Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

TÍNH NGUYÊN GỐC VÀ VẤN ĐỀ CẢI BIÊN TRONG VIỆC LƯU GIỮ CÁC LOẠI HÌNH DIỄN XƯỚNG CA TRÙ – QUAN HỌ - NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH (Phần 3)

TÍNH NGUYÊN GỐC VÀ VẤN ĐỀ CẢI BIÊN  TRONG VIỆC LƯU GIỮ CÁC LOẠI HÌNH DIỄN XƯỚNG CA TRÙ – QUAN HỌ - NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH

(Phần 3: Tính nguyên gốc trong Nhã Nhạc Cung Đình)
Nhã nhạc Cung Đình Việt Nam - Dàn Đại Nhạc
 
Nhã nhạc Cung Đình Việt Nam - Dàn Tiểu Nhạc

3. Nhã nhạc Cung Đình :

Từ xưa các nước Đông Á thường chia ra 2 loại :

- Ya yue (Trung Quốc), Gagaku (Nhựt Bổn), Ah ak (Triều Tiên), Nhã nhạc (Việt Nam)

- Su yue (Trung Quốc), Zoku gaku (Nhựt Bổn), Sok ak (Triều Tiên), Tục nhạc (Việt Nam).

                         Nhã Nhạc Triều Tiên
                        Nhã Nhạc Trung Quốc (đội Vũ Nhạc)
Nhã Nhạc Nhựt Bổn (Lâm Ấp Nhạc)

                    Tục nhạc Triều Tiên (Nông nhạc - dùng trong hoạt động nông nghiệp của người dân)

Tục nhạc Trung Quốc (sử dụng trong đời sống hàng ngày của người dân)
 
Tục nhạc Nhựt Bổn

 
Tục nhạc Việt Nam (Hát Xẩm trong dân gian)

Nhã nhạc dùng trong Cung đình, Tục nhạc dùng trong Dân gian. Nhưng nội dung của Nhã nhạc và Tục nhạc khác nhau tùy theo mỗi nước trong Đông Á.

Ở nước Việt Nam, Nhạc Cung đình có một bề dày của lịch sử và bề sâu của nghệ thuật.

3.1. Lịch sử :

Nhạc Cung đình bắt đầu xuất hiện khi nước Việt thoát khỏi sự đô hộ và trực trị của Trung Quốc để lập thành một quốc gia độc lập.

Nhưng dưới đời nhà Đinh và Tiền Lê không có sách sử nào ghi lại bằng văn bản hay các hình ảnh, hiện vật chạm trổ trên gỗ, trên đá để cho chúng ta biết dưới thời các vua đó đã có nhạc Cung đình hay chưa.

Tới đời Lý, tuy không có văn bản trong sách sử, nhưng có bức chạm ở chân cột chùa Phật Tích cho ta thấy các nhạc khí họp thành dàn nhạc đã được dùng trong các Đình, Chùa và trong cả Cung đình, vì dưới triều Lý các vua tôn trọng Phật giáo, cất Chùa trước khi cất Đền vua. 

Bức phù điêu chạm hình các nhạc công đời nhà Lý trên chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh)

Đến đời nhà Trần, theo sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc, có 2 loại nhạc : Đại nhạc (dùng vào lễ hội Cung đình) và Tiểu nhạc (dùng trong Dân gian). Đến đời nhà Lê, vua Lê Thái Tôn giao cho Nguyễn Trãi và Lương Đăng định Nhã nhạc cho Triều đình, nhưng Nguyễn Trãi bất đồng ý kiến với Lương Đăng về nhiều điểm, nên dâng sớ xin từ chức. Lương Đăng phỏng theo nhạc nhà Nguyên và đặt 2 dàn nhạc : Đường Thượng Chi Nhạc và Đường Hạ Chi Nhạc. Những người thức giả không ai tán thành và sau đó Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh và Đỗ Nhuận họp nhau lại đặt ra 2 đội : Đồng văn và Nhã nhạc, nhưng lần lần đội Giáo phường (dùng trong Dân gian) thay thế Đồng văn và Nhã nhạc trong các cuộc tế lễ. Trong cung cấm có đội Nữ nhạc diễn tấu cho Hoàng hậu và Công chúa xem. Đến lúc nhà Lê suy, các chúa Trịnh lạm quyền và đặt ra đội Bã lịnh. Đến đời Tây Sơn thì sử ta không ghi chép lại, nhưng sử nhà Thanh, trong quyển “Đại Thanh Hội Điển Sử lệ” có ghi lại biên chế của một dàn nhạc Cung đình, có mặt trong đội Cửu tấu của nhà Thanh (từ 9 nước lân cận gửi đến Trung Quốc) mang tên “An Nam Quốc Nhạc”, biên chế dàn nhạc đó giống như biên chế của dàn Nhã nhạc lưu truyền đến ngày nay. Đến đời nhà Nguyễn, nhất là dưới thời vua Minh Mạng, âm nhạc Cung đình được tổ chức rất hoàn chỉnh (theo quyển “Khâm định Đại Nam Hội điển Sử lệ” và “Minh Mạng chính yếu”).

3.2 Công dụng :

Cung đình được dùng trong các lễ hội lớn nhỏ như : Giao nhạc (dùng trong Tế Nam Giao), Miếu nhạc (dùng trong các lễ tế Thái Miếu, Thế Miếu, Văn Miếu), Ngũ Tự nhạc (5 cuộc lễ tế Thần), Đại Triều nhạc (dùng trong lễ vạn thọ của nhà vua tiếp sứ hay các buổi đại triều), Thường Triều nhạc (dùng trong các buổi vua lâm triều ngày thường), Trung Cung Chi nhạc (để nhà vua tiêu khiển), Đại Yến nhạc (trong các buổi tiệc lớn), Cứu Nhựt Nguyệt Giao Trùng nhạc (trong những buổi lễ Nhựt thực – Nguyệt thực).

3.3 Biên chế :

Hiện nay nhạc Cung đình gồm có :

- Đại nhạc : dàn nhạc trong đó Trống và Kèn đóng vai trò quan trọng, dùng trong các cuộc lễ hội lớn.

- Nhã nhạc (cũng gọi là Tiểu nhạc hay Ti Trúc Tế nhạc) : gồm có 2 ống Sáo, 4 cây đàn (Nguyệt, Tỳ Bà, Tam, Nhị), 3 nhạc cụ thuộc bộ gõ (Trống bảng, Sênh tiền, Tam âm la).

Ngoài ra còn có đội Ba Vũ (biểu diễn múa Cung đình) và đội Hát Cung đình (loại hát Bội hay hát Tuồng).

3.4 Bài bản :

Dàn Đại nhạc tấu các bản “Tam luân cửu chuyển” (cầu cho mưa hòa gió thuận), "Kèn cung Ai” (Thương nhớ Mẹ), “Mã Vũ-Bông-Man” (3 tiết tấu khác nhau”, “Song tấu Kèn trống” (Ứng tác ứng tấu theo hai tiết tấu Mã Vũ và Du Xuân.

Dàn Nhã nhạc tấu các bản : “Thập thủ liên hoàn” (10 bản ngự), “Ngũ đối thượng”, “Long Ngâm”.

Dàn Đại nhạc phụ họa theo các điệu múa cung đình : “Múa Tứ Linh” "Long, ly, qui, phượng", “Lân mẫu xuất lân nhi” (Lân mẹ sanh lân con), “Phụng Vũ“ (hai con chim phụng), “Phiến vũ” (múa quạt), “Trưng vương xuất trận” (múa kiếm), “Lục cúng Hoa đăng” (múa đèn hoa sen).

3.5 Nghệ thuật :

Chỉ có nhà vua mới đủ quyền lực và ngân quĩ để chọn những nghệ sĩ giỏi nhất trong 3 miền, họp lại để làm một đội Ca vũ nhạc kịch Cung đình, với nghệ thuật biểu diễn tinh vi. Các nghệ sĩ đó có thời gian luyện tập đầy đủ và có điều kiện thuận tiện để sáng tác những nhạc phẩm, những điệu múa, những vở tuồng mang tính chất nghệ thuật cao.

Nhạc khí được đóng cẩn thận bằng những gỗ quí.

Trang phục cũng lộng lẫy.

Kỹ thuật biểu diễn được các nghệ nhân rành nghề trao lại cho các nghệ sĩ trẻ và luôn luôn được trau dồi, luyện tập, nên mức nghệ thuật biểu diễn rất cao.

Bài bản có một số ít, nhưng đều được sáng tác mẫu mực.

Thang âm, điệu thức giống như thang âm, điệu thức dùng trong ca nhạc Huế, chỉ có tiết tấu là rất phong phú và tinh vi, nhất là trong những bản Đại nhạc.

Tư thế ngồi biểu diễn, cách ôm đàn, cách khảy đàn hay kéo đàn cũng được quan tâm.

Trong dân gian không có những dàn nhạc nào được chăm sóc luyện tập trong chi tiết như những dàn nhạc trong Cung đình.

Một loại nhạc có bề dày của lịch sử, chiều sâu của nghệ thuật, lại kết hợp những cái hay của nhiều nơi trên đất nước rất đáng được nghiên cứu, bảo tồn một cách nghiêm túc và sâu sắc, đừng để mất đi cái gốc, cái bản sắc văn hóa và cần được truyền dạy cho các thế hệ trẻ, các lớp học sinh - sinh viên những di sản quí báu mà cha ông đã lưu lại cho chúng ta.
(còn tiếp)

GSTS TRẦN VĂN KHÊ

mimikhanhvan
mimikhanhvan wrote on Apr 28, '11, edited on Apr 28, '11

Dạ thưa Thầy, hôm nay con đọc bài này của Thầy thấy thích quá nên tức hứng làm chơi vài câu thơ nhen Thầy:

Dạo chơi Nhã Nhạc Cung Đình
Trung Hoa, Nhựt Bổn, nước mình, Triều Tiên
Lại thêm Tục Nhạc kề bên
Dân gian - Bác học nối liền không gian...

Cõi bờ độc lập Việt Nam
Dựng nên tiếng nhạc riêng tràn non sông
Cung đình tuyển mộ nhạc công
Trui rèn, sáng tạo không ngừng ngày đêm
Làm cho nghệ thuật trường niên
Làm cho lịch sử lưu truyền nghìn năm!

Bóng câu in vết thăng trầm
Gió mưa cũng khiến cho năm tháng gầy
Nhạc xưa giờ vẫn chốn đây
Mà người xưa đã nơi này, xa đâu?
Thế hệ trước, thế hệ sau
Nối tay giữ lửa, ươm màu nhạc Nam.
Cầu cho Nhã nhạc cường khang
Cho người gìn ngọc giữ vàng cha ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét