Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

TÍNH NGUYÊN GỐC VÀ VẤN ĐỀ CẢI BIÊN TRONG VIỆC LƯU GIỮ CÁC LOẠI HÌNH DIỄN XƯỚNG CA TRÙ – QUAN HỌ - NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH (Phần 4 - kết)

TÍNH NGUYÊN GỐC VÀ VẤN ĐỀ CẢI BIÊN  TRONG VIỆC LƯU GIỮ CÁC LOẠI HÌNH DIỄN XƯỚNG CA TRÙ – QUAN HỌ - NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH

(Phần 4: Vấn đề cải biên)

B. Cải biên :
Theo thiển ý của tôi, chúng ta không có quyền “cải biên” các bộ môn nghệ thuật đã được Unesco tôn vinh. Cải biên là sửa đổi để cho một bộ môn nào đó được hoàn hảo hơn, nhưng chúng ta là người sanh sau, với tư cách gì và hiểu biết sâu rộng đến đâu về các bộ môn đó mà dám đề xướng công việc sửa đổi di sản của cha ông để lại ? Nhưng một truyền thống nào cũng không phải bất di bất dịch, mà thường thay đổi theo niên đại, môi trường sống và quan điểm thẩm mỹ của quần chúng. Chúng ta có thể góp phần vào việc “phát triển” truyền thống và công việc này cũng chỉ có những nghệ nhân, nghệ sĩ nắm vững tay nghề mới có thể làm được. Công việc chúng ta có thể làm là “chấn chỉnh” các bộ môn nghệ thuật nói trên.
1. Ca trù :
Còn một số rất ít nghệ nhân đàn hát Ca trù có nhiều kinh nghiệm trong việc giới thiệu và truyền dạy nghệ thuật Ca trù đúng theo lề lối của những Giáo phường hồi trước. Chúng ta nên ghi hình lại những cuộc biểu diễn và những buổi truyền nghề của các cụ.
Chúng ta cố tìm những thể cách còn có người biết mà ít được phổ biến để truyền lại cho thế hệ mai sau.
Ngoài những bài hát trong truyền thống, ngày nay có nhiều văn nhân, học giả sáng tác những bài Hát Nói, với phong cách cổ, đề tài mới, chúng ta nên thể nghiệm, trình diễn để nhận được sự phản ứng của thính giả.
Ca trù là một nghệ thuật thính phòng rất tinh vi và tế nhị, không thể “sân khấu hóa” Ca trù. Nhưng cần phổ biến nghệ thuật đó trong giới thanh niên, sinh viên, học sinh, không phải để cho các bạn trẻ trở thành những ca nương – kép đàn, nhưng để các bạn trẻ tiếp cận với những nét nghệ thuật cơ bản và tập cho các bạn biết nghe và thưởng thức nghệ thuật Ca trù. Sau này những nghệ nhân, nghệ sĩ nắm được tinh hoa của Ca trù có thể sáng tác những bài Ca trù mới dựa trên lề lối và phong cách của Ca trù cổ. Nếu có những cách hát, đàn theo một phong cách mới thì không thể mang tên là Ca trù, mà có thể được gọi là “bài bản phỏng theo Ca trù”. Như tôi thường nói sáng tác mới là một con dao hai lưỡi, nếu nắm vững truyền thống, có năng khiếu sáng tác, có thể tạo ra những nhạc phẩm hay theo phong cách của Ca trù, hay áp dụng kỹ thuật hát, đàn, gõ phách. Nếu không thành công thì sáng tác đó có thể làm biến chất Ca trù, mất đi bản sắc dân tộc.
2. Quan họ :
Quan họ là một “trò chơi” giữa những người nông dân nam nữ, nên không thể “cải biên” cho nó thành một tiết mục biểu diễn trong những chương trình văn nghệ hay trên một sân khấu. Có thể đặt những bài mới để phù hợp với hoàn cảnh, môi trường mới như loại bài “Con chim thước” hay các nghệ nhân có thể sáng tác lời ca và làn điệu phỏng theo truyền thống ngày xưa mà nội dung mới.
Việc sử dụng nhạc khí để phụ họa theo lời ca nên hạn chế. Có thể dùng nhạc khí Việt Nam như đờn Nguyệt, đờn Nhị, ống Sáo, ống Tiêu …, không thể dùng những nhạc khí phương Tây như organ, guitar, violon. Nên tham khảo ý kiến các nghệ nhân lão thành về việc này.
3. Nhã nhạc Cung đình :
Đã là một kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại, thì chúng ta không có quyền cải biên. Có lúc thay vì dùng 1 đàn Nguyệt trong ban Nhã nhạc, lại dùng thêm 4,5 đàn Nguyệt khác, đàn Bầu, đàn Tranh, đàn Tam Thập Lục vào biên chế của Nhã nhạc, người đàn trước nay hoàn toàn là phái nam, lại có thêm nữ nhạc công … đó là những điểm sai lầm cần sửa đổi.
Hiện nay các dàn Đại nhạc và Nhã nhạc được các lãnh đạo của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế “chấn chỉnh” lại rất tốt, dùng trở lại những nhạc khí cổ như Tỳ Bà có 4 “tượng” phía trên, đàn Nguyệt không nhiều phím như đàn Nguyệt dùng trong Chầu văn, ống đàn Nhị khác hẳn ống đàn Nan Hu (Nam Hồ của Trung Quốc). Trang phục được may lại như ngày xưa. Cách đàn khi đứng, lúc ngồi cũng được đồng bộ. Cách biểu diễn chẳng những đúng câu, đúng nhịp, mà có thần hơn trước.
C. Kết luận :
Cũng như trong các bộ môn nhạc, vũ, kịch truyền thống, nghệ sĩ ngày nay (nhất là những người chỉ thông thạo nhạc phương Tây mà không rành về nhạc cổ) không nên làm công việc cải biên.
Công việc khẩn cấp là cố giữ gìn cho nguyên vẹn như ngày xưa và chỉ nghĩ đến việc phát triển từ bên trong, chớ không phải vay mượn bừa bãi từ bên ngoài. Như vậy chúng ta mới giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc.
Trên đây là những ý kiến của tôi, tôi chờ đợi có những quan điểm khác để cùng nhau thảo luận và tìm một hướng đi đúng đắn cho công việc bảo tồn và phát triển nhạc, vũ, kịch truyền thống.
 Bình Thạnh, ngày 01-05-2010
GSTS Trần Văn Khê

Add a Comment
   
mimikhanhvan wrote on Apr 28, '11, edited on Apr 28, '11
Con cũng như bác Hải vô cùng cảm ơn Thầy vì đã cho chúng con có cơ hội đọc được một bài nghiên cứu rõ ràng, ngắn gọn và vô cùng bổ ích. Chẳng những bài viết cô đọng được những đặc trưng của từng bộ môn, đưa ra những lịch sử - nguồn gốc, tính chất, phong cách, nhạc khí, nghệ nhân - nghệ sĩ biểu diễn... mà còn cho thấy được ngoài sự gìn giữ vốn cổ là việc đương nhiên phải làm còn nên biết phát huy vốn cổ như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện thời, dựa trên nền tảng truyền thống, có sự tiếp biến chứ không phải rẽ ngang "biến đổi" hoàn toàn theo ý thích hay theo cái gọi là "tân tiến".

Con rất vui vì khi đọc đi đọc lại bài này, con học thêm được nhiều điều trong công việc nghiên cứu của Thầy, đồng thời bổ sung cho mình cách nhìn mới sâu và rộng hơn khi nghiên cứu một vấn đề. Mỗi lần nhìn thành quả ở trên blog Thầy, con thấy thật hãnh diện và sung sướng!

Thầy ơi hôm nay Thầy vui rồi nhé, vì bác Hải và con vô comment quá trời luôn hihihi!

Thương chúc Thầy luôn luôn khỏe mạnh, sống lâu với chúng con để "truyền lửa" mãi cùng năm tháng! Bây giờ con chuẩn bị "bỉnh chúc dạ du" đây ạ, hihihi!

Con - KV
tranquanghai wrote on Apr 27, '11
Cám ơn Ba đã viết một bài rất đầy đủ về ba bộ môn được vinh danh "kiệt tác văn hóa phi vật thể " và đưa ra những đường hướng bảo tồn và phát triển đúng mức. Con đã đưa sang blog của con để thông báo cho các độc giả phía của con .
Hun Ba nhiều
Tran quang Hải
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét