Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Giáo dục lại văn hóa ứng xử cho học sinh

Giáo dục lại văn hóa ứng xử cho học sinh

 
Trăn trở trước sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử của một bộ phận thanh niên nói chung, đặc biệt là lứa tuổi HS còn ngồi trên ghế nhà trường, các thành viên của Hội quán các bà mẹ và đội ngũ các diễn giả là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà tâm lý, xã hội học sẽ thực hiện chuỗi chương trình sinh hoạt chuyên đề “Văn hóa ứng xử học đường 2011” đến khoảng 40 trường THPT của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
 
Dịp này, PV Văn Hóa có cuộc trò chuyện với GS.TS Trần Văn Khê (ảnh), diễn giả sẽ tham gia giao lưu, nói chuyện với HS THPT. GS cho biết:
 
Nguyên nhân chính làm cho văn hóa ứng xử của HS hiện nay đang ở mức báo động bắt nguồn từ một nền giáo dục thiếu căn bản. Gia đình cũng vậy, chỉ muốn nhồi nhét ngày càng nhiều kiến thức cho con mà có khi quên chuyện dạy làm người, dạy tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới.

Bên cạnh đó, sự lai tạp của nhiều luồng văn hóa lai căng làm cho giới trẻ nhanh chóng viêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu. Có thể nói, gia đình và thầy cô chưa làm tròn trách nhiệm của mình, không biết giáo dục, không biết cách ươm mầm nhân cách sống cho các em ngay từ nhỏ đã làm hư đi một bộ phận HS. 

Liệu những buổi nói chuyện với các em như vậy có khắc phục được tình trạng này hay không?

- Tôi không chắc là sẽ thành công nhiều nhưng dù sao cũng khơi lên được vấn đề, làm cho nhàtrường và gia đình thấy rằng cần có cách giáo dục đúng hướng hơn. Tháng 4 vừa rồi tôi có nói chuyện với các HS trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Bình Dương) thì thấy có dấu hiệu khả quan.  

Theo hiệu trưởng nhà trường cho biết là sau khi giao lưu và nói chuyện thì các em HS đã thay đổi ứng xử, có hành vi tích cực hơn. Điều này làm tôi rất mừng và cố gắng nói để HS hiểu vấn đề hơn. 

Ở đây không phải là truyền bá văn hóa hay thuyết trình gì lớn lao mà tôi muốn đem thanh niên trở về với cội nguồn dân tộc, trong đó đặc biệt là giáo dục để các em có văn hóa trong ứng xử, ăn mặc, hành vi. 

Có thể nói rằng, để có được ứng xử văn hóa tốt còn tùy thuộc vào phép tắc, lề lối trong môi trường đó. Chẳng hạn, trong một ngôi trường hay một gia đình, nếu người hiệu trưởng hay người cha (mẹ) luôn ứng xử nhân văn, văn hóa thì tất yếu đội ngũ giáo viên, HS hay các thành viên trong gia đình và con cái họ sẽ biết ứng xử lễ phép, nề nếp. 

Thưa Giáo sư, nói chuyện với hàng chục trường vàvới chục nghìn HS như vậy, nội dung các buổi nói chuyện có khác nhau không điều gì sẽ gửi gắm nhiều nhất với các em - thế hệ tương lai của đất nước?
 
- Tùy tình huống, tâm lý cũng như những vấn đề mà các HS ở từng trường học quan tâm mà tôi sẽ bắt nhịp để nói chuyện với các em. Thực ra, có rất nhiều điều không phải bây giờ mà từ lâu tôi đã trăn trở, đó là làm sao đưa âm nhạc truyền thống vào nhà trường để dạy HS, bởi nếu được hấp thụ, nuôi dưỡng trong âm nhạc, trong môi trường êm ái đó thì tự nhiên các em sẽ có lối sống văn hóa lành mạnh hơn. Tiếc là nhà trường cũng đã đưa âm nhạc vào nhưng lại là âm nhạc hiện đại với đàn piano, violon...
Cho nên, kiểu dạy đó giống như đứa trẻ mới biết nói thay vì dạy gọi cha, mẹ thì lại dạy con gọi là dady, mommy. Đưa âm nhạc vô học đường nhưng lại đưa theo đường… Tây thì còn gì là truyền thống dân tộc nữa.

Cảm ơn Giáo sư!

ĐỖ HUY (thực hiện)
(Theo Văn Hóa online)

Add a Comment
   

trantruongca wrote on May 28, '11
Thầy cũng cú đề cập đến vấn đề chương trình giảng dạy trong cáctrường trung học,
Việc đó ngoài tầm tay của Thầy!!!
Thầt TVK

vndiep wrote on May 21, '11
thưa thầy, quả thật là vấn đề giáo dục trẻ em luôn làm con trăn trở mặc dù con mới 20 tuổi thôi. Con suốt 12 năm đi học đều là học sinh giỏi, được giải cao trong các nhưng thực sự con rất mệt mỏi và không hạnh phúc với những thành quả đấy. Chúng con bây giờ phải học quá nhiều thứ, quá nhiều kiến thức nhưng thực sự cái cốt lõi của việc học, cách cư xử trong cuộc sống thì không được dạy bảo. Lẽ ra chúng con phải được đi thăm viếng ông bà, họ hàng, trò chuyện với cha mẹ mình trong những ngày nghỉ lễ để được nghe lời hay lẽ phải thì chúng con phải chăm chú hoàn thành bài tập Tết, bài tập thêm ... Dường như nhà trường và gia đình muốn lấp đầy thời gian của trẻ con bằng bài tập, bằng kiến thức, sợ có thời gian rảnh, chúng nó sẽ chơi và chúng nó sẽ hư! :( Cho nên con thiết nghĩ, những người có bằng cấp hiện nay chưa chắc đã là ngưoi có hiểu biết, có bản lĩnh, có đạo đức và văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét