Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Giao lưu âm nhạc dân tộc tại nhà GS-TS. Trần Văn Khê

Giao lưu âm nhạc dân tộc tại nhà
GS-TS. Trần Văn Khê
Buổi giao lưu vào ngày 21/05/2011 mang chủ đề "Một số nhạc cụ dân tộc" do NVH Sinh Viên tổ chức tại nhà GS-TS. Trần Văn Khê diễn ra trong không khí thân mật và ấm cúng, buổi giao lưu lần này có sự góp mặt khoảng 30 các bạn sinh viên đến từ các trường khác nhau trong thành phố. Ngoài giáo sư Khê còn có nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng cùng con gái Hải Minh (7 tuổi).

Ngôi nhà với diện tích gần 500 m2 do nhà nước trao tặng để tri ân những đóng góp to lớn của giáo sư cho nền âm nhạc truyền thống nước nhà. Nơi đây không chỉ để ở mà nó từ lâu đã trở thành một địa chỉ văn hóa của những người muốn tìm về cội nguồn âm nhạc dân tộc.


Các bạn sinh viên đến giao lưu

Ngôi nhà của giáo sư được trưng bày rất nhiều kỷ vật, bằng khen và đặc biệt là các nhạc cụ dân tộc - một phần không thể thiếu trong cuộc đời của giáo sư.

Trước buổi, giáo sư Khê có bảo hôm nay thầy không được khỏe do vấn đề tuổi tác nhưng thầy vẫn đành thời gian cả buổi sáng để truyền đạt lại kiến thức về âm nhạc dân tộc cho các bạn sinh viên, đó là điều tốt thấy cảm phục ở thầy. Giọng thầy vẫn còn rất trong và rành mạch, tôi có thể cảm nhận từng ngôn từ thầy nói. Tôi không phải là người yêu âm nhạc cho lắm nhưng qua buổi hôm nay tôi mới thấy được dân tộc ta có một truyền thống âm nhạc dân gian đặc sắc và có hồn, bởi trước giờ tôi chỉ học những nhạc cụ dân tộc qua sách hoặc nghe đàn tranh qua băng đĩa, hôm nay được tận mắt thấy, tận tai nghe tôi mới yêu quý làm sao...

Không còn là một giao lưu đơn thuần mà nó còn là một buổi học do thầy giảng, thầy nêu lên khái niệm và sau đó bắt chúng tôi lặp lại, sau đó thầy sẽ nhận xét những điểm nào chưa được và tất nhiên nếu tốt thầy sẽ khen... Lúc đầu các bạn còn rụt rè nhưng càng đi sâu vào chương trình các bạn như nhập tâm và chia sẻ nhiều hơn.


Cô Hải Phượng đang độc tấu đàn bầu. Âm thanh của đàn bầu buồn và da diết.

Mở đầu bằng câu hỏi: "Âm nhạc Việt Nam truyền thống là gì?
Là bao gồm những thể loại âm nhạc của Việt Nam từ thời xa xưa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế khác mà vẫn giữ nguyên bản sắc sơ khai của nó.
Âm nhạc dân gian:
- Miền Bắc: hát chèo
- Miền Trung: ca Huế, hái bài chòi
- Miền Nam: đờn ca tài tử.
Âm nhạc tôn giáo, tín ngưỡng: chầu văn, bà chúa Xứ, nhã nhạc cung đình Huế.


Bé Hải Minh đang độc tấu đàn tranh

Và qua các giai đoạn trưởng thành mà hình thành nên các thể loại âm nhạc dân gian: Hát ru => Đồng dao (đồng = trẻ con, dao= ca hát, do trẻ con hát) => Hò (hát trong khi làm việc) => Lý (khi nghỉ ngơi trong lúc làm việc) => Hát huê tình (đối ca nam nữ). Sau mỗi lần giảng kiến thức, thầy lại đặt ra câu hỏi và bắt chúng tôi đồng thanh trả lời kiến thức đó để chắc rằng chúng tôi đã hiểu và nhớ. Ngoài ra còn có nhạc tiễn đưa: nhạc đưa sinh (miền bắc), nhạc đám ma (miền nam). Trong âm nhạc, quãng 4 và quãng 5 rất quan trọng, theo sinh học thì 2 quãng này làm cho con người tỉnh táo.

Trong các loại đờn thì thầy thích nhất là loại đờn kìm, vì theo giáo sư trên thế giới chưa có cây đờn nào giống như cây đờn này. Đờn kìm có 2 dây, 8 phím, thùng tròn. Điều đặc biệt là tất cả các kích thước đều tỉ lệ với nhau (ngang thùng 36, chiều dài 72,...).

Nhà thầy luôn được dọn dẹp sạch sẽ và thoáng mát. Tôi đã chứng kiến một hình ảnh không mấy lịch sự của cô Nhung (giám đốc NVH Sinh Viên), trong lúc mọi người vào nhà đều phải bỏ giày, dép ra thì cô lại mang vào một cách rất thản nhiên. Phải chăng cô ở vị thế cao hơn mọi người nên muốn làm gì thì làm hay là giày đã rất sạch rồi nên cứ mang vào?

Nhà thầy với 4 đời làm nhạc sĩ nên mặc dù đã bước sang cái tuổi 91 nhưng cái tâm, cái lửa trong thầy thì vẫn còn như ngày nào. Nguyện vọng của thầy là muốn duy trì và phát triển cái hay, cái đẹp của âm nhạc truyền thống. Cuối buổi thầy luôn hỏi cảm nhận của các bạn khi tham gia để từ đó thầy rút kinh nghiệm cho những buổi sau được tốt hơn. Có một là thư mà đến bây giờ thì vẫn như nhớ in, lá thư đó là của một bạn sinh viên trường ĐH Hùng Vương đã tâm sự sau khi nghe thầy giảng: "Nói thật với thầy là trước giờ em ghét cay, ghét đắng mấy cái nhạc Việt Nam, tivi mà có chương trình ca nhạc Việt Nam là em tắt cái rụp liền. Nhờ buổi nghe thầy giảng mà em thấy thích nhạc dân tộc vô cùng. Em cảm ơn thầy nhiều lắm".

Có bạn hỏi: "Nhiều người thường nhầm lẫn giữa cải lương và đờn ca tài tử. Xin thầy cho biết 2 cái này khác nhau chỗ nào?".

Thầy trả lời: "Đờn ca tải tử là trong thính phòng, còn cải lương là diễn. Cải lương sinh sau đờn ca tài tử. Người ta thường nói đi coi cải lương chứ không ai nói đi nghe cải lương. Còn đờn ca tài tử thì người ta hay nói đi nghe chứ không ai nói đi coi đờn ca tài tử. Vậy thì nó khác nhau ở chỗ dùng mắt và dùng tai".

Kendy Đạt
http://traitimyeuthuong.com/ttyt/showthread.php?t=323&s=91d3ca8db88ab19665cfc81dfcdb1c45&p=1657#post1657

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét