Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

VỀ TÊN CÂY ĐÀN TRANH

VỀ TÊN CÂY ĐÀN TRANH
檀箏
                                      Hải Phượng & cây đàn Tranh Việt Nam
Nhiều nhạc sĩ hay nhạc học giả thấy chữ “tranh” có bộ trúc đầu và phía dưới có chữ “tranh” là “giành”, nên nhắc lại truyền thuyết hai người giành nhau một cây đàn “sắt” , đập bể đàn ra làm hai cây. Phân nửa cây đàn sắt vì thế mang tên là “tranh”.
Cố Giáo sư Nguyễn Hữu Ba ngày còn sinh tiền, khi nói đến xuất xứ của đàn tranh cũng nhắc lại việc “giành đàn”.
Ông Nguyễn Đức Mai khi viết bài về Ngũ tuyệt ban nhạc thính phòng cổ nhạc Huế” đăng trong số Canh Thìn 2000, Báo Thế kỷ XXI, bên Mỹ (có lẽ căn cứ theo tài liệu nghiên cứu của cụ Ưng Dụ) cũng nhắc lại việc hai anh em giành nhau cây đàn cầm (có lẽ cây đàn sắt đúng hơn vì đàn cầm chỉ có 7 dây).
Trong các nhà nghiên cứu về đàn Zheng, theo tôi, chỉ có cô Lucie Rault đưa ra nhiều tài liệu nhứt về chuyện “giành đàn”, thường là cây đàn “sắt”.
Đàn “sắt”, theo tương truyền, do vua Phục Hy chế ra, tức vào khoảng gần 3.000 năm trước Tây lịch. Đàn sắt từ đó đến nay còn giữ số dây 25. Hình dáng đàn sắt và đàn tranh giống nhau, nên đàn tranh cũng có tên “tiểu sắt”, đàn sắt nhỏ.

                                 
                                                 Đàn sắt 瑟
Cô Lucie Rault có ghi trong Luận án của cô mấy truyền thuyết sau đây :
1. Dưới thời vua Huyền Tông đời Đường (713-741), Lưu Huống, trong quyển “Đại nhạc linh bích ký” có viết :
“Tranh dữ sắt chính đồng, nhi huyền thuyết thiếu. Tần nhân hữu nhứt sắt nhí tranh. Mông Điềm trung phân chi linh. Các thủ bán cố tranh danh nhiên”
(Đàn tranh và đàn sắt giống nhau, nhưng dây ít hơn. Người đời Tần có một cây đàn sắt mà giành nhau, nhưng dây ít hơn. Người đời Tần có một cây đàn sắt mà giành nhau. Mông Điềm ra lịnh chia mỗi người lấy một nửa. Vì vậy mà người ta gọi đàn đó là đàn tranh)
Trong bài này, không nói rõ người đời Tần là trai hay gái và có họ hàng với nhau thế nào. Lại có thêm tên ông Mông Điềm đứng ra phân xử.
2. Vua Tống Nhân Tôn sai Đinh Độ (990-1053) soạn từ điển “Tập vận” về cây đàn tranh, Đinh Độ có viết : “Tần tục bạc ác, hữu phụ tử tranh sắt giả, các nhập kỳ bán, cố đương thời danh vi tranh”
(Dân tộc nước Tần hay gây gỗ. Có hai cha con giành nhau một cây đàn sắt, đập bể đàn mỗi người lấy một nửa. tại vậy mà người thời ấy gọi là đàn tranh)
Có bản ghi đầy đủ hơn :
“Tần nhân bạc nghĩa. Phụ tử tranh sắt nhi phân chi. Cố dĩ vi danh tranh Thập nhị huyền cái phá nhị thập ngũ huyền nhi vi chi dã”
(Dân Tần hay gây gỗ. Hai cha con giành nhau cây đàn sắt và đập bể làm hai. Tại vậy mà người ta gọi là tranh. Đàn tranh có 12 cây, do đập bể cây đàn 25 dây mà làm ra).
Vào thế kỷ thứ XVII, một thầy dạy “Gagaku” (Nhã nhạc) bên Nhật Bổn tên Oka Shoma (Cương Xướng Danh) trong quyển Gakudo Rui shu (Nhạc đạo loại thư) có viết :
“Hoặc ký văn : Tần nữ tỷ muội tranh sắt, dẫn phá nhi lưởng phiến. Kỳ nhất phiến hữu thập tam huyền vi tỉ phân. Kỳ nhất phiến thập nhị huyền vi muội phân. Tần Hoàng kỳ chí danh hiệu vi tranh”
(Sách Hoặc ký có viết : Hai chị em đời Tần giành cây đàn sắt, đập đàn bể thành hai miếng. Người chị lấy miếng có 13 dây, người em lấy miếng có 12 dây/Vua Tần nghe chuyện lạ như vậy gọi tên tranh cho nửa cây đàn sắt).
Có nơi chép :
“Tần hữu Uyển Vô Nghĩa giả dĩ nhứt sắt truyền nhị nữ. Nhị nữ tranh, dẫn phá chung vi nhị khí. Cố hiệu danh”
(Đời Tần có người tên Uyển Vô Nghĩa lấy một cây đàn sắt cho hai người con gái. Hai người con giành cây đàn đập ra làm hai cây.Tại vậy mà đàn mang tên Tranh).
Chuyện giành đàn theo mỗi tác giả, mỗi đời mà có hơi khác nhau. Nhưng chung qui việc xảy ra ở nước Tần. Hai người khi thì cha con, khi thì chị em giành nhau một cây đàn, đập bể đàn làm hai. Vì vậy mà đàn mang tên là “Tranh”. Theo đó ta thấy rằng người sử gia cho rằng đất nước Tần hay gây gỗ, lại không biết tôn ty trật tự, cha con giành nhau, chị em giành nhau. Cây đàn đó là đàn sắt 25 dây.
Nguồn gốc đàn Tranh Việt Nam là đàn “Tranh” giống như đàn “Sắt” từ Trung Quốc truyền sang nước Việt, có thể từ đời Trần hay trước nữa, dùng trong dân dã dưới dạng đàn 9 dây, 15 dây, 16 dây và từ xưa đến giờ thay đổi kích thước, số dây, từ dây tơ sang dây cước (dây đồng) đến dây thép. Nhưng qua 7, 8 thế kỷ, người nước Việt dùng nó, tạo cho nó một phong cách đặc thù trong thủ pháp, ngón đàn, tay nhấn nhá, trong thang âm điệu thức, trong bài bản. Đàn Tranh đã thành nhạc cụ hoàn toàn mang tính dân tộc Việt Nam, vì đã được người Việt ưa dùng, truyền từ đời này đến đời kia hàng 7, 8 trăm năm, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt và nói rất rõ ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam.
                 Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đàn Tranh Việt Nam
                     Giáo sư Trần Văn Khê đàn Tranh Việt Nam
                  Nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan đàn Tranh Việt Nam
                              Hải Phượng đàn Tranh Việt Nam
                       Nguyễn Thanh Thủy đàn Tranh Việt Nam
Lần sau chúng tôi sẽ ghi lại những đoạn đường chúng tôi đi tìm nguồn gốc cây đàn Tranh Việt Nam qua tài liệu khảo cổ và lịch sử.
Trần Văn Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét