Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Kiến tha lâu đầy ổ

Kiến tha lâu đầy ổ
Bước vào tuổi 80 tôi may mắn vẫn còn đủ sức khoẻ để tiếp tục làm việc và chưa có năm nào tôi về nước nhiều lần như trong năm 2000.

Tháng 3 tôi về Thành phố Hồ Chí Minh để dạy tại Đại học Hùng Vương, ngoài ra tôi còn được mời giảng tại nhiều nơi như Đại học Văn Lang, Đại học Văn Hiến, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm và Nhạc viện trước đông đảo người nghe là thanh niên. Nói chuyện với lớp trẻ là điều tôi luôn thích thú vì được dịp truyền lại cho thế hệ mai sau những điều mình thiết tha muốn gìn giữ, mong các em tiếp nối những công việc tôi còn chưa làm được.

 

GS Trần Văn Khê giảng về nhạc truyền thống tại Đại học Hùng Vương

 

Tình cảm - Các học trò ĐH Bình Dương "khiêng" Thầy lên đến giảng đường


Hơn 800 sinh viên đến nghe nói chuyện về nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam

Trong một chương trình trên Đài truyền hình do Kiều Tấn tổ chức, sau khi ca bài Nam Xuân với đề tài “Tô Huệ chức cẩm hồi văn”, tôi có mấy điều nhắn nhủ các bạn thanh niên rằng người Việt Nam làm chủ đất nước thì đồng thời văn hoá Việt Nam cũng có địa vị văn hoá chủ. Như vậy văn hoá nước ngoài là văn hoá khách. Chúng ta hiếu khách mời khách đến nhà, nhưng phải lưu ý không đưa vào ở trong từ đường hoặc dẹp bàn thờ ông bà để khách ngồi chễm chệ cho thanh niên quỳ lạy. Khách đến chơi rồi ra về chớ không thể ở luôn trong nhà chúng ta.

Văn hoá Việt
Nam
giống như cơm chúng ta ăn, không có cơm chúng ta đói; như nước chúng ta uống, không có nước chúng ta khát. Văn hoá nước ngoài có khi hấp dẫn như ớt làm cho chúng ta ngon miệng, như rượu uống cho “khoái khẩu” nhưng không ai có thể lấy ớt thế cơm, lấy rượu thế nước. Một bên là nhứt thời, một bên là trường cửu. Nếu thanh niên ý thức rõ đâu là văn hoá chủ, đâu là văn hoá khách thì có thể thoải mái chơi nhạc Pop hoặc Jazz mà không bị lôi cuốn đến quên cả văn hoá nước nhà.

Năm 2000 tôi may mắn gặp được thầy Lệ Trang tại chùa Viên Giác, một người thông hiểu tường tận về cách tán tụng theo phong cách miền
Nam. Từ trước đến nay khi nghiên cứu về cách tán tụng trong nhạc Phật giáo tôi được các thầy như thầy Nhất Hạnh, thầy Thiện Châu giảng theo phong cách miền Trung. Miền Nam thì tôi chỉ biết cách tán tụng của thầy cúng mà chưa lần nào nắm được cách tán tụng trong chùa theo kinh nhựt tụng hoặc trong các cuộc lễ như Vu Lan hay chẩn tế.

                                                 
Thầy Thích Lệ Trang

 

GS Trần Văn Khê & Thượng tọa Thích Lệ Trang

Tôi được dự một buổi lễ trung đàn từ đầu đến cuối, từ lúc niệm Phật, niệm hương rồi thầy Lệ Trang mặc áo cà sa, đội mão tỳ lư lên đăng đàn, vừa tán tụng vừa bắt ấn liên tục trong mấy tiếng đồng hồ. Đặc biệt lúc đó nét mặt Thầy trông hiền hoà thanh thản giống như trong tranh vẽ Tam Tạng đi thỉnh kinh. Sau mấy tiếng đồng hồ tập trung tư tưởng niệm kinh bắt ấn, Thầy đến bên tôi ngồi nói chuyện với nụ cười trên môi, không lộ vẻ mệt mỏi chi cả. Tôi thấy rằng điều đó rất lạ lùng mà một người bình thường không sao có thể làm được.

Tôi gặp thêm thầy Thích Huệ Quang, một nhà sư trẻ tuổi biết về âm nhạc nên có ý định đưa âm nhạc vào kinh kệ. Thầy cho tôi nghe một cuộn băng ghi âm thể nghiệm trong đó những bài tán tụng có cả nhạc khí hoà theo, khi thì đờn tranh, khi thì đờn nhị, đờn nguyệt... Việc làm này đã được các đại đức, thượng tọa hoan nghinh và khuyến khích thầy nghiên cứu sâu hơn. Tôi có góp ý rằng việc đưa âm nhạc vào tiếng tán tiếng tụng mục đích là để làm cho mọi người dễ tập trung cũng như thích thú hơn khi đọc kinh. Nhưng nếu đưa vào không khéo thì sẽ làm sai ý nghĩa của việc tụng kinh vì tán tụng không phải để nghe cho vui tai, cũng không phải để biểu diễn nghệ thuật mà là để tâm linh quán chiếu được ý nghĩa câu kinh, thấm nhuần được giáo lý. Do đó nếu đưa âm nhạc vào quá rôm rã khiến cho người ta phân tâm, lo nghe tiếng nhạc hay mà quên ý nghĩa câu kinh, hoặc tiếng nhạc không mang âm hưởng dân tộc mà bị ảnh hưởng ngoại lai thì lại càng sai lầm hơn. Thầy Thích Huệ Quang cám ơn về những lời góp ý chân tình và tặng tôi một tượng Phật để đem về đất Pháp.

Tôi cũng dự một buổi lễ đặc biệt mà phải gặp cơ duyên mới được dự, đó là ngày kỷ niệm Thánh mẫu Liễu Hạnh hiển thánh.


Công chúa Liễu Hạnh là người đã tạo ra cả một trường phái về Tam toà Tứ phủ trong Chầu văn tại Sầm Sơn (Thanh Hoá). Từ xưa đến nay một số đông người thường cho rằng “lên đồng” là một sinh hoạt mê tín dị đoan mà không chú ý đến mặt xã hội học của hình thức tín ngưỡng nầy. Nếu Đức Thánh Trần (tức Trần Hưng Đạo Đại vương) là người được dân gian tôn sùng là bực thánh nhân thì về phía nữ, Liễu Hạnh công chúa cũng là một nhân vật hiển thánh được người dân tôn thờ. Trong khi đạo Phật xuất xứ từ Ấn Độ, đạo Khổng và đạo Lão là của Trung Quốc, Thiên Chúa giáo từ Jérusalem du nhập vào nước ta thì tín ngưỡng Chầu văn hoàn toàn là của người Việt Nam.

Vào ngày 26 tháng 2 âm lịch năm Canh Dần (31.3.2000) tất cả các đền ở miền Nam hội lại tổ chức một lễ thật lớn tại đền Thuỷ Lâm Động (thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Đây là chuyến đi vô cùng bổ ích đối với tôi vì được dịp chứng kiến tất cả nghi thức của một buổi Chầu văn. Tôi ghi âm ghi hình lại toàn bộ để đem về nghiên cứu. Lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt cảnh một bà cụ đã ngoài 70 mà lên một lượt mười mấy giá, mỗi giá kéo dài khoảng gần mười phút, phải nhảy múa, phải thay xiêm đổi áo nhiều lần, hết múa đuốc rồi lại múa thanh long đao, múa kiếm. Mỗi lần cụ phát lộc thì người ngồi bên ngoài được thưởng tiền. Sau khi hầu giá hơn hai tiếng đồng hồ, bà cụ vẫn khoẻ khoắn như thường!

Trở lại Pháp vào cuối tháng 4 thì đến tháng 7 tôi lại về nước cùng với đoàn Vật lý thiên văn do Trần Thanh Vân tổ chức lần thứ hai. Các đại biểu đi theo đoàn từ ba bốn chục nước khác nhau họp tại Hà Nội để bàn về những vấn đề vật lý năng lượng cao và vật lý thiên văn. Mục đích chánh tôi đi theo đoàn là để tổ chức một đêm văn nghệ ngắn gọn trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ nhưng lại tập hợp đầy đủ những bộ môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam như ca, nhạc, múa, kịch. Từ bên Pháp tôi đã gọi điện thoại liên hệ với anh Võ Văn Quân, Giám đốc Nhà hát chèo để thảo luận về một chương trình có đủ các tiết mục ca trù, chầu văn, trích đoạn hát chèo, múa bỏ bộ, độc tấu sáo, độc tấu đờn bầu, sắp xếp những tiết mục sao cho hấp dẫn. Khi tôi về đến Việt Nam thì ngày hôm sau là tổng dượt tại Nhà hát chèo, các anh chị em trong đoàn từ diễn viên đến dàn nhạc đều nỗ lực biểu diễn thật xuất sắc.

Lần đó tôi rất buồn khi biết trước đây đêm đêm Nhà hát chèo vẫn còn mở màn biểu diễn nhưng nay thì cơ sở xuống cấp đến nỗi không còn có thể sử dụng để công diễn được nữa. Trần Thanh Vân và tôi cùng nhau đi xem một vài chỗ khác nhưng nhận thấy không đủ khang trang để dùng làm nơi trình diễn cho khách nước ngoài. Rốt cuộc chúng tôi đành phải xin thuê Nhà hát lớn với giá một đêm lên đến gần 20 triệu đồng, nhưng nhờ sự can thiệp của anh Võ Văn Quân và sự thông cảm của Ban giám đốc Nhà hát, khi nghe nói buổi biểu diễn này do tôi giới thiệu âm nhạc cho phái đoàn khách nước ngoài nên có giảm được phần nào.

Trước giờ mở màn, khi đứng trên sân khấu thử ánh sáng, bỗng nhiên tôi chợt nhớ lại gần 60 năm trước, tức vào năm 1941, khi còn là một sinh viên trường Thuốc, tôi cũng từng đứng tại đây giới thiệu ba tiết mục Hò cấy lúa của Bến Tre, Hò mái nhì trên sông Hương và Cò lả tại Hội Lim miền Bắc bằng tiếng Pháp cho người Pháp lẫn Việt vốn là thầy, bạn trong trường và một số quan khách.

Mới ngày nào tôi còn là thanh niên đôi mươi mà giờ đây đã là một người xấp xỉ bát tuần. Tôi xúc động trào nước mắt, đứng im lặng mấy phút trong khi ánh đèn sân khấu rọi vào mặt mà không nói nên lời, cho đến khi có người nhắc nhở tôi mới sực tỉnh. Có một sự khác biệt lớn, lần nầy tôi không chỉ giới thiệu bằng tiếng Pháp mà cả tiếng Việt và tiếng Anh, không phải cho những người Pháp mà cho rất nhiều đại biểu trên thế giới và không chỉ giới thiệu ba tiết mục đơn sơ do những nghệ sĩ nghiệp dư trình bày mà là một chương trình được chuẩn bị công phu do những nghệ sĩ chuyên nghiệp, ưu tú và tài năng biểu diễn. Buổi biểu diễn rất thành công.

Cuối tháng 7 tôi trở qua Pháp chuẩn bị cho chuyến về Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 để chủ toạ cuộc liên hoan “Nhạc hội đàn tranh châu Á lần thứ nhất” do Cung văn hoá Lao động thành phố tổ chức, đồng thời dạy thêm một khoá học tại Đại học Hùng Vương.


GS Trần Văn Khê trong Nhạc hội Đàn Tranh Châu Á tại Việt Nam 2000

Cuộc liên hoan đờn tranh nầy tôi đã ao ước từ lâu vì muốn cho các cháu từng đoạt giải trong các kỳ thi “Tài năng trẻ đờn tranh” được dịp giao lưu với bên ngoài. Phạm Thuý Hoan mời được Giáo sư Thum Soon Poon dạy Cổ tranh tại Singapore và đoàn Nhựt Bổn, còn tôi liên hệ mời đoàn Hàn Quốc. Tổng cộng có ba đoàn nước ngoài và đoàn Việt Nam tham dự nhạc hội. 

 

Ba Tài năng trẻ Đàn tranh Việt Nam (từ trái qua): Hải Phượng - Vân Ánh - Thanh Thủy trong Đêm Nhạc hội Đàn Tranh Châu Á 2000

Lực lượng các đoàn đều rất hùng hậu. Phía Việt
Nam giới thiệu ba gương mặt trẻ đã đoạt giải nhứt cuộc thi đờn tranh là Hải Phượng, Vân Ánh và Thanh Thủy. Phạm Thuý Hoan là người phụ trách lo phối hợp mọi việc, tôi là cố vấn nghệ thuật kiêm chủ tọa Nhạc hội và điểu khiển buổi hội thảo. Giáo sư Thum Soon Poon dẫn đầu phái đoàn Singapore
cùng với hai người học trò - cũng là bậc thầy về đờn Cổ tranh - là cô Chow Hui Ming và Low Guan Yi. Phái đoàn Nhựt Bổn gồm bà Giáo sư Miyagi Kanami cùng hơn mười học trò đờn Koto và có thêm hai nam nhạc sĩ chuyên thổi sáo. Phái đoàn Hàn Quốc có ba người là Giáo sư Kwon Oh Sung, bà Lee Chae Suk - một đại giáo sư về đờn Kayageum - và một nữ giáo sư trẻ tuổi xinh đẹp đờn hay là Kim Sun Ok, chẳng những đánh được trống Changgo (Trượng cổ) mà còn đờn được cả Komun-ko, một loại đờn dây truyền thống Triều Tiên. 

Trong buổi hội thảo, đại diện mỗi đoàn trình bày về cây đờn của dân tộc mình. Phía Việt Nam có hai bài tham luận, một của anh Nguyễn Văn Đời, giáo sư dạy đờn tranh tại Nhạc viện và một của Phạm Thuý Hoan.

Điểm lý thú là mỗi nhạc cụ có một phong cách, cách đờn và nét đặc thù riêng, nhưng tất cả đều từ một nguồn gốc là cây đờn Cổ tranh xuất hiện từ đời nhà Tần bên Trung Hoa. Đến thế kỷ thứ VI vua Kasil của Triều Tiên dựa theo đờn Cổ tranh mà tạo ra cây đờn Kayageum. Qua thế kỷ thứ VII (năm 672), bà Ishikawa Iroko của Nhựt Bổn gặp một đạo sĩ Trung Quốc đờn cây đờn rất lạ nên theo học rồi lập ra trường phái Tsukushi Goto tại miền
Nam. Sau một ngàn năm, cây đờn lạ đó biến thành cây đờn Koto như ngày nay. Còn đờn tranh của Việt Nam
và Mông Cổ xuất hiện từ thế kỷ thứ XIII. Tất cả những nhạc cụ chung nguồn gốc đó có phong cách đờn giống nhau là tay mặt khảy còn tay trái nhấn. Tuy cùng nguồn gốc và cùng một cách đờn nhưng lại mang nhiều sắc thái khác nhau, từ cách lên dây tới thủ pháp biểu diễn, đó chính là cái đẹp trong nghệ thuật.

Điều rất vui là hầu hết báo chí đều theo dõi và viết rất nhiều bài giới thiệu, tường thuật, phê bình. Theo đánh giá của tôi, Nhạc hội đờn tranh tổ chức lần đầu tiên mà đạt được kết quả như vậy là tuyệt vời, đó là một cuộc giao lưu văn hoá rất bổ ích.

 

GS Trần Văn Khê & NS Phạm Thúy Hoan trong đêm bế mạc Nhạc hội Đàn Tranh Châu Á 2000
 
Sau khi liên hoan đờn tranh châu Á kết thúc, tôi ra Hà Nội để dự một cuộc hội thảo rất lớn với đề tài “Việt Nam trong thế kỷ XX” bàn về đủ mọi phương diện chánh trị, kinh tế, văn hoá. Tôi được sắp xếp vào Tiểu ban Văn hoá. Vấn đề tôi đưa ra là suy nghĩ về bản sắc dân tộc Việt
Nam và phát triển văn hoá như thế nào.
Nhân chuyến đi nầy tôi được dịp thưởng thức dàn trống Thăng Long biểu diễn, sử dụng toàn bộ trống Việt Nam từ lớn đến nhỏ, không phải chỉ phong phú về số lượng mà cả về chất lượng. Có những trống đánh theo tiết tấu rất đơn giản trên đó lại thêu dệt thêm những tiết tấu khác phức tạp hơn, kết lại như đan giỏ và làm thành một bài rất đẹp. Đồng thời các động tác từ cánh tay đưa lên đánh xuống đến bước tới bước lui đều phỏng theo phong cách võ Việt Nam, chú trọng đến sự phối hợp âm thanh, màu sắc và cả những động tác trên sân khấu.

Đặc biệt Đài truyền hình VTV3 có làm một đoạn phim tư liệu ngắn về chân dung của tôi để phát trên đài. Phóng viên Bảo Ngọc mất hết ba buổi đưa tôi đến Văn Miếu, đến khách sạn nơi tôi ở để quay những sinh hoạt thường ngày, phỏng vấn tôi về quan điểm phát triển văn hoá, hỏi thăm đôi nét về chuyến đi Hà Nội. Thú vị nhứt là cảnh tôi đến thăm cụ bà Quách Thị Hồ. Hôm đó thân hữu tổ chức chúc thọ cho cả bà cụ và tôi, cụ 90 còn tôi 80 tuổi, khi tôi vừa bước vào, mọi người hỏi:

- Cụ còn nhớ giáo sư Trần Văn Khê không?

Cụ không trả lời thẳng câu hỏi, chỉ nhìn tôi mà cất giọng ngâm:
Vô duyên đâu dễ chăng là
Có duyên nên khiến dù xa hoá gần

Đó là hai câu thơ trong bài cụ Trúc Hiền tặng tôi năm 1976. Ngừng một chút cụ lại ngâm thêm:
Đẹp lòng gặp lại cố nhân

Rồi nắm tay tôi lặp lại ba lần: “Cố nhân ơi! Cố nhân ơi! Cố nhân ơi”.

Tôi cầm tay cụ mà không cầm được nước mắt, nhớ lại con người tài hoa sắc sảo trước đây, nay tuy chỉ còn da bọc xương mà vẫn giữ được hơi ngâm, còn nhận ra người quen cũ để mà ngâm lên mấy câu thơ ngày xưa chứng tỏ tâm trí còn minh mẫn. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp cụ Quách Thị Hồ.

Trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi bắt tay vào việc viết hồi ký với sự cộng tác của Trung tâm dịch vụ bản thảo hồi ký. Ý định ban đầu của tôi khi viết hồi ký là ghi chép lại một số công việc đã làm để cất giữ cho riêng mình, để rồi khi tôi trở về với cát bụi thì những hậu duệ còn sống sẽ tùy nghi phổ biến. Nhưng một vài bạn bè góp ý rằng như vậy lỡ có điều gì không được chính xác thì lúc đó tôi đã nằm yên dưới ba tấc đất làm sao có thể đính chánh được nữa! Tôi nghe vậy cũng hợp lý nên dự định sẽ cho xuất bản khi đang còn sống. Nhưng bắt đầu viết cả sáu bảy năm mà chưa xong một quyển, vì tôi chú ý cho công việc trước mắt nên ngày qua ngày không tập trung được, trong khi viết hồi ký đòi hỏi phải hồi tưởng lại dĩ vãng để hoàn thành một công việc cho tương lai.

Tình cờ các em trong “Trung tâm dịch vụ bản thảo Hồi ký” chủ động đề nghị hợp tác với tôi để thực hiện hồi ký. Từ nay có cả một ban thơ ký lành nghề, Ban biên tập chuyên nghiệp cộng tác nên tôi nhận lời và ưu tiên dành thời giờ cho việc thâu băng thực hiện hồi ký.

Em Lý Thị Lý - Trưởng điều hành Trung tâm - đích thân đến ghi âm, em có cách nghe làm cho người nói chuyện rất thú vị, giống như đờn Bá Nha rót vô tai Chung Tử Kỳ. Mỗi tuần lễ tôi dành năm buổi để thâu băng, thứ sáu thì chắc chắc lúc nào cũng là em Lý đến làm việc, những ngày còn lại có khi là em Doãn Phượng, có khi là Thanh Nga, toàn những người có tay nghề và biết cách nghe khiến cho người nói chuyện thấy hứng thú. 



GS Trần Văn Khê & Lý Thị Lý trong giờ làm việc thâu băng thực hiện hồi ký

Khi tôi trở về Pháp thì bản thảo được chuyển qua thơ điện tử (e-mail) để tôi sửa chữa trực tiếp trên máy vi tính rồi gởi trở lại cho Trung tâm để người biên tập gọt giũa lời văn, cắt bớt những chỗ dư, những đoạn ý trùng lắp mà vẫn giữ được phong cách viết của tôi. Nói chung công việc rất nhiều nhưng với sự tổ chức chuyên nghiệp nên mọi chuyện tiến hành rất mau, mặc dầu phải đợi thơ đi thơ lại. Bản thảo cuối cùng được gởi cho tôi đọc lần chót và thêm bớt chi tiết trước khi chuyển sang Công ty Phương Nam là cơ sở lo việc in ấn, xuất bản và phát hành hồi ký của tôi. Nhờ vậy mà chỉ trong khoảng thời gian hơn một năm tôi hoàn thành bộ hồi ký bốn quyển dày gần 1.500 trang.

                                                        Hồi ký của GS Trần Văn Khê

Ít có khi nào về Việt Nam trong thời gian rất ngắn mà tôi làm được nhiều việc như chuyến đi này, tôi có thêm nhiều niềm vui, thoả mãn ước mơ, lại có dịp tìm hiểu rất sâu sắc về mặt tôn giáo, mở rộng thêm kiến văn về tán tụng Phật giáo, biết được cặn kẽ về Chầu văn. Hai tháng đó có giá trị bằng bao nhiêu năm đọc sách và học tập. Tất cả những cuộc tiếp xúc trong nước đã giúp tôi sưu tập được rất nhiều tư liệu hình ảnh, băng vidéo, băng ghi âm. Tôi như con kiến cặm cụi tha từng hột gạo đem về chất đầy ổ với lòng mong mỏi rằng những hột gạo đó sẽ được dịp nuôi dưỡng thế hệ mai sau.

TRẦN VĂN KHÊ

1 nhận xét:

  1. trantruongca wrote on Jun 27, '08

    Kh V oi!

    Thầy có viết đôi lời "tâm sự" vơi con sau bàithơ của Nhà thơ Ng Hải Phương tặng Thầy
    Con có đọc chưa?

    Thầy Trần Văn Khê

    trantruongca wrote on Jun 26, '08

    Hải, con trai yêu quí của Ba!

    Ba rất vui khi đọc lời comment của con.

    Trong một năm đã làm đựợc bao nhiêu việc! Kh V lại khéo tìm được nhiều hình ảnh đẹp, làm sáng tỏ thêm nội dung bài viết , làm hấp dẫn hơn hình thức bài đăng trên Blog.

    Ba rất vui
    Hôn con nhiều
    Ba của con: GS Trần Văn Khê

    tranquanghai wrote on Jun 26, '08

    Bài viết cho thấy sự thành công của Ba trong thời gian cư ngụ tại Việt Nam. Một đóng góp phong phú trong nhiều địa hạt từ việc giảng dạy, viết sách , thuyết trình từ Nam ra Bắc, từ dân nhạc tới nhạc tôn giáo .

    Hun Ba nhiều
    Tran Quang Hai

    Trả lờiXóa