Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

TƯỞNG NIỆM NI SƯ TRÍ HẢI

TƯỞNG NIỆM NI SƯ TRÍ HẢI



 
Di ảnh Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải

Trên đời có những cơ duyên rất lạ.


Người dẫn đường tôi đến gặp Ni sư Trí Hải là Tôn Nữ Hỷ Khương hiền muội.

Mùa Xuân năm 1992, trong lần tôi về nước làm việc, một hôm Hỷ Khương nói với tôi: "Có một ni sư trong họ hàng nhà em, có ý muốn mời hiền huynh nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam tại thiền viện Tuệ Uyển cho các ni cô. Ni sư nầy là một trong những người nữ tu có văn hoá rất cao và uy tín rất lớn". Tôi đã nhận lời. Đến ngày định trước, Hỷ Khương đưa tôi đi đến thiền viện. Trên xe taxi, Hỷ Khương hỏi tôi có chuẩn bị đề tài nào chưa, tôi trả lời: "Lẽ tất nhiên anh sẽ nói về âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng chưa biết sẽ nói về bộ môn nào cho các ni cô nghe".
 
Tới thiền viện, tôi ngạc nhiên khi gặp ni sư Trí Hải lần đầu. Hỷ Khương đã giới thiệu với tôi một ni sư "uy tín rất lớn",  tôi hình dung một ni sư đứng tuổi, trang nghiêm. Nhưng người đến chào tôi là một ni sư trẻ hơn tôi tưởng tượng, nét mặt hiền hòa đôn hậu, gương mặt và đôi mắt sáng ngời, trên môi nở một nụ cười thanh thoát, cúi đầu chào khách và lễ phép mời tôi vào thiền viện. Có mấy chục ni cô mặc áo tràng cúi đầu chào diễn giả. Đã nhiều lần, tôi lựa đề tài tùy theo đối tượng. Hôm nay, cũng trong di sản âm nhạc cha ông để lại, tôi đặt trọng tâm vào tiếng hát ru và cấu trúc của tiếng hát ru mỗi miền, cũng là cấu trúc âm thanh cho những bài tụng niệm trong vùng đó. Rồi tôi giới thiệu các cách tụng, niệm, tán rơi, tán sấp, tán trạo... Ni sư và các ni cô tán thưởng nồng nhiệt. Trong câu chuyện ngắn ngủi trước và sau buổi thuyết trình, tôi nhận thấy nơi ni sư một tâm hồn cởi mở, có thể nói là rất "nghệ sĩ" khi đề cập đến vấn đề văn hóa Việt Nam.

Mùa hè năm 1992, tôi bị tai nạn xe, xe tan nát mà thân thể tôi còn nguyên vẹn, Hỷ Khương hiền muội đã đêm đêm tụng kinh cầu an cho tôi trong 49 ngày. Và em cũng cho biết rằng ni sư Trí Hải cũng có cầu an cho tôi. Từ đó trong tôi đã mang một lòng biết ơn đối với ni sư.

Mùa Thu năm 1994, tôi lại đau một trận thập tử nhứt sinh. Hỷ Khương tỏ ý lo ngại cho sức khoẻ của tôi khi gặp ni sư thì ni sư đã đề nghị sẽ cầu an cho tôi tại thiền viện và hỏi Hỷ Khương pháp danh của tôi. Hỷ Khương trả lời là không biết, mà cũng chẳng rõ tôi có pháp danh hay không. Tôi không phải là Phật tử nên không có pháp danh, mặc dầu đã nghiên cứu về âm nhạc trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, đã thuyết trình về đề tài nầy tại nhiều tự viện. Ni sư đề nghị đặt pháp danh cho tôi là Nguyên Sơn. Nguyên là họ một dòng trong Phật Giáo. Sơn vì tôi tên Khê (và trong Kiều cũng có câu "Phong trần đến cả sơn khê"). Bỗng nhiên vì lòng vị tha muốn cho tôi dược ơn trên che chở, ni sư đã ban cho tôi một pháp danh. Nhờ vậy, khi trải qua 5 tuần lễ trong bịnh viện và 5 tháng điều trị tại gia, tôi đã tai qua nạn khỏi.

Lại một lần nữa tôi mang ơn lòng từ bi của vị ni sư khả kính.
 
Mùa Thu năm 1998, Hỷ Khương lại cho tôi biết ni sư Trí Hải muốn mời tôi nói chyện về âm nhạc tại thiền viện Tuệ Uyển. Tôi nhận lời ngay vì ít nhứt cũng là một dịp để trả ơn ni sư và các ni cô đã thành tâm cầu nguyện cho tôi được tai qua nạn khỏi, "cho chữ cát thế chữ hung" như Hỷ Khương đã viết trong mấy bài thơ "Ánh Văn Tinh" tặng tôi mỗi lần tôi thoát khỏi tai ương nhờ Trời thương Phật độ.

Nhưng mấy hôm sau, tôi được một bức thư của ni sư cho tôi biết rằng, buổi nói chuyện về âm nhạc của tôi, trước dự định cho thiền viện Tuệ Uyển, nay xin đổi lại thành buổi nói chuyện trong một nơi rộng lớn hơn, là thiền viện Vạn Hạnh, sẽ có nhiều người dự hơn, ngoài một số chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, còn có học viên lớp Cao đẳng Phật học, có tăng ni đến từ nhiều nơi, có hội viên Hội Phật Học và gia đình, lại được Hòa Thượng Thích Minh Châu chủ tọa và đích thân Hòa Thượng lên giới thiệu diễn giả. Thật là một vinh dự rất lớn cho tôi! Hỷ Khương cho tôi biết là ni sư Trí Hải sau khi nghe tôi nhận lời nói chuyện tại Tuệ Uyển thiền viện, có bàn với Hỷ Khương là ni sư có ý muốn cho đông đảo thính giả được nghe tôi nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam, và nhứt là biết những đặc điểm trong âm nhạc Phật giáo Việt Nam so sánh với nhạc Phật giáo trong vài nước châu Á. Tôi rất xúc động và khâm phục người lúc nào cũng có thái độ vị tha.
 
Hôm đó (ngày mùng 6 tháng 10 dương lịch năm 1998), sau buổi nói chuyện tôi có gặp ni sư, và cám ơn ni sư đã tạo điều kiện cho tôi được nói chuyện về nhạc trong truyền thống Phật Giáo Việt Nam cho rất nhiều thính giả. Ni sư nhẹ nhàng không nhận lời cám ơn, mà còn cám ơn tôi đã chịu khó nghiên cứu trong bao tháng năm về âm nhạc truyền thống Việt Nam, và khen tôi nói chuyện về nhạc Việt Nam không phải bằng khối óc mà bằng con tim, nên lời nói mới đi thẳng vào lòng người nghe.

 Tôi nhân dịp đó cám ơn ni sư đã cầu nguyện cho tôi được qua khỏi tai ương. Ni sư lắc đầu trả lời: "Giáo sư đừng bận tâm về việc ấy. Chúng tôi không có cầu nguyện cho cá nhân Giáo sư Trần Văn Khê mà cầu nguyện cho người suốt đời đi giới thiệu tiếng nhạc Việt Nam trên khắp năm châu".

Tôi cúi đầu từ giã người ni sư mà trí tuệ, đạo đức và hành sự làm tôi vô cùng kính phục, một người tuy ít có cơ hội tiếp xúc tôi, mà hiểu tôi và công việc tôi làm như một người tri kỷ, tri âm.

Hỷ Khương từ năm 1992, đã cho tôi được gặp và biết ni sư Trí Hải. Lại cũng chính Hỷ Khương, qua điện thoại báo tin ni sư Trí Hải đã viên tịch vì tai nạn giao thông. Thoạt tiên tôi bàng hoàng, sửng sốt, và rồi như người phàm phu tục tử, chỉ biết nhờ Hỷ Khương thay tôi đem một tràng hoa phúng điếu người quá cố. Lúc đó chúng tôi cũng có nhắc đến luật vô thường. Nhưng khi định hồn lại, tôi thấy ni sư tuy rời khỏi trần thế mà vẫn đang an nhiên, "tâm vô quái ngại", đi trong một vùng "bất sanh bất diệt" và luôn luôn như Kim Lan đã viết - làm "cô lái đò với nụ cười đang thong dong chờ những kẻ biết quay về, muốn qua sông mà bơ vơ không có người chỉ nẻo".
 
Ni sư Trí Hải sẽ sống mãi trong lòng của mọi người.

Trần Văn Khê
Add a Comment
   
trantruongca wrote on May 13, '11, edited on May 17, '11
Thầy rất tiếc là không biết đạo diễn Lê Cung Bắc. Thầy sắp đi thuyết trình về Văn hóa ứng xử trong học đường xưa và nay nên cũng không có nhiều thời gian. Chúc con khoẻ mạnh.
 
modaoxuanhanoi wrote on May 13, '11
Chào Thầy! Con thấy Thầy đã xem qua music slide của con. Nay con lại có thêm 1 thỉnh cầu nữa. Con đoán là Thầy có email của ĐD Lê Cung Bắc.

Con có một số điều muốn hỏi ĐD này. Không phải kiểu 1 fan hâm mộ mà là thật lòng con muốn tham vấn một số vấn đề về chuyên môn. Vì vậy nếu Thầy có hoặc Thầy có người quen có email, con tha thiết mong Thầy chia sẻ với con.

Mail của con là anh2anh3anh4@gmail.com

Biết ơn Thầy (vì những bài viết âm nhạc dẫu con chỉ mới đọc lý thuyết chứ chưa có phước duyên được thử nghiệm).

Happy Vesak! 
 
modaoxuanhanoi wrote on May 9, '11
Dạ, con thiếu chánh niệm nên đánh máy nhầm tên của thầy. Nếu thầy vào YouTube channel của con thì thầy sẽ được xem thêm nhiều music slide con làm. Con lại gửi cho thầy 1 bài mà con rất tâm đắc. Đó là bản Chơn Ngôn Quyết Định Vãng Sanh.
http://bit.ly/RebirthInPureLand. Con làm chỉ vì sở thích cá nhân. Nhưng cũng đã gởi thư xin phép đàng hoàng về việc dùng nhạc, dùng tranh của các nghệ sĩ. Ví dụ như bức tranh thầy xem thì họa sĩ Bahman Farzad từ Mỹ đã cho phép con sử dụng. Con gửi cho thầy vì con mong thầy phân tích cho con một chút về mặt âm nhạc của những bài này. Con vốn không biết gì về âm luật nên chỉ nghe theo cảm nhận trái tim. Con rất mong sự soi sáng thêm của thầy.

Biết ơn thầy rất nhiều.
Con tên Đặng Chương (a.k.a Dạ Lai Hương)
 
trantruongca wrote on May 8, '11
Cam on em Modaoxuan Hanoi da goi cho Thầy music slide. Nhac rat hay, Loi dich cua Thay Th Nhat Hanh rat chinh xac va giup cho nguoi nghe theo doi loi kinh cua Kinh Bac Nha Balamat de tâm kinh.
Thay khong co dao Phat nhung rat qui va ton trong triet ly Phat giao
Ten Thay la Tran Van Khê chớ không phải Khuê
Thay TVK
 
modaoxuanhanoi wrote on May 8, '11
Gửi thầy Khuê 1 music slide con đã làm. http://youtu.be/_WEHEY7MrLw
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét