Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

TÍNH NGUYÊN GỐC VÀ VẤN ĐỀ CẢI BIÊN TRONG VIỆC LƯU GIỮ CÁC LOẠI HÌNH DIỄN XƯỚNG CA TRÙ – QUAN HỌ - NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH (Phần 2)

TÍNH NGUYÊN GỐC VÀ VẤN ĐỀ CẢI BIÊN  TRONG VIỆC LƯU GIỮ CÁC LOẠI HÌNH DIỄN XƯỚNG CA TRÙ – QUAN HỌ - NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH

(Phần 2: Tính nguyên gốc trong Quan Họ)

 
GS Trần Văn Khê và các liền anh - liền chị trong một dịp điền dã nghiên cứu nghệ thuật Quan Họ miền Bắc năm 1976
2. Quan Họ :

Hát Quan họ là một sinh hoạt văn hóa giữa thanh niên nam nữ thuộc giới nông dân trong 49 Làng của Tỉnh Bắc Ninh, khi họ gặp gỡ nhau trong nhà của một chủ điền hay trên thuyền trong một đêm sáng trăng, vào lúc Xuân Thu nhị kỳ, ngoài công việc đồng áng để hát đối ca theo truyền thống cha ông để lại.

Hát Quan họ có rất nhiều nét đặc thù trong những phong tục (lập bọn, ngủ bọn, kết bạn, trang phục, ngôn ngữ), những canh hát chơi hay hát thi. Bài hát rất phong phú, ngôn ngữ âm nhạc rất đa dạng.

2.1. Lập bọn :


Thanh niên nam nữ trong một làng có thể thành lập một hay nhiều bọn, mỗi bọn có 7 nam (gọi là liền anh) hay 7 nữ (gọi là liền chị). Anh Cả, chị Cả là những người lớn tuổi, đứng đầu trong các bọn, không tham gia vào những cuộc hát đối, nhưng là những người sắp đặt, tổ chức những canh hát, thay mặt cho bọn để liên hệ với các bọn khác trong những cuộc gặp gỡ hát chơi hoặc hát thi. Mỗi bọn gồm có anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm, anh Sáu, không bao giờ có anh Bảy (các chị cũng thế). Anh Hai, chị Hai thường là những người hát hay nhứt hoặc nhập bọn lâu năm nhứt. Trong khi hát đối không nhứt định anh Hai phải hát với chị Hai, mỗi người trong liền anh có thể tìm trong liền chị những người nào hát hợp giọng, hợp ý, hợp tình để hát đối nhau, và sự chọn lựa đó phải được anh Cả, chị Cả và cả bọn đồng ý.

2.2. Ngủ bọn :

Sau công việc đồng áng, có nhiều đêm những người cùng một bọn thường gặp nhau, ngủ chung trong một đêm và luyện tập cách hát, học những bài hát lề lối hay sáng tác những bài mới. Sau một cuộc hát thi nếu bị thua vì không đối câu, đối giọng được, thì cả bọn cố nhớ lại lời ca và giọng hát của bài Quan họ mà cả bọn không đối được, để tìm những câu, những giọng dùng đối lại nếu cần cho lần sau và có thể đặt những bài khác để lấy phần thắng.

2.3. Kết bạn :

 
Một canh hát Quan Họ
Liền anh trong làng này thường được kết bạn với liền chị tại làng khác, để có thể tổ chức những cuộc gặp gỡ hát chơi. Công việc kết bạn do anh Cả, chị Cả của bọn đảm nhận. Khi đã đồng ý sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ giữa 2 bên trong một buổi ăn, tiếp theo đó sẽ có một canh hát chơi, trong dịp này các thành viên của mỗi bọn sẽ chọn người hát đối với mình và khi kết bạn, liền anh phải có một món quà để tặng liền chị và ngược lại. Khi kết bạn rồi thì thương yêu, lo lắng cho nhau, nhưng không bao giờ được kết hôn với nhau, dầu vậy, khi liền anh hay liền chị ốm đau, thì người kết bạn đến lo thang thuốc. Sau khi lập gia đình cũng vẫn còn giữ tình thân thương, đứng đắn, không gây ra sự ghen tuông.

2.4. Trang phục :

Khi hát Quan họ liền anh mặc áo the đen, chít khăn đen, tay cầm ô. Liền chị mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, tay cầm nón quai thao. Trang phục như thế rất trang nhã và đẹp. Cái ô là tượng trưng cho dương vật (linga – theo truyền thống Ấn Độ), nón quai thao tượng trưng cho âm vật (yoni). Như vậy, trong trang phục cũng có âm dương. Những chuyên gia Ấn Độ khi nghe tôi giới thiệu trang phục của liền anh, liền chị đều tỏ vẻ thích thú và khâm phục.

2.5. Ngôn ngữ :

Liền anh và liền chị không dùng ngôn ngữ bình thường, mà có cách nói văn hoa, trau chuốt, gọi nhau bằng anh, bằng chị và xưng em. Đôi khi có vẻ hơi khách sáo, nhưng rất dễ thương.

Thí dụ :

- Muốn mời bên nữ ăn thì bên nam nói bằng một giọng rất văn hoa, lễ phép : “Hôm nay liền chị đã có lòng sang chơi bên đất nước nhà em, anh em nhà em chạy được mâm cơm, thì đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa vừng, mâm đan bát đàn xin mời đường Quan họ dựng đũa lên chén để anh em nhà em được thừa tiếp”.

- Muốn mời bên nữ hát thì bên nam cất tiếng : “Xin mời liền chị bên ấy ca lên một canh để rồi em sẽ tiếp”. Các chị thường nhún mình trả lời : “Các liền anh như ông Trăng sáng khắp cả bàn dân thiên hạ, chúng em chỉ như bóng đèn thấp thoáng trong nhà …”

2.6. Hát chơi hay hát thi :

Các liền anh - liền chị mời giầu (trầu) trước canh hát
Trong một canh hát chơi thường bắt đầu bằng những câu hát chào – hát mời (“Mời giầu”), tiếp theo là những câu hát đối – hát đáp, đa số bài hát thuộc về loại hát vặt, tả cảnh, tả tình (“Trèo lên quán dốc”,” Ngồi tựa mạn thuyền”, “Qua cầu gió bay” “Gọi đó”, …). Khi sắp chia tay thì hát giã bạn,( “Con nhện giăng mùng”,” Người ơi! Người ở đừng về”), đôi khi liền anh và liền chị thật tình quyến luyến nhau, có thể hát giã bạn cả giờ, các bạn thường nói “đêm ngắn tình dài”.

Một canh hát thi thường bắt đầu bằng những bài hát lề lối (“cái hời cái ả”) tiếp theo là những bài hát đối – hát đáp, nếu không phải là những bài trong truyền thống, có thể trong liền anh hoặc liền chị sáng tác để làm cho đối phương lúng túng. Thường thì ngoài đối chữ còn có đối giọng. Kế tiếp là những bài hát thi, có những giọng rất khó hát và cuối cùng trước khi chia tay cũng hát bài giã bạn.

Trong cuộc thi có khi hát để “lấy giải” (hiện vật hay tiền), có khi bên nào thua phải làm một bữa cơm đãi mọi người.

2.7. Bài hát :

Thường thì bài ca trong mỗi bài hát là những câu thơ Lục bát biến thể, có thêm nhiều tiếng đệm đặc biệt của Quan họ như này a, ới a.

Thí dụ :

“Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”

phải hát như sau :

Yêu nhau cởi áo (ới a) cho nhau

Về nhà (dối rằng cha) dối mẹ a à a á a (này a ối a) qua cầu (hát 2 lần)

(tình tình tình) gió bay

2.8. Ngôn ngữ âm nhạc :

Thang âm có rất nhiều loại (4, 5 âm) nhưng thường là 5 âm. Những nhà nhạc học đã nhận diện được nhiều dạng thang 5 âm khác nhau.

Trong truyền thống Quan họ các nghệ nhân ít khi dùng danh từ điệu thức, nhưng khi phân tích một số bài Quan họ, thấy xuất hiện những đoạn trang nghiêm (như hơi nhạc trong giọng Bắc) hoặc buồn thảm (như hơi Ai hoặc Ai Oán trong giọng Nam), mà giọng trong truyền thống nhạc Tài tử miền Nam là điệu thức.

Tiết tấu thường có những nhịp đôi đơn giản, đều đặn, dễ hát, ít khi có tiết tấu phức tạp.

Hát Quan họ không phải là một bộ môn “diễn xướng”, nhưng là một “đối ca nam nữ” đặc biệt của vùng Đông Nam Á. Nhưng truyền thống Quan họ rất phong phú, đa dạng. Cách hát Quan họ dịu dàng, uyển chuyển, duyên dáng. Hát Quan họ là một sinh hoạt văn hóa trong giới nông dân, rất tinh tế. Đó là một di sản văn hóa rất quí của cha ông để lại cho chúng ta.
 (còn tiếp)

GSTS TRẦN VĂN KHÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét