Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

BIỂU DIỄN VÀ PHÂN TÍCH NHẠC VIỆT TẠI CÁC NHẠC VIỆN BẮC KINH

BIỂU DIỄN VÀ PHÂN TÍCH NHẠC VIỆT
TẠI CÁC NHẠC VIỆN BẮC KINH

Tại Bắc Kinh có hai Âm Nhạc Viện: Trung Quốc Âm Nhạc Viện là nơi chuyên dạy nhạc truyền thống Trung Quốc, nhạc dân tộc Mông Cổ, vài nước Châu Á và Trung Ương Bắc Kinh Âm Nhạc Viện chuyên dạy nhạc phương Tây, mà cũng có “Khoa dân tộc” dạy đàn “gu qin” (Cổ Cầm), “gu zheng” (Cổ Tranh), “pi pa” (Tỳ Bà), “di zi” (địch tử, ống địch, ống sáo). Mấy hôm trước, tôi đã được mời đến Trung Quốc Âm Nhạc Viện nghe “Ngũ Kim Hoa” diễn tấu nhạc truyền thống Trung Quốc. Hôm nay, Ban tổ chức mời tôi đến Trung Ương Âm Nhạc Viện để thuyết trình về “Nhạc truyền thống Chấu Á”.
Buổi thuyết trình kéo dài trong ba tiếng đồng hồ, sẽ cử hành tại đại giảng đường của Âm Nhạc Viện. Sẽ có trên 60 Giáo sư và hơn hai trăm sinh viên đến nghe. Tôi sẽ nói bằng tiếng Pháp và bà Liu, thông dịch viên của tôi sẽ dịch ra tiếng Trung Quốc. Lần đi dự Hội nghị này, cùng đi có cậu Cheng Shui Cheng (Trịnh Thụy Trinh, con trai mà có tên nghe con gái quá!), môn đệ của tôi tại Đại học Sorbonne, đã bảo vệ Luận án Tiến sĩ về Âm nhạc học với đề tài “Kỹ thuật đàn Tỳ Bà”. Trong buổi nói chuyện hôm nay, cậu Cheng lo rọi dương bản (diapositive, hình rọi màu) và nếu cần, giúp bà Liu dịch những danh từ chuyên môn về âm nhạc.
Trung Ương Âm Nhạc Viện đồ sộ hơn Trung Quốc Âm Nhạc Viện nhiều. Phòng họp, phòng hòa nhạc, giảng đường, thính đường rất rộng. Viện có năm, sáu từng lầu. Có cả Bảo tàng viện nhạc khí. Lúc đi vào giảng đường tôi tự nghĩ hoàn cảnh của mình khá đặc biệt. Là người Việt Nam, dân của một nước mà từ trước đến giờ bị coi là “đàn em”, nếu không phải là người đại diện cho Hội đồng quốc tế âm nhạc do Unesco đề cử tham dự Hội nghị, thì chưa chắc đã được mời tham luận, chớ có đâu được mời giảng tại Trung Ương Âm Nhạc Viện là nơi đào tạo nhạc sĩ cho Trung Quốc và nhiều nước Châu Á. Các bạn có lẽ cũng nhớ rằng, trong năm 1987, tiếng súng còn nổ tại biên giới Hoa Việt và liên hệ ngoại giao giữa hai nước chưa được tốt đẹp lắm. Mà nói đến nhạc Châu Á thì thế nào tôi cũng đề cập đến nhạc Việt Nam!
Tám giờ sáng, thính giả đã đến chật giảng đường. Giữa chỗ ngồi của diễn giả và thính giả, Ban tổ chức có cho đặt một cây đàn Tranh Trung Quốc 21 dây. Tôi nghĩ chắc ông chủ toạ buổi họp hôm nay sẽ mời mình đàn Tranh, nên tôi đến nhún thử dây. Dây quá cứng, không thể nhấn sâu được. Chắc không dùng được cây đàn Ban tổ chức đã chuẩn bị. Mà tôi không có mang đàn của tôi. Một là vì lần này được mời dự Hội nghị chớ không có được mời biểu diễn; hai là bên Trung Quốc chắc là có bao nhiêu đàn Tranh đẹp. Nhiều nhạc sĩ còn đến Bắc Kinh tay không để lúc về xách một cây đàn mua tại đây về làm kỷ niệm. Đang suy nghĩ chưa biết tính lẽ nào thì ông Giám đốc Nhạc viện bắt đầu giới thiệu diễn giả: Giáo sư tại Sorbonne, Giáo sư chỉ đạo nghiên cứu trong Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc tế âm nhạc (Unesco). Lẽ tất nhiên là không có nói rằng diễn giả là người Việt Nam. Đề tài thuyết trình “Những truyền thống âm nhạc Châu Á”. Nhưng ông Giám đốc biết tôi là Nhạc sĩ Việt Nam, nên có thêm câu: “Chúng tôi được biết là Giáo sư chẳng những làu thông về lý thuyết, mà lại còn là một danh cầm. Chúng tôi có đặt sẵn cây đàn ‘gu zheng’ và mong rằng Giáo sư để chút thì giờ cho chúng tôi thưởng thức tài nghệ”.
Trước khi vào đề tài tôi rào trước mấy câu: “Xin trân trọng cám ơn ông Giám đốc giới thiệu nồng hậu. Và tôi cũng không dám phụ lòng của các bạn Nhạc sư, Nhạc sĩ Trung Quốc. Nhưng lúc mới vào giảng đường, tôi có thử qua cây đàn thường được gọi là ‘gu zheng’ (cổ Tranh). Thật ra đó là đàn ‘xin zheng’ (tân Tranh), đàn đã được đổi mới. Tiếng đàn vang to mà dây đàn căng rất cứng, khó mà nhấn nhá. Tôi sinh ra trong một gia đình 4 đời là Nhạc sĩ Việt Nam (lại xưng tên họ, cho biết luôn xứ sở nữa). Theo truyền thống Việt Nam, thì bàn tay mặt là bàn tay ‘sinh đẻ’ ra âm thanh. Bàn tay trái là bàn tay ‘nuôi dưỡng và làm đẹp’ âm thanh. Nếu sanh ra mà không nuôi dưỡng, thì không sanh ra làm gì. Vì vậy mà tôi không thể dùng cây đàn mà các bạn đã để sẵn trong phòng này. Hoạ chăng, với cây ‘gu zheng’ mà tôi thấy trong Bảo tàng viện, thì có thể tôi đàn vài bản cho các bạn nghe”.
Tôi ao ước được như thế. Không ngờ, trong lúc tôi thuyết trình về nhạc Châu Á, định vị trí của mỗi truyền thống trong những khu vực văn hoá, nêu lên những tính đặc thù của âm nhạc trong mỗi khu vực, về nhạc cụ, thang âm và phong cách biểu diễn, Ban tổ chức đã cho đi mượn cây đàn ‘gu zheng’ trong Bảo tàng viện, cho lau bụi bặm và lên dây xong xuôi, đặt ngay giữa giảng đường chờ tôi thuyết trình xong đến phần minh hoạ.
Hôm nay, tôi bắt đầu bằng tiếng Pháp. Nhưng có một Giáo sư Trung Quốc xin tôi nói bằng tiếng Anh, vì trong số Giáo sư, chỉ đôi ba người hiểu tiếng Pháp, mà đến hơn 20 Giáo sư thông thạo tiếng Anh. Do đó, cậu Cheng, môn đệ của tôi phải đứng ra làm thông dịch.
Hết phần lý thuyết, tôi bước qua thực hành. Sau khi thử qua dây đàn tôi giới thiệu nhạc Việt Nam:
“Tôi xuất thân từ một gia đình 4 đời Nhạc sĩ. Truyền thống gia đình tôi là truyền thống Miền Nam. Đàn Tranh Việt Nam, giống như đàn ‘gu zheng’ của Miền Nam Trung Quốc, tức là có 16 dây sắt, trong khi ‘gu zheng’ của Trung Quốc Miền Bắc thì có 13 dây. Mà thường dùng dây tơ. Hôm nay tôi phải dùng đàn ‘gu zheng’ của Trung Quốc, mà các bạn đã cho lên dây theo ‘Zheng gong diao’ (chánh cung điệu). Đàn Việt Nam lên dây như vậy gọi là lên dây Bắc. Hai cách lên dây đều cùng theo thang âm ngũ cung. Và các chữ đàn cũng được gọi tên như nhau. Chúng tôi gọi là Hò, xự, xang, xê, cống. Người Trung Quốc gọi là He, shi, shang, zhi, gong. Nhưng khi đàn bản theo điệu Bắc thì chúng tôi phải rung hai chữ xự và cống, trong khi đàn theo người Quảng Đông, thì đến chữ xự và cống phải mổ”. Nói xong tôi cho thí dụ và đàn thử hai câu, một câu theo phong cách Việt Nam, một câu theo phong cách Trung Quốc. “Các bạn đã biết bài “Yu da ba xiao” (Vũ đả ba tiêu: Mưa rơi trên lá chuối). Nếu tôi đàn đến chữ xự, chữ cống mà tôi mổ dây đàn, thì các bạn nghe giống nhạc Quảng Đông. Nếu tôi rung hai chữ đó thì các bạn nghe giống nhạc Việt”. Nói xong tôi đàn theo hai cách. Đến khi rung chữ xự, chữ cống, thính giả cười ầm lên mà nói: Yuenan! Yuenan! (Việt Nam! Việt Nam!). Dầu tôi đàn bản Vũ đả ba tiêu, là nhạc Trung Quốc, nhạc Quảng Đông, hễ rung chữ xự, chữ cống thì nghe giống nhạc Việt Nam.
Một nhạc khí, một cách lên dây, một bản nhạc chưa có đủ điều kiện để định rõ dân tộc tính. Phải có người nhạc sĩ cạnh cây đàn mới có khả năng thể hiện được dân tộc tính. Cây đàn này là ‘gu zheng’ của Trung Quốc. Lại lên dây theo ‘Zheng gong diao’ (Chánh cung điệu) của Trung Quốc. Nhưng xin phép các bạn cho tôi bắt cây đàn Trung Quốc nói tiếng nhạc Việt cho các bạn nghe.”
Đàn lên dây Bắc, nhưng tôi đàn hơi nhạc lễ trong bài ‘Ngũ đối hạ”, rồi tôi chuyển sang dây Nam, dùng luyến láy đặc thù của hơi Xuân, đàn hai lớp rưỡi Nam Xuân. Cuối cùng, tôi chuyển sang qua hơi Sa mạc để ngâm thơ.
Sinh viên Trung Quốc rất thích thú và nói rằng chưa bao giờ nghe ai giảng về sự quan trọng của luyến láy và cách rung mổ trong khi đàn như vậy.
Hôm sau, Ban tổ chức mời tôi thuyết trình về phương pháp phân tích một bài dân ca tại Viện Nghiên cứu âm nhạc. Tôi lại chọn một bài hát quan họ “Mời giầu” để phân tích dưới ba phương diện: dân tộc học, âm nhạc học và ngôn ngữ học. Bài hát quan họ mà tôi đã ký âm được chụp thành 150 bản (photocopy) để cho 60 Giáo sư, chuyên viên nghiên cứu âm nhạc và non 100 sinh viên theo dõi cách phân tích của tôi. Tôi lại có dịp nói qua về 49 làng quan họ trong tỉnh Bắc Ninh, nói về phong tục “kết bạn”, về những canh hát quan họ bắt đầu bằng những bài hát chào mừng, rồi hát lề lối, sau đó đến hát vặt, những tình ca, đi lần đến lúc chia tay, hát những bài giã bạn, chia tay phải cả giờ mới xong vì “đêm ngắn, tình dài”.
Ban Giám đốc rất thích, không ngờ rằng một bài hát chỉ 01’45’’ mà phải phân tích trong hơn 3 tiếng đồng hồ và ngỏ ý muốn mời tôi năm 1989 sang giảng trong 1 hoặc 2 tháng!
Vì nhiều lý do, tôi không trở lại Trung Quốc năm 1989, nhưng trong chuyến đi năm 1987, tôi rất vui vì đã cho các Giáo sư và sinh viên Trung Quốc thấy những nét đặc thù trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Trần Văn Khê

3 nhận xét:

  1. trantruongca wrote on Sep 12, '08, edited on Sep 13, '08

    Truoc Ba da cho dang nhung bai Du ky tren cac bao va Tap chi o VN nhu Bach Khoa, Kien Thuc ngay nay. Cam on con theo doi bai viet va hinh anh Ba cho cai len Blog cua Ba.
    Hon con nhieu
    Ba cua con TVK

    nguyenxuanthao wrote on Sep 12, '08

    Thầy kính mến
    Cảm ơn Thầy về những bài Thầy đưa lên, vừa mở mang kiến thức, vừa làm tăng thêm lòng tự trọng cho thế hệ trẻ, đồng thời thúc đẩy mọi người tim về nguồn để bảo tồn, rồi phát huy những tinh hoa của dân tộc trong lãnh vực âm nhạc nói riêng, cũng như văn hóa nói chung.

    Kinh mến
    Lm Xuân Thảo

    lengochan wrote on Sep 11, '08

    Thưa Thầy,

    Mỗi câu chuyện của Thầy là 1 chuyến du lịch kỳ thú vào thế giới âm nhạc dân tộc. Con mong được đến thăm Thầy thường xuyên để tìm hiểu nhiều hơn về những chi tiết hấp dẫn từng đọc trong những trang hồi ký của Thầy.

    Thương,
    Con Lê Ngọc Hân

    tranquanghai wrote on Sep 11, '08

    Ca'm on Ba kê lai chuyên di sang Bac Kinh gioi thieu nhac Viet rat hâp dân . Lân lân, con se co dip doc lai nhung bai du ky, hôi ky cua Ba trên blog này.
    Hun Ba nhiêu
    Tran Quang Hai

    Trả lờiXóa
  2. trantruongca wrote on Sep 22, '08

    Ong dong y !Co dip Ong se goi thu email cho con
    Ong thuong chuc con khoe manh va thanh cong trong moi viec

    Ong TVK

    jazzydalam wrote on Sep 22, '08

    dạ nếu bác cho phép, con xin gọi là Ông nha, vì như vậy con đỡ cảm thấy.... ngộ ngộ khi gọi hai cha con gần vai vế với nhau đó ạ :-)

    đây là email của con, xin Ông viết lại cho con để con gửi bài cho Ông nghe nha.
    jazzydalam@gmx.net

    thương kính,
    con
    jazzy

    trantruongca wrote on Sep 18, '08

    jazzy thân mến !

    Cùng một lúc với thư con, Bác có nhận được thư của chú Hải nói sơ về con, Bác lại biết rõ vì sao con gọi Bác là "Ông", như vậy thì chữ "ông" đó không còn ý nghĩa xa lạ, lại có nghĩa là ông Nội, ông Ngoại trong gia đình. Vậy thì từ đây con gọi băng từ gì cũng được.

    Bài sáng tác của con đến nay Bác cũng vẫn chưa nghe được, có lẽ gửi ngang qua email Bác có thể dễ nghe hơn.

    Như Bác đã nói, Bác là một nhà nghiên cứu, chứ không phải là nhạc sĩ sáng tác. Bác muốn con cho Bác địa chỉ email, viết thư dễ hơn gang qua multiply.

    Chúc con dồi dào sức khoẻ và thành công trong cuộc đời.

    bác Trần Văn Khê

    jazzydalam wrote on Sep 18, '08

    oh, thưa Bác Khê,

    tại con gọi con trai của Bác là "Chú Hải", nên con nghĩ gọi Bác bằng Ông mới phải, giống như gọi ông Nội, ông Ngoại con vậy đó (nhưng cả ông nội và ngoại của con đều đã mất rồi) , chứ con đâu muốn xa lạ và cách biệt với Bác bao giờ. Nay lại được Bác có lời nhắc nhở, muốn con xưng hô gần gũi hơn, làm con thiệt là cảm động. Vậy Bác muốn con gọi là Bác, hay là Thầy, hay cứ giữ như trước, là Ông, sao cũng được, miễn Bác thấy dễ chịu thôi. Còn với riêng con, khi gọi Bác là "Ông", con thấy rất là tự nhiên, gần gũi, không mang ý lịch sự khách sáo gì đâu ạ.

    Còn về sáng tác của con, thực lòng con rất muốn nghe ý kiến của Bác với tư cách một nhà nghiên cứu, vì rất nhiều "nhạc sĩ" có thể họ viết ra được vài giai điệu, làm thành vài ca khúc, nhưng chưa chắc đã có thể nhận định đánh giá vấn đề một cách sâu sắc, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến Nhạc Cổ truyền Dân tộc VN như Bác đâu.

    Thành thực mà nói, con cũng không rành về các làn điệu, hơi Hát Ru của VN mình đâu. Chỉ nhớ lúc nhỏ thường được nghe hát ru bài "gió mùa thu mẹ ru con ngủ" , theo con được biết thì bài này nằm trong cung Oán. một điệu thức đặc trưng của miền Nam phải không Bác? Ngoài ra còn được nghe hát ru Phú Yên. Còn các điệu ru đặc trưng của miền Bắc, hay Trung, tùy theo ngữ âm từng vùng mà có âm điệu rất khác biệt, con không được nghe nhiều nên không nhớ.

    Con nghĩ cảm nhận của một người làm công việc nghiên cứu như Bác sẽ ngàn lần sâu sắc hơn, nặng ký hơn, vì phải được lọc lựa qua một cái tamis hết sức tinh tế. Nếu nó có sót lại nhiều hạt sạn trên đó, con rất mong được Bác cho con biết nha. Con có thể gửi thẳng bài nhạc cho Bác vào email của Bác để download xuống nghe nếu Bác cho phép. Như vậy có lẽ dễ cho Bác hơn, phải không ạ?

    thương kính,
    con
    jazzy

    trantruongca wrote on Sep 17, '08

    Jazzy ơi!

    Bác chưa biet mặt con. Nhưng ngang qua lơi con nói, con đã từng là "fan" của Bác từ mấy chục năm nay. Qua buc thu nay, Bac cam thay con hiểu Bac một cach sau sac, nen Bac khong muon con goi Bac la "Ông" nghe xa lạ và cách biệt qua!
    Con co le con ngai khong goi Bac la Thay nhu nhieu nguoi la vi con chuiahoc tructiep vớiBac deu cho ca. NHung Thay co nghia la "Thây giáo" hở con ??? So về tuổi tác chắc chăn la Bác lớn tuỗi hơn Ba của con,* Bac nam nay 88 tuoi ) Gọi bằng Bác cũng được .

    Bac chua nghe duoc bai con sang tac co hoi Hat ru vi len mang doi lau qua ma khong nghe duoc vi mang qua dong hoac may cua Bac qua yeu. Khi nao nghe duoc Bac se noi cam nhan cua Bac cho khong dam " phê bình" vì Bác la mot nha nghien cuu cho khong phai la Nhac si sang tac.

    Thuong chuc con khoe manh va mong co ngay gap con .

    Bac TVK

    Trả lờiXóa
  3. jazzydalam wrote on Sep 17, '08

    Ông Khê ơi,

    đọc những bài viết liên quan đến việc phân tích âm nhạc dân tộc của ông, lúc nào cũng làm con nổi da gà, một cảm giác sung sướng đến trào nước mắt mà con chưa từng có được khi đọc bài của những người viết khác. Có lẽ vì ngoài sự uyên thâm, uyên bác, con còn cảm nhận được một tình yêu và niềm tự hào sâu sắc của Ông đối với ANTTDTVN, làm nó "lây lan" sang cả con nữa. Cám ơn Ông rất nhiều!

    thương kính,
    con
    jazzy

    trantruongca wrote on Sep 12, '08, edited on Sep 13, '08

    Thân kính gởi LM Xuân Thảo,

    Cám ơn LM đă đọc bài viết của tôi và viết lời comment khích lệ. Được những người thức giả như LM quan tâm đến công việc tôi đã và đang làm, tôi rất vui và phấn khởi. Xin cám ơn LM.

    GS TVK

    trantruongca wrote on Sep 12, '08, edited on Sep 13, '08

    Ngọc Hân con,

    Thầy rất vui khi có những độc giả trẻ đọc những bài viết của Thầy để tìm hiểu ANTTDTVN. Hôm nào con muốn đến thăm Thầy thì con gọi điện thoại, Thầy có đôi phút rảnh sẽ tiếp con. Thường thì Thầy bận lắm!

    Thầy TVK

    Trả lờiXóa