Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

CA TRÙ CÀNH CÂY ĐANG THÊM NHỰA SỐNG

CA TRÙ
CÀNH CÂY ĐANG THÊM NHỰA SỐNG
Mới trở qua Paris vào đầu tháng, đến cuối tháng 3 tôi đã phải vội vã trở về Việt Nam để kịp tham dự Liên hoan Ca Trù toàn quốc 2005 diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 2 và 3 tháng 4. Và rồi công khó đã được đền bù xứng đáng!

Trong suốt hai ngày diễn ra liên hoan, tôi bồi hồi tưởng chừng thời gian đang quay ngược lại để cho tôi được đắm mình trong không gian thi hát Ca Trù Cửa đình ngày xưa, với trống chiêng liên hồi và trầm hương nghi ngút, có hát bài thét nhạc, có dưng lễ vật, có múa bỏ bộ, múa bát dật đúng theo phong cách truyền thống. Rồi lời thơ hoà quyện vào tiếng nhạc, giọng ca thêm đẹp thêm duyên nhờ cách ém hơi nhả chữ, được phụ hoạ bằng tiếng đàn khi khi vẩy, tiếng bổng tiếng trầm, khi mau khi chậm theo khổ phách dồn phách khoan, tiếng giòn giã của phách con phách cái, cùng với tiếng tom chát của trống chầu vừa chấm câu vừa phê phán. Êm tai nhờ điệu hát cung đàn và đẹp mắt qua tay dẻo chân mềm của những vũ nữ xiêm y lộng lẫy: một thực tế thật hiển nhiên mà sao tôi cứ tưởng như là một giấc mơ!
Những ngày qua báo chí, các đài truyền thanh truyền hình đã đưa tin và tường thuật khá nhiều về Liên hoan Ca Trù nên ở đây tôi chỉ ghi lại vài cảm nghĩ riêng tư mà thôi.
Hội đủ điều kiện để hình thành hồ sơ gởi đến UNESCO

Phải nói rằng chưa lúc nào bộ môn Ca Trù hội tụ đầy đủ những yếu tố căn bản để hình thành hồ sơ khả dĩ được UNESCO chấp nhận (để tổ chức này tiến hành cứu xét việc có công nhận là Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại hay không) như trong cuộc liên hoan lần này. Những yếu tố ấy gồm:

- Đây là bộ môn nghệ thuật độc đáo, được sanh ra từ thuở xa xưa tại đất nước chúng ta chớ không du nhập từ nước ngoài. Bề dày của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật trong Ca Trù đã được Phó giáo sư-Tiến sĩ Vũ Nhật Thăng (Chủ tịch Hội đồng giám khảo) và tôi tuần tự giới thiệu trong lời phát biểu ngắn gọn.

- Đã có thời gian dài Ca Trù bị chìm vào quên lãng, nhưng nếu chánh quyền và người dân chấp nhận sự mất mát đó thì UNESCO cũng không thấy cần thiết phải tôn vinh một nghệ thuật không còn chỗ đứng trong xã hội Việt Nam. Chính vì vậy cuộc liên hoan lần này với sự có mặt của 70 diễn viên thuộc 20 Câu lạc bộ Ca Trù (gồm các nghệ nhân cao niên, trung niên và cả những mầm non) từ khắp các địa phương tề tựu về, rồi sự có mặt của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, thi sĩ… cho thấy các nghệ sĩ và chuyên gia đều thiết tha với việc bảo tồn và phát huy Ca Trù. Liên hoan lần này lại thu hút đông đảo khách thưởng lãm, ngoài ra các báo đài đều tường thuật đầy đủ diễn tiến của liên hoan đến cho đồng bào cả nước. Tất cả là những minh chứng cụ thể về sự quan tâm của chánh quyền lẫn sự yêu mến của người dân đối với bộ môn này.

- Và cuối cùng việc Quỹ Ford đứng ra tài trợ cho Liên hoan (do công nhận giá trị đặc biệt của Ca Trù) có ý nghĩa như một cuộc sơ khảo đối với UNESCO.


Những hình ảnh và âm thanh ghi trong Liên hoan sẽ được dùng để minh hoạ cho bài giới thiệu về nghệ thuật Ca Trù trong hồ sơ đang được chuẩn bị để gởi đến UNESCO.

Hình thức đi đôi với nghệ thuật

Tất cả các nghệ sĩ biểu diễn trong Liên hoan đều mặc quốc phục. Nhạc sĩ đàn đáy và người cầm chầu mặc áo the đen, đào nương thì tóc bỏ đuôi gà với áo the đen ửng sắc đỏ thắm của chiếc áo cặp bên trong.

Các vũ nữ yểu điệu trong chiếc áo năm thân, thắt lưng lụa cùng màu với đường viền cổ áo, tay cầm quạt cầm hoa uyển chuyển. Khi múa ở cửa đình thì đi chân không theo đúng tập tục vào nơi chốn trang nghiêm phải cởi giày hay tháo hài. Tôi mê mẩn ngắm nhìn những bàn chân đẹp lúc thoắt bước qua, khi nhón gót lại mà nhớ đến các chàng trai ngày xưa trong Hát trống quân đã không ngần ngại mua gạch Bát Tràng đem về “xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”.



Không chỉ nghệ sĩ mà toàn bộ các thành viên trong Ban giám khảo cũng đều mặc trang phục truyền thống, nam giới trịnh trọng trong chiếc áo the, đầu chít khăn đóng còn phụ nữ trang nhã với áo nhung đen, tóc bỏ đuôi gà.

Việc mặc quốc phục không phải để đưa mọi người trở lại thời phong kiến ngày xưa mà chính là để cho hình thức phù hợp với nội dung và nghệ thuật được toàn diện từ ngoài đến trong (Nhớ đến các nhạc sĩ trẻ Việt Nam khi đàn bầu, đàn nhị hay thổi sáo mà mặc âu phục, thậm chí có người khoác áo gilet theo kiểu Nga hay dân tộc di-gan, tôi luôn cảm thấy có một chút gì chưa ổn).

Đánh trống trước cửa nhà sấm

Ngoài ra tôi còn có thêm nhiều niềm vui nhân cuộc liên hoan lần này. Thú vị nhứt là tôi được tiếp xúc, trò chuyện với nhiều bực lão thành và chuyên gia của truyền thống Ca Trù như nhà văn-nhà thơ Chu Hà, người từng sáng tác nhiều bài Hát nói, trong đó có bài Xuân Rồng được cố nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ biểu diễn trong dĩa hát UNESCO. Hay nghệ nhân Ngô Trọng Bình – Ủy viên Ban giám khảo – chuyên về đàn đáy và rất thạo cách cầm chầu. Hoặc nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Xuân Diện mà tôi rất ngưỡng mộ qua quyển sách viết về “Lịch sử Ca Trù”.

                                      Nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Xuân Diện


Đặc biệt tôi càng vui hơn khi gặp gỡ những người nước ngoài say mê Ca Trù, chẳng hạn giáo sư Chun In Pyong người Hàn Quốc, tuy không biết tiếng Việt mà đã chăm chú theo dõi suốt hai ngày diễn ra liên hoan, rồi sau đó mấy hôm lại đến Viện Âm nhạc nghe tôi thuyết trình về bộ môn nghệ thuật này với tất cả sự thú vị.

Một nhân vật khác gây ấn tượng cho tôi là Michael, người Mỹ, đại diện cho Quỹ Ford. Thật ra đây là lần thứ hai tôi gặp Michael, còn lần đầu là tại Festival Huế vào năm 2004. Hôm đó tôi đang ngồi trên khán đài ở Ngọ môn, bỗng một thanh niên người Mỹ đến chào và nói bằng tiếng Việt: “Chắc thầy không nhớ em đâu! Em là Michael đã theo học 40 tiết nhạc Việt Nam với thầy tại Đại học Honolulu năm 1988”.

Trong Liên hoan Ca Trù lần này, Michael lại đến chào thân mật và được sắp xếp ngồi kế bên tôi. Trong câu chuyện, tôi có nhờ anh chuyển lời cám ơn Quỹ Ford năm 2002 đã tài trợ chương trình “Đào tạo diễn viên Ca Trù trẻ” và năm nay tiếp tục tài trợ cho Liên hoan. Michael im lặng một chút rồi mỉm cười: “Phần em thì phải cám ơn thầy, vì nhờ bài giảng của thầy từ năm 1988 mà em đâm ra say mê Ca Trù. Mãi đến nay em mới thực hiện được ý nguyện của mình là góp phần rất nhỏ trong việc giúp cho Ca Trù đừng bị chìm vào quên lãng”.

Lần gặp trước tôi cảm kích về việc cậu sinh viên trẻ người Mỹ sau 18 năm vẫn còn nhớ thầy, còn lần này lại xúc động vì không ngờ bài giảng rất sơ lược của mình về Ca Trù lại gây ấn tượng mạnh mẽ đối với một người nước ngoài đến vậy. Điều này đã khẳng định giá trị vô cùng độc đáo của Ca Trù.

Một niềm vui lớn nữa là tôi được mời phát biểu hai lần trước một cử tọa gồm nhiều chuyên gia về Ca Trù tại Liên hoan. Chưa bao giờ tôi được mời nói chuyện mà trong lòng lại thoáng chút lo âu như lần đó, vì vậy khi mở đầu tôi đã rào đón: “Tôi vốn là người… ngoại đạo. Sanh trưởng tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình bốn đời chuyên về Nhạc tài tử miền Nam, rồi sống đời tha phương trên 55 năm, tôi chỉ bắt đầu học Ca Trù với cố nghệ sĩ Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, nhạc sĩ Đinh Khắc Ban, nhà thơ Trúc Hiền, học vội vàng mà chưa bao giờ được thực nghiệm. Nhưng tôi vẫn mạnh dạn nói về Ca Trù tại nước ngoài, bởi vì cử toạ toàn người ngoại quốc và không ai biết gì về môn nghệ thuật này cả. Nay phải nói về những nét độc đáo trong nghệ thuật Ca Trù tại đây, tôi có cảm giác mình đang “đánh trống trước cửa nhà sấm”. Vì vậy nếu tôi có nói điều chi chưa đúng xin quý vị thẳng thắn chỉnh sửa, tôi rất vui và sẵn sàng lĩnh giáo”. Cũng may sau buổi đó vài vị cho biết những điều tôi phát biểu không có gì sai.

Tôi lại được mời nói chuyện liên tiếp hai buổi sáng và chiều tại Viện Âm nhạc trước những thính giả chọn lọc - gồm các vị lãnh đạo Cục Di sản văn hoá, một số chuyên gia và các sinh viên của Viện - về lịch sử, truyền thuyết, những nét đặc thù và cấu trúc thang âm, điệu thức, tiết tấu… của Ca Trù. Nhờ có sự minh hoạ sống động và đầy tính nghệ thuật của gia đình cụ Nguyễn Văn Mùi nên cử toạ ngồi nghe liên tục mà không ai bỏ ra về. 

          
Qua năm sau 2006, Viện Âm Nhạc lại tổ chức một Đêm Ca trù. Chưa bao giờ Ca trù được giới thiệu trên sân khấu của Nhà Hát lớn Hà Nội với một lực lượng Đào, Kép hùng hậu như vậy!!! Lần đó có đến hơn 100 nghệ nhân từ 16 tỉnh giới thiệu nhiều hình thức của ca trù qua 23 tiết mục: hát thờ, hát chơi, hát chúc hổ. Đối với tôi, đêm liên hoan nầy có dịp cho tôi gặp và nghe 4 đào nương trẻ: Bạch Vân, Thúy Hòa, Bạch Dương và Phạm Thị Huệ.

                                                    Ca nương Bạch Vân

                                                  Ca nương Thúy Hòa

                                             Đêm Ca Trù toàn quốc 2006
Ca nương kiêm đào đàn Phạm Thị Huệ đàn đáy phụ họa cho Thầy (Bà Nguyễn Thị Chúc) ca

                                                 Ca nương Bạch Dương

Đặc biệt là ca nương Phạm Thị Huệ lại biết sử dụng đàn đáy và được Kỷ lục Guiness Việt Nam vinh danh là một kỷ lục gia "Người phụ nữ độc nhứt nước Việt Nam biết đàn đáy”. Không phải chỉ biết qua loa hay “học lóm”, học theo dĩa hát, mà được thầy Nguyễn Phú Đẹ dạy trực tiếp. Thầy Nguyễn Phú Đẹ một hôm gặp tôi, vừa nói vừa cười: “Con bé nầy (chỉ Phạm Thị Huệ), có bàn tay bằng vàng. Vừa chỉ qua là đàn được ngay! Có một chữ đàn nào nghe hay là nó “cướp” ngay! Tôi bây giờ an tâm vì khi tôi vĩnh viễn ra đi còn có cháu Huệ giữ lại tiếng đàn của tôi."

Và Phạm Thị Huệ cũng là một nghệ sĩ ca trù được hai Thầy cho làm lễ “mở xiêm áo”. Khi Thầy nhận thấy rằng môn sinh của mình có đủ tài nghệ để biểu diễn nghệ thuật ca trù như một ca nương hay một kép đàn thực thụ, Thầy cho phép làm lễ “mở xiêm áo” để “trình làng” và Đào nương hay Kép đàn phải biểu diễn trước sự hiện diện của những chuyên gia ca trù trong làng xã. Sau đó, diễn ở “cửa đình” tạ ơn thần thánh, trước khi trở thành ca nương chuyên nghiệp có thể tổ chức những cuộc hát chơi, hay truyền nghề lại cho lớp trẻ.
           
Tôi có dự lễ mở xiêm áo của Huệ và được người dẫn chương trình Bùi Trọng Hiền mời tặng hoa cho tân ca nương và đào đàn Phạm Thị Huệ. Từ hôm ấy tới nay, tôi luôn theo dõi những việc làm của Huệ, thì tôi phải nhìn nhận, như các báo và Đài truyền hình VTV đã tặng cho danh hiệu đó, rằng ngày nay, Huệ là “linh hồn” của nghệ thuật ca trù!
           
Ngoài việc giảng dạy hằng tuần cho các ca nương trẻ, Huệ còn tổ chức CLB Ca Trù Thăng Long, và mỗi thứ bảy đầu tháng, một buổi trình diễn, giải thích và truyền dạy ca trù được mở ra đặc biệt cho sinh viên học sinh: chương trình nầy được Quỹ Ford tài trợ.

                                                CLB Ca Trù Thăng Long          

Cùng với hai Thầy, Phạm Thị Huệ đi đến Thái Bình khơi dậy sinh hoạt ca trù theo chương trình của Giáo sư Tô Ngọc Thanh đề nghị. Tận tụy làm việc đến quên cả sức khỏe của Huệ có giới hạn, tôi rất cảm phục lòng hy sinh, tận tụy với nghệ thuật ca trù của một ca nương, đào đàn trẻ nầy!
 * * *
           
Nhớ lại năm 1976, khi tôi ghi âm tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ, tiếng đàn đáy của ông Đinh Khắc Ban, tiếng trống chầu của cụ Trúc Hiền để làm dĩa hát cho UNESCO, lòng tôi se thắt nghĩ rằng mình chỉ ghi lại chút hương thừa của những đoá hoa sắp tàn trên một cành cây khô cằn cỗi. Ngờ đâu năm nay khi trở lại Hà Nội, tôi chứng kiến nghệ thuật Ca Trù như đoá hoa tưởng sắp tàn mà lại thêm tươi, cành cây héo úa khi xưa nay được tiếp thêm nhựa sống. Và đáng mừng nhứt là trên cành lại có bao nhiêu nụ non đang hứa hẹn sẽ nở thành những bông hoa tươi thắm. Và những nụ non ngày trước, nay đã nở thành Hoa. 

Nghệ nhân Chu Văn Du (đàn đáy) - nghệ nhân Kim Đức (ca) - nhà thơ Ngô Linh Ngọc (trống chầu)

                                                Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi

                                                     Một đêm Ca Trù

Bình Thạnh, Hè Mậu Tý
Tháng 6 dương lịch, năm 2008

GSTS Trần Văn Khê

(bổ sung bài viết từ năm 2005)

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. trantruongca wrote on Sep 13, '08

    Co vài nhà hảo tâm đã nghĩ đén việc đó va biết đâu? Ước mơ của con sẽ thực hiện được!
    Thầy TVK

    lengochan wrote on Sep 13, '08

    Dạ, vậy thì thật buồn thưa Thầy.

    Quỹ nào cũng đòi hỏi phải là tổ chức đứng ra lập dự án. Mà việc của Thầy ngày càng cấp bách, con nghĩ hoài chẳng ra câu trả lời.

    Thấy việc trước mắt nhưng không làm được buồn thay lực bất tòng tâm. Con thường ước ao giá như mình đừng hay nghĩ nhiều, suy nghĩ nhiều thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn

    Thương Thầy

    Con Lê Ngọc Hân

    trantruongca wrote on Sep 13, '08

    Ngoc Han oi! Cam on nhiet tinh cu con . NhungQuy Ford Foundatin khong tra loi thu ca nhan đâu. Giam doc Quy Ford Foundation la mot cuu sinh vien cua Thay tai Dai hoc Hawaii . Nhung Thay khong ban den viec xin tai tro. Thay chi xin cho Ca tru ma khong xin cho Thay.Cam on con da vi xuc dong ma tu dong viet thu cho Quy Ford.

    Thay TVK

    lengochan wrote on Sep 12, '08

    Thưa Thầy,

    Đọc bài viết này của Thầy con xúc động đến mức rơi nước mắt. Trước đây đọc báo, hay tin cụ Quách Thị Hồ mất con đã bồi hồi xúc động vì sự mất mát của bộ môn nghệ thuật ca trù dù con chưa đủ khả năng hiểu hết những điểm hay của ca trù. Nay biết tin sự hồi phục của bộ môn ca trù và có những người như cô Phạm Thị Huệ quyết tâm tiếp giữ truyền thống thật vui thay!!!

    Qua các thông tin báo đài và cũng như bài viết của Thầy, có nhiều người ngoại quốc dù không biết tiếng Việt vẫn say mê thưởng thức ca trù. Điều này chứng tỏ 2 điều

    thứ nhất, ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ của trái tim không có biên giới

    thứ hai, người Việt không thưởng thức được ca trù vì trình độ thưởng thức nghệ thuật còn thấp hơn người nước ngoài nên quay lưng với một bộ môn xuất sắc của ông cha ta ngày xưa.

    Thầy ơi, đôi dòng xúc động giãy bày.

    Thưa Thầy, trưa nay con đã liều viết thơ gửi quỹ Ford để xin tài trợ tiền biên dịch tài liệu của Thầy. Con chưa xin phép Thầy mà đã làm thế, mong Thầy bỏ quá.

    Cơ hội chỉ có chưa đến 1% vì lá thơ chỉ đứng tên mình con, không có tổ chức hay cơ quan nào đại diện.

    Con Lê Ngọc Hân

    tranquanghai wrote on Jun 14, '08

    Bài có thêm hình thấy "hấp dẫn " hơn nhiều . Con thấy Khánh Vân có khiếu 'trang điểm" cho bài thêm "tươi mát" với rất nhiều hình ảnh hạp với nội dung của bài viết

    Tran Quang Hai

    trantruongca wrote on Jun 13, '08,

    Kh V ơi! Cám ơn con! Hình ảnh con tìm làm cho bài Thầy viết thêm phần thú vị. Thầy vui lắm con ơi!

    Thầy Kh của con

    Trả lờiXóa