Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT

ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT


Trong suốt cuộc đời dạy học, tôi luôn sẵn lòng trao tất cả những kiến thức có được cho học trò, đồng thời nhắc nhở các em đừng coi những kiến thức ấy là một chân lý bất di bất dịch mà chỉ là những hiểu biết tôi có được cho đến thời điểm mà tôi trao cho các em. Những kiến thức này có thể thay đổi theo thời gian hay theo quá trình nghiên cứu của tôi. Ngoài ra khi các em có bất cứ điều gì thắc mắc thì có thể thẳng thắn thảo luận với tôi một cách thoải mái.

Mục đích chánh của tôi trong việc giảng dạy là không chỉ đơn thuần đem đến kiến thức mà quan trọng hơn là gieo chất men yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam vào lòng học trò Việt Nam và nhiều nước khác nhau. Tôi cũng cố gắng làm cho các em ngày càng thêm tự hào về nền âm nhạc truyền thống của đất nước mình mà xoá bỏ đi những tự ti mặc cảm vốn mang nặng trong lòng sinh viên các nước Á Phi.

 

                               Với các môn sinh trong CLB Tiếng Hát Quê Hương

 

Với con trai  (cũng là học trò) Trần Quang Hải và môn sinh tuổi trẻ tài cao Hải Phượng


Thầy và em Phạm Thúy Hoan - một môn sinh và cũng là một nhà giáo rất tâm huyết với nhạc truyền thống

 

      Với các học trò giỏi ở Hà Nội: Phạm Thị Huệ - Thanh Thủy - Thanh Hiền

 

     Thầy trò Trần Văn Khê & Nghệ sĩ trống Đức Dũng (nhóm nhạc gõ Phù Đổng)

 

Các học trò quây quần bên Thầy: nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - Minh Châu - Phạm Thị Huệ

Việc dạy học đem lại cho tôi niềm vui sướng lớn lao khi nghĩ rằng mình không chỉ trao kiến thức cho học trò mà còn làm tròn trách nhiệm của người đi trước vạch cho thế hệ sau một hướng đi đúng đắn, một tấm lòng yêu quý âm nhạc và một tình yêu quê hương đất nước sâu đậm.

Tôi có may mắn không chỉ dạy cho một lứa tuổi mà cho nhiều lứa tuổi khác nhau, từ cấp mẫu giáo (như trường Tiểu học Queen Lydia ở Honolulu - Mỹ hay lớp mẫu giáo tại Poitiers - Pháp) đến trường trung học (như dạy tiếng Anh, tiếng Pháp ở các trường trung học tư thục ở Sài Gòn) đến bậc cao học và tấn sĩ ở Đài Loan, Pháp và tại nhiều nước trên khắp năm châu. Sau bao nhiêu năm đứng trên bục giảng, tôi học hỏi được rất nhiều từ những môn sinh của mình, đặc biệt là những em soạn luận án cao học hay tấn sĩ. Như một người mẹ tự hào nhìn ngắm các con mình lớn lên từng ngày, tôi cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến sự thành công của những môn sinh mà tôi dìu dắt từ những bước chập chững đầu tiên trong lãnh vực nghiên cứu đi lần đến học vị tấn sĩ. Phần thưởng lớn nhứt đối với tôi chính là được học trò yêu mến và tin cậy. Điều đó đã là quá đủ cho một đời người.

Tuy vậy cho tới nay tôi vẫn còn nhiều băn khoăn day dứt khi nghĩ đến những gì có thể làm hơn được trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc của đất nước với tư cách là một nhà nghiên cứu và một người dạy học.

Một trong những điều tôi quan tâm nhứt hiện nay là tìm cách vận động việc đem âm nhạc dân tộc vào học đường, đặc biệt ngay từ cấp mẫu giáo và bậc tiểu học. Khi tâm hồn các em còn non nớt, nếu không được trang bị những yếu tố căn bản của âm nhạc dân tộc, lớn lên các em sẽ dễ hoang mang trước sự tấn công ồ ạt của những loại nhạc ngoại lai, kích động từ Âu Mỹ qua những phương tiện truyền thông hiện đại. Và sẽ bị lôi cuốn theo cái hào nhoáng bên ngoài mà không thấy được giá trị nghệ thuật sâu sắc của âm nhạc truyền thống, không có niềm tự hào về bản sắc dân tộc Việt Nam.

 

 

   Cùng với em Thúy Hoan dạy nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học tại Huế 2007

Học sinh trung học của chúng ta cũng không được giáo dục về thẩm mỹ, không am tường những loại nhạc dân gian, không rành câu hò điệu lý, không biết hát xoan hay hát quan họ là gì. Trong nhạc thính phòng, không biết ca trù, ca Huế và ca tài tử hay ở điểm nào. Trên sân khấu thì chẳng hiểu tuồng thầy, tuồng pho, tuồng đồ khác nhau ra sao. Không biết, không hiểu làm sao có thể thương yêu, quí trọng để mà học hỏi, luyện tập và gìn giữ những gì cha ông để lại cho chúng ta?

Mong muốn thiết tha nhứt của tôi trước khi trở về với cát bụi là thấy Việt Nam có được một chương trình giáo dục âm nhạc hoàn chỉnh cho các cấp, nhứt là cho các Nhạc Viện, trong đó âm nhạc truyền thống của dân tộc có được chỗ đứng xứng đáng và hợp lý. 

Ước mơ này biết bao giờ mới thành sự thật? 

Vitry sur Seine, 25/6/2004

Trần Văn Khê 

1 nhận xét:

  1. Vài comments từ blog cũ:

    tranquanghai wrote on May 22, '08

    Kính thưa Ba,
    Những lời tâm huyết của Ba đã đưa ra cách đây 4 năm . Cho tới ngày hôm nay vẫn chưa thấy có kết quả nào phấn khởi . Đòi hỏi cả một chương trình thấu triệt các bộ môn nhạc dân tộc , điều thứ nhứt là phải có cán bộ âm nhạc có đầy đủ trình độ thì con nghĩ là chắc còn lâu mới có thể thực hiện được
    Hun Ba nhiều
    Tran Quang Hai

    quynhhanh wrote on May 22, '08

    Kinh thua Thây,
    Rât cam dông khi doc nhung loi tâm huyêt cua Thây. Quynh Hanh va Nha Van Hoa Cô Truyên Vietnam tai Paris huong ung loi kêu goi cua Thây. Nam nay,niên khoa 2008-2009 se mo thêm nhiêu lop day Nhac Cô Truyên Vietnam cho nguoi Phap va nguoi Vietnam tai Phap,

    Kinh chuc suc khoe Thây

    Quynh Hanh, Quynh Phuoc, Quynh Tiên

    trantruongca wrote on May 24, '08, edited on May 30, '08

    Thầy rất vui khi nghe Quỳnh Hạnh và Nhà Văn hóa cổ truyền Việt Nam tại Paris hưởng ứng lời kêu gọi của Thầy.

    trantruongca wrote on May 24, '08, edited on May 30, '08

    Thầy lên mạng đã xem hình Kh V cài lên bài "Đôi lời tâm hưyêt". Hình đẹp quá và Thầy rất xúc động Kh V ơi!

    Không nói cám ơn con mà lòng Thầy tràn ngập niềm vui vì ít ra lời tâm huyết của Thầy đã có vài môn sinh trẻ nghe rõ và hưởng ứng công việc của Thầy đã, đang và còn tiếp tục làm!

    trantruongca wrote on May 24, '08, edited on May 30, '08

    Hải con trai cưng của Ba ơi!

    Dầu biết rằng tìm được những người thực hiện công việc bảo tồn và phát triển vốn cổ, hay người chịu khó sưu tầm vốn cổ đúng theo phương pháp khoa học không dễ.

    Nhưng khi Ba nghĩ rằng Ba đã có con như con, Ba thấy trong lòng được an ủi rất nhiều.

    Ba của con TVK

    mimikhanhvan wrote on May 30, '08

    Là học trò đọc mấy dòng trên vừa thương vừa rớt nước mắt đó Thầy!

    lengochan wrote on Aug 15, '08

    Cách đây 6 năm, đọc những dòng tâm huyết của GS trong cuốn tự truyện, con thi vào ngành ngữ văn để học về văn hóa. Bước vào rồi mới hiểu tâm nguyện của GS thật xa vời với tình hình hiện nay ở VN. Thật đau lòng. Tuy nhiên vẫn còn những người đi tiếp bước con đường của GS, GS an tâm!

    Lê Ngọc Hân

    trantruongca wrote on Aug 15, '08, edited on Mar 4, '09

    Thầy rất xúc động khi biết được có sinh viên, học sinh hay giới trẻ nghe lời tâm huyết của Thầy và hứa tiếp bước trên con đường của Thầy.

    Cám ơn các con đã đem đến cho Thầy niềm tin vào thế hệ trẻ ngày nay.

    Trả lờiXóa