Đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam bộ
Cứ
mỗi dịp Xuân về, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ đến cái Tết cổ truyền rộn
ràng tại làng quê Vĩnh Kim thân thương của mình hơn nửa thế kỷ trước
đây, với bao nhiêu lễ nghi tập tục được mọi người trân trọng gìn giữ từ
thế hệ này sang thế hệ khác.
Ấn
tượng sâu sắc nhứt đối với tôi trong ba ngày Tết chính là vào mùng Hai,
một ngày hết sức quan trọng của đại gia đình chúng tôi. Tất cả mọi
người trong dòng họ tụ tập tại nhà người cậu thứ Tư, cũng là nhà hương
hỏa thờ cúng ông bà, để vừa vui Xuân vừa dự buổi hòa nhạc theo phong
cách đờn ca tài tử miền Nam.
Đặc biệt ngày hôm đó không chỉ bà con lối xóm mà cả người mộ điệu ở các
làng lân cận cũng đều tụ tập tới đây rất đông để thưởng thức âm nhạc.
Gia
đình tôi vốn có truyền thống về đờn ca tài tử ở Tiền Giang. Ngày xưa
người đứng đầu một nhóm đờn ca tài tử gọi là “chủ soái”, theo cách gọi
của những người trong giới. Ở làng Vĩnh Kim, ông nội tôi là Trần Quang
Diệm được xem là một chủ soái, được giới đờn ca tài tử nhắc đến nhờ
tiếng đờn tỳ bà đặc biệt và nhiều sáng tác của ông dành cho loại đờn
này. Đến đời cha tôi - ông Trần Quang Triều - cũng là một người đờn tài
tử danh tiếng của làng với tiếng đờn kìm gân guốc hay tiếng độc huyền nỉ
non. Cha tôi còn chế ra cách lên dây đờn kìm rất đặc biệt mà ông đặt
tên là dây “Tố lan” dùng để đờn hai bản Văn thiên tường và Tứ đại oán. Ở
làng Đông Hòa (Mỹ Tho) thì có ông ngoại tôi là Nguyễn Tri Túc rất say
mê âm nhạc và chuyên về đờn kìm, đờn cò. Cả ba người con trai của ông,
cậu Tư Lạc, cậu Năm Khương và cậu Mười Ân đều sành đờn ca tài tử và
tiếng đờn của người nào cũng rất điêu luyện.
Lứa
con cháu như chúng tôi được hòa đờn với những người thầy và các bậc
trưởng thượng thì rất tự hào. Đây là dịp để học hỏi thêm, mỗi người
trong khi đờn vẫn lắng nghe người khác, giữ đúng nhịp, đôi khi có những
câu chuyền từ câu cuối lớp nầy qua câu đầu lớp khác, lại có những lúc im
lắng để cho một hai nhạc cụ độc tấu hay song tấu rồi sau đó cùng hòa
tấu mà mỗi lần hòa với nhau đều có sự sáng tạo bất ngờ.
Buổi
“khai đờn” long trọng vào ngày mùng Hai Tết hàng năm - tựa như văn nhân
“khai bút” hay nhà nông “khai canh” - chính là một nét đẹp truyền thống
mang đậm tính văn hóa dân tộc, mà tiếc thay nhiều năm nay do hoàn cảnh
mỗi người một phương nên không còn duy trì được nữa.
Vài nét về đờn ca tài tử
Vài nét về đờn ca tài tử
Đờn ca tài tử hình thành vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Nam bộ. Các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đã đem theo truyền thống Ca Huế. Trên đường đi họ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó tiếng đờn giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng. Nhưng khi vào đến miền Nam
thì tiếng đờn miền Trung đã thay đổi rất nhiều, thậm chí một số bài bản
tuy mang cùng tên mà nét nhạc đã khác xa. Bản chất phóng khoáng của con
người và nếp sống tại miền Nam
khiến cho các bài bản không còn y khuôn bản gốc ngày xưa. Người đờn
người ca không muốn giữ nguyên xi như thầy đã dạy mà luôn có đôi nét
thêm thắt, thay đổi, tô điểm, đưa một chút ta hòa vào trong chúng ta
khiến những bài bản đậm đà thấm thía hơn. Mặt khác, do lòng luôn luôn
thương nhớ cội nguồn nên các điệu các hơi của đờn ca tài tử đều phảng
phất nỗi buồn và được người mộ điệu ưa thích.
Có
người cho rằng chữ “tài tử” có nghĩa là không chuyên nghiệp, không phải
nhà nghề. Nhưng thật ra ý nghĩa chữ “tài tử” ở đây là “người có tài”
như trong câu dập dìu tài tử giai nhân (Kiều). Ngoài ra, “tài tử” còn ám
chỉ việc không lấy đó làm nghề, không dùng tiếng đờn giọng hát làm kế
sinh nhai mà chỉ để giải trí, để gởi gắm tâm sự riêng, hay cùng với bạn
đồng điệu hòa đờn cho người mộ điệu thưởng thức.
Nhưng
không phải vì vậy mà những người đờn ca tài tử có trình độ nghệ thuật
thấp. Ngược lại họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ
chữ nhấn, chữ chuyền, phải rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và tạo
cho mình một phong cách riêng. Vì vậy muốn trở thành một người đờn ca
tài tử đúng nghĩa phải trải qua một thời gian luyện tập khá công phu.
Dàn
nhạc tài tử sử dụng đờn kìm và đờn tranh, thường thì lựa tiếng thổ hòa
với tiếng kim, mà nếu có thêm cây đờn cò thì càng hay. Có thể thêm đờn
độc huyền, đờn tỳ bà, đờn tam. Ống sáo, ống tiêu thường dùng trong các
bài buồn như Tứ đại oán hay Văn thiên tường. Và đặc biệt là song lang
(có nghĩa là hai thanh tre già) dùng để gõ vào nhau khi câu nhạc đến
nhịp quan trọng.
Đờn
tài tử mở đầu với những câu “rao” để thử dây đồng thời thử đờn, giống
như kỵ mã trước khi cưỡi ngựa ngồi ướm thử xem yên cương có đặt đúng chỗ
và con ngựa có nổi chứng gì không. Câu rao của mỗi người hoàn toàn theo
ngẫu hứng nên có thể đờn một cách khác nhau, chỉ cần theo đúng điệu
thức đã chọn lựa. Sau đó mới lần lần đưa người nghe đi vào điệu thức,
giống như hướng dẫn viên đưa du khách từng bước đi vào ngắm một căn nhà
đẹp hay một khu vườn nhiều kỳ hoa dị thảo.
Về
bài bản thì đờn ca tài tử có rất nhiều, nhưng đại đa số các “thầy đờn”
đều cho rằng có 20 bài tổ gồm 6 Bắc (Tây thi, Cổ bản, Lưu thủy trường,
Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hay Xuân tình điểu ngữ), 3
Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay Đảo ngũ cung), 4 Oán (Tứ đại oán,
Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng), 7 bài lớn (Xàng xê, Ngũ đối thượng,
Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá).
Đờn
tài tử có khi đờn một mình như độc tấu đờn kìm hay đờn tranh. Khi hòa
đờn, nếu chỉ có hai nhạc cụ thì thông thường là đờn tranh hòa với đờn
kìm hoặc đờn cò. Nếu ba cây hòa chung (tam tấu) gồm đờn tranh, đờn kìm
và đờn cò. Năm cây - gọi là ngũ tuyệt - gồm đờn tranh, kìm, cò, độc
huyền và tỳ bà. Thỉnh thoảng lại có ống sáo hay ống tiêu cùng hòa và về
sau có thêm ghi-ta phiếm lõm. Hiếm khi hòa đờn mà không có ca, vì vậy
người ca đóng vai trò rất quan trọng.
Điểm
độc đáo của cách hòa đờn trong ca tài tử là áp dụng nguyên tắc học chân
phương, đờn hoa lá ngang qua lăng kính của dịch học, phù hợp với quy
luật biến dịch trong vũ trụ.
Con
người và sự vật luôn luôn thay đổi không ngừng, mỗi giây phút trôi qua
trong cơ thể chúng ta có hằng trăm ngàn tế bào cũ chết đi và cũng chừng
đó tế bào mới được sản sinh. Tuy nhiên sự thay đổi đó không làm chúng ta
biến dạng bởi bên trong vẫn tồn tại những yếu tố căn bản không thay
đổi, nghĩa là có biến dịch mà cũng có bất dịch. Cũng vậy, trong đờn tài
tử thì nét nhạc, chữ nhấn, chữ chuyền của mỗi câu trong bài bản có thể
thay đổi tùy trường phái hay người đờn nhưng lòng bản thì không thể thay
đổi. Nhờ vậy, dầu cho người đờn có thêm chữ chuyền, có đổi nhịp nội ra
nhịp ngoại, người nghe vẫn nhận ra bản đờn.
Ngoài
biến dịch và bất dịch còn có quy luật giao dịch. Trong cuộc sống khi có
sự gặp gỡ của hai yếu tố thì các yếu tố đó phải thay đổi để không trở
thành xung đột. Khi hòa đờn cũng vậy, nếu tỳ bà hòa với đờn kìm, do hai
tiếng đờn có màu âm gần giống nhau nên thông thường đờn kìm đờn nhịp nội
trong khi tỳ bà đờn nhịp ngoại: sự thay đổi này chính là tinh thần giao
dịch để có được sự hòa hợp.
Khi
hòa đờn, người đờn tranh thường dùng những chữ đặc biệt như chữ “Á”
(ngón tay cái của bàn tay mặt kéo rải dài từ dây đờn giọng cao xuống dây
đờn giọng thấp), trong khi đó tiếng đờn kìm khảy chững chạc, nghiêm
trang, chậm rãi, còn đờn cò thì dùng nhiều chữ vuốt. Ba cách đờn thay
đổi để không bị đồng điệu, phối hợp môt cách nhuần nhuyễn, không bị
trùng lắp và không làm biến dạng nhau, hoàn toàn đúng với quan điểm giao
dịch.
Rõ ràng phong cách đờn ca tài tử rất phù hợp với triết lý dân gian của người Việt Nam chúng ta.
Đờn ca tài tử trong “Không gian văn hóa Nam bộ”
Trải
qua nhiều biến chuyển, đến nay đờn ca tài tử vẫn giữ được phần nào bản
sắc dân tộc, không bị bên ngoài tác động làm mất đi cái hay của nó. Do
rất “nặng tình” với đờn ca tài tử nên - như nhiều người yêu âm nhạc khác
tại miền Nam - từ lâu tôi đã ước mong bộ môn này được đứng vào hàng ngũ các di sản phi vật thể của nhân loại.
Tuy
nhiên cho đến nay điều này vẫn chưa thể thực hiện được, vì nhiều lý do.
Trước tiên, tuy cho rằng đờn ca tài tử đã ra đời từ thế kỷ XIX hoặc
trước đó, nhưng trên thực tế chúng ta chưa có nhiều sử liệu hay hiện vật
chứng minh một cách chính xác và cụ thể. Ngoài ra, về mặt ngôn ngữ âm
nhạc, thang âm, điệu thức, tiết tấu thì bộ môn này tuy có một số nét đặc
thù nhưng chưa có được bề sâu nghệ thuật đặc sắc như yêu cầu đặt ra.
Hơn nữa, tuy không còn thông dụng như xưa nhưng đờn ca tài tử vẫn chưa
đứng trước nguy cơ tàn lụi, khá nhiều địa phương trên cả nước đều có
thành lập các câu lạc bộ, cũng như các liên hoan ca nhạc tài tử vẫn liên
tục được tổ chức.
Tóm
lại, nếu so sánh với hồ sơ các bộ môn nghệ thuật truyền thống trong
nước đã và đang được thiết lập để trình UNESCO như Nhạc cung đình, Cồng
chiêng Tây nguyên, Ca trù… thì Đờn ca tài tử còn nhiều mặt chưa đạt được
những điều kiện tất yếu minh chứng đầy đủ về giá trị lịch sử lẫn nghệ
thuật. Vì thế, nếu chúng ta cứ nhứt quyết lập hồ sơ ứng cử thì coi như
cầm chắc thất bại.
Tuy
vậy, mặc dầu bản thân đờn ca tài tử chưa đủ tầm cỡ, nhưng nếu xếp bộ
môn này vào trong một “Không gian văn hóa Nam bộ” bao gồm cả nhạc lễ
(xuất xứ từ nhạc lễ cung đình giản dị hóa thành dàn nhạc ngũ âm), hát
ru, các điệu hò, điệu lý, rổi bóng và cả những trò chơi dân gian phong
phú, tất cả được xem như một di sản đáng quý của cha ông chúng ta để lại
từ thời kỳ đầu khai hoang lập nghiệp ở miền Nam, thì hồ sơ này sẽ có
thêm bề dày của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật, nhiều khả năng được
UNESCO đồng ý xét công nhận giá trị.
Theo
dự kiến, chúng ta sẽ lần lượt hình thành hồ sơ ca trù trình cho UNESCO
vào năm 2007, đến năm 2009 là quan họ và năm 2011 cho múa rối nước.
Chúng tôi mong mỏi các cơ quan chức năng sẽ lưu tâm đến việc nghiên cứu
thành lập hồ sơ “Không gian văn hóa Nam
bộ” vào năm 2013, như thế đờn ca tài tử và nhạc lễ sẽ có cơ hội được
tôn vinh cho thế giới biết đến rộng rãi. Từ đó có thể kích thích giới
trẻ trong nước tìm đến với bộ môn đờn ca tài tử truyền thống, nắm được
tinh hoa trong nghệ thuật cổ truyền và sáng tạo những nhạc phẩm mới để
làm cho di sản âm nhạc tài tử được phong phú hơn xưa.
trananhkhoa96 wrote on Feb 2, '09
Trả lờiXóaDạ, Thầy có bao nhiêu, con tri ân bấy nhiêu, vì những tư liệu như thế này thật rất hiếm khi được thấy.
trantruongca wrote on Feb 2, '09
Không thể trả lời đầy đủ trênmạng. Thầy không có nghiên cứu tường tận . Nhưng co nghiên cứu về cấutrúc âm thanh, thang âm điệu thức tiết tấu vận hành giai điệu , nhấn nhá luyến láy đặc thù. Ngoài ra, it có người viết ra tư liệu nghiên cứu sâu sắc về 20 bài tổ. Có dịp thầy sẽ viết 1 bài về 20 bài cổ vì đã có nhiều nhạc sĩ trẻ viết thơ hỏi thầy về các bài tổ này. Cám ơn cháu đã đặt câu hỏi, đã lên mạng xem nhiều bài và có viết những câu góp ý rất xây dựng.
GS TVK
trananhkhoa96 wrote on Feb 1, '09
Về bài bản thì đờn ca tài tử có rất nhiều, nhưng đại đa số các “thầy đờn” đều cho rằng có 20 bài tổ gồm 6 Bắc (Tây thi, Cổ bản, Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hay Xuân tình điểu ngữ), 3 Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay Đảo ngũ cung), 4 Oán (Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng), 7 bài lớn (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá).
Mạo muội hỏi một câu: GS có tư liệu nghiên cứu sâu nào về những bài tổ kể trên không ạ?
trantruongca wrote on Sep 13, '08
Thay cung vui lam. Duoc tuoi tre quan tâm đến công việc Thầy làm là được niềm hạnh phúc của những người giáo viên!
Thuong con
Thầy Khê
trantruongca wrote on Sep 13, '08
Thay cung vui lam. Duoc tuoi tre quan tâm đến công việc Thầy làm là được niềm hạnh phúc của những người giáo viên!
Thuong con
Thầy Khê
lengochan wrote on Sep 13, '08
Dạ, thực sống thanh thản như Thầy quả trong lòng vui sướng... Làm hết mình và chờ đợi những kết quả trong tương lai...
Thầy trò mình đối đáp qua lại vào ngày cuối tuần con vui thật là vui...
Thương Thầy,
trantruongca wrote on Sep 13, '08
Phải chấp nhận những sự kiện đã xảy ra và không thế nào co được tất cả những gì mình mong chờ!!!
Thầy TVK
lengochan wrote on Sep 13, '08
Uổng quá Thầy ơi, được sống trong âm nhạc dân tộc cùng Thầy mà không bước theo được...
Thời nay kinh tế được coi trọng nhiều quá...
Nghĩ mà thương những người đam mê nghiệp âm nhạc truyền thống
Con Lê Ngọc Hân
trantruongca wrote on Sep 13, '08
Ngọc Hân ơi !
Thầy có đứa cháu ngoại tên là Diễm Tiên hiện có chồng người Việt bên Úc đàn bầu và đàm tramh rất hay.Lại biết ca cổ.Nhưng sống bên Úc ,làm việc về Kinhtế nên xa lân truyền thống.Thấy rất tiếc vì Diễm Tiên Thầy nuôi dưởng dạy dỗ trong 9 nâm đến ngày có chồng. Nhưng thật ra không còn ain ối nghiệp gia đình họ Trần con à!
Thầy TVK
lengochan wrote on Sep 12, '08
Mỗi lần đọc những câu chuyện về truyền thống gia đình của Thầy con tự hỏi, sau cô Thủy Ngọc, chú Quang Hải nhà họ Trần ai sẽ tiếp nối nghiệp Tổ đây?
Đờn ca tài tử không sánh bằng ca trù, nhạc cung đình... nhưng gần gũi với người dân lao động, không đòi hỏi trình độ cao cũng thưởng thức được, do đó cho đến nay vẫn còn bảo tồn tuy không phát triển nhiều và còn ít hơn ngày xưa.
Con Lê Ngọc Hân
trantruongca wrote on Jun 2, '08, edited on Jun 2, '08
Ba đồng ý với con. Trong nước thì khắp nơi đều có mọc ra CLB tài tử cải lương. Mai Mỹ Duyên ở Tiền Giang là người sáng lập nhiều CLB nhứt và cũng là người thứ nhứt bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài Âm nhạc tài tử.
Ngoài nước ngoài Cha con mình, còn nhiều bạn trẻ khác đã giới thiệu ca nhạc tài tử trên thế giới. Nhưng không phải là đủ để chúng ta thỏa mãn. Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực làm hơn!!!
Ba của con
Trần Văn Khê
tranquanghai wrote on Jun 2, '08
Một bài rất có giá trị với nhiều hình ảnh minh họa .Truyền thống đàn tài tử miền Nam xứng đáng được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam và hải ngọai
Tran Quang Hai