Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

CÂU HÒ MIỀN NAM


Tìm về vốn cũ:

CÂU HÒ MIỀN NAM

 

 

Âm nhạc Việt Nam có hai truyền thống, truyền thống dân gian và truyền thống bác học. Truyền thống dân gian dính liền với đời sống trong xã hội và đi dài theo suốt cuộc đời của người Việt Nam từ lúc sơ sanh cho đến khi trở về với cát bụi. Bắt đầu là tiếng hát ru khi còn nằm nôi, vừa lớn lên có đồng dao dành cho các trò chơi, đến tuổi lao động thì có câu hò trong khi làm việc, điệu lý trong lúc nghỉ ngơi, rồi khi từ giã cõi đời lại có câu hò đưa linh tiễn hồn người về cõi vĩnh hằng. Điểm độc đáo là các thể loại âm nhạc ở mỗi miền đất nước lại có tên gọi và cách hát khác nhau. Ở đây tôi xin giới thiệu với các bạn một cách sơ lược về câu hò tại miền Nam.

 

Hò là tiếng hát dính liền với động tác lao động phần nhiều liên quan đến nhà nông. Để quên bớt nhọc nhằn trong khi làm việc, nam nữ thường có những câu hò rất phổ biến và đa dạng. Đây là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong dân gian hình thành một gia sản văn học vô cùng phong phú của dân tộc.

 

Ở miền Nam, trong những buổi cấy, công cấy thường tổ chức thành “vạn” gồm từ 40 đến 60 người, đứng đầu là “trùm vạn”. Trùm vạn chọn những người có khả năng hát hò để lập thành một “giàn hò” có từ 4 đến 6 người. Những người này có thể làm ít hơn người khác nhưng chủ yếu là hò hay để giúp những người khác làm việc hăng say.

 

Hoặc khi giã gạo thì một số người ngồi ở ngoài hò để hòa với tiếng chày gõ cho những người giã gạo nhanh tay nhịp nhàng hơn. Người nào mệt thì ngưng tay và ra ngoài hò cho người khác vào giã gạo thay.

 

Người hát mở đầu là nam hay nữ cũng được. Câu mở đầu là xướng hoặc buông, câu tiếp hơi hay trả lời gọi là đáp hoặc bắt. Không hò đối lại được thì gọi là “bắt không được”.

 

Hò một mình gọi là hò lẻ. Tùy theo đề tài mà chia thành nhiều loại hò khác nhau như hò văn dùng theo lối biền ngẫu, hò thơ dùng những câu thơ, hò truyện là thuật lại những truyện dài như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên…, hò tiểu thuyết có đề tài là những nhân vật trong tiểu thuyết như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách… Ngoài ra còn có hò tuồng, người hát thường ví mình là những nhân vật trong các vở tuồng như Lữ Bố, Điêu Thuyền… và dùng chính những nhân vật này làm đề tài mở đầu câu hò.

 

 

Có hai người đối đáp với nhau gọi là hò đối đáp. Bắt đầu là hò chào, hò mời, hò mừng, hò dạo hay hò đố. Tiếp theo khi tỏ tình là hò huê tình hay hò xe kết (tỏ tình). Và cuối buổi là hò chia tay hay hò tiễn đưa. Hò đối đáp thông thường là những câu tỏ tình nhẹ nhàng dễ thương gọi là hò nhân đạo.

 

Khi chọc ghẹo lẫn nhau, chẳng hạn như cô gái chê chàng trai nói chuyện vô duyên:

 

Gió đưa ba lá sa kê

Ông trời hổng vật mấy thằng dê cho rồi.

 

Hay:

 

Anh hùng đáo xứ anh hùng lai

Em là thục nữ cũng biết đối trai anh hùng.

 

(“Đối trai” nói lái là “đái trôi”)

 

Hò cách này gọi là hò cá ngác hay hò ngạnh trê. Nếu hò một mình có hò môi, hò mép, hò ngẫu hứng (Kiên Giang), hò rơi (Bến Tre), chỉ có câu kể mà không có câu , có buông mà không có bắt. Trong thời chiến tranh có hò quốc sự, nội dung đề cập đến cuộc chiến đấu giành độc lập và tình cảm của người dân đối với các chiến sĩ, rất phổ biến trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

 

 

Có hò trên cạn như hò xay lúa, hò giã gạo thì cũng có hò dưới nước. Vùng sông Cửu Long có rất nhiều loại hò dưới nước như hò đối đáp trên sông, hò chèo ghe, hò chèo thuyền ban đêm, chèo thuyền ban ngày, hò mái đoản (hò mái cụt), hò mái trường (hò mái dài). Nội dung hò trên sông cũng giống hò trên cạn, chỉ khác nhau ở chỗ thời gian gặp gỡ ngắn hơn nên không đối đáp giờ nầy qua giờ nọ và bắt đầu bằng những câu chào:

 

Hò ơ... Bớ chiếc thuyền loan khoan khoan gác mái

Ơ... ta có một đôi điều phải trái phân nhau ơ...

 

Thuyền sau chưa biết phía trước là nữ hay nam chèo nhưng cứ hỏi dò bằng cách gọi là “thuyền loan”. Không ngờ quả đúng như vậy, giọng một thiếu nữ cất lên:

 

Hò ơ... Bớ chiếc ghe sau, chèo mau em đợi

Ơ... kẻo qua khỏi khúc sông nầy bờ bụi tối tăm ơ...

 

Vậy là ghe sau vừa ráng sức chèo vừa… năn nỉ:

 

Ơ...Thuyền em đã nhẹ

Chèo lẹ khôn theo

Khuyên em bớt mái khoan lèo chờ anh..ơ...

 

Cô nàng vừa lơi mái chèo vừa hò:

 

Ơ... Đây đã chèo lơi đang chờ người tri kỷ

Gặp mặt chuyện trò cho phỉ ước mơ .. ơ...

 

 

Khi hai chiếc thuyền đến gần thì chàng trai cô gái cùng nhau hò dạo, hò đo, hò đối đáp rồi mới đến hò huê tình. Mới vừa gặp mặt chàng trai đã tỏ ra bạo dạn:

 

Ơ... Bâng khuâng bát ngát nghe em hát hữu tình

Căn duyên tiền định khiến đôi đứa mình gặp nhau..ơ...

 

Cô gái thử trí chàng trai bằng một câu hò trong đó dùng nhiều chữ của thợ mộc:

 

Ơ... Chàng đừng có lóng trong gạn đục

Thiếp giao tình bằng thẳng như cưa

Giữ cho trọn nghĩa sau xưa

Cũng như anh thợ mộc liệu vừa rập khuôn ..ơ....

 

Anh chàng đâu dễ chịu thua nên dùng những chữ của thợ dệt trả lời:

 

Ơ... Anh dốc kén cho đặng một người kim chỉ

Nên chí lâm cho phỉ tóc tơ

Bởi vầy anh mới ước mơ.

Cũng như người dệt lụa giữ hờ mối manh ..ơ...

 

Cô gái lên tiếng cảnh cáo chàng trai đang muốn má dựa vai kề:

 

Thiếp như một cụm hoa hường

Thấy xinh mà rờ đến, mắc đường chông gai.

 

Nhưng chàng đâu có phải vì thấy gai mà sợ:

 

Qua cũng tỉ như cái hột sương

Rưới hoa hường cho tươi tắn

Vì tiếc cánh hoa lành bị nắng héo khô

 

Cô gái đã phục tài đối đáp của chàng trai, nhưng đã đến lúc “thuyền đi phía Bắc thuyền rẽ phía Đông”, nàng bịn rịn hò tạm biệt:

 

Ơ... Đêm lụn canh tàn

Giã chàng ở lại

Ra về quằn quại

Luống những đau thương

Chào nhau, cách mặt đôi đường

Dứt câu hò hát lo lường bán buôn… ơ...

 

Chàng trai cũng phải đành lòng giã từ, nhưng vẫn còn ướm hỏi liệu cuộc tao phùng này đứt đoạn nơi đây hay là tơ hồng đã khéo xe duyên:

 

Ơ... Gió thổi hiu hiu chín chiều ruột thắt

Nhìn sao bên Bắc mà nước mắt chảy bên Đông

Ai xui chi cho vợ vợ chồng chồng

Không biết đây với đó dây tơ hồng có xe... ơ...

 

Khi mỗi thuyền đi một ngả, chàng trai thẫn thờ hò lẻ một câu:

 

Ơ...Gió đưa con buồn ngủ lên bờ

Đừng cho nó xuống nó rờ mắt tôi ơ...

 

Chàng trai này làm tôi nhớ lại buổi dạo thuyền năm 1940 với hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận nhân dịp hai bạn đến Vĩnh Kim tìm thăm gia đình tài tử cải lương. Anh Nguyễn Mỹ Ca, hai chị Sáu Hường và Bảy Trang (em gái anh Mỹ Ca), em Trần văn Trạch và tôi cùng hai nhà thơ thả thuyền trôi trên sông Sầm Giang. Khi thuyền neo lại bến, hai bên bờ sông bà con mở cửa để nghe chúng tôi đờn ca tài tử. Lát sau thuyền rời bến đi về phía Rạch Gầm, các nhà trên bờ cũng lần lượt tắt đèn đóng cửa. Duy có một cô gái với mái tóc buông lơi vẫn đứng tựa cửa nhìn theo. Anh lái đò thích chí buông lời trêu chọc bằng cách sửa lại câu hò nói trên:

 

Ơ... Gió đưa con buồn ngủ lên bờ

Ơ... (Chớ) mùng ai có rộng ờ... ơ… cho tôi ngủ nhờ một đêm.. ơ...

 

Cô gái quay ngoắt người đóng mạnh cửa và tắt đèn, anh Xuân Diệu thú vị khen rằng: “Văn nghệ dân gian sao mà đẹp thế!”.

 

Điều đáng tiếc nhứt hiện nay là những câu hò hầu như chỉ còn được “biểu diễn” trên truyền hình, “tham dự” trong những cuộc liên hoan chớ ít khi xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Mong sao câu hò lại được cất lên nơi đồng ruộng vào mùa cấy, vang trên sông dài trong những đêm khuya, chừng đó chúng ta mới có thể yên tâm rằng loại hình âm nhạc dân gian đẹp đẽ này của dân tộc còn sống mãi. 

 

20-07-2003 

 

TRẦN VĂN KHÊ

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét