Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Giao lưu trực tuyến “Văn hóa ứng xử học đường”

Giao lưu trực tuyến “Văn hóa ứng xử học đường”

Nhằm giúp học sinh biết cách điều tiết cảm xúc bản thân trong văn hóa ứng xử ở nhà trường và ngoài xã hội, tránh bạo lực học đường, trang bị thêm những kỹ năng sống và kiến thức văn hóa để hội nhập tốt với cuộc sống hiện đại... báo Sài Gòn Tiếp Thị và công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Văn hóa ứng xử học đường”. 

Chương trình diễn ra vào lúc 9 giờ 30 ngày 2.6 tại tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị, với sự tham dự của ba khách mời: GS.TS Trần Văn Khê, Th.S xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên học viện Hành chính quốc gia), ông Vương Thanh Long (giám đốc marketing công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn) và khoảng 100 bạn đọc.


Tôi là giáo viên. Con tôi học tại trường tôi, hay bị các em học sinh hư, quậy nhiều, nói xấu tôi làm cho cháu bị phân tâm trong giờ học. Vậy tôi phải làm sao? (Nguyễn Thị Nhơn, 51 tuổi, Nhonnguyen_1960@yahoo.com)

ThS Phạm Thị Thuý: Trước hết tôi rất chia sẻ tâm trạng của một người mẹ. Nếu tôi là chị, tôi cũng rất buồn và lo lắng vì có một số trường hợp bạo lực chỉ xuất phát từ vấn đề bắt nạt. Việc đầu tiên chị nên làm ngay là trao đổi ngay với cô giáo và nhà trường để tìm biện pháp điều chỉnh nhóm học sinh hư này. Sự liên hệ với nhà trường nên thường xuyên liên tục cho đến khi sự quấy nhiễu kết thúc. 

Việc thứ hai là chị hãy dành nhiều thời gian tâm sự với cháu để cháu có cơ hội chia sẻ bức xúc và qua đó chị hiểu được nguyên nhận tại sao nhóm bạn kia lại quấy nhiễu con chị. Khi đó, chị sẽ biết chị nên làm gì để giúp cháu. Sự trò chuyện quan tâm của chị cũng giúp cháu được an tâm vì chị luôn đứng ở bên cạnh cháu. Cháu thêm tự tin để cùng với cô giáo có cách ứng xử phù hợp với nhóm bạn. Và chị cũng cần có biện pháp bảo vệ con như: Đưa đón cháu đi học, tìm hiểu nhóm bạn quấy nhiễu và gia đình của các cháu này để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu các cháu có những hành vi quấy nhiễu thái quá.

Nhân việc này, các cha mẹ cũng nên chú ý động viên, khen ngợi con nhiều hơn để khuyến khích sức mạnh tinh thần bên trong mỗi người con. Khi con chúng ta tự tin, các cháu không sự bất cứ một sự quấy nhiễu nào.

Anh Thanh Long thân mến, em là học sinh lớp 9, em thấy bạn trai bây giờ biết yêu rất sớm. Làm sao để biết bạn có thật lòng với mình? Lúc còn trẻ, anh tỏ tình với bạn gái thế nào để thành công? Là con gái thì phải làm thế nào để bạn trai quý trọng, thương yêu mình? (Nguyen Ngoc Tram, 15 tuổi, Vĩnh Long, ngoctrinh826@yahoo.com)

Ông Vương Thanh Long: Tình yêu phải từ trái tim đến trái tim, nhưng ở tuổi của em thì quả thật anh chưa biết yêu là gì! Anh nghĩ ở tuổi này, các em nên tập trung vào việc học là chính, nếu chúng ta học giỏi, thành đạt thì chuyện được nhiều người yêu mến tất nhiên sẽ đến, nên theo anh trong tuổi các em chỉ nên dừng lại ở tình bạn trong sáng, cùng giúp nhau học tập để xây dựng nền tảng cho tương lai.

Em nghĩ chương trình ứng xử học đường rất thiết thực, cung cấp những kỹ năng cần thiết để làm chủ cảm xúc. Vậy đơn vị tổ chức có nên kèm thêm kỹ năng ứng xử với thầy cô để thầy cô hiểu các em hơn không ạ? (Nguyen Le Phuong Nhien, 16 tuổi, jennyle2580@yahoo.com.vn

Th.S Phạm Thị Thúy. Ảnh: Hồng Thái
Th.S Xã hội học Phạm Thị Thúy: Ứng xử giữa thầy cô với học trò là mối quan tâm được nhiều học sinh, bạn trẻ đưa ra với tôi trong những hội thảo gần đây. Giáo viên không có văn hóa ứng xử sẽ khó đào tạo nên những học trò có văn hóa ứng xử. Ví dụ nếu thầy cô không tôn trọng học trò thì rất khó dạy học trò tôn trọng mọi người xung quanh. 

Người giáo viên cũng cần chuẩn bị chu đáo về trang phục, tác phong và cần là tấm gương trong ứng xử.  

Trong chương trình giáo dục có dạy lễ giáo qua môn giáo dục công dân, những hoạt động ngoại khóa. Nhưng hình thức, phương pháp giảng dạy hiện nay chưa thật sự phù hợp với học sinh thời nay. Phương pháp giảng dạy phải bắt đầu từ nhu cầu của học sinh. 

Bạn Nhiên nhận xét cần cung cấp kĩ năng quản lý cảm xúc cho học sinh là rất đúng. Khi bình tĩnh thì ai cũng ứng xử đẹp, nhưng lúc "cả giận lại mất khôn". Quản lý cảm xúc là vấn đề đáng quan tâm. Đây là một kĩ năng cần đào tạo cho thế hệ học sinh thời nay. Nếu các em thay đổi được suy nghĩ, sẽ thay đổi được cảm xúc. Ví như các em bị mắng oan thì bực tức, nhưng nếu các em hiểu cha mẹ đang lo cho mình, đang muốn những điều tốt đẹp nhất cho mình, nhưng vì quá bận, chưa có cơ hội nghe con giải thích nên mắng oan. Các em cần biết đợi lúc cha mẹ bình tĩnh, tìm cơ hội giải thích thì mâu thuẫn sẽ không xảy ra. Nhưng nếu chưa kịp thông cảm, các em phản ứng dữ dội, bỏ nhà đi, đóng chặt cửa phòng lại, thậm chí lại muốn tự tử vì bố mẹ mắng oan. 

Văn hóa ứng xử học đường, tôi quan tâm từ lâu, chứ không phải bây giờ, chúng tôi là bậc ông bà, thấy nền giáo dục bây giờ đi xuống quá nhiều, đánh đấm cười nói không có xúc cảm gì hết, cần lên tiếng nói nhiều hơn nữa mới đúng. Việc này lan ra nhiều trường trên cả nước, chưa được xã hội quan tâm đúng mức, xử lý kỷ luật cũng quá nhẹ nhàng, chỉ cho nghỉ học vài ngày và viết kiểm điểm. Tham gia bạo lực có nhiều em học sinh từ kém đến giỏi. Trong khi đó, hiệu trưởng sợ mất uy tín, nên giấu nhẹm những chuyện này đi. Phụ huynh thì khoán hết cho nhà trường. Phải chăng phụ huynh lo làm ăn rồi quên đi giáo dục con em, từ mầm non không hướng thiện, bỏ lơ  trách nhiệm cho thầy cô giáo, mình có một hai con mà quản lý không nổi mà làm sao yêu cầu nhà trường dạy con mình? (Cô Trịnh Dương Thục, 63 tuổi, 96 Hồ Biểu Chánh, p11, Phú Nhuận) 

Giáo sư Trần Văn Khê: Tôi nghĩ là lỗi một phần là do các em học sinh, các em không quản lý được bản thân mình. Cần xem xét lại hoàn cảnh xã hội, chúng ta xem ai là người chịu trách nhiệm chính. Tôi đồng ý như bà vừa nói: gia đình chỉ lo vật chất mà không cho tinh thần, thầy cô trao kiến thức mà không trao luân lý. Xã hội cũng chịu trách nhiệm: bị đánh hội đồng, phải phạt cho thật nghiêm, cho thật sợ, không làm qua loa cho có phạt thì thôi. Chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm. Ngày xưa chúng tôi học: bổn phận đối với xã hội, với gia đình... rất cẩn thận.

Ông bà nói "thương cho roi cho vọt". Thật ra thì không nên cho roi cho vọt. Cha mẹ và thầy cô không cấm đoán, mà chỉ đỡ, làm lan can cầu che chở, không răn đe, chừng đó sẽ bớt sự xung đột, hiểu lầm, để con biết nghe cha mẹ. Ngày xưa, gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình, bây giờ toàn "nghe rồi, ok", tiếng "dạ" có một, "ok" tới hai tiếng, tại sao phải dùng "ok"?

Ngày xưa dạy: tiên học lễ, hậu học văn. Bây giờ không có. Tôi không đồng ý chuyện thầy cô đánh học trò, đừng nên tạo sự phẫn uất. Mỗi người đều nghĩ đến trách nhiệm của mình, mỗi người cố gắng một chút, dằn cái ta, bỏ cái ngã đi để nghĩ đến mọi người, thì hy vọng năm mười năm nữa, sẽ mất đi.

 Giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: Hồng Thái 

Em tôi 14 tuổi, tính tình rất ngang bướng, hay ù lì, khi kêu em làm gì thì em không làm liền mà hay loay hoay, ngồi một hơi mới chịu làm, có khi tôi nóng giận quát lên thì lại trách tại sao tôi nóng giận, hầu như em tôi không nhận thấy được lỗi lầm của mình hoặc có khi nhận ra nhưng không chịu sửa đổi. Trong trường thì em tôi tỏ ra như là một ông cụ non (em tôi hay đọc sách báo nhiều nên có khá nhiều kiến thức bên ngoài) nên mối quan hệ với các bạn không được tốt, thường bị các bạn đem ra làm trò. Tôi phải làm sao để giúp em tôi thay đổi. (Trần Nguyễn Hoàng Nhựt, 22 tuổi, hoangnhut_ok@yahoo.com)

ThS Phạm Thị Thuý: Bạn Nhựt mến, em của bạn đang ở độ tuổi dậy thì. Đây là một giai đoạn có rất nhiều biến đổi trong tâm sinh lý. Một đặc điểm nổi bật nhất của các bạn trẻ ở độ tuổi này, thích làm theo ý mình, thích chứng tỏ bạn thân... Vì vậy, nếu em khuyên, trách thì em của em càng có phản ứng tiêu cực dù cho trong lòng em của em biết lỗi. Em có thể giúp em mình bằng cách hỏi thay vì nói. Mỗi khi có một tình huống em em ngang bướng em hãy hỏi em đang muốn điều gì? Ý em muốn sao?... để em của em đưa ra quan điểm riêng. Khi được nói, em của em sẽ hết bướng. Đấy cũng là cách chúng tôi thường làm với con, học trò của mình. Tôi rất thích những em có cá tính, bướng bỉnh một chút vì những em đó có rất nhiều ý tưởng. Chỉ cần mình biết khuyến khích, khen ngợi các em chia sẻ, sau đó mình mới đưa ra quan điểm riêng của mình, thì các em dẽ chấp nhận hơn.

Em cũng nên tìm cơ hội tâm sự về việc em của em bị bạn chọc ghẹo vì tỏ ra biết nhiều, qua đó giúp em hiểu nếu mình khiêm tốn thì bao giờ cũng được mọi người coi trọng hơn, chẳng hạn: "Em hãy dành sự hiểu biết ứng dụng vào việc học hàng ngày, chứng minh cho bạn bè thấy qua kết quả học tập thì các bạn sẽ phục hơn".

Ngoài những hoạt động tại trường THPT trong cả nước, ông Thanh Long có thể chia sẻ thêm chương trình còn hoạt động nào nữa không? (Bùi Thị Thanh Tú, 24 tuổi, buithanhtu.marketing@gmail.com)

 Ông Vương Thanh Long. Ảnh: Hồng Thái
Ông Vương Thanh Long: Thông qua chương trình này, Thái Tuấn mong muốn chắp cánh cho các thông điệp sau đây vươn xa hơn trong môi trường học đường: Góp phần giúp các em học sinh trên toàn quốc nhận thức một cách đúng đắn những giá trị tốt đẹp trong Văn hóa ứng xử học đường, trong giai đoạn còn đi học; Hỗ trợ chia sẻ với các em biết và hiểu biết một cách sâu sắc những lợi ích khi ứng xử tốt, ứng xử đẹp, từ hành vi tốt sẽ đưa đến kết quả đẹp trong cuộc sống; Góp phần điều chỉnh các lệch lạc, chệch hướng về suy nghĩ và hành vi trong quá trình phát triển bản thân của các em học sinh; Cung cấp và trang bị cho các em các công cụ hữu ích để kiểm soát tốt cảm xúc trong ứng xử. 
 
Đối với chương trình Văn hóa ứng xử học đường, vào ngày 15.6.2011 sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình tổng kết tại Nhà hát Hòa Bình nhằm chia sẻ những trải nghiệm thông qua chuỗi chương trình gần 1 tháng qua tại các trường. Đối với Thái Tuấn, công ty cũng đã ý thức rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng, nên trong những năm qua chúng tôi đã tổ chức chương trình như: Thắp sáng ước mơ xanh đến nay đã là lần thứ 9, Tri ân người khai sáng và gần đây nhất Thái Tuấn đã ra mắt Quỹ Thái Tuấn vì cộng đồng và nhiều hoạt động khác để chung tay góp phần nhỏ đối với xã hội.

Tại sao học sinh thời nay thiếu những kỹ năng ứng xử trong nhà trường và ngoài xã hội? Môi trường có phải là nhân tố quyết định đến cách ứng xử của mỗi học sinh hay không? Giải pháp thiết thực nhằm cải thiện cách ứng xử của học sinh để hội nhập với cuộc sống hiện đại? (Nguyen Thu Lai, 22 tuổi, tulaai28@yahoo.com)

Giáo sư Trần Văn Khê: Theo tôi nghĩ, là do thiếu sự uốn nắn từ "gốc" gia đình khi còn nhỏ, nên khi lớn lên các em hành xử theo bản năng. Ứng xử trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến ứng xử ngoài xã hội, vì thế, cái "gốc" gia đình cần phải được chăm bón kỹ lưỡng. Cả gia đình, nhà trường, xã hội đều có trách nhiệm với sự thiếu sót trong ứng xử của các em. Mọi người đều phải dẹp cái "ngã", cái tôi của mình để cùng nhau sửa sai.

Phụ huynh học sinh đánh thầy cô, hiểu như thế nào? Văn hóa ứng xử học sinh bây giờ có bị ảnh hưởng bởi internet không?

Giáo sư Trần Văn Khê: Tôi hoàn toàn không đồng ý việc phụ huynh đánh thầy cô. Nếu không thể nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ, thì đó là thất bại của người lớn. Internet là con dao hai lưỡi, quan trọng là mình phải dạy con biết sử dụng như thế nào để lấy phần lợi, hạn chế phần hại.

Làm sao nói với trẻ cho có hiệu quả trong khi trẻ bây giờ rất cứng đầu và bảo vệ quan điểm của mình?

Giáo sư Trần Văn Khê: Tôi đi đến các trường nói chuyện với các em, thấy các em nói chuyện lào xào, tôi hỏi: "Các con ơi, các con có biết năm nay thầy bao nhiêu tuổi không?" Các em nhao nhao lên nói: "Hơn 80 tuổi". Tôi trả lời: "Năm nay thầy đã 91 tuổi rồi!" Cả sân trường cùng "ồ" lên. Tôi nói tiếp: "Thầy đường xa, tuổi cao đến đây nói chuyện với các con, các con nói lào xào thầy không nói chuyện được, các con có muốn nghe thầy nói không?" Các em dạ nghe, rồi yên lặng lạ thường. Tôi thấy mình không cần phải áp đặt hay đao to búa lớn gì cả, chỉ cần thân thương gần gũi thì sẽ nhận được sự hợp tác thôi!
Chị Thuý ơi, tôi có đứa con gái học lớp 6, tính cách giống như con trai, làm thế nào để cháu ứng xử với mọi người thuỳ mị, duyên dáng. Gia đình tôi rất nề nếp, không có ai như thế? Nhờ chị hướng dẫn. (Pham Quoc Phong, 35 tuổi, Trà Vinh, phamphongtvcc@yahoo.com)

 ThS Phạm Thị Thúy đang giao lưu cùng bạn đọc.
Ảnh: Hồng Thái
ThS Phạm Thị Thúy: Hầu hết các ông bố đều mong con gái mình thùy mị, dịu dàng, duyên dáng, vì người bố rất gần với con gái, yêu con gái, một phần cũng vì những đặc trưng nữ tính của con gái. Nhưng, mỗi đứa trẻ có một cá tính riêng, có thể con anh thích phong cách mạnh mẽ, năng động... cháu có vẻ nam tính nhiều hơn nữ tính. Điều đó cũng hết sức bình thường. Anh cũng đừng khắt khe với cháu, bắt cháu làm theo ý mình, sẽ gây nên phản ứng xấu. Con anh học lớp sáu, cháu đang ở tuổi dậy thì, rất thích được làm theo ý mình, thích khẳng định mình theo cách mình muốn. Nếu cháu có những hành vi nào hơi thái quá, ví dụ ăn nói cộc lốc, hành động bạo lực thì anh điều chỉnh những hành vi đó bằng cách phân tích cho cháu hiểu hành vi đó không phù hợp, làm cho mọi người xung quanh không thích, không tôn trọng con.  
 
Nhưng trước hết, cha mẹ nên tôn trọng sở thích, xu hướng tính cách của con thì con mới học được bài học tôn trọng người khác. Từ đó con chúng ta thêm tự tin, có lòng tự trọng để có những hành vi ứng xử đúng. 

Hình ảnh người thầy trong thời điểm này hình như không còn được như xưa? Làm sao để các em tốt lên nếu người lớn không tốt lên? (Một độc giả)

Giáo sư Trần Văn Khê: Thiệt ra hồi tuổi con nhỏ, tôi cũng có đánh nhau đó chớ! Hồi 11 tuổi, tôi vì bênh một bạn nhỏ bị ăn hiếp, thành ra phải đánh nhau với một bạn rất to lớn trong trường. Đánh nhau mấy tiếng đồng hồ, thi triển từ võ Bình Định sang taekwondo, chưa phân thắng bại, thầy Đặng Văn Bảy thấy chúng tôi đánh nhau bằng cách thi triển các đường võ, không can ngăn ngay mà lặng im quan sát. Sau một hồi, thấy đã căng thẳng, thầy ra và nói: Thầy đặt tên thằng Khê là Cận Thị Đại Vương (vì lúc đó tôi đã bị cận nhiều rồi), và đặt tên thằng Phước là Lọ Chảo Đại Vương (vì anh chàng kia đen nhẻm), tụi con đánh hay lắm, nhưng tại sao phải đánh nhau? Nếu các con giỏi thì đem cái tài của mình, kết hợp với nhau để dạy võ cho các em nhỏ, vậy có hay hơn không? Thầy cho các em 4 ngày để suy nghĩ và làm hòa với nhau. Tôi đã làm hòa với bạn đó và còn giữ mối quan hệ đó đến mấy chục năm sau.

Thầy Bảy là người đờn kìm hay, thấy tôi biết đờn kìm, thầy dạy thêm cho tôi nhiều ngón nghề mới. Thầy chở tôi đi học, đưa tôi về nhà, vợ thầy may cho tôi bộ đồ bà ba mà tôi còn nhớ tới bây giờ. Thầy cô mà như vậy, biểu gì học trò không nghe? Trong một buổi tôi đờn báo cáo tốt nghiệp, thầy Bảy là giám khảo. Thầy nói: Đúng lý ra thầy cho em 20 điểm, nhưng thầy cho 19 điểm thôi, dành lại 1 điểm cho em và 1 điểm cho thầy. 1 điểm cho em để em đừng tự mãn, 1 điểm cho thầy để phòng có những chỗ con chưa hay mà  thầy không biết. Vì những lời lẽ này, suốt đời tôi vẫn mang ơn thầy Đặng Văn Bảy. Tôi tin rằng tình thương sẽ được trả lại bằng tình thương.
Các học sinh bây giờ không được quan tâm đúng mức. Con đi học về, cha mẹ hay hỏi con được bao nhiêu điểm chứ không hỏi bạn mới, thầy cô ra sao. Ở trường, thầy cô có những người thái độ không được tốt, do lớp quá tải, áp lực kinh tế, điểm số, chất lượng nên chỉ quan tâm đến học trò học tốt hay không, ít quan tâm tới đời sống tinh thần của học trò. Chương trình học thì quá nhiều lý thuyết nên học sinh ngán học, tìm đến trò chơi rồi phân tâm và khi đó không muốn học nữa. (Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Cương).  

ThS Phạm Thị Thuý: Tôi bổ sung thêm ý kiến của bạn Kim Cương là do đời sống tình cảm gia đình, không còn tổ ấm mà là tổ lạnh. Chứng kiến cảnh gia đình không yêu thương nhau, con cái bức bối mang điều đó ra xã hội. Con cái cần nhất ở cha mẹ là yêu thương nhau, khi đó sẽ dành những điều tốt nhất cho con cái. Hàng nghìn ca mâu thuẫn gia đình đều có mẫu số chung như vậy…

Giáo dục công dân dạy nhiều thứ nhưng lại không phù hợp với trẻ. Quốc văn giáo khoa thư, nhiều câu chuyện hay nhưng lại không đưa vào dạy. Giáo dục công dân nặng về lý thuyết, nặng nề nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn.
Nếu trường hợp bị bạn bè hăm doạ, đòi đánh hội đồng thì em phải làm gì? (Một học sinh THPT)

 Phụ huynh tham gia giao lưu. Ảnh: Hồng Thái
ThS Phạm Thị Thuý: Nếu thấy nguy cơ bạn bè kéo bè phái trả thù thì đầu tiên mình phải phòng xa. Chẳng hạn không nên đi một mình mà đi cùng nhóm bạn thân. Khi đi học nên nhờ bố mẹ hay anh chị đưa đón. Tuy nhiên, với trường hợp bị hăm doạ như vậy thì tốt nhất là phải nhờ người lớn như: bố mẹ, thầy cô, nhà trường… Không nên tự giải quyết hay tự mình im lặng cam chịu.
 
Sự tác động bổ trợ của đồng phục áo dài đến hành vi ứng xử của học sinh như thế nào? Hình ảnh các em mặc đồng phục váy cũng rất dễ thương và văn minh. (hoatulyp2502, 25 tuổi, hoatulyp2502@yahoo.com

Giáo sư Trần Văn Khê: Trong đời tôi có nhiều lần biết ơn chiếc áo dài quốc phục Việt Nam. Năm 1958, trong buổi hòa nhạc quốc tế có tên “Âm nhạc – tiếng nói năm châu” do UNESCO tổ chức, đại diện các nước lên biểu diễn đều mặc trang phục truyền thống của mình. Đến khi tôi xuất hiện với chiếc áo dài, cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt. Hôm đó tôi như có “thần”, đánh đàn thiệt hay. Nếu hôm đó, nhạc sĩ các nước đều mặc quốc phục của nước họ, mà tôi mặc Âu phục, thì tôi sẽ xấu hổ vô cùng, và bè bạn năm châu sẽ nghĩ thế nào về tinh thần dân tộc của người Việt?

Một lần khác, tôi được mời sang Úc với cương vị giáo sư, thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam  cho một trường đại học. Theo thường lệ, tôi mặc Âu phục trong những buổi giảng, nhưng thể theo lời yêu cầu của GS Frank Callaway, trưởng ban tổ chức, mong muốn tôi mặc áo dài Việt Nam vì hôm đó có nhiều lần tôi tự minh hoạ cho bài giảng  bằng đờn tranh, đờn kìm, nên hôm đó tôi xuất hiện trên giảng đường với chiếc áo dài. Trước đó một ngày, một người Việt ở Úc vì tranh giành chỗ đậu xe mà đánh chết một người bản xứ, nên xảy ra làn sóng phản đối người Việt tại Úc, báo chí in to các chữ: “ Vietnamese! Go home! ( Dân Việt Nam, hãy trở về xứ đi!).

Đang lúc Việt kiều tại Úc bị mặc cảm khi gặp nét mặt lạnh lùng của người Úc, thì trên giảng đường trường Đại học Úc, một vị giáo sư Việt Nam trong chiếc áo dài Việt Nam, được ngưới Úc đứng dậy vổ tay chào đón!  Sau buổi giảng, có một nhóm bốn người Việt có mặt trong số thính giả được mời, đến bắt tay tôi, khóc và nói: “Chúng tôi không chờ đợi thấy một giáo sư Việt nói tiếng Anh lưu loát, biểu diễn thật hay nhạc dân tộc Việt Nam trong chiếc áo dài Việt Nam. Khi thính giả trong phòng họp vỗ tay hoan nghênh giáo sư, chúng tôi cảm thấy hình ảnh của đất nước Việt Nam hiện lên trên giảng đường này. Chúng tôi không cầm được nước mắt".

Tôi nghĩ rằng, giọt nước mắt ấy là lời tưởng thưởng rất quý cho tôi, trong hành trình mang chiếc áo dài với nhạc cụ dân tộc, đi khắp nơi trên thế giới để truyền bá văn hóa nước mình.
Vậy là áo dài ngoài chức năng là trang phục nó còn tác động đến ứng xử, dáng đi và nề nếp nữa phải không ? (Phan Nhu Pho, 30 tuổi, phophanit@yahoo.com)

 Giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: Hồng Thái
GS. Trần Văn Khê: Áo dài có ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử. Các vụ việc đánh nhau, nếu mặc áo dài tức sẽ không có chuyện bạo lực như trên xảy ra.

Chiếc áo dài ngày xưa đẹp vô cùng. Không ai không rung động trước một cô gái Huế mặc áo dài tím tung bay trong gió. Áo dài làm cho con người ta nhuần nhụy hơn. Trang phục ảnh hưởng đến bên trong của con người.

Năm 1949, tôi đi nước ngoài, mặc áo dài biểu diễn. Có người lên tiếng, không mặc áo dài không được hay sao? Tôi trả lời: có thể không hay, vì nội dung phải đi với hình thức. Cũng như uống rượu vang tại sao không đi với ly giấy mà đi với ly thủy tinh. Uống trà phải dùng những chiếc chum nhỏ. 

Từ Việt Nam bước ra thế giới mặc áo dài, khăn đóng, gặp người Việt đi xa lâu năm, chúng tôi ôm nhau khóc như nhìn thấy Tổ quốc trước mắt mình. 

"Đơn sơn hai mảnh tuyệt vời/ Thân sau, vạt trước nên lời nước non"...

Áo dài không chỉ đẹp cho Việt Nam mà còn đẹp cho cả thế giới. Vì vậy tại sao chúng ta là người Việt Nam lại từ khước chiếc áo dài của đất nước mình?

Áo dài là một thời trang, nhưng có ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử. Vì nếu tôi thấy các clip đánh hội đồng, nếu mặc áo dài mà đánh như vậy thì phản cảm quá! Không phải mình mặc áo thụng mà thành ông sư, nhưng một ông sư mà mặc áo thụng thì chắc sẽ tu giỏi hơn nhiều! Nếu các em mặc áo dài thì chuyện đánh nhau dĩ nhiên phải hạn chế, vì còn phải dịu dàng, điệu đà nữa, đánh nhau làm gì?

Có cần phải quá lễ phép không? Ngày xưa chúng tôi gặp nhau cúi chào khoanh tay, còn bây giờ các em chỉ gật chào là đủ, ai cúi chào khoanh tay thì giống như "vật thể lạ"?

GS Trần Văn Khê: Chỉ cần tỏ lòng thành kính, tôn trọng của mình đối với người đối diện, còn hình thức chào hỏi không cần câu nệ quá.

Buổi giao lưu trực tuyến "Văn hóa ứng xử học đường" với GS.TS Trần Văn Khê, Th.S xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên học viện Hành chính quốc gia), ông Vương Thanh Long (giám đốc marketing công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn) đã kết thúc. Vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc chưa thể trả lời hết tại buổi giao lưu này, chúng tôi sẽ chuyển tải trên báo Sài Gòn Tiếp Thị và gửi thư riêng.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Add a Comment
   
trantruongca wrote on Jul 2, '11
Cám ơn em David Nguyên đã đọc bài nầy và góp ý cùng chúng tôi.
GSTVK
 
davidnguyen37 wrote on Jun 30, '11
NHỮNG BUỔI NHƯ NÀY THẬT BỔ ÍCH ! CÁM ƠN THẦY !
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét