Đêm Thơ Nhạc Indonesia trong Nhà Văn Hóa Thế Giới tại thành phố hoa lệ Paris
Có những điệu nhạc khi tấu lên làm cho người mới nghe lần đầu ngạc nhiên mà thích thú, chưa hiểu mà rung động và lòng thấy nhớ nhung một nơi mình chưa từng đến, một người mình chưa từng quen, một dĩ vãng mà mình chưa từng sống.
Một ban nhạc Tembang Sunda
“Tembang Sunda” của Indonesia là một trong trong những điệu nhạc đó. Năm 1993, tôi nghe nghệ sĩ Ida Widawati biểu diễn lần đầu tại Paris, tiếng nhạc lời ca đã gợi cho tôi hình ảnh đồng rộng biển sâu của vùng Sunda mà tôi chưa từng biết.
Tembang có nghĩa là “Thơ” hay “một bài hát không theo nhịp” và Sunda là một vùng miền Tây của đảo Java. Nơi đó ngôn ngữ, âm nhạc và thi ca khác hẳn những loại nhạc “gamelan” mà chúng ta thường nghe tại vùng Djakarta kinh đô của đảo.
Dĩa Tembang Sunda của hãng Inedit với sự góp giọng của Ida Widawati
Tembang không phải chỉ để đọc hay bình mà phải “ngâm”, có tiếng tiêu suling quấn quít, bao bọc, ôm ấp lời thơ bằng nét nhạc quyện theo giọng trầm bổng của hơi ngâm, có đàn Kachapi indung
(indung nghĩa là mẹ), một nhạc khí có 18 dây đồng căng trên một thùng
đàn hình chiếc thuyền, nhạc công dùng ngón cái, ngón trỏ và nhứt là ngón
giữa bàn tay mặt và ngón trỏ bàn tay trái để khảy, khảy mà không nhấn,
giống cách người Á-rập đàn qanoun, và đàn Kachapi rincik (rincik là nhỏ), có khi được gọi là Kachapianak (anak là con) mà tiếng đàn cao hơn tiếng đàn của Kachapi indung, trong khi hình dáng nhỏ hơn.
Đàn Kecapi và cách sử dụng
Tembang sunda
là một loại nhạc thính phòng ra đời từ thế kỷ thứ 19, dùng để giải
khuây cho các công chúa thời quan nhiếp chính Cianjur. Một loại nhạc
xuất thân từ chốn cung đình, theo thời gian đã đi lần ra dân dã, được tổ
chức lúc đầu trong các malam tembang – những phòng nhạc đặc biệt dành cho những người mộ điệu và sành điệu, sau là đến những buổi đại yến hay hôn lễ sang trọng.
Gần đây, Tembang sunda được biểu diễn trên sân khấu, trong các khách sạn lớn và trên đài phát thanh hay truyền hình.
Chiều nay, sau 10 năm, tôi trở lại Nhà Văn Hóa Thế Giới để nghe lại tiếng ca của nghệ sĩ Ida Widawati.
Nghệ sĩ Ida Widawati
Ida Widawati là một thiếu phụ có thanh có sắc, hiện giờ là đệ nhứt danh ca trong loại nhạc Tembang Sunda. Là môn sinh của Nhạc sư Apung S.Wiratmadja, ba lần được huy chương Vàng trong cuộc thi tổ chức hai năm một lần mang tên là “Damas”
vào những năm 1972, 1974 và 1976. Lúc ấy Ida mới có 16, 18 và 20 tuổi.
Sau đó Ida được mời đến nhiều nước. Nhà Văn Hóa Thế Giới mời Ida sang
Paris biểu diễn năm 1991, 1993 và 1995.
Tôi
vẫn còn nhớ giọng ca mượt mà, êm ái, nhẹ nhàng, uyển chuyển, khi bổng
khi trầm, miệng ngâm thơ khi chúm chím cười như hoa chớm nở, khi mím môi
như nén nỗi u buồn. Cặp mắt láy đen dưới đôi mày lá liễu, tùy lời thơ
mà mở rộng say sưa hay lim dim mơ mộng.
Mười năm qua… Tôi chờ phút tái ngộ với người nghệ sĩ tài hoa…
Từ
hậu trường bước ra, đi chân không, nàng khoan thai lướt nhẹ trên tấm
thảm hoa nền đỏ, nhẹ nhàng ngồi trên thảm như phong cách đào nương trong
truyền thống Ca Trù của chúng ta, lấy tà áo lụa vàng che hai bàn chân
trắng mượt. Một khăn choàng màu tím phủ trên vai mặt, che nửa thân hình,
để lộ cánh tay áo lụa vàng và hai chiếc vòng chạm trổ đeo ở cườm tay.
Một xâu ngọc trai trắng, quấn chặt bốn vòng quanh cổ, cùng màu với đôi
hoa tai. Nàng nhoẻn miệng cười, nghiêng đầu chào thính giả. Một tràng
pháo tay nồng nhiệt hoan nghinh người nghệ sĩ tài hoa.
Ida Widawati nền nã trong chiếc áo lụa vàng và chiếc khăn choàng màu tím
Năm nay cạnh bên Ida có một thiếu phụ trẻ hơn, gương mặt trái xoan, thân hình mảnh khảnh, cùng một sắc áo và khăn choàng, cô là Nani Sukwamati, ngồi bên trái của Ida.
Sau
lưng hai nàng ca sĩ, có 3 nhạc công mặc áo màu vàng lợt, cổ gài kín
bằng nút ốc xà cừ, đầu quấn khăn hoa cùng màu đỏ sậm với chiếc khố rộng
chấm chân: phía tay mặt của Ida là nhạc sĩ Ajat Sudrajat đàn Kachapi indung. Giữa hai ca sĩ, phía sau là nhạc sĩ Iwan Mulyana thổi sáo suling, và bên trái của Nani Duwakmati là nhạc sĩ Dede Suparman đàn Kachapi rincik.
Mở
đầu buổi hòa nhạc chiều nay, các nhạc công tấu nhạc không theo nhịp,
không vào bản, để tạo không khí như lối “rao” trong Nhạc Tài Tử miền
Nam. Trong phần đầu đàn lên dây theo điệu thức Pelog,
hơi nhạc rất gần với thang âm điệu thức Hò Mái Nhì trên dòng Hương
giang. Để chấm dứt phần mở đầu là một bản nhạc nhịp tư (mang tên là Panambih).
Ida cất tiếng ca, từ trầm lên lần tới bổng, khi khoan khi nhặt, buông
lơi không tiết tấu, như cách ngâm thơ, kể chuyện trong truyền thống Ca
Trù. Tiếng sáo theo sát lời ca, khi dài hơi, khi đổ hột. Tiếng đàn Kachapi indung
thêu những nét nhạc cùng một điệu mà không cùng một câu, như cách đàn
tranh phụ họa theo tiếng ngâm thơ. Tiếng dồn dập trên âm vực cao của đàn
Kachapi Rincik, chen với tiếng trầm của Kachapi indung như dệt một tấm thảm âm thanh, trên đó tiếng ngâm là những đường thêu mối chỉ, tạo thành hoa thành lá nhiều màu.
Rồi
khi vào bài, đàn nhịp nhàng, tiếng hát buông lơi như ngâm hay kể
chuyện, hai nàng tiên thay nhau biểu diễn. Ida đằm thắm, nhẹ nhàng, đôi
mắt mơ màng. Nani mạnh mẽ hơi cao giọng, đôi mắt linh động, mỗi người
mỗi vẻ, ca sĩ hậu sinh đầy hứa hẹn có thể sau nầy măng non tiếp nối tre
già trên con đường nghệ thuật.
Theo chương trình phát cho thính giả, phần thứ nhứt đàn ca theo điệu thức Pelog. Sau phần mở đầu có ba liên khúc thi ca. Phần thứ hai đàn lên dây theo điệu thức Sorog. Sau phần mở đầu có bốn liên khúc và phần kết thúc.
Tuy
không hiểu được lời thơ nhưng thính giả có thể theo dõi giọng ca tiếng
nhạc, để cho tâm hồn mình lâng lâng, nhẹ nhàng như nghe được tiếng ru. Tembang thường nhắc lại lịch sử huy hoàng của vương quốc Pajajaran,
những chiến công oanh liệt của những vị anh hùng, những cảnh đẹp, hồ
rộng, núi cao, hay những tâm hồn cô đơn, những mối tình ngang trái. Ban
tổ chức có cho dịch lại bằng tiếng Pháp một vài bài thơ trong chương
trình chiều nay. Qua tiếng Pháp, tôi lại hiểu ra tiếng Việt và nhờ đọc
trước chương trình mà khi Ida ngâm bài Papatet trong phần đầu, tôi như nghe thoang thoảng:
“Đi vòng chân đồi
Đi qua đồng rộng
Đi vào rừng sâu
Rừng sâu đầy thú
Rừng đầy giá tị
Phía Nam rừng cây “hăn đơ lươm” (handeuleum)
Phía Đông rừng cây “jăn juang” (janjuang)
(Vào rừng đến lúc ra rừng)
Vật cầm trên tay có ngày phải vứt đi"
“Đường đi đến chân đồi trơn trợt
Nhưng mộng vẫn luôn đầy (Thưa Thầy! Người ta thường nói vậy)
Đi lang thang để tìm gặp
Gặp hoàng hôn trên núi,
Gặp hoàng hôn dưới đồng
Nghe tiếng dế gáy vang
Vòm trời dày dặt sương chiều
Hoàng hôn xuống rồi,
Lan tràn đi khắp nơi!”
Hôm nay không có 15 phút giải lao mà chỉ có 5 phút dành cho nhạc công sửa dây đàn theo điệu Sorig. Rồi tiếng hát lại lảnh lót vang lên.
Qua bài Kapati-pati tiếng hát có vẻ ngùi ngùi:
“Hình như tôi thấy một vì sao
Lấp lánh trên vòm trời
Sao chuyện trò cùng ai vậy?
Tôi vội vàng muốn hái
Ngôi sao trên vòm trời
Nhưng khi tôi nhìn lại
Sao đã núp trong mây!
Chỉ một liếc mắt của Sao (Thật vậy!)
Đã thành nỗi say đắm của lòng tôi.
Sao ơi! Sao nỡ lòng nào
Để cho chớp mắt ngưng mau thế nầy?”
Và bài Eros thì nghẹn ngào như mối tình tuyệt vọng:
“Đã ngàn lần bị xua đuổi!
(Ngàn lần! Chỉ là một cách nói vậy thôi)
Tôi vẫn theo bước chân Nàng
Tất cả đều khó khăn
Tôi không biết đi vào đâu
Tìm đâu nơi trú ẩn
Khác hơn trong nhà em?
Hôm nay ra về, lòng lại bàng hoàng!”
Tiếng ca 10 năm về trước, nay vẫn còn êm ái mượt mà.
Nhưng với thời gian qua, tuổi đời thêm chồng chất, liệu có còn giữ được thanh sắc của ngày xưa?
Nhưng… cạnh bên Ida nay đã có Nani.
Tre chưa già mà măng đã mọc…
Truyền thống Tembang Sunda được tiếp nối, để đem cái đẹp hiến cho đời.
Chiều Đông Paris 2003
Trần Văn Khê
Phần chú thích cho các bạn nhạc sĩ hay những ai muốn biết thêm về các nhạc khí vùng Sunda
1. Kachapi: Viết theo chánh tả Indonesia “Kacapi/Kecapi” mà đọc ra “Kê cha pi”. Theo hai Giáo sư Tokumaru Yohishiko và Richard Emmert, thì “Kachapi” có lẽ do chữ phạn “Kacchapa” mà tiếng Hindi và Bengali đều có chữ kacchap và có nghĩa là “con rùa”. Bên Thái Lan cũng có một nhạc khí mang tên krajappi mà thùng đàn hình con rùa. Giáo sư Mỹ David Morton, chuyên nghiên cứu nhạc Thái Lan cho rằng tên krajappi của Thái Lan lấy từ chữ Kachapi của Indonesia.
Thùng
đàn Kachapi của vùng Sunda thì hình chiếc thuyền. Ngày xưa đàn chỉ có 7
dây. Sau nầy số dây tăng lần lên đến 9, 13, 15, 18, 20 và 24 dây bằng
đồng, ngày nay là loại dây sắt quấn chỉ đồng, to hơn dây cước của đàn
tranh Việt Nam ngày trước.
Kích thước ngày xưa cũng khác bây giờ. Đàn Kachapi indung dùng trong cuộc Hội thảo tại Tokyo năm 1976 rất to: thùng đàn dài 1 mét 32 phân; thêm mỗi bên một “gelung” (topknot: chóp mào) dài 3 tấc; bề ngang 26 phân.
Phía
tay mặt của nhạc công, dưới chân chóp mào có 18 trục nhỏ để lên dây.
Ngày xưa trục làm bằng gỗ và đặt phía trước cây đàn. Nay trục bằng kim
khí và đặt phía tay mặt của nhạc công.
Dây đàn tranh của Việt Nam căng trên đầu những “con nhạn”. Dây đàn Kachapi căng trên đầu những “tumpangsari” bằng gỗ hình như cây trụ nhỏ cao 37 ly, đầu bịt bạc, đặt trên một miếng gỗ hình tròn. Nhạc công có thể di chuyển các “tumpangsari” để chỉnh dây hoặc thay đổi điệu thức. Chức năng của tumpangsari
giống như con nhạn của đàn tranh. Nhưng khác nhau ở chỗ nhạc công không
có nhấn dây mà “khảy” dây bằng cả hai tay. Dây đàn xuyên qua lỗ khoét
trên thùng đàn gần mỗi tumpangsari, và phía trong dùng que bằng gỗ hay bằng tre để giữ cho dây đừng tuột.
Khi
đàn, nhạc công chỉ dùng ngón tay mình, không mang móng. Nhưng thường
thì móng ngón giữa bàn tay mặt và móng ngón trỏ bàn tay trái để dài. Có
khi chúm ngón cái và ngón giữa bàn tay mặt, chúm ngón cái và ngón trỏ
bàn tay trái để khảy cho vững, hay khảy mạnh nhẹ khi đàn. Thường thì tay
mặt đi theo nét nhạc, tay trái đánh chữ đàn một quãng 8 thấp hơn chữ đàn do tay mặt khảy ra. Như cách đánh song thanh trong đàn tranh, có khi đánh chữ đàn thấp hơn một quãng 5.
Đàn Kachapi
không có thủ pháp “nhấn nhá”, mà lại thường bịt dây. Trước khi ngón tay
giữa bên mặt hay ngón tay trỏ bên trái khảy dây, các ngón tay khác
trong bàn tay bịt tất cả các dây để cho tiếng đàn sẽ khảy được nghe rõ
ràng.
Kachapi Rincik nhỏ hơn đàn Kachapi indung.
Bề dài 87 phân, chóp mào bên mặt dài 29 phân, bên trái mặt đàn nối một
miếng gỗ 19 phân, bề ngang 24 phân. Đàn có 15 dây, cũng lên dây và đàn
như Kachapi indung. Cũng có khi gọi là Kachapi anak (anak là con).
Ngoài hai loại Kachapi “Mẹ”, “con” còn có một loại Kachapi chế ra từ năm 1930 có một loại Kachapi siter lối 90 phân bề dài, 25 phân bề ngang lớn và 16 phân bề ngang nhỏ, bề cao 6 phân rưỡi. Đàn có 20 dây, nhưng nhẹ hơn Kachapi indung, nhạc công mang theo dễ dàng hơn.
2. Suling: Ống Suling
thuộc loại ống tiêu vì thổi dọc chớ không phải thổi ngang. Chặt tre
giữa hai mắt, đầu trên để kín. Chỉ khoét một lỗ nhỏ hình thang. Một
miếng vỏ tre được cuốn tròn một đầu bao chung quanh miệng trên, đầu kia
dẹp, đút vào lỗ thổi. Ống Suling dùng trong loại Tembang Sunda có
6 lỗ. Lỗ đầu khoét gần phần chính giữa của ống trúc. Phần dưới chia ra
làm 10 phần. Mỗi lỗ cách nhau bằng khoảng 1 phần 10. Đến lỗ thứ 3, bỏ 1
khoảng 1/10 và khoét 3 lỗ số 4, 5, 6.
Nghệ nhân thổi ống Suling
Ống Suling có thể hòa song tấu với Kachapi indung.
Ống Suling hoà với Kachapi chỉ thổi những nét nhạc và bài bản thuộc điệu thức Pelog.
Suling & Kacepi hòa tấu
Những ống Suling Kumbang có 2 lỗ, Suling salendro có 4 lỗ Suling madenda có 4 hoặc 5 lỗ có thể dùng thổi độc tấu.
3. Thang âm cơ bản trong nhạc Sunda: Thang âm Pelog rất thường được dùng là một thang âm ngũ cung chớ không phải thất cung, như trong nhạc dùng trong các dàn nhạc Gamelan ở Java.
Theo các giáo sư, nghệ nhân, nhạc sĩ tham dự hội thảo năm 1976 tại Tokyo, khi đàn theo điệu Pelog, đàn Kachapi indung lên dây như sau:
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18
D2 F#2G2 B2 C3 D3 F#3 G3 B3 C4 D4 F#4 G4 B4 C5 D5 F#5 G5
Dây thứ 3 mang tên “tugu” như Hò trong thang âm của Việt Nam
Tiếp theo là “singgul” như Xư (không dấu nặng) hay là Y
Kế đó là “galimur” như Xang
Đến “panelu” như Xê
“loloran” như Phan già hay Oan già
“tugu” như Liu
Như thang âm Nam hơi Ai, với chữ Oan già, cao hơn Oan trong hơi Ai của Việt Nam.
Hò Y Xang Xê Oan già Liu
Sol Si Do Ré Fa# Sol
Thang âm Salendro như sau:
Hò Xự Xang Xê Cống già Liu
Sol La Do Ré Mi+ Sol
Thang âm Madenda như sau:
Hò Xựb Xang Xê Cốngb Liu
Sol Réb Do Ré Mib Sol
Chữ đàn không có nhấn nhá, nhưng tiếng ca có luyến láy mà chúng tôi chưa nghiên cứu tường tận nên chưa ghi vào đây.
(Chúng tôi tham khảo quyển:
“Asian Musics in an Asian Perspective”
(Những loại nhạc của châu Á trong quan điểm của châu Á) – Biên tập GS
Koizumi Fumio, GS Tokumaru Yoshihiko, GS Yamaguchi Osamu để có những chi
tiết chính xác về các nhạc khí Kachapi và Suling).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét