Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

GS Trần Văn Khê & Nguyên Lê ngẫu hứng Jazz "CHIỀU TIỄN ĐƯA"

GS Trần Văn Khê & Nguyên Lê ngẫu hứng Jazz "CHIỀU TIỄN ĐƯA"

Nguyên Lê là con trai của Giáo sư Lê Thành Khôi (chuyên gia về lịch sử) - một người bạn rất thân của tôi. Tên thật của cháu là Lê Thành Nguyên. Cháu đã thi đậu Cao học về Triết Lý nhưng không thích làm giáo sư mà chỉ thích âm nhạc. Ngay từ nhỏ, Nguyên Lê đã có cơ hội tiếp cận với âm nhạc từ 12 tuổi và thích nhứt là thể loại nhạc Jazz. Cháu chuyên đờn guitar, và đã cùng biểu diễn với nhiều nhóm nhạc bên Pháp, Đức. Sau này, cháu cũng diễn chung với nhiều nhóm ở Châu Phi.

Nguyên Lê

Khi Nguyên Lê nghe mẹ hát những bài dân ca Việt Nam thì cháu cảm thấy rất thích thú và muốn tìm hiểu thêm về dân ca. Cháu lại gặp được nghệ sĩ Hương Thanh (em gái nghệ sĩ Hương Lan) vừa biết ca theo truyền thống, vừa biết nhiều bài dân ca ba miền và có thể hát được tân nhạc. Nguyên Lê bắt đầu thể nghiệm ứng tác ứng tấu theo những bài dân ca Lý Ngựa Ô, Qua Cầu Gió Bay... Cháu cùng biểu diễn với Hương Thanh thì được nhiều người trong giới Jazz bên Pháp hoan nghinh. Cháu lại gặp thêm một nhạc sĩ khác là Phạm Hạo Nhiên, con trai của Phạm Đồng (cháu của giáo sư Phạm Thiều - Thầy dạy học ngày xưa của tôi). Hạo Nhiên rất rành về những nhạc khí Việt Nam như đờn Bầu, đờn Nguyệt và đánh trống. Nguyên Lê đã cùng 2 người bạn Việt và 1 số bạn Pháp thực hiện một dĩa hát mang tên "Tales from Vietnam", trong đó Nguyên Lê hợp tác với Hương Thanh (hát dân ca) và Hạo Nhiên (đờn Tranh, đờn Bầu, thổi Sáo) cùng nhiều nghệ sĩ tài năng khác như Thái An (đờn Nguyệt), Paolo Fresu (trumpet), Simon Spang Hansen (African flute), Trilok Gurtu (trống & bộ gõ)... Bạn tôi là Lê Thành Khôi thấy dĩa hát lạ nhưng không đánh giá được, muốn đem dĩa hát tặng tôi thì Nguyên Lê cản và nói rằng: "Nếu bố đưa dĩa này cho bác Khê thì bác Khê mắng con mất!!!". Nhưng bạn Lê Thành Khôi vẫn gởi một dĩa hát cho tôi. Sau khi nghe, thì tôi nói với bạn: "Trong tất cả các bản nhạc, chỉ có bản Lý Ngựa Ô là đạt nhứt. Mấy bản kia tuy có vài phần hay nhưng cháu Nguyên Lê chưa nắm được tinh thần của nhạc dân tộc. Tiếc là chưa có dịp nào tôi nói chuyện nhạc dân tộc trực tiếp cho cháu nghe". Sau khi giáo sư Lê Thành Khôi thuật chuyện lại cho Nguyên Lê thì cháu Nguyên Lê rất vui mà đề nghị với bố mời tôi đến nhà ăn cơm rồi Nguyên Lê sẽ mời các bạn đến để nghe tôi trực tiếp phê bình dĩa hát, đồng thời mời tôi nói cho mấy cháu nghe vài điều cơ bản về những nét đặc thù của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Hôm đó, cháu Nguyên Lê rất thích khi nghe tôi nói khi đờn chữ nào phải rung, chữ nào phải mổ, thì cháu nghĩ rằng phải đờn theo cách tôi nói mới có thể ra hơi nhạc Việt Nam. Khi tôi nói tới cấu trúc của Ca Trù có mấy chữ đàn "tính tinh tang, tùng tính tinh tang", chữ "tùng" phải rung thì cháu lấy đàn đờn theo mấy chữ. Tôi khen như vậy đã khá lắm rồi. Hôm đó tôi đề nghị với cháu tôi ngâm bài thơ của Hàn Mặc Tử "Đây thôn Vỹ Dạ" với cấu trúc Ca Trù thì Nguyên Lê ứng tác hòa theo. Lúc đó chỉ có mẹ cháu Nguyên Lê chứng kiến và nói với tôi: "Lạ quá! Hôm nay lần đầu tôi nghe bài thơ của Hàn Mặc Tử được ngâm với một âm điệu mới, nhứt là với nhịp của điệu Jazz, tôi rất ngạc nhiên. Và tôi không biết rằng sau này khi nghe bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" ngâm theo phong cách cổ truyền Việt Nam (bỏ 6 chữ) tôi có thấy thích hơn phong cách này không?”. Nguyên Lê rất thích và cùng Hạo Nhiên đến xin gặp riêng tôi để tôi giảng giải rõ hơn về các hơi trong âm nhạc Việt Nam.

Đến khi cháu được Hội Thanh Niên Nhạc Sĩ Pháp mời biểu diễn tại Strasbourg, trong dịp đó Nguyên Lê sẽ giới thiệu luôn dĩa “Tales from Vietnam’ thì chính cháu Nguyên Lê đề nghị ban tổ chức mời tôi nói chuyện về những nét đặc thù trong âm nhạc truyền thống Việt Nam một đêm trước khi cháu biểu diễn. Rất lạ là thanh niên trẻ Pháp tuy ưa nhạc Jazz mà nghe tôi thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam với tiếng ca minh họa của Hương Thanh theo tiếng đờn Tranh, đờn Nguyệt của tôi thì vô cùng thích thú mà hoan nghinh nhiệt liệt. Đêm sau, khi biểu diễn nhạc Jazz đến đoạn cuối cháu Nguyên Lê mời tôi lên sân khấu mà nói với khán thính giả rằng: "Hôm nay tôi mời một vị giáo sư chuyên môn về âm nhạc truyền thống Việt Nam, là một tên tuổi lớn trong giới nhạc học lên sân khấu và nếu Thầy cao hứng thì mời Thầy ngâm 1 bài thơ Việt Nam theo phong cách cổ truyền và tôi sẽ đờn ngẫu hứng theo giọng ngâm của Thầy”. Tôi rất vui mà trả lời với cháu: "Bác là một người chuyên môn nhạc truyền thống mà đi ra ngoài truyền thống 3 bước để gặp con, con tuy chuyên môn về Jazz cũng đi 3 bước về hướng truyền thống. Hai bác cháu mình gặp nhau nơi đây, hôm nay bác không ngâm bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" nữa mà bác muốn ngâm một bài thơ khác là “Chiều Tiễn Đưa” của nhà thơ Nguyễn Hải Phương”. Tôi đọc lên từng câu thơ, dịch nghĩa ra bằng tiếng Pháp và buổi chiều đó tại Strasbourg Nguyên Lê và tôi đã bắt đầu ngẫu hứng ứng tác ứng tấu bài “Chiều Tiễn Đưa”. Thính giả trẻ hưởng ứng ngoài sức tưởng tượng. Toàn phòng đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt và Nguyên Lê vô cùng xúc động đến ôm hôn tôi trên sân khấu.

Cách sau đó 3 tháng, cháu có 1 chương trình biểu diễn jazz tại Cergy-Pontoise. Cháu đặc biệt mời tôi tham gia chương trình và 2 bác cháu cùng đờn ngẫu hứng bài “Chiều Tiễn Đưa”. Thính giả cũng hoan nghinh nhiệt liệt và sau đó có một nữ nhạc sĩ Pháp đề nghị Nguyên Lê và tôi thâu lại bài Chiều Tiễn Đưa, bà sẽ nhờ ban truyền hình TV5 của Pháp đến ghi hình, ghi âm để bà có dịp giới thiệu với đông đảo quần chúng Pháp. Nguyên Lê cũng thích thú và đề nghị thâu hình, thâu thanh tại nhà của cháu.

Ngày 20/9/2001, sau khi đã đi giới thiệu âm nhạc truyền thống và văn hoá ẩm thực Việt Nam tại Bỉ trở lại Pháp, gặp gỡ bạn bè Hội Áo Tím, dùng cơm trưa và thuật lại chuyến đi bên Bỉ thì tiếp tục tới nhà Nguyên Lê liền. Từ 14h30 tới 17h chiều, Nguyên Lê và tôi đờn ca ngẫu hứng 2 lần. Lần đầu thì Nguyên Lê đã bắt được hơi nhưng khi tôi ngẫu hứng chưa để trọn thời gian cho Nguyên Lê đối thoại với tôi bằng tiếng đờn nên sau lần thu đầu, tôi đề nghị thu lại lần thứ nhì. Lần này Nguyên Lê đã thực sự thấm hơi nhạc truyền thống Việt Nam. Khi tôi ứng tác để cho Nguyên Lê có thời gian đối thoại nên lần thu sau được các chuyên gia thâu thanh rất khen ngợi.

Trong lúc chuyên gia quay phim, cộng sự của tôi có ghi hình lại để làm tư liệu cho tôi. Tuy về mặt kỹ thuật chưa được hoàn hảo nhưng đây là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời tìm tòi, nghiên cứu, phân tách, phổ biến Âm nhạc truyền thống dân tộc dưới mọi hình thức.

Nay xin mời các bạn cùng tôi quay ngược dòng thời gian trở về năm 2001, trong phòng thu của Nguyên Lê để thưởng thức những phút giây ngẫu hứng đầy mê say và xuất thần của hai bác cháu.


CHIỀU TIỄN ĐƯA

Em đâu là Chiêu Quân
Của một thời mỹ nhân triều cống
Mà nắng hạ Sài Gòn
Chiều nay mòng mọng vàng thu

Em không là Huyền Trân
Vì hai châu Chiêm quốc
Mà sao tình Khắc Chung
Còn thổn thức mãi đến giờ?

"Cánh bằng" em khóc chiều xưa
"Khói liêu trai" chắp cánh thơ đi tìm
Tuyệt mù tưởng lạc dấu chim
Mênh mông đáy bể mò kim dại khờ!

Bỗng em về như cơn mưa
Ðổi thay sắc lá vườn thơ một chiều
Phút giây gần có bao nhiêu
Nước non còn có bao điều chưa trao

Em đi, đi thật rồi sao?
Mây tha phương lặng vẫy chào cao xanh
Em đi thân gái một mình
Cánh bay trổi sáo ly đình chiều nay...

- Thơ NGUYỄN HẢI PHƯƠNG -



Add a Comment
   

trantruongca wrote on Apr 8, '11, edited on Apr 8, '11
Khánh Vân thương quí ơi!

Thầy rất xúc độg sau khi đọc bài con viết nói rõ cảm xúc của con khi nghe Thầy ngâm thơ theo phong cách mới và ngẫu hứng với Nguyên Lê. theo phong cách Jazz.!!! Phải mỗi bạn vào nghe cuộc ngẫu hứng nầy mà góp ý kiến như con, Thầy sẽ rất vui vì biết công việc Thầy làm để phát triển nhạc truyền thống có làm cho người thính giả thích thú hay khó chịiu . Hihi !!Thầy nhớ Nhà thơ Hải Phương đã khóc khi nghe Thầy ngẫu hứng khi ngâm bài thơ nầy và tặng Thầy một đoá hoa hồng!!!.

Con thấy rõ tâm trạng của Thầy lúc ngâm thơ và tuy con nhỏ tuổi mà nhận xét của con rất tinh vi và đúng với đều Thầy muốn diễn tà. Thầy không ngờ có được một bạn tri âm trong giới trẻ như con.!!! Thầy rấtvui là con có tài diễn tả cảm xúc của con bằng những câu văn đầy thi vị.. Bạn bè cùng trang lứa với Thầy có rất nhiều người thích bài nầy, nhưng chưa có ai viết thành văn bản những cảm nhận của các bạn . !!!

Cám ơn con nhiều nhiều. .Hôn con nhiều.

Thầy Khê của con
TVK

mimikhanhvan wrote on Apr 8, '11, edited on Apr 8, '11
Thầy rất thương yêu của con,

Bây giờ con đang uống trà, chậm rãi đọc từng lời của Thầy giới thiệu về lần ứng tác ứng tấu đầy kỷ niệm với nghệ sĩ Nguyên Lê, và đang lắng nghe những giai điệu mê hoặc từ mấy tiếng "tính tinh tang tùng tính tinh tang" quyện trong tiếng ngâm một "chiều tiễn đưa" trên sân bay Tân Sơn Nhứt... Con đang rung động đây Thầy ơi, với tất cả những viễn niệm tản mác mỗi nơi trong trí tâm giờ lại như tụ về trong thời khắc thơ nhạc này...

Con đã nghe đi nghe lại hàng chục lần bài này rồi, mà sao mỗi lần mở ra coi vẫn có cảm giác mới mẻ và trông đợi như lúc ban đầu. Con trông đợi giọng Thầy cất lên sau khi bàn bạc với các chuyên gia TV5 cho lần thâu thứ nhì, trông đợi nhìn thấy gương mặt phiêu linh khoan khoái của chú Nguyên Lê khi nhập tâm vào cảnh giới "tính tinh tang tùng tính tinh tang", trông đợi những phút lên cao trào khi bắt gặp "bỗng em về như cơn mưa - đổi thay sắc lá vườn thơ một chiều", nghe tiếng "cánh bay trổi sáo ly đình chiều nay..." và nhắm mắt lại để giọt nước mắt từ từ rơi xuống, chìm đắm trong cái cảm giác "mây tha phương lặng vẫy chào cao xanh" mà người ngâm và người đờn đã vẽ lại nơi phòng thâu... Con đang hưởng những phút giây đẹp thi vị chốn trần gian nhờ thơ nhạc mang về.

Con rất rất thích lúc đối thoại của chú Nguyên Lê với Thầy trong phần thâu thứ nhì, có những khúc "lưu không" như trong Ca Trù thứ thiệt (Thầy có thấy vậy không?), nghe mà đã gì đâu!!! Nếu có cái trống chầu ở đây lúc này, con sẽ chấm "xuyên tâm" liền luôn mấy cái! Đặc biệt nhờ chú Nguyên Lê sử dụng electric guitar nên phần nhạc có những lúc được kéo dài vang ra xa bởi echo, khiến cho tiếng ngân của giọng ngâm không bị lạc lõng vì có tiếng đàn hỗ trợ. Càng về cuối tiếng đàn càng thấm chất Việt Nam, tuy không thể gọi là đậm đà hoàn toàn, nhưng nếu nói nét giai điệu Việt như giọt cà phê đặc quánh thì tiếng guitar jazz đã pha thêm một chút sữa cho mùi hương nhạc đời bừng lên tươi mới (ôi con quên là con đang uống trà chứ hổng phải café hihihi!).

Trong âm giai truyền thống con vẫn nghe được những bước đi gặp gỡ giao hòa cùng tiếng nhạc bốn phương, cũng như nghe được tiếng nhạc bên ngoài tìm về thổn thức với những thể điệu xưa. Phải rất rành vốn cổ mới sử dụng vốn cổ điêu luyện như vậy, con rất biết ơn Thầy đã cho chúng con biết thêm một bài học quý giá trong âm nhạc, trong cách vui chơi gặp gỡ âm nhạc của Thầy. Chúng con tự hào vì có một người Thầy Việt Nam tuyệt vời như Thầy đó!

Và rồi đọc "Chiều Tiễn Đưa", con bỗng nhớ Thầy Hải Phương ngày nào...
Và rồi nghe "tính tinh tang", con nhớ các bạn Ca Trù, nhớ tiếng phách, tiếng ca, tiếng đàn xoáy tim một tối kia...
Và rồi con nhớ mây tha phương tụ rồi tan, tan rồi tụ...

Và nhớ ra nãy giờ mê mải nghe, mê mải đọc mà bình trà đã nguội. Con đi pha một ấm khác, mời Thầy cùng uống với con nha!

Con thương cảm ơn Thầy nhiều lắm! Mong Thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục kể cho chúng con nghe những câu chuyện âm nhạc không bao giờ hết!

Con của Thầy - Mây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét