TÂM SỰ CÂY ĐÀN ĐÁY
Các bạn có biết rằng từ lâu tôi có nhiều mặc cảm đối với các bạn nhạc khí Việt Nam được dùng trong đất nước Việt Nam không?
Thứ nhứt, tôi có mặc cảm không “đồng thân, đồng thủ”. Cần đàn so với thùng đàn thì quá dài. Tôi thấy mình lỏng khỏng như cây tre miễu và có rất nhiều người còn cho tôi là thứ “dị hình, dị dạng”.
Thứ
nhì, tôi ít được ai biết đến, chỉ có những người sành điệu Ca Trù ở
miền Bắc nước Việt, còn từ Thanh Hóa vào Nam chẳng ai biết tôi, duy chỉ
có vùng nhỏ tại Phú Nhuận (Saigon) thì tôi được xóm Cô đầu sử dụng.
Thứ
ba, trong tất cả các cây đàn chỉ có tôi là bị thiệt thòi, chỉ có kép
đàn ông ôm tôi trong tay mà từ mấy trăm năm nay không có một bóng hồng
nào nâng niu tôi như đã nâng niu anh đàn Kìm!
Và
sau khi đất nước trở lại thanh bình, những nhạc khí khác được đem ra
lau chùi và lần lần tham gia vào cuộc sống âm nhạc trong nước. Riêng tôi
phải chịu nằm trong xó vì Ca Trù không được đánh gíá đúng mức. Ca nương
thường bị coi như một khách “bán phấn buôn hương”. Người thích nghe Ca Trù mang tiếng là “khách làng chơi” nếu không phải “phường trên bộc, trong dâu”.
Trong nước chỉ có cố Giáo sư Nguyễn Hữu Ba là người chụp nhiều ảnh của tôi để đưa vào tư liệu nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam
của ông. Nhưng ông chuyên về nhạc Huế nên tôi chỉ được xếp vào hàng tư
liệu mà không được ông sử dụng. Ngoài Bắc, có nhạc sĩ Đỗ Nhuận tìm hiểu
Ca Trù và đã nhờ nhạc sư Đinh Khắc Ban giải thích về những kỹ thuật đặc
thù của tôi mà có rất ít cơ hội giới thiệu tôi và nghệ thuật Ca Trù với
những người nhạc sĩ khác.
Thuở
ấy, ít người nghiên cứu về Ca Trù và không còn những cuộc biểu diễn Ca
Trù trong các sinh hoạt tại gia hay trong đình làng. Tôi có cảm giác rồi
đây mình sẽ bị chìm trong quên lãng.
Nhưng
từ năm 1976, khi Giáo Sư Trần Văn Khê về nước, ghi âm Ca Trù để giới
thiệu cho bạn bè thế giới ngang qua đĩa hát mang nhãn hiệu Unesco (Trung
tâm văn hóa Liên hiệp quốc) thì tôi mới có dịp được ghi âm vào máy có
kỹ thuật âm thanh nổi (stéreo) và trong một số thư viện đại học Âu Mỹ
đều có đĩa hát về Ca Trù sánh vai với các truyền thống lớn ở châu Á. Tôi
bắt đầu được theo Giáo Sư Trần Văn Khê trong các buổi giới thiệu của
ông. Tôi được ông rọi hình cho sinh viên trường đại học Sorbonne Paris,
trường đại học Hawaii at Manoa tại Honolulu và nhiều trường khác trên Âu
Mỹ. Tuy là ông giới thiệu bằng tiếng Anh và tiếng Pháp nhưng tôi cũng
hiểu qua là ông không tiếc lời ca ngợi tôi và bắt đầu từ đó tôi hết bị
tự ti mặc cảm, mà có lẽ còn rơi vào trong “tự tôn mặc cảm”.
Không thích thú sao được khi ông nói rằng đa số nhạc khí Việt Nam từ
các nước khác du nhập vào như chị đàn Tranh, chị đàn Tỳ Bà, anh đàn Nhị
đều có gốc từ Trung Quốc, như anh Trống Cơm có gốc từ miền Nam Ấn Độ
(trống Mridangam), còn tôi cũng như anh đàn Bầu, hay đàn Độc Huyền có
nguồn gốc Việt Nam. Chúng tôi lại có cả một truyền thuyết từ dân gian
nói lại sự ra đời của chúng tôi.
Đờn Đáy và Đờn Bầu (Độc Huyền) có nguồn gốc Việt Nam
Riêng
tôi nghe thuật lại thì theo ông Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, dưới đời
nhà Lê có ông Đinh Lễ, người có công với vua Lê Lợi, một hôm đi dạo
trong một khu rừng nhỏ gặp hai tiên ông (có khi nói rõ ra đó là hai vị
trong Bát tiên là Lý Thiết Quải và Lữ Động Tân) cho một miếng gỗ ngô
đồng và một bức vẽ hình cây đàn mà nói rằng: “Đây
là cây đàn trên thượng giới, con dùng gỗ cây ngô đồng mà đóng cây đàn
theo hình vẽ trên đây. Cây đàn đó sẽ giúp con cứu nhân độ thế”. Đinh
Lễ nghe theo lời dạy, về đóng một cây đàn, tiền thân của tôi bây giờ,
đem ra đàn thử thì chim chóc nghe tiếng đàn đều bay lại đậu trên cây.
Khi Đinh Lễ đến bờ sông đàn, thì nhiều loại cá cũng lội đến mà nghe
tiếng đàn. Trong làng, khi tiếng đàn của Đinh Lễ vang lên thì dân chúng
ai cũng đến mà nghe. Lạ thay, người buồn thấy lòng vui trở lại, người
bịnh thì tìm lại được sức khỏe.
Tiếng
đồn lan rộng ra các làng gần bên. Khi chàng đến châu Thường Xuân, tỉnh
Thanh Hóa, ngồi bên suối gảy đàn, dân chúng thấy tiếng đàn linh nghiệm
rủ nhau đến trình với quan châu Bạch Đình Sa. Năm ngoài bốn mươi tuổi
ông này mới sinh được một con gái đặt tên là Hoa, nhan sắc tuyệt vời.
Năm lên mười, Bạch Hoa tiểu thơ một hôm đi chơi với mẹ trúng phong rồi
bị câm. Ông bà đã tìm khắp nước mà không có lương y nào điều trị được.
Năm cô mười chín tuổi, nhan sắc tuyệt vời mà chỉ buồn là không nói năng
gì được. Khi Bạch Công nghe dân chúng bảo có chàng trẻ tuổi có cây đàn
mầu nhiệm trị được các bịnh tật, ông cho gia nhân mang lễ vật đến mời
chàng Đinh Lễ về nhà để đàn chữa bịnh cho Bạch Hoa. Sau khi thi lễ,
chàng so dây và đàn một khúc. Tiểu thư đang ăn cơm sau rèm trúc nghe
tiếng đàn bỗng ngưng ăn, lấy hai chiếc đũa gõ lên án thư theo đúng nhịp
đàn. Khi tiếng đàn dứt khúc, nàng buông đũa mà nói to lên: “Tiếng đàn hay quá !”.
Thị tì báo cho Bạch Công, ông vô cùng mừng rỡ và nài chàng đàn thêm một
khúc nữa. Bạch Hoa tiểu thơ lại dùng đũa gõ nhịp. Bạch Công mời chàng
vào nhà trong để tương kiến với tiểu thơ. Tiểu thơ đứng dậy chào vui vẻ như gặp người quen đã lâu. Ông bà rất vui khi thấy bắt đầu từ ngày đó, Bạch Hoa bắt đầu nói năng như xưa.
Bạch
Công có lần hứa rằng ai chữa cho con gái lành bịnh có thể gả con cho
người đó. Khi bàn việc thành lập hôn nhân giữa Đinh Lễ và Bạch Hoa, ai
cũng tán thành.
Lễ
vật hoa quả được trưng bày trong phòng hoa chúc sáng choang nhờ hàng
trăm ngọn bạch lạp. Khi bước vào phòng, trước một tiểu thư trang sức
lộng lẫy, chàng họ Đinh tưởng mình lạc lối đào nguyên, ôm đàn khảy lên
một khúc nhạc mừng, miệng ca bài Tân hôn mà hai câu đầu là:
Động phòng hoa chúc dạ
Kháng lệ khánh kỳ duyên
Có nghĩa là :
Trong đêm động phòng hoa và đuốc sáng choang
Mừng lứa đôi sánh duyên đẹp đẽ lạ lùng
Rồi kết thúc bằng hai câu :
Khước giao trần tục phối tiên nga
Bách niên Đinh Bạch nhứt gia
Có nghĩa là :
Xui nên khách trần tục sánh duyên cùng người tiên
Hai họ Đinh và Bạch sum họp một nhà và cùng nhau sống trăm năm.
Bạch
Hoa tiểu thơ vừa gõ nhịp, vừa hát theo tiếng đàn. Sau lễ cưới đôi vợ
chồng trẻ trở về sống ở làng Cổ Đạm và lập nghiệp nơi đó.
Ca Trù ngày xưa
Thật
ra nếu phải lần tìm gia phả, tôi cũng không thể biết ai đã chế tác ra
tôi bởi vì theo lời truyền miệng các nghệ nhân trong giáo phường Lỗ Khê
thì người đầu tiên chế tạo ra tôi không phải Đinh Lễ mà là Đinh Dự. Đinh
Lễ và Đinh Dự cũng đều là người có công với người anh hùng áo vải Lê
Lợi đã đánh đuổi quân Minh và lập nên nhà Lê. Giáo Sư Trần Văn Khê khi
đi tìm nguồn gốc của tổ tiên tôi đã đọc nhiều quyển sách và đã có ghi
lại nhiều truyền thuyết làm cho ông băn khoăn tự hỏi là chân lý ở nơi
nào? Khi đọc quyển Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ trong đoạn nói về
hát ả đào không thấy nói chi đến nguồn gốc, chỉ có đoạn ghi rằng “hát
ả đào dưới triều Cảnh Hưng đã thất truyền, sau đến cuối đời Lê chỉ có ả
đào già mới hát được những điệu cổ. Nếu đem bắt những ả đào non hát thử
thì lè lưỡi xin chịu không hát được”.
Cụ chỉ cho biết rằng lối hát ả đào bắt đầu có từ đời Hồng Đức
(1470-1497). Đến năm 1919, cụ Hoàng Yến trong khi nghiên cứu âm nhạc tại
Huế đã đăng trong Tạp chí của những người bạn cố đô Huế (Bulletin des
amis du vieux Huế) số tháng 7 và tháng 9/1919, có nhắc lại việc ả đào
làng Cổ Đạm huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, mỗi năm tế tiên sư đều khấn
vua Hán Võ Đế, Đông Phương Sóc và Lý Thiết Quải vì căn cứ theo một
truyền thuyết thì Lý Thiết Quải là một vị trong Bát tiên đã chế ra cây
đàn Đáy. Theo Nguyễn Đôn Phục trong bài khảo luận về “Cuộc hát ả đào”
được đăng trong Tạp chí Nam Phong (tháng 4/1923 - trang 277): Khi xưa có
bà Mãn Đào Hoa công chúa, con ông Bạch Đinh Xà đại vương chế
ra âm luật và các bộ hát ả đào để dạy đời. Lúc hát ả đào còn thạnh, mỗi
năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu có hát chầu để tế tiên sư mà tiên
sư của ả đào là Đông Phương Sóc và Lữ Động Tân. Trong một loạt bài về
hát ả đào đã được đăng trong các số Bách khoa 81- 82, thì năm 1960, sau
khi đọc lại một số truyền thuyết về hát ả đào, Giáo Sư Trần Văn Khê đã
tỏ ra nghi ngờ về sự xác thực về những truyền thuyết đó. “Đông
Phương Sóc là một văn sĩ Trung Hoa đời Hán, Lữ Động Tân là một người tu
tiên đắc đạo đời Đường xét ra chẳng có lý gì gán cho hai ông chế ra lối
hát ả đào”.
Một canh hát Ả Đào
Nếu
theo truyền thuyết của hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề ghi lại
thì hai vị tiên ông Lý Thiết Quải và Lữ Động Tân đã hiện ra và bày cho
Đinh Lễ tạo ra cây đàn Đáy đầu tiên và như vậy tổ tiên của tôi là người
Việt chứ không phải người Hoa thì tôi tạm yên lòng với lập luận của hai
tác giả này. Thật ra không ai biết rõ hình thù và kích thước của tôi một
cách rõ rệt. Trong những tư liệu còn để lại, Giáo Sư Trần Văn Khê chỉ
thấy rằng ông Phạm Đình Hổ có tả hình dáng của tôi như sau :
Đàn
Đáy cũng giống như đàn Tàu ba dây (tức là cây đàn Tam) nhưng đáy vuông,
dọc đàn dài, trên dọc đàn gắn 16 phím tỷ với đàn 3 dây cũng hơi khác.
Khi kép ra hát thì lấy dây lưng điều mà treo đàn ngang lưng để gảy với
đào xướng họa, tùy theo giọng hát mau khoan mà ứng nhịp với nhau nhưng
tiếng đàn thấp kém không cao hơn tiếng hát được (Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, tờ 43b và 44a).
Câu
dịch trên từ chữ Hán do Đông Châu đã đăng trong Tạp chí Nam Phong tháng
10-1927. Vừa mới nghe qua đoạn này, tôi cũng không hiểu rõ nội dung câu
văn chữ Hán do Phạm Đình Hổ viết ra. Giáo Sư Trần Văn Khê cũng như tôi,
tìm lại bản gốc chữ Hán để đọc lại thì thấy trong bản chữ Hán có bốn
chữ “thăng, giáng, cương, nhu” dịch từ chữ ra là “lên cao, xuống thấp, cứng và mềm” thì Giáo Sư Trần Văn Khê nghĩ rằng có lẽ đó là chữ đàn hay tiếng hát “khi cao, khi thấp, khi to, khi nhỏ” chứ còn “mau khoan” tức là khi mau, khi chậm mà theo thuật ngữ âm nhạc Việt Nam thì nhịp chậm thường gọi là “hoãn điệu phách” còn mau là “cấp điệu phách”.
Phạm
Đình Hổ đã miêu tả tôi cùng chung với nhạc khí khác trong một dàn nhạc
mang tên là Giáo phường thường được dùng trong Cung đình để thay thế cho
hai dàn nhạc Đồng Văn và Cổ nhạc, như vậy tức là cuối đời nhà Lê tôi
cũng có mặt trong dàn nhạc Cung đình và khi phụ họa cho ca nương, ả đào
cũng có nhiều nhạc khí khác: hai loại trống, trống cơm và trống mảnh
(cũng gọi là trống cái), hai loại phách, trường cùng và cái sênh (hoặc
sênh tiền), hai loại sáo, trúc và địch quản.
Trường cùng là một cái phách làm bằng tre già, hình dẹp như cây đòn gánh, dài độ ba, bốn thước ta. Phách đó do bà già gõ nhịp (Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, bản dịch Đông Châu trang 367).
Phách Ca Trù
Như vậy trường cùng là tiền thân của cỗ phách mà đào nương dùng ngày nay.
Theo
cụ Hoàng Yến, người Nghệ An và Hà Tĩnh đánh đàn Đáy rất hay. Tác giả có
kể lại những nhạc công nổi tiếng là: Cửu Xướng, Cửu Ninh và Cửu Đạm.
Càng
đọc nhiều bài về nguồn gốc của Ca Trù của các tác giả châu Âu như
Gustave Dumoutier, Georges Cordier (Pháp), Gaston Knosp (Bỉ) thì chúng
ta càng thêm hoang mang vì những bài nghiên cứu có phần nào phiến diện.
Vì vậy, hôm nay tâm sự với các bạn, tôi chỉ muốn nói rõ một điều là tôi
tin chắc rằng tổ tiên tôi là người Việt, là Đinh Lễ hoặc Đinh Dự đã chế
tạo ra tôi dưới thời nhà Lê tức là thế kỷ thứ XV. Trong giới ca trù có
người cho rằng nghệ thuật ca trù có từ đời nhà Lý, tôi sanh sau đẻ muộn,
không biết rõ thế nào. Nhưng phần tôi thì tôi chưa thấy những bức chạm
trên gỗ hay hình vẽ nào của tôi trước thế kỷ XV. Nghệ thuật ca trù có
thể có trước thế kỷ XV, nhưng tôi chỉ biết phận tôi là tổ tiên tôi đã
chào đời thừ thế kỷ XV.
Trong
chương trình nghiên cứu về nghệ thuật Ca Trù, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan
cũng ghi lại xuất xứ của cây đàn Đáy theo sách của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ
Trọng Huề. Trong các nghệ nhân mà nhạc sĩ đã gặp, cụ kép đàn Trần Ngọc
Quế (86 tuổi - Hải Phòng) nói rằng: “Trong
hát chơi cũng có hai ngón đàn là ngón “mỡ” và ngón đàn “nục nạc”. Ngón
đàn “mỡ” thì ít nhấn nhá còn ngón kia thì nhấn nhá nhiều”.
Theo truyền thống xưa mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã ghi lại, có những câu dạo đàn đủ năm cung: nam, bắc, huỳnh, pha, nao. Khi vào đàn có bốn khổ: sòng, đơn, rải, lá đầu. Tay mặt khảy có tiếng: vê, vẩy, lia, tay trái nhấn có cách “nhấn chùn”
rất đặc biệt. Kép đàn ngày nay đã bắt đầu được luyện tập theo lề lối
của ngày xưa và tôi hy vọng rằng trong tương lai, tôi sẽ được nói lại
những tiếng đặc thù, độc đáo, tuyệt vời của cây đàn Đáy cổ. Theo Phạm
Đình Hổ thì ngày xưa, tôi có 16 phím nhưng ngày nay chỉ còn 10 hay 11
phím nhưng với số phím này, những người đàn hay như cụ Nguyễn Phú Đẹ (85
tuổi - Hải Dương) đủ làm cho người nghe thích thú. Ngoài ra, nhạc sĩ
Đặng Hoành Loan còn kể tên những nghệ nhân đã gặp sau này tại các nơi.
Trong số đó thật ra ít có người còn biết được nghề nghiệp vì nhiều cụ
cao niên nhắc lại thời kỳ xa xưa mình đã có dịp hành nghề nhưng sau mấy
chục năm bỏ nghề không biết khi các cụ phải đàn cho Đào nương hát có còn
giữ phong độ được như ngày xưa chăng? Trong giới trẻ ngày nay, có nhiều
người biết đờn theo tiếng ca của Ca nương trong câu lạc bộ ở các tỉnh.
Có hai kép đàn Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Mạnh Tiến đã được cụ Phó Đình
Kỵ dạy đàn, có thể coi như được chân truyền.
Kép đàn Nguyễn Văn Khuê
Tôi
rất ngạc nhiên là có lần tôi được một nhạc sĩ người Anh là Barley
Norton ôm tôi trong lòng khảy lên những tiếng đàn phụ họa cho Ca nương
Việt Nam. Tôi xúc động vô cùng vì không ngờ một người nước ngoài mà biết cách sử dụng đàn. Trong khi đó, bao nhiêu thanh niên Việt Nam
lại thích ôm ghi-ta điện để biểu diễn những điệu nhạc của nước ngoài.
Khi có Đài Truyền hình phỏng vấn anh Barley Norton về nghệ thuật Ca Trù
thì anh nói từ khi nghe đĩa hát của Unesco về nghệ thuật Ca Trù, giọng
hát của bà cụ Quách Thị Hồ, tiếng đàn Đáy của ông Đinh Khắc Ban làm cho
anh thích thú Ca Trù và phải sắp đặt thời gian để sang Việt Nam tìm học
cho được nghệ thuật đàn cây đàn Đáy. Anh rất tiếc rằng thanh niên Việt Nam
không thấy được nét tinh vi và tế nhị của cây đàn Đáy mà bỏ cả tuổi trẻ
và công sức để học đàn ghi-ta điện. Sau này nếu các nghệ sĩ đàn Đáy trẻ
theo qui luật thiên nhiên sẽ qua đời thì còn ai giữ lại được phong cách
đàn Đáy nữa?
Tiến sĩ Barley Norton gảy đàn Đáy
Khoảng
10 năm sau này, trong các CLB ở tỉnh và tại Hà Nội có nhiều thanh niên
học đàn Đáy, thiếu nữ học ca. Tôi rất sung sướng khi được cùng các bạn
trẻ ấy biểu diễn Ca Trù. Tuy ngón đàn của các cậu chưa bằng các nghệ
nhân nhưng tôi nghĩ rằng đây là những bước đầu và thế nào trong đám
thanh niên yêu thích nghệ thuật Ca Trù sẽ có những “nghệ nhân” trẻ.
Trong Nam
tại TP.HCM, tôi được một phụ nữ dùng tôi để đàn theo những nghệ sĩ ngâm
thơ. Một vài người mộ điệu nói rằng ngón đàn của bà ấy tươi tắn, nghe
được, nhưng bà ấy học không có Thầy.
Tại
miền Bắc, trong năm 2006, có một ca nương trẻ vừa học bài bản Ca Trù
theo truyền thống với bà Nguyễn Thị Chúc ở Hà Tây, vừa học đàn Đáy với
cụ Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương. Đó là cô Phạm Thị Huệ - giảng viên dạy môn
Tỳ Bà tại Nhạc Viện Hà Nội. Hiện cô là môn sinh chân truyền của hai
“nghệ nhân dân gian”. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì trong buổi mới học đàn
với cụ Nguyễn Phú Đẹ, tuy cô chưa biết đàn Đáy mà đã lập lại được những
câu Thầy mới đàn. Thầy ngạc nhiên và sau đó đã nhận cô làm học trò chính
thức. Thầy nhiều lần đã khen cô có bàn tay vàng, học mau, nhớ lâu.
Trong một buổi mạn đàm với Giáo Sư Trần Văn Khê, Thầy Nguyễn Phú Đẹ đã
nói mấy câu: “Con
bé này học rất mau. Mình mới đàn cho nó nghe một câu nào thì nó đã
“cướp” mất câu đó của mình rồi. Tôi đã dạy nhiều học trò mà chưa gặp
được đứa nào có tiếng đàn giống tiếng đàn của tôi như cô này. Tôi rất
vui vì nghĩ rằng sau này dầu không còn trên đời này nữa đã có người giữ
được tiếng đàn và cách đàn của tôi”.
Phạm Thị Huệ đờn Đáy
Riêng
tôi, chưa bao giờ tôi được một nghệ sĩ thuộc về phe nữ, trẻ và đẹp, có
sắc lại có tài cho tôi phát âm ra được những tiếng đàn vừa gân guốc, vừa
bay bướm như cô Phạm Thị Huệ. Cô không phải chỉ học cho biết qua loa,
thỏa tánh hiếu kỳ, mà cô quyết tâm học đến nơi đến chốn với cả tâm và
trí của mình.
Phạm Thị Huệ và hai người Thầy
Sau
khi được hai Thầy cho làm lễ “mở xiêm áo”, cô vẫn tiếp tục học với hai
Thầy, đồng thời trao lại tiếng đàn đó cho tuổi trẻ. Cô lại giới thiệu
nghệ thuật Ca Trù, cách hát, cách đàn và cầm chầu cho những thính giả
thanh niên các giới, nhất là cho học sinh, sinh viên. Trong một buổi
giới thiệu định kỳ về nghệ thuật Ca Trù của nhóm Thăng Long do cô lập
ra, dưới sự hỗ trợ của hai Thầy và nhiều chuyên gia nghiên cứu Ca Trù,
cô có cho một cô học trò rất trẻ ôm đàn Đáy để phụ hoạ cho một bài hát.
Tôi sung sướng, rung động dưới bàn tay non nớt của cô bé đó và lòng tràn
đầy niềm tin rằng từ đây tôi sẽ không còn sợ bị chìm trong quên lãng.
Các ca nương trẻ của nghệ thuật Ca Trù
Lớp học đàn Đáy CLB. Ca Trù Thăng Long với cụ Nguyễn Phú Đẹ và các bạn trẻ
Một thành viên nữ trẻ gảy đàn Đáy của CLB Ca Trù Thăng Long "ra mắt" khán thính giả
Các
nhà đóng đàn từ mấy năm sau nầy được người mới học và cả nghệ nhân đặt
đóng đàn nhiều hơn trước. Những cây đàn Đáy mới được đóng cẩn thận, chạm
trổ khéo, nhưng hình như chưa có cây nào có thể sánh được với những cây
đàn cổ ngày xưa về mặt âm thanh?
Dẫu
sao, tôi cũng rất lạc quan vì thấy nghệ thuật Ca Trù đang có được một
nguồn sinh lực mới. Mấy năm gần đây, tôi được nhiều thanh niên, cả thiếu
nữ, nâng niu tôi, bỏ thời gian học cách sử dụng đàn Đáy một cách nghiêm
túc. Mong rằng ngọn lửa trong tim của các thanh niên thiếu nữ ấy sẽ
không phải là ngọn lửa “rơm” bộc phát bộc tàn, mà là ngọn lửa thiêng sẽ
cháy mãi, cháy bừng với thời gian!
Các bạn ơi! Tôi đã hết “mặc cảm tự ti” rồi! Và chỉ mong rằng trong những ngày tới đây tôi sẽ được các nhạc sĩ miền Trung, miền Nam
nước Việt tìm nghe và học tập. Tôi xin cám ơn các bạn đã chịu khó nghe
những lời tâm sự của tôi. Xin đọc tặng các bạn 4 câu thơ mà nhà thơ
Nguyễn Hải Phương đã viết về tôi:
“Tên Em như có mà không
Ba dây dẫn sóng trăm sông về nguồn
Ca trù đổ hột phách giòn
Tuổi phai xanh, chạm tiếng đờn lại xanh!”
GSTS Trần Văn Khê
Bình Thạnh, Hè Quý Hợi
29.07.2007