Phạm Duy 1 cái và tôi 1 cái, rồi mời hai anh em đứng gần nhau, đưa mặt nạ lên cho truyền hình quay.


  Hai anh em vui mừng gặp lại nhau

Gặp nhau trong ngày sinh nhựt của Phạm Duy làm cho tôi hồi tưởng lại tình bạn của chúng tôi những ngày xa xưa. Tôi nhớ lúc gặp Phạm Duy lần đầu tại Cầu Lộ thuộc tỉnh Vĩnh Long năm 1946, Phạm Duy đã hát cho tôi nghe sáng tác đầu tay "Cô Hái Mơ" (thơ Nguyễn Bính do Phạm Duy phổ nhạc). Lúc đó Phạm Duy còn sáng tác theo phong cách phương Tây nhưng bạn đã biết sử dụng 2 cung Thứ và Trưởng một cách tuyệt vời. Thời gian ấy Phạm Duy đi theo gánh cải lương Charlot Miều lưu diễn khắp lục tỉnh Nam Kỳ, đảm nhiệm phần giới thiệu tân nhạc mỗi khi sân khấu hạ màn sau mỗi lớp diễn. Phạm Duy thường trình bày những nhạc phẩm như "Suối Mơ", "Buồn Tàn Thu"... của Văn Cao. Mỗi đêm tôi đều đến rạp để nghe Duy hát và sau giờ vãn hát lại còn đi đây đó nói chuyện tiếp theo với nhau về quan điểm sáng tác âm nhạc.

Rồi khi gặp nhau tại Sài Gòn, tôi giới thiệu Phạm Duy cho Lưu Hữu Phước, lúc đó đang chuẩn bị thành lập nhóm Hoàng Mai Lưu. Phạm Duy có cho tôi xem quyển sách viết về âm nhạc của Lavignac, trong đó Phạm Duy đã có gạch những đoạn thú vị bằng viết chì màu. Tôi thích quá, muốn mượn để đọc thì Phạm Duy cho mượn liền mà nói: "Nhớ trả lại quyển này cho tớ vì tớ quý quyển sách này như mẹ của mình". Sau đó, vì thời cuộc, 2 anh em không kịp gặp nhau, mỗi người đi một phía. Phạm Duy đi về phía miền Đông, còn tôi đi về miền Tây. Và suốt thời gian kháng chiến cúng tôi không gặp nhau. Tôi đã bị mất rất nhiều tư liệu riêng vì chiến tranh nhưng quyển sách Phạm Duy cho mượn tôi vẫn giữ theo mình và khi chiến tranh chấm dứt, tôi trả lại quyển sách ấy cho Duy. Phạm Duy rất mừng. Tôi cũng vui vì đã giữ trọn niềm tin của bạn.

Khi tôi ở Pháp, Phạm Duy ở Mỹ thì chúng tôi cũng có nhiều lúc gặp nhau. Có lúc Phạm Duy sang Pháp học sáng tác và có ý muốn dự thính lớp học của Thầy Chailley dạy về ngôn ngữ âm nhạc. Lúc đó tôi có dịp được nghe bài "Ngày Trở Về" mà theo lời Phạm Duy nói "được thai nghén trên biển Đỏ (La Mer Rouge - Red Sea, nước Ai Cập), hoàn thành trên chiếc tàu xanh (Le Train Bleu - là chiếc xe lửa đi từ Marseille tới Paris)" và giới thiệu bài hát tại nhà chị Châu - một cán bộ Việt kiều. Chị thường tự tay trồng rau để cho chồng ăn và đãi khách. Hôm đó chị Châu đãi Phạm Duy và tôi ăn bún chả. Ngồi ăn có anh Châu - một kỹ sư hàng không, anh thường nói rằng: "Tôi cưới bà xã tôi vì bà nấu ăn rất ngon". Chị Châu hái nhiều loại rau thơm, húng cây, húng lủi, tươi cười nói: "Cây rau, ngọn cỏ em trồng, em ra em hái cho chồng em ăn". Và sau bữa ăn, Phạm Duy hát lần đầu bài "Ngày Trở Về", tôi nghe vô cùng xúc động. Tôi lại được biết Phạm Duy không bị ảnh hưởng cách sáng tác nhạc phương Tây vì khi tôi hỏi Phạm Duy: "Sau mấy tháng học sáng tác, Duy có thấy tiến bộ gì chăng?" thì Phạm Duy trả lời: "Tớ học cho biết tụi nó sáng tác như thế nào, rồi tớ vứt những kiến thức đó ... vào sọt rác! Nếu không, Duy sẽ không còn là Duy". Tôi rất thích thái độ đó vì học bên ngoài mà giúp mình làm việc bên trong. Nếu học bên ngoài mà làm mất cái bản ngã của một người nhạc sĩ như Phạm Duy để sáng tác theo phong cách của nhạc sĩ Lopez thì là một mất mát rất lớn.

Tôi còn nhớ mỗi ngày thứ năm, hai anh em gặp nhau từ 2 giờ trưa, đi đánh billard electrique, hai đứa đều đánh giỏi nên chỉ tốn 5 france để mua một thẻ và uống 2 ly bia, mà đánh cả giờ, khỏi mua thẻ thêm. Vì 2 đứa đánh đều thắng nên đến khi rời tiệm, có khi còn dư hàng chục bàn. Nhưng một hôm, khi Phạm Duy đến, tôi nói: "Mình đi đánh billard nhé!", Phạm Duy trả lời: "Hôm nay mình muốn nói với Khê rằng mình mới nghĩ ra đề tài cho một trường ca "Con đường cái quan", một chàng thanh niên bắt đầu ra đi từ Ải Nam Quan, dọc đường một cô thôn nữ trên đồng hát một câu "Hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân đứng lại cho em than đôi lời, đi đâu vội mấy ai ơi..." thì chàng trai trả lời: "Tôi đi từ Ải Nam Quan, tôi gặp nàng Tô Thị, cho tôi gởi một câu khuyên :"chớ về"!. Tôi yêu lịch sử yêu tôi, ơi người ôi, ơi người ôi! Ti ti tì tì tỉ ti ti ti tì tì tí...". Câu này có nhạc mà chưa có lời. Phạm Duy say sưa tiếp "rồi chàng trai tiếp tục con đường mình đi, đến mỗi một nơi, nghe hát một bài dân ca của vùng đó, chàng trai trả lời đôi câu rồi tiếp tục đi đến Mũi Cà Mau". Tôi xúc động quá, nói: "Duy ơi, đề tài này tuyệt vời! Trong khi đất nước chúng ta còn đang bị chia cắt vì chiến tranh thì Phạm Duy muốn nối liền đất nước bằng bước đi của một chàng trai từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau và ở mỗi nơi một bài dân ca của vùng đó được hát lên". Hai anh em ôm nhau cười to. Sau này, khi bài "Con đường cái quan" đã viết xong, Phạm Duy đã cho in ra thành dĩa hát. Khi giới thiệu việc thai nghén bài này, Phạm Duy từ Mỹ sang Pháp để ghi hình lại những câu tôi hát đoạn đầu của bài "Con đường cái quan". Trên con đường dài, những bài nhạc Phạm Duy sáng tác mang âm hưởng của dân ca các miền, nhứt là những bản ở miền Trung. Nhưng khi vào miền Nam thì nét nhạc lại giống như những bài hát loại country của Mỹ. Tôi không đồng ý và có nói cho Phạm Duy biết rằng: "Khi vào tới miền Nam, tại sao Phạm Duy lại xoay lưng với dân ca mà sáng tác theo phong cách của Mỹ?". Phạm Duy nghe lời nhận xét đó, không những không giận tôi mà lại còn cho đăng bài của tôi viết trong tập giới thiệu "Con đường cái quan" và bài trả lời của Phạm Duy. Khi tôi hỏi Phạm Duy vì sao bài này tôi không hoàn toàn khen Phạm Duy mà Duy lại để trong tập giới thiệu thì Phạm Duy cười mà trả lời: "Tuy không khen mình mà viết đúng thì mình cứ đăng để có dịp mình trả lời!". Tôi rất thích thái độ đó.

Lắm lúc tôi không chấp nhận một số sáng tác của Phạm Duy và có khi tôi còn giận Phạm Duy. Tôi nghĩ rằng, người như Phạm Duy đã thốt ra bao nhiêu câu thơ đẹp như trong bài "Tìm Nhau":

"Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh tố nữ
....................................
Tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như thiên cổ tìm nghìn thu..."


thì tôi không muốn từ miệng Phạm Duy có những câu mà Phạm Duy cho rằng "mình văng tục cho đỡ giận". Vì vậy, nhiều lúc tôi giận Phạm Duy, không gọi điện thoại thăm cả tháng, nhưng mà sau rồi, khi thấy một con người mà "công" nhiều hơn "tội", một con người cũng biết rung động trước cái khổ của người khác khi viết những câu "mùa đông đã đến kia rồi, gởi mau áo rét cho người chiến binh, nào ai vui thú gia đình, gửi cho chiến sĩ chút tình nước non..." (Mùa đông chiến sĩ) thì tuy "giận thì giận mà thương thì thương" như trong câu hát ví dặm.

Vào lúc hoàng hôn của cuộc đời, tôi rất vui khi thấy một người bạn thâm giao của tôi đã từng bôn ba bốn biển năm châu cũng trở về quê hương xứ sở để thắm tình đất nước và để tắm mình trong không khí nghệ thuật của dân tộc. Phạm Duy cũng giống như những người bạn nghệ thuật của tôi trên thế giới. Như ông Maceda ở Phi Luật Tân, sau khi biểu diễn đờn piano trên nhiều nước Âu Mỹ như một danh cầm - học trò của ông Alfred Cortot, nhưng một hôm nhận thấy rằng mình là người sanh ra tại đất nước Phi Luật Tân mà không biết nhạc Phi Luật Tân và không đờn cho dân tộc mình nghe một bài nào ngoài những sáng tác bên Âu Mỹ thì ông từ bỏ nghề nghiệp độc tấu dương cầm, trở về Phi Luật Tân, đi điền dã và sau mấy năm nghiên cứu, soạn một luận án tấn sĩ về cách đánh cồng chiêng của 2 dân tộc thiểu số Mindanao và Magindanao (miền Nam Phi Luật Tân). Ông trở thành một nhà nghiên cứu nổi danh thế giới, chuyên môn âm nhạc dân tộc Phi Luật Tân và các loại cồng chiêng của Đông Nam Á. Hay là Ravi Shankar - một danh cầm Sitar Ấn Độ, đã từng dạy cho thành viên George Harrison của nhóm nhạc Anh nổi tiếng The Beatles biết đờn Sitar, đã từng lập nghiệp trên đất Mỹ nhưng đến lúc hoàng hôn cuộc đời cũng bán nhà, bán xe đã tậu được ở Mỹ, trở về dạy nhạc tại New Delhi theo phong cách cổ truyền. Phải chăng đó là một quy luật thiên nhiên đối với những người thiết tha đến nghệ thuật truyền thống?

Nước trở về nguồn, lá rụng về cội, Phạm Duy bây giờ có lẽ cũng đã thỏa được ước mong "Ngày trở về" như bạn từng hát cho tôi nghe.

TRẦN VĂN KHÊ

Sài Gòn ban trưa
Mùa Thu tháng 10/2010

GS.TS Trần Văn Khê: Hồi ức xưa và một ước mơ nhân Đại lễ 1000 năm

GS.TS Trần Văn Khê: Hồi ức xưa và một ước mơ nhân Đại lễ 1000 năm


Giáo sư Trần Văn Khê được biết đến như một người có công lớn trong việc truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam tới các bạn bè thế giới. Những công lao của ông được ghi dấu cùng những chuyến đi khắp năm châu bốn bể và ngay cả trên mảnh đất quê nhà.

Trong quãng đời bôn ba đó, Hà Nội trong trái tim ông tựa như một người bạn khó quên. Hà Nội – Thời sinh viên trai trẻ, Hà Nội – nơi tìm kiếm tinh hoa cổ nhạc, Hà Nội – chút tiếc nuối cho di sản và Hà Nội – vài nhắn nhủ tới dịp đại lễ nghìn năm. Muôn mặt tình yêu với Hà Nội của Giáo sư Trần Văn Khê sẽ phần nào được gợi mở trong cuộc trò chuyện cùng ông.

- Thưa Giáo sư, thời sinh viên của ông ở Hà Nội bắt đầu như thế nào ạ?
 
- Tôi ra Hà Nội học trường Y từ tháng 9-1941. Ngày khai giảng (tại 19 Lê Thánh Tông bây giờ) để lại ấn tượng không thể phai mờ trong tôi. Sau khi dứt bài quốc ca Pháp La Marseillaise cùng lá cờ nước Pháp mà tôi vẫn hay nghe từ nhỏ, một điệu nhạc lạ tai trỗi lên cùng lá cờ màu vàng (hồi đó nước ta còn chưa độc lập nên chưa có cờ đỏ sao vàng 5 cánh). Một anh bạn miền Bắc khẽ nói: “Quốc kỳ và quốc ca của ta đấy”. Tôi xúc động quá, ngây người ngắm lá cờ vươn lên cao và lắng nghe điệu nhạc mới mẻ mà trào nước mắt: “Bên núi non hùng vĩ trời Nam/ Đã bao đời khí anh hùng chưa hề tan”. Đó cũng là lần đầu tiên tôi ý thức được rằng dân tộc mình phải có một đất nước độc lập.

- Hà Nội đã gắn bó với ông trong thời đại học với những phong trào sinh viên đầy nhiệt huyết. Giáo sư có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất với Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ trai trẻ đó của mình được không ạ?

- Bắt đầu năm 1942 tôi đã tham gia các hoạt động của Tổng hội Sinh viên Việt Nam với nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc sinh viên. Lúc ấy, anh Lưu Hữu Phước lãnh phần sáng tác những bài hát ca ngợi những chiến công oanh liệt của người Việt trong lịch sử, trong đó có bài “Người xưa đâu tá” có nhiều câu gợi tình yêu nước như:

"Người xưa đâu tá hãy giúp thiếu niên dũng cảm
Người xưa đâu tá hãy giúp tấm lòng can đảm
Người xưa đâu tá hãy nổi gió mưa lửa sóng
Người xưa đâu tá hãy giúp cho dân Lạc Hồng"


GS Trần Văn Khê cùng nghệ nhân Kim Sinh & con trai - GS Trần Quang Hải
 
Hôm giới thiệu bài “Người xưa đâu tá” tại đại giảng đường trường đại học Hà Nội, chúng tôi gặp sự cố. 15 phút trước buổi diễn, một viên mật thám bước vào giảng đường đưa cho tôi một bức thư và nói “Có lịnh cấm hát bài “Người xưa đâu tá””. Tôi mở bức thư ra xem kỹ rồi xếp lại và thưa với thính giả: “Vừa rồi có lịnh của Sở mật thám cấm hát bài “Người xưa đâu tá”, nhưng tôi không thấy cấm diễn tấu bản nhạc “Người xưa đâu tá” xin quý vị thính giả thông cảm vì không nghe được ban hợp xướng hát lời ca của bài này”.

Dàn hợp xướng không được hát nhưng thay vào đó tất cả nhạc công trong dàn nhạc theo nhịp chiếc đũa tôi cầm trong tay biểu diễn bản nhạc một cách hùng hồn. Thính giả trong phòng đồng loạt đứng dậy nghiêm trang. Lời ca của bản nhạc được nhiều người biết nên tuy ban hợp xướng không hát mà tất cả phòng đều như nghe rõ từng câu. Đến đoạn “Chờ dậy cả thảy! Quyết chí phấn đấu thi gan nam nhi cùng ai” thì tất cả thính giả đưa nắm tay ra phía trước theo nhịp đúng nhịp nhạc. Khi bản nhạc dứt, thính giả vỗ tay vang dội cả phòng và vô cùng xúc động. Chúng tôi trong dàn nhạc không cầm được nước mắt. Hành động của chúng tôi lúc đó được các bạn trong ban lãnh đạo Hội sinh viên khen ngợi và đến ngày nay khi hát lại bài “Người xưa đâu tá” tôi vẫn nhớ như in không khí tại giảng đường hôm đó.

- Thưa giáo sư, mặc dù giới trẻ Hà thành ngày ấy rất chuộng văn hoá Pháp nhưng ông là người đầu tiên đề xuất một đêm nhạc sinh viên không có khiêu vũ mà thay vào đó là dân ca và các ca khúc Việt Nam. Ông có thể chia sẻ hồi ức về đêm nhạc đặc biệt đó?

- Khi ra Hà Nội học tôi rất ngạc nhiên vì thanh niên lúc đó đang theo phong trào “vui vẻ trẻ trung”, ưa ăn mặc theo thời trang của Pháp, hát những bài ca Pháp và tổ chức khiêu vũ trong những buổi họp.

Khi tôi được cử vào ban tổ chức đêm “Dạ hội sinh viên”, tôi đề nghị bỏ bớt nhạc Pháp thêm nhạc Việt và thay vào chương trình khiêu vũ tôi đề nghị dựng một tiết mục dân ca ba miền như dựng lại cảnh hội Lim tại Bắc Ninh, hát bài “Cò lả”, “Hò mái nhì” trên sông Hương, hay “Hò cấy” của nông dân miền Nam.... Một số sinh viên trong phong trào “vui vẻ trẻ trung” muốn gây sự với tôi và trách rằng tôi đã làm nhục họ khi để cho sinh viên mặc áo bà ba đen như là những nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng ngược lại đa số thính giả, kể cả giáo sư và sinh viên người Pháp lại rất hoan nghênh. Tôi còn nhớ rõ lúc đó anh Ngô Gia Hy đến ôm tôi và khen rằng: “Nhờ anh mà dân ca Việt Nam được lên sân khấu của nhà hát Tây”. Sau này, khi giáo sư bác sĩ Ngô Gia Hy làm Hiệu trưởng trường đại học dân lập Hùng Vương, có mời tôi dạy nhạc dân tộc trong trường, ông vẫn còn nhắc lại kỷ niệm đó.

- Ấn tượng của ông về con gái Hà thành những năm 1940 như thế nào ạ?

Từ trong Nam ra Hà Nội tôi đã quen nhìn các cô gái Nam Bộ nước da bánh ít mặn mà, nên khi tôi ra Hà Nội thấy các cô gái da trắng má hồng, môi đỏ như thoa son, ăn mặc rất sang trọng, tay đeo “găng” (bao tay) trắng, chân đi vớ (tất) màu trắng, mang giày mule bằng nhung đen (loại giày hở gót, phía trước bao cả bàn chân), nên cảm giác đầu tiên của tôi là các cô gái Bắc đẹp như những người trong tranh vẽ, nhất là các cô nữ sinh Đồng Khánh. Các cô lại ăn nói dịu dàng, tùy khi mới gặp hay đã quen lâu mà gọi chúng tôi là “các anh” và xưng “chúng tôi”, hay “chúng em”. Đôi khi các cô tay cầm quạt phe phẩy, ngồi trên những chiếc xe tay vẻ đài các lắm. Họ thường lấy quạt che mặt khi cười, miệng cười thì như hoa nở. Gặp các cô, tôi có cảm giác “lạc lối đào nguyên”. Mấy chục năm sau gặp lại, các cô vẫn giữ vẻ đài các mà tình cảm và rất đỗi trung thành trong tình bạn.

- Năm 1976, ông trở lại Việt Nam sau 1/4 thế kỷ xa quê, cũng là để thu đĩa hát về âm nhạc cổ truyền của quê hương giới thiệu với UNESCO, trong đó có cuộc gặp gỡ với nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ tại Hà Nội. Ông có thể kể lại những kỷ niệm của cuộc gặp gỡ lịch sử đó?

Trong khuôn khổ của bài nầy, tôi không thể kể lại hết những kỷ niệm của cuộc gặp gỡ lịch sử đó. Chỉ biết rằng lần đó tôi đã khám phá giá trị độc đáo của nghệ thuật ca trù thông qua các nghệ sĩ bậc thầy. Riêng Bà Quách Thị Hồ thì rất đặc biệt. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra tại trụ sở của Hội Nhạc sĩ Việt Nam do Tổng thư ký Đỗ Nhuận tổ chức.

Lúc đó, nhạc sĩ Tô Vũ thuật lại cho tôi biết rằng trước khi gặp tôi, anh hỏi bà định hát bài gì cho ông khách từ Pháp về nghe, bà trả lời: “Hội mời tôi đến tiếp khách thì tôi rót trà cho khách uống, tôi hầu chuyện, chớ hát thì tôi không hát, vì ông ấy bên Tây về có biết Ca trù là gì”.

Sau đó, tôi nói rõ cho các cụ biết rằng lúc làm Luận án Tiến sĩ, tôi chỉ nghe được Ca trù qua các dĩa hát Beka, Columbia do người Pháp ghi lại, như cách ngâm: Sa mạc, Bồng mạc, những bài Mưỡu, Hát Nói và đọc những bài về Ca trù của Nguyễn Đôn Phục và Phạm Quỳnh đăng trong báo Nam Phong, nhưng tôi chưa từng nghe biểu diễn Ca trù thực sự. Hôm nay tôi xin các cụ nói cho tôi biết những điều cơ bản về cách hát, gõ phách, đàn phụ họa và cầm chầu như thế nào.


GS Trần Văn Khê cùng các học trò tại Hà Nội
 
Bà nói với tôi: “À, ra ông cũng có nghe qua Ca trù và biết được Sa mạc khác Hát nói như thế nào. Tôi sẽ nói qua các khổ phách như thế nào và sẽ hát cho ông ghi lại một vài bài”. Khi bà hát câu “Người viễn khách có hay chăng nhẽ”, tôi thưa lại với bà : “Tôi có đọc một câu thơ:”người viễn thú có hay chăng nhẽ”, chẳng hay đúng câu thơ là “viễn khách” hay “viễn thú”. Bà cười vui vẻ đáp: “Ông này tinh nhỉ, đúng là viễn thú đấy, nhưng ông có phải là lính thú đâu, ông là một người khách, tôi hát người viễn khách là hát trêu ông đấy”. Từ đó, bà sẵn sàng trả lời những câu hỏi của tôi một cách đầy đủ. Đến giờ, cuộc gặp gỡ NSND Quách Thị Hồ với tôi là một kỷ niệm không thể nào quên.

- Từ thời trai trẻ đến khi tuổi đã già, ông đã có nhiều dịp đến Hà Nội và hẳn đã nhìn thấy những thay đổi của đời sống âm nhạc cổ truyền nơi đây. Ông có thể chia sẻ cho độc giả một cái nhìn so sánh?

Năm 1976, khi đất nước thống nhất, tôi được về nước nhiều hơn và lần nào cũng có dịp đến Hà Nội ở trong 1- 2 tuần để gặp gỡ các nhạc sĩ. Mỗi dịp trở về là một lần được tiếp xúc nhiều hơn với truyền thống nhạc dân gian phong phú. Tôi có dịp diện kiến bà Hà Thị Cầu để nghe hát Xẩm. Sau này khi cố GS Lưu Hữu Phước tổ chức chương trình SKPVAT (sưu tầm, khai thác, phát huy, vốn âm nhạc truyền thống), tôi lại được tiếp cận với nhiều loại hát khác như hát Xoan, hát Phường vải…

Nhưng giờ đây, tôi thấy rằng các loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian bắt đầu bị biến chất và sân khấu hoá. Hát Quan họ không còn là một trò chơi giữa những người nông dân trong những cuộc Đối ca nam nữ, mà đã biến thành “Quan họ đoàn”, “Quan họ đài”, từ trang phục đến cách hát đều bị thay đổi rất nhiều. Các bộ môn nghệ thuật khác cũng vậy. Bên cạnh việc sân khấu hoá, nhiều loại còn bị nhạc nhẹ hoá. Vẫn biết rằng truyền thống không phải bất di bất dịch, nhưng sự thay đổi phải đi từ bên trong, chứ không phải bằng sự vay mượn bừa bãi những yếu tố từ bên ngoài, nhất là những yếu tố từ phương Tây, làm mất bản sắc Dân tộc của người Việt. Chỉ có Ca trù còn tương đối giữ được nhiều phong cách xưa. Sự ủng hộ của chính quyền đã giúp cho nhiều Câu lạc bộ Ca trù được sinh hoạt. Nhiều ca nương trẻ đã biểu diễn thành công. Ca trù đẹp tựa những đóa hoa, ngày xưa tôi nghĩ sẽ tàn, không ngờ nay lại xinh tươi. Như cành cây cằn cỗi nay đã có nhựa sống và trên cành cây có nhiều nụ non đâm chồi.

- Con người, âm nhạc và đời sống ở Hà Nội đã rất khác trước. Liệu có còn nhận thấy chút thanh lịch của người Hà Nội xưa kia trong cuộc sống hiện tại?

Rất khó tìm được nét thanh lịch đặc trưng của người Hà nội xưa trong cuộc sống hiện tại. Đa số người thời nay chạy theo đồng tiền, nghĩ đến chuyện làm giàu.

- Ông thích một Hà Nội thanh lịch - cổ kính? Hay hiện đại - sôi động?

Trong trái tim tôi, Hà Nội là một thành phố thanh lịch và cổ kính. Trên thế giới dễ gì tìm được một cái hồ có giá trị lịch sử trong một khung cảnh thiên nhiên rất đẹp và nên thơ như Hồ Hoàn Kiếm. Nhiều danh lam thắng cảnh khác như Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch… cũng có giá trị lớn như vậy. Thăng Long - Hà Nội có được 36 phố phường mang tên nghề nghiệp, có một Văn Miếu là Trường Đại học cổ kính, mà cũng là nơi lưu giữ rất nhiều bia đá ghi danh những vị Tiến sĩ từ thuở xa xưa. Những di tích đó là những tài sản vô giá của Hà Nội, cần được bảo vệ nguyên vẹn.

- Ông sẽ muốn làm điều gì nhất nếu như ở Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thưa Giáo sư?

Tôi sẽ hoà mình với cuộc lễ lớn này bằng cách góp công sức vào những sự kiện, trong đó sẽ có những chương trình nghệ thuật in đậm bản sắc Dân tộc. Đặc biệt, nếu có thể, tôi sẽ đề nghị dựng lại Dàn nhạc Cung đình Triều Lý bằng cách phỏng theo trang phục và nhạc cụ của những nhạc công được chạm trên bệ đá ở Chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Nên nhớ rằng Lý Công Uẩn (sau này là Lý Thái Tổ) được sinh ra trong Chùa, rất tôn sùng đạo Phật. Các vua Triều Lý thường cho xây Chùa trước khi xây Hoàng thành, Hoàng cung. Dàn nhạc được chạm trên bệ đá có thể đã có trong các Chùa thời Lý vào dịp tế lễ lớn. Bài bản thì có thể phỏng theo hơi Thiền là hơi của những bài Tán “Dương chi tịnh thủy” ca ngợi Phật Bà Quan Thế Âm, mà lời lẽ rất nên thơ, đại ý là nước Cam Lồ do nhành Dương liễu rải ra sẽ “diệt tội tiêu khiên” và nhờ đó núi lửa sẽ biến thành bông Sen hồng. Nhưng đó chỉ là điều mơ ước, tôi không được quyền tổ chức những cuộc lễ về mặt âm nhạc nên trên đây chỉ là ước mơ của một người nghiên cứu âm nhạc dân tộc.

- Âm nhạc cổ truyền nên có một vị trí như thế nào trong dịp đại lễ lần này, thưa ông?

Theo tôi âm nhạc truyền thống có một vị trí vô cùng quan trọng trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long, bởi đấy chính là bản sắc dân tộc, bộ mặt của quốc gia. Như tôi đã nói, nếu dựng lại Dàn nhạc Cung đình Triều Lý thì đó cũng là một đóng góp thực tế trong việc tìm hiểu lịch sử. Dịp này, nên trưng dụng toàn bộ các loại hình âm nhạc cổ truyền, nhưng nội dung thì có thể đặt trọng tâm vào chủ đề dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long.

- Xin cám ơn ông đã chia sẻ những kỷ niệm, tình cảm và góp ý chân thành của mình với thủ đô yêu dấu.

Điệp Trần thực hiện
(Theo Nhân Dân)