Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Tâm sự cây đàn Tỳ Bà Việt Nam (Phần 2)

Tâm sự cây đàn Tỳ Bà Việt Nam 
(Phần 2)

Tống thị Ngọc quan tình.

(Người kể chuyện xin thêm: Bài thơ đó Cụ Trần Trọng Kim đã dịch như sau:

Trường An trăng một mảnh

Đập áo muôn cửa inh
 (Ngày xưa giặt áo trên sông người phụ nữ đập trên áo)
Gió thu thổi không dứt

Ngọc quan một mối tình

Ngày nào giặc Hồ dẹp
Lương nhân khỏi viễn chinh)
Một bản dịch khuyết danh khác:
Chày giặt muôn nhà rộn
Vầng trăng chốn đế kinh
Gió thu còn thổi mãi
Ải Ngọc vấn vương tình
Bao thuở bình xong giặc ?
Chồng em hết viễn chinh ?
“Ngày nay Đôn Hoàng tuy không còn như ngày xưa, trải qua các triều đại, lúc thăng lúc trầm, nhưng Đôn Hoàng vẫn còn là nơi gặp gỡ của các đoàn thương nhân, của các tư tưởng triết lý Đông Tây, của các tôn giáo. Nhứt là một nơi Phật giáo từ Ấn Độ sang, rất được thạnh hành. Và dân chúng, tư nhân đào rất nhiều động và vẽ lên tường nhiều giai đoạn thành lập, xây dựng và phát triển của thành phố Đôn Hoàng, cả cuộc đời của Phật Thích Ca, tranh và tượng Phật A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, tranh vẽ cuộc sống trong dân dã, của các dàn nhạc trong cung đình nhà Tùy, nhà Đường, những Apsara (Kỹ nhạc thiên), những vũ nữ trên Thiên đình tấu nhạc, dâng hoa…
                             Các bức bích họa được tìm thấy ở Đôn Hoàng
            Bức họa cuối cùng vẽ cảnh một dàn nhạc trong đó có đàn Tỳ Bà
Dưới đời Đường có cả ngàn động. Thời tiết, gió mưa đã làm sập và hư rất nhiều động. Theo Viện Nghiên cứu các động Đôn Hoàng, nay chỉ còn 486 động mà thôi.
Chị em mình đâu có thì giờ viếng tất cả. Chúng ta chỉ đi đến những động trong đó trên tường có vẽ hình đàn Tỳ Bà. Theo bảng ghi số các động và theo niên đại các triều đình, chị em mình đến động số 390 trước.
"Ồ, đẹp quá! Có một dàn nhạc và nhiều thiếu phụ tha thướt trong những chiếc áo dài chấm đất!”.
"Đây là một bức họa thực hiện dưới đời nhà Tùy (581-618). Bà mặc áo vàng sậm là một mạng phụ. 5 bà mặc áo xanh da trời là những người tùy tùng. Bà mạng phụ đi lễ và có dàn nhạc đi theo, gồm 8 nhạc công đứng hai hàng. Hàng đầu có 4 nhạc công, từ trái sang mặt là hai cây Tỳ Bà, một trụ không hầu (loại đàn hạc cầm, đàn harpe du nhập vào Trung Quốc từ vùng Assyrie), một huyền phương hưởng (tám thanh sắt treo hai hàng trên một cái giá bằng gỗ).
Tranh vẽ được thực hiện dưới thời nhà Tùy với hình ảnh một mạng phụ đi tế lễ có dàn nhạc theo hầu
Giữa hai nhạc công đàn Tỳ Bà, có một nhạc công mặc áo vàng sậm, như màu áo của bà mạng phụ, cầm phách bảng để đánh nhịp. Chiếu theo màu áo, có lẽ người đánh phách bảng là nhạc công chỉ huy.
Hàng sau có ba nhạc công, thổi sáo, tiêu và bài tiêu (ống thổi có 17 ống trúc ghép lại).
"Như vậy là dưới đời nhà Tùy, cuối thế kỷ thứ VI đã có mặt tổ tiên ta trong dàn nhạc cung đình rồi".
"Đúng vậy. Và đến nhà Đường thì dàn nhạc còn lớn hơn nữa. Chúng mình hãy vào động số 85”.
Vừa qua khỏi cửa động, đàn Tỳ Bà Việt Nam xuýt xoa: "Vĩ đại quá! Một dàn nhạc chia ra hai bên tả, hữu, chính giữa có vũ nữ múa".
"Mỗi bên có 9 nhạc công, ngồi theo 3 hàng, trên một tấm thảm:
Nhóm bên trái, từ ngoài vào trong:
Hàng đầu: Tỳ Bà, ống sênh, ống địch
Hàng thứ nhì: Ống tiêu, Bài tiêu, Phách bảng
Hàng thứ ba: Phong yêu cổ, Hải loa, Tiêu
Nhóm bên mặt, từ ngoài vào trong:
Hàng đầu: Tỳ Bà 5 dây, Tỳ Bà 4 dây, Trụ không hầu
Hàng thứ nhì: Tiêu, Sáo, Phách bảng
Hàng thứ ba: Phong yêu cổ, Chập chõa, Hải loa.
"Em rất xúc động khi thấy trong hai đội nhạc, dàn tỳ bà luôn ngồi ở hàng đầu”.
Hai chị em vào Động số 44: Hai Apsaras (Kỹ nhạc thiên) đang tấu nhạc. Cô bên trái đàn Tỳ Bà 4 dây. Cô bên mặt thổi ống tiêu. Thướt tha, dịu dàng, duyên dáng!
Vào động số 404, lại một vũ nữ thiên đình đàn Tỳ Bà, trong tư thế một người đang bay trên mây.
Những bức hoạ trên tường làm cho cô Đàn Tỳ Bà Việt Nam đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác.
"Còn mấy động khác có hình đàn Tỳ Bà. Nhưng chúng ta không có thì giờ xem tất cả". Xiao Lin nói: "À! còn có hai động 112 và 285 có hình vẽ của một nhạc khí mà các nhà nghiên cứu âm nhạc của chúng tôi cho là "cùng một loại với Tỳ Bà", vì đàn có 4 dây khảy bằng tay, nhưng không gọi là Tỳ Bà mà đàn có tên là Ruanxian (Nguyễn Hàm) tên người đã chế ra cây đàn ấy”.
                                         Đàn Ruanxian đời nhà Đường
Trong động 112, người đàn Ruanxian dùng móng để khảy, tay mặt không có cầm miếng tiêm khảy đàn. Trong động 285 có hình một vũ nữ thiên đình cầm đàn Ruanxian.
     Một Kỹ nhạc thiên cầm đàn Ruanxian (bích họa vẽ trên động Đôn Hoàng)
"Em nhìn xem. Thùng đàn tròn như trăng rằm. Mà không phải đàn Yue qin (Nguyệt cầm). Cần đàn dài hơn cần đàn Yue qin”.
"À! Chắc là cây đàn bên nước em gọi là Nguyễn cầm, cây đàn mà Thúy Kiều, một nhân vật trong truyện thơ Kim Vân Kiều đã dùng để đàn cho Kim Trọng nghe, theo nhận xét của một nhà nhạc học Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Khê. Từ trước đến giờ tại mấy câu "Bốn dây to nhỏ theo vần Cung Thương", "Bốn dây rỉ máu năm đầu ngón tay", và trong các nhạc khí truyền thống Việt Nam chỉ đàn Tỳ Bà có 4 dây, nên các hoạ sĩ vẽ Thúy Kiều ôm đàn Tỳ Bà.
     Tranh vẽ Thúy Kiều đàn Tỳ Bà theo cách hiểu trước đây trong văn chương
Nhưng Giáo sư Trần Văn Khê nhắc rằng có câu "Trên hiên treo sẵn cầm trăng" tức là cây đàn của Thúy Kiều có thùng đàn hình tròn chớ không phải hình bầu dục như thùng đàn Tỳ Bà. Đàn Nguyễn Hàm có thùng tròn và 4 dây mới thật là cây đàn của Thúy Kiều dùng”.
        Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe (thùng đàn tròn như mặt trăng)
                              Tranh khắc gỗ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm
"Nhưng tại Trung Quốc ngày nay đàn ấy đã thất truyền. Đàn Ruan hiện giờ có thùng tròn mà rất to, so với thùng, thì cần đàn rất ngắn. Giống như đàn Yue qin đóng to hơn thôi. Trên thế giới chỉ có Bảo tàng Viện nhạc khí cổ Shôsoin bên Nhựt Bổn, còn lưu trữ một cây đàn Ruanxian từ đời Đường thôi. Tại Trung Quốc không còn dấu vết của đàn Ruanxian xưa”.
                                                     Ruanxian cổ xưa
"Em rất vui, khi đến Đôn Hoàng, vào hai động 112 và 285, em thấy được hình vẽ của đàn Nguyễn cầm. Bao giờ có dịp sang Nhựt, em sẽ đến Nara vào Shôsoin nhìn tận mặt cây đàn Nguyễn cầm.
Nếu đúng như nhận xét của hai nhà nghiên cứu Nhựt Bổn, thì có phải tổ tiên ta từ Ba Tư dưới dạng đàn "barbat", vào Trung Quốc, thoát xác trở nên đàn pipa hay chăng?" – Đàn Tỳ Bà Việt Nam thắc mắc hỏi Xiao Lin.
"Trên thế giới các nhà nghiên cứu âm nhạc đều nghĩ như vậy”.
"Còn chị và những nhà nghiên cứu Trung Quốc nghĩ sao?”.
                                Đàn Tỳ Bà trong dàn nhạc của Chư Thiên
"Hầu hết đều nghĩ rằng đàn Tỳ Bà do người Hán, tức người Trung Quốc chế ra. Chị đề nghị chúng mình hãy trở về Bắc Kinh, vào thư viện xem những quyển sách chị đã kể tên cho em nghe hôm trước khi chúng mình đi Đôn Hoàng".
IV. Trở lại Bắc Kinh
"Em không có nhiều thì giờ. Để chị nói sơ lược các nguồn gốc của đàn Tỳ Bà theo sách sử Trung Quốc cho em nghe”.
1. Khi dựng Vạn Lý Trường Thành dưới đời nhà Tần, những người có nhiệm vụ kiểm tra công việc xây dựng phải cỡi ngựa suốt ngày để chạy từ nơi nầy đến nơi khác. Có những người muốn mượn tiếng đàn giải trí trong lúc nghỉ ngơi hay lúc phi ngựa trên đường mà trên lưng ngựa không thể dùng những nhạc khí như cầm, sắt, tranh đã có từ thời ấy nên có người tạo ra cây đàn nhỏ để có thể vừa ngồi trên lưng ngựa mà đàn, nhẹ nhàng dễ chuyên chở, và đàn mang tên "xian dao" (huyền đào). Những nhà sử học cho rằng đàn ấy sau nầy trở thành đàn Tỳ Bà. Theo truyền thuyết đó, đàn tổ tiên của đàn Tỳ Bà là xian dao có từ nhà Tần, hơn 200 năm trước Công nguyên.
2. Dưới đời nhà Hán, có một cung phi tài sắc vẹn toàn tên là Wang Zhao Jun 昭君 (Vương Chiêu Quân), được Tây Hán Đế lựa để "dâng cống cho một ông vua Hồ" (Hồ, tức là không phải người Hán), để tránh nạn đao binh. Đoàn tùy tùng đưa Chiêu Quân đi cống Hồ, nàng có đem theo một cây đàn mới chế ra, để có thể đàn khi ngồi trên lưng ngựa. Theo tương truyền, Chiêu Quân cũng biết sử dụng đàn mà thời ấy đã mang tên là Pipa.
                                Nàng Vương Chiêu Quân đang gẩy Tỳ Bà
Có bài ca "Zhao Jun chu sai昭君出塞" (Chiêu quân xuất tái) mô tả tâm sự của Chiêu Quân khi ra khỏi biên thùy trong đó có câu đầu: (Chiêu Quân nói)  "Ngã kim độc bão Tỳ Bà vọng"... (Hôm nay một mình ta ôm đàn Tỳ Bà nhớ... Hán vương).
                                                  Chiêu Quân xuất tái
Lại có bản độc tấu pipa "Sai shang qu" ( (Tái thượng khúc) thuộc loại Wen qu (Văn khúc). Chắc em có biết rằng bài bản độc tấu pipa có "Wen qu" (Văn khúc文區) tả cảnh, tả tình và "Wu qu" (Vũ khúc誤區) tả những cuộc chạm giáo nơi chiến trường, như bản "Shi mian mai fu" (Thập diện mai phục 十面埋伏) tả cảnh Vua Xiangwu (Hạng Võ 項羽) lâm trận, định thoát ra cửa nào cũng đều gặp quân Hán mai phục. Và do đó, người Trung quốc chúng tôi đều cho rằng đàn Tỳ Bà được chế ra từ đời Hán”.
“Em có nghe được nghệ sĩ tài danh Liu Fang đàn bản ấy. Quả là trong bài có những đoạn làm cho em có cảm giác: "Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau". Và sau khi nghe Liu Fang đàn bàn ‘Thập diện mai phục” (Shi mian mai fu十面埋伏) em mới thấy mấy câu thơ mà cố thi sĩ Nguyễn Hải Phương đặt vịnh đàn Tỳ Bà là xuất sắc:
Dáng liễu ôm đàn xinh dáng liễu
Tay mềm , lượn sóng, bóng  trăng rung

Bốn dây tơ mảnh, mà chiêng trống

Mà vó câu dồn thuở kiếm cung.
“Hay quá! Trong văn chương Trung Quốc có bài Pipa heng 琵琶行(Tỳ Bà hành) của Ba Ju Yi 白居易(Bạch Cư Dị). Bạch Cư Dị sanh trong một gia đình trung lưu, học giỏi, 30 tuổi đậu Tiến sĩ, giữ nhiều chức vụ trong triều nhà Đường. Ông vốn người cang trực, nhiều lần dưng biểu can Vua, bị nịnh thần ghen ghét, nên cuối đời do lời dèm xiểm ông bị giáng chức, làm Tư Mã tại Giang Châu. Trong lúc đó ông sáng tác áng văn nổi tiếng Tỳ Bà hành.
                                            Vặn đàn mấy tiếng dạo qua
                                  Dẫu chưa nên khúc tình đà thoảng bay...
Sau khi tại "bến Tầm Dương canh khuya đưa khách", nghe tiếng Tỳ Bà văng vẳng bên sông từ một chiếc thuyền do một kỹ nữ một thời nổi tiếng, đã từng là hoc trò của những bực danh cầm họ Mục họ Tào, nay tuổi cao, sắc kém, phải gởi thân cho một anh lái buôn. Sau mấy khúc đàn não ruột, người kỹ nữ gặp được khách tri âm, thổ lộ nỗi lòng, kể lại cuộc đời gian truân của mình, thi nhân nghĩ đến thân phận của một người trong cảnh bị trích giáng, làm bài trường ca để tặng người nghệ sĩ.
莫辭更坐彈一曲, 為君翻作琵琶行。
Mạc từ cảnh toạ đàn nhứt khúc
Vị quân phiên tác Tỳ Bà hành
Hãy ngồi lại gảy chơi khúc nữa
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca
(Xin Nàng đừng từ chối, hãy ngồi lại đây gẩy thêm một khúc.
Ta sẽ vì Nàng làm ra khúc Tỳ Bà hành)
Lệ ai chan chứa hơn người
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh
"Thưa chị, gần 1000 năm sau, đầu thế kỷ thứ 19, có Nhà thơ Việt Nam Phan Huy Vịnh dịch bài Tỳ Bà hành ra Việt ngữ. Và bài đó được các đào nương Việt Nam biến thành một bài tổ trong đó phối hợp các hơi các giọng. Khi "thỏng" tỳ bà phải có 5 cung: cung Bắc, cung Nam, cung nao, cung pha, cung Huỳnh. Mà khi hát đến cung Huỳnh thì nhịp dồn dập để tả lúc tiếng đàn trổi lên tiếng thê lương não ruột và mọi người che mặt lã chã dòng châu. Và ai là người nhỏ lệ nhiều nhứt? Câu thơ chót là câu trả lời: “Vạt áo xanh của Tư Mã Giang Châu ướt đầm nước mắt”.
"Thú vị quá! Nhờ em nay chị mới biết giao lưu văn hoá giữa hai nước chúng ta làm nảy sanh sáng tạo những kiệt tác nghệ thuật văn chương”.
"Mà em cũng để ý rằng đàn pipa lúc mới chào đời ở trong tay của nam giới. Nhưng để tiếng lại đời sau là Chiêu Quân đời Hán, kỹ nữ đời Đường. Đời nay các danh cầm trẻ tuổi chuyên đàn Tỳ Bà, đa số cũng là phụ nữ, như Liu Fang là một trong số đó”.
      Dàn quân nhạc đời nhà Đường với hai nhạc công gẩy Tỳ Bà là nam giới
                             Chiêu Quân ôm Tỳ Bà trên đường đi cống Hồ
                       Người kỹ nữ giỏi đàn Tỳ Bà trong thơ Bạch Cư Dị
                                           Nghệ sĩ đàn Tỳ Bà Liu Fang
"Hình như phải là phụ nữ mới có bàn tay mềm, tay khảy tay nhấn, uyển chuyển như "hồ điệp xuyên hoa, thanh đình điểm thủy" (như bướm lượn trên hoa, như chuồn chuồn đáp trên mặt nước)”.
"Chị em ta đã đi từ đời Hán đến đời Đường. Xin được phép trở về với thực tế. Xin chị cho biết ý kiến của chị, đàn Tỳ Bà do người Ba Tư chế ra dưới dạng đàn "barbat" theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc rồi trở thành đàn Tỳ Bà, hay là đàn Tỳ Bà do người Hán chế tạo từ thời Hán?”.
"Chị là người Trung Quốc, tức nhiên muốn nghĩ rằng cây đàn Tỳ Bà do người Hán chế ra. Nhưng phải nhìn nhận rằng chỉ có tài liệu trong sử sách mà không có hiện vật còn lưu lại từ thời ấy, như những bức họa, những bức tượng bằng đá, bằng đất nung, những di tích cụ thể của đàn Tỳ Bà. Chỉ có xưa nhứt là những bức hoạ trên tường của động Đôn Hoàng.
                Bích họa một tiên nhân gẩy đàn Tỳ Bà trong động Đôn Hoàng
Nhưng dầu cho xuất xứ từ đâu mà đã du nhập vào Trung Quốc, đã nói được tiếng nói của âm nhạc Trung Quốc, đã trải qua cả ngàn năm, cha truyền con nối, đã chịu thử thách của thời gian, đã có rất nhiều bài bản sáng tác cho đàn Tỳ Bà, thì ngày nay đàn pipa là một nhạc khí được người Trung Quốc xem là đàn của mình, và thế giới cũng nghĩ như vậy. Huống chi từ cách đóng đàn, đến kỹ thuật diễn tấu, người Trung Quốc đã để tâm trí và công sức vào cây đàn pipa, thì chị rất hãnh diện với những đóng góp của người tiền bối mà không quá đặt trọng tâm vào xuất xứ, bận lòng với dĩ vãng mà quên cái giá trị ngày nay của đàn pipa”.
"Cám ơn chị đã dẫn cho em đi đến động Đôn Hoàng, đã đọc sách Trung Quốc về lịch sử của đàn pipa. Em biết rõ tổ tiên của em là ai. Và cũng như chị, em sẽ không còn thắc mắc về nguồi cội của em. Nhưng em chỉ ngại một đều là trong nước em, các nhạc sĩ trẻ tuổi thể hiện đàn Tỳ Bà theo phong cách của pipa Trung Quốc. Em thấy theo hình ảnh, thì người đàn pipa thuở xưa ôm đàn, và nghiêng đầu đàn xuống đất, rồi lần lần để đầu đàn ngang với thùng đàn. Sau đầu đàn nghiêng xéo lên trên 40 độ, và hiện giờ ôm đàn đứng hẳn.”
                  Đàn Tỳ Bà cổ xưa: đầu đàn nghiêng xuống phía dưới đất

                          Đàn Tỳ Bà có thùng đàn nằm ngang với đầu đàn
                                 Đàn Tỳ Bà có đầu đàn nghiêng xéo 40 độ
                            Đàn Tỳ Bà ngày nay ôm dựng đứng trong lòng
"Hiện giờ các nhạc sĩ đàn "Nan guan" (Nam quan) hay "Bei guan" (Bắc quan) tức là cổ nhạc cung đình Trung Quốc còn ôm đàn nghiêng phía trên 40 độ, không ôm đàn đứng như các nhạc sĩ độc tấu ngày nay.
Những nhạc sĩ Trung Quốc ở Singapore và Phi Luật Tân, vẫn còn ôm đàn pipa theo cách nghiêng lên trên 40 độ, trừ những nhạc sĩ biểu diễn pipa theo phong cách mới, dùng bài bản cho pipa độc tấu, thì ôm đàn đứng”.
"Một lần nữa em cám ơn chị rất nhiều. Xin giã biệt chị. Em sẽ đi đến Triều Tiên, và Nhựt Bổn, tìm bà con, họ hàng của mình trước khi trở về Việt Nam”.
"Chào em. Chúc em lên đường bình an".
Đàn Tỳ Bà Việt Nam vẫy tay chào chị Xiao Lin và chuẩn bị lên đường đi Triều Tiên.

Trần Văn Khê
Mùa Đông năm 2003 Vitry sur Seine

1 nhận xét:

  1. daptrengio wrote on Apr 27, '11

    Con thật sướng rơn ngừơi!Đọc được những bài thánh tích,hồn con như trỗi dậy.Sao cổ nhân lại khiiến cho bậc hậu thế điên đảo đến thế!"Thiên cơ"mà Phục Hy nắm giữ,Bí mật "vạn kiếp"là gì,mà cổ nhân cứ mãi dấu diếm,khiến người ta chực phát điên lên.Tai sao,và mãi tại sao?????

    trantruongca wrote on Jul 17, '08, edited on Jul 18, '08

    Kh V con,
    Hôm qua Thầy viết một comment rất dài tỏ nỗi vui sướng tràn ngập trong tim Thầy khi Thầy đọc lại bài "Tâm sự của cây đàn tỳ bà Phần 2" có hình con cài lên minh họa cho bài! Gần xong, bị rớt mạng, mất hết những lời Thầy cám ơn con. Hôm nay Thầy không viết lại được những lời hôm qua. Nhưng cũng nói cho con biết rằng Thầy vô cùng sung sướng khi đọc lại bài Thầy viết từ mấy năm trước. Bài đã được đăng nhiều nơi nhưng không bài nào có hình minh họa cả!

    Hình Thầy trò mình chọn hôm sáng thứ bảy khá nhiều và Thầy đã thấy thích rồi. Hôm nay lại còn đươc nhiều hơn, hợp với bài viết hơn nhiều! Con tìm tư liệu đâu mà phong phú quá, đầy đủ quá vậy con???

    Đứa con Thầy sanh ra chỉ sởn sơ khỏe mạnh. Nhờ con chăm sóc, may quần áo đẹp cho nó mặc, cho thức ăn ngon làm nó sởn sơ bụ bẫm, ai thấy cũng trầm trồ khen. Thầy không cám ơn con mà vui sướng vì Thầy trò mình đã hiệp sức nhau, Thầy tìm tư liệu lịch sử, khoa học, con tìm tư liệu nghệ thuật văn chương cho bài viết nầy. Chắc con cũng vui và sung sướng như Thầy hở con?

    Thầy Trần Văn Khê

    tranquanghai wrote on Jul 10, '08

    Kinh thua Ba,
    Bài doc nhu mot chuyên cô tich rât hay . Con mong co duoc hinh da^~n chu+'ng thi` se làm cho bài viêt càng thêm phong phu.
    Con cam on Ba da nap bài này bô tuc cho phan 1 cua dàn ty bà .

    Hun Ba nhiêu
    Con
    Tran Quang Hai

    trantruongca wrote on Jul 10, '08

    Kh V con,
    Thầy đã cài bài viết của Thầy về Tâm Sự cây đàn Tỳ Bà VN phần 2. Nhờ con b t va cài hình cho Thầy con nhé?

    Thầy có một số hình về Động Đôn Hoàng .Con tìm thêm hình trên mang Google Trung quoc để bổ sung. Cám ơn con nhiều

    Thầy TVK

    Trả lờiXóa