Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

TÍNH NGUYÊN GỐC VÀ VẤN ĐỀ CẢI BIÊN TRONG VIỆC LƯU GIỮ CÁC LOẠI HÌNH DIỄN XƯỚNG CA TRÙ – QUAN HỌ - NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH (Phần 1)

TÍNH NGUYÊN GỐC VÀ VẤN ĐỀ CẢI BIÊN  TRONG VIỆC LƯU GIỮ CÁC LOẠI HÌNH DIỄN XƯỚNG CA TRÙ – QUAN HỌ - NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH

(Phần 1: Tính nguyên gốc trong Ca Trù)

- Ca trù là một loại nhạc thính phòng.
- Quan họ là một sinh hoạt văn hóa giữa những người nông dân gặp nhau trong những đêm trăng, đặc biệt trong 2 mùa Xuân – Thu, để hát đối đáp với nhau.
- Nhã nhạc Cung đình cốt là một loại Lễ nhạc dùng trong lễ hội Cung đình như Tế Giao, Tế Miếu, Tế Thần ; trong những buổi họp Đại triều hay Thượng triều ; trong những buổi Nhựt thực, Nguyệt thực. Nhưng cũng là một loại nhạc tiêu khiển cho các bậc vương giả và có mặt trong những buổi yến tiệc lớn.

Trong 3 bộ môn nghệ thuật kể trên, Quan họ từ ngày xưa đến gần đây không phải là môn diễn xướng, vì hát Quan họ không phải để biểu diễn cho người khác xem như ngày nay, vì Quan họ đã bị “sân khấu hóa”.
A. Xuất xứ và đặc thù của 3 bộ môn nghệ thuật này :
1. Ca Trù :


Các chuyên gia nghiên cứu đến nay, đa số đã đồng ý cho rằng Ca trù dưới hình thức ngày nay đã bắt đầu có từ thời nhà Lê (thế kỷ XV) sau khi cây đàn Đáy do Đinh Lễ (hay Đinh Dự theo một số Giáo phường) sáng chế ra.
Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc.
1.1. Thi ca :

 
Một trang chữ Nôm bài hát nói nổi tiếng Tỳ Bà Hành
(nguồn ảnh: Thư Họa Việt Nam)

Những bài hát trong Ca trù đã dùng tất cả các loại thơ cổ trong truyền thống Việt Nam : 4 chữ, lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn theo truyền thống Thơ Đường, và đặc biệt những câu thơ 8 chữ – tiền thân của loại thơ mới – và nhiều câu 9, 10, 11, 12, 13 chữ.
Về hình thức thơ có loại “hát Nói” rất đặc biệt gồm 3 khổ (4 câu + 4 câu + 3 câu) là những bài đủ khổ; nhiều hơn là loại dôi khổ. Thường có những câu Mưỡu mở đầu (4 câu thơ lục bát).
1.2. Âm nhạc :
Ca trù vừa là một loại thanh nhạc (vocal music), vừa là một loại khí nhạc (instrumental music). Có một ngôn ngữ âm nhạc tế nhị, tinh vi.
* Thanh nhạc : Ca nương phải có một giọng thanh-cao-vang, khi hát phải biết “ém hơi”, “nhả chữ” và hát “tròn vành rõ chữ”, biết “nảy hạt” (đổ hột), “đổ con kiến”. Ca nương vừa đàn, vừa gõ phách. Phải biết rành 5 khổ phách cơ bản, đánh “lưu không”, tiếng phách phải chắc và giòn, lời ca và tiếng phách phải ăn khớp với nhau.

 
Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ
 
Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc

 
Nghệ nhân Kim Đức

 
Ca nương Thúy Hòa (Ca Trù Thái Hà)

 
Ca nương Phạm Thị Huệ (Ca Trù Thăng Long)

* Khí nhạc : Kép đàn dùng đàn Đáy phụ họa. Bản đàn không nhất thiết phải đi theo bài hát, vì phải theo khổ đàn, nhưng khổ đàn – khổ phách – tiếng ca hợp nhau, hài hòa nhuần nhuyễn. Có những cách đàn ca “chân phương”, theo lề lối hay “hàng hoa”, sáng tạo và bay bướm.

 
Kép đàn - Nghệ nhân Chu Văn Du

Kép đàn - Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (Ca Trù Thăng Long)

  
Kép đàn - Nghệ sĩ Nguyễn Văn Khuê (Ca Trù Thái Hà)
 
)
Ca nương - Đào đàn Phạm Thị Huệ (Ca Trù Thăng Long)
Quan viên là người “cầm chầu”, tiếng trống chầu vừa chấm câu khi tham gia vào cuộc diễn tấu, nhưng có tính chất phê phán, khen chê đúng chỗ, để khích lệ ca nương – kép đàn, giúp cho thính giả biết được đoạn nào hay - thật hay và như thế được giáo dục âm nhạc trong cách nghe.
Ba nhạc khí dùng trong Ca trù rất đặc biệt :
+ Cỗ phách : gồm có bàn phách, một miếng tre hay gỗ và 2 dùi dùng để gõ phách (một dùi hình tròn bằng gỗ đặc, một dùi được chẻ ra làm 2 theo chiều dài), thường mang tên là phách cái và phách con. Hình thức đặc biệt dùi tròn được xem như là dương vật (linga theo truyền thống Ấn Độ), dùi chẻ hai được xem như là âm vật (yoni). Nhờ vậy, khi nghe 2 tiếng phách thính giả nhận thấy rằng có một tiếng trong và một tiếng đục, một tiếng mạnh và một tiếng nhẹ, một tiếng cao và một tiếng thấp, một tiếng dương và một tiếng âm. Tiếng phách Ca trù Việt Nam rất độc đáo và trong nhạc thế giới không có nước nào khác có cách gõ như thế.

 
Cỗ phách trong Ca Trù
+ Cây đàn Đáy : chỉ có trên đất nước Việt Nam, được sáng tạo từ nước Việt Nam, do người Việt Nam và trên thế giới không có nước nào có một nhạc khí tương tợ hay đồng loại. Thùng đàn hình thang hoặc chữ nhật, có mặt mà không có đáy, cần đàn dài hơn cả các nhạc khí trong và ngoài nước, 3 dây đàn đi thẳng từ cần đàn vào trục mà không đi ngang qua một “cầu đàn” như những nhạc khí khác. Do đó, trong cách nhấn nhá của đàn Đáy có loại “nhấn chùn” không tìm thấy trong thủ pháp của những đàn dây. Mười phím đàn bằng tre hay bằng gỗ được đặt trên cần đàn. Khảy đàn có tiếng “vê”, “vẩy”, “lia”. Âm thanh dây đàn khi bổng khi trầm, nhưng màu âm rất đặc biệt.

 
Đàn Đáy - cây đàn độc nhứt vô nhị trên thế giới

Thính giả vừa nghe giọng ca lảnh lót, đan chen với tiếng đàn trầm hùng, tạo nên một bức thêu âm thanh tuyệt diệu, làm say lòng người hằng giờ. Thính giả có thể theo dõi buổi hòa nhạc suốt ngày thâu đêm mà không chán.
+ Trống chầu : một buổi hát Ca trù không thể thiếu trống chầu. Khi vào cuộc 3 tiếng trống chầu (sòng đầu) bắt đầu bài hát và sau đó là kết thúc,  cũng có một loạt 3 tiếng trống chầu hòa với tiếng phách và tiếng đàn. Trống chầu có chức năng chấm câu, chấm nhịp. Khi khen phải đánh theo những công thức có từ ngày xưa và mang những tên rất thi vị “xuyên tâm”, “hạ mã”, “thượng mã”, “song châu”, “liên châu” …
 
Trống chầu dùng để chấm câu

* Ngôn ngữ âm nhạc : thang âm – điệu thức – tiết tấu đều vô cùng đặc biệt. Những tiếng đàn khác giọng, không mang tên Hò xự xê cống liu mà được gọi từ xưa tính tỉnh tình tinh tung tàng tang.
Thang âm không theo loại 2,3,4,5 âm mà có một cấu trúc đặc biệt.
Các điệu thức cũng rất độc đáo. Những cách đàn hát khác nhau thường được gọi là “cung”. Khi “thỏng tỳ bà” trong bài “Tỳ bà hành” thường có đủ 5 cung (cung Bắc, Nam, Nao, Pha, Huỳnh) mà các nghệ nhân ai cũng thông thạo, nhưng chưa có một thiên nghiên cứu âm nhạc học nào rõ ràng về 5 cung ấy.
Bài bản rất nhiều : xin nhắc đến : “Hồng Hồng , Tuyết Tuyết” ( Đào Hồng, ĐàoTuyết của Dương Khuê); “Tỳ Bà Hành” (Thơ : Bạch cư Dị đời Đường ; 1000 năm sau, Phan Huy Vịnh dịch ra Việt ngữ) “Gửi thư,” “Bắc phản”. Trong các bài Hát cửa đình” có bài “Thét Nhạc”, “ Hát giai”.
Ca trù là một nghệ thuật biểu diễn rất tinh tế, sâu sắc vào bậc nhất của nước ta và có thể nói của thế giới. Chỉ cần 2 diễn viên và 1 quan viên đủ làm cho thính giả nhận thức được thơ hay, nhạc ngọt, phách giòn, thang âm điệu thức đa dạng, uyển chuyển, nhịp điệu rộn ràng, tiếng trống chầu trang nghiêm, sang trọng. Ca trù có đủ yếu tố để làm say mê khán giả từ giờ này đến giờ khác, từ ngày này qua đêm nọ.
 
GSTS TRẦN VĂN KHÊ
(còn tiếp)
Add a Comment
   
haidanmoi wrote on Apr 27, '11
Kính thưa Ba,
Bài viết rất phong phú. Hình ảnh minh họa làm tăng giá trị bài viết rất nhiều .
Hun Ba nhiều
Con
Trần Quang Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét