BIỂU DIỄN VÀ PHÂN TÍCH NHẠC VIỆT
TẠI CÁC NHẠC VIỆN BẮC KINH
Tại
Bắc Kinh có hai Âm Nhạc Viện: Trung Quốc Âm Nhạc Viện là nơi chuyên dạy
nhạc truyền thống Trung Quốc, nhạc dân tộc Mông Cổ, vài nước Châu Á và
Trung Ương Bắc Kinh Âm Nhạc Viện chuyên dạy nhạc phương Tây, mà cũng có
“Khoa dân tộc” dạy đàn “gu qin” (Cổ Cầm), “gu zheng” (Cổ Tranh), “pi pa”
(Tỳ Bà), “di zi” (địch tử, ống địch, ống sáo). Mấy hôm trước, tôi đã
được mời đến Trung Quốc Âm Nhạc Viện nghe “Ngũ Kim Hoa” diễn tấu nhạc
truyền thống Trung Quốc. Hôm nay, Ban tổ chức mời tôi đến Trung Ương Âm
Nhạc Viện để thuyết trình về “Nhạc truyền thống Chấu Á”.
Buổi
thuyết trình kéo dài trong ba tiếng đồng hồ, sẽ cử hành tại đại giảng
đường của Âm Nhạc Viện. Sẽ có trên 60 Giáo sư và hơn hai trăm sinh viên
đến nghe. Tôi sẽ nói bằng tiếng Pháp và bà Liu, thông dịch viên của tôi
sẽ dịch ra tiếng Trung Quốc. Lần đi dự Hội nghị này, cùng đi có cậu
Cheng Shui Cheng (Trịnh Thụy Trinh, con trai mà có tên nghe con gái
quá!), môn đệ của tôi tại Đại học Sorbonne, đã bảo vệ Luận án Tiến sĩ về
Âm nhạc học với đề tài “Kỹ thuật đàn Tỳ Bà”. Trong buổi nói chuyện hôm
nay, cậu Cheng lo rọi dương bản (diapositive, hình rọi màu) và nếu cần,
giúp bà Liu dịch những danh từ chuyên môn về âm nhạc.
Trung
Ương Âm Nhạc Viện đồ sộ hơn Trung Quốc Âm Nhạc Viện nhiều. Phòng họp,
phòng hòa nhạc, giảng đường, thính đường rất rộng. Viện có năm, sáu từng
lầu. Có cả Bảo tàng viện nhạc khí. Lúc đi vào giảng đường tôi tự nghĩ
hoàn cảnh của mình khá đặc biệt. Là người Việt Nam, dân của một nước mà
từ trước đến giờ bị coi là “đàn em”, nếu không phải là người đại diện
cho Hội đồng quốc tế âm nhạc do Unesco đề cử tham dự Hội nghị, thì chưa
chắc đã được mời tham luận, chớ có đâu được mời giảng tại Trung Ương Âm
Nhạc Viện là nơi đào tạo nhạc sĩ cho Trung Quốc và nhiều nước Châu Á.
Các bạn có lẽ cũng nhớ rằng, trong năm 1987, tiếng súng còn nổ tại biên
giới Hoa Việt và liên hệ ngoại giao giữa hai nước chưa được tốt đẹp lắm.
Mà nói đến nhạc Châu Á thì thế nào tôi cũng đề cập đến nhạc Việt Nam!
Tám
giờ sáng, thính giả đã đến chật giảng đường. Giữa chỗ ngồi của diễn giả
và thính giả, Ban tổ chức có cho đặt một cây đàn Tranh Trung Quốc 21
dây. Tôi nghĩ chắc ông chủ toạ buổi họp hôm nay sẽ mời mình đàn Tranh,
nên tôi đến nhún thử dây. Dây quá cứng, không thể nhấn sâu được. Chắc
không dùng được cây đàn Ban tổ chức đã chuẩn bị. Mà tôi không có mang
đàn của tôi. Một là vì lần này được mời dự Hội nghị chớ không có được
mời biểu diễn; hai là bên Trung Quốc chắc là có bao nhiêu đàn Tranh đẹp.
Nhiều nhạc sĩ còn đến Bắc Kinh tay không để lúc về xách một cây đàn mua
tại đây về làm kỷ niệm. Đang suy nghĩ chưa biết tính lẽ nào thì ông
Giám đốc Nhạc viện bắt đầu giới thiệu diễn giả: Giáo sư tại Sorbonne,
Giáo sư chỉ đạo nghiên cứu trong Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học
Pháp quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc tế âm nhạc (Unesco). Lẽ tất nhiên
là không có nói rằng diễn giả là người Việt Nam. Đề tài thuyết trình “Những truyền thống âm nhạc Châu Á”. Nhưng ông Giám đốc biết tôi là Nhạc sĩ Việt Nam, nên có thêm câu: “Chúng
tôi được biết là Giáo sư chẳng những làu thông về lý thuyết, mà lại còn
là một danh cầm. Chúng tôi có đặt sẵn cây đàn ‘gu zheng’ và mong rằng
Giáo sư để chút thì giờ cho chúng tôi thưởng thức tài nghệ”.
Trước khi vào đề tài tôi rào trước mấy câu: “Xin
trân trọng cám ơn ông Giám đốc giới thiệu nồng hậu. Và tôi cũng không
dám phụ lòng của các bạn Nhạc sư, Nhạc sĩ Trung Quốc. Nhưng lúc mới vào
giảng đường, tôi có thử qua cây đàn thường được gọi là ‘gu zheng’ (cổ
Tranh). Thật ra đó là đàn ‘xin zheng’ (tân Tranh), đàn đã được đổi mới.
Tiếng đàn vang to mà dây đàn căng rất cứng, khó mà nhấn nhá. Tôi sinh ra
trong một gia đình 4 đời là Nhạc sĩ Việt Nam
(lại xưng tên họ, cho biết luôn xứ sở nữa). Theo truyền thống Việt Nam,
thì bàn tay mặt là bàn tay ‘sinh đẻ’ ra âm thanh. Bàn tay trái là bàn
tay ‘nuôi dưỡng và làm đẹp’ âm thanh. Nếu sanh ra mà không nuôi dưỡng,
thì không sanh ra làm gì. Vì vậy mà tôi không thể dùng cây đàn mà các
bạn đã để sẵn trong phòng này. Hoạ chăng, với cây ‘gu zheng’ mà tôi thấy
trong Bảo tàng viện, thì có thể tôi đàn vài bản cho các bạn nghe”.
Tôi
ao ước được như thế. Không ngờ, trong lúc tôi thuyết trình về nhạc Châu
Á, định vị trí của mỗi truyền thống trong những khu vực văn hoá, nêu
lên những tính đặc thù của âm nhạc trong mỗi khu vực, về nhạc cụ, thang
âm và phong cách biểu diễn, Ban tổ chức đã cho đi mượn cây đàn ‘gu
zheng’ trong Bảo tàng viện, cho lau bụi bặm và lên dây xong xuôi, đặt
ngay giữa giảng đường chờ tôi thuyết trình xong đến phần minh hoạ.
Hôm
nay, tôi bắt đầu bằng tiếng Pháp. Nhưng có một Giáo sư Trung Quốc xin
tôi nói bằng tiếng Anh, vì trong số Giáo sư, chỉ đôi ba người hiểu tiếng
Pháp, mà đến hơn 20 Giáo sư thông thạo tiếng Anh. Do đó, cậu Cheng, môn
đệ của tôi phải đứng ra làm thông dịch.
Hết phần lý thuyết, tôi bước qua thực hành. Sau khi thử qua dây đàn tôi giới thiệu nhạc Việt Nam:
“Tôi xuất thân từ một gia đình 4 đời Nhạc sĩ. Truyền thống gia đình tôi là truyền thống Miền Nam.
Đàn Tranh Việt Nam, giống như đàn ‘gu zheng’ của Miền Nam Trung Quốc,
tức là có 16 dây sắt, trong khi ‘gu zheng’ của Trung Quốc Miền Bắc thì
có 13 dây. Mà thường dùng dây tơ. Hôm nay tôi phải dùng đàn ‘gu zheng’
của Trung Quốc, mà các bạn đã cho lên dây theo ‘Zheng gong diao’ (chánh
cung điệu). Đàn Việt Nam
lên dây như vậy gọi là lên dây Bắc. Hai cách lên dây đều cùng theo
thang âm ngũ cung. Và các chữ đàn cũng được gọi tên như nhau. Chúng tôi
gọi là Hò, xự, xang, xê, cống. Người Trung Quốc gọi là He, shi, shang,
zhi, gong. Nhưng khi đàn bản theo điệu Bắc thì chúng tôi phải rung hai
chữ xự và cống, trong khi đàn theo người Quảng Đông, thì đến chữ xự và
cống phải mổ”. Nói xong tôi cho thí dụ và đàn thử hai câu, một câu theo phong cách Việt Nam, một câu theo phong cách Trung Quốc. “Các
bạn đã biết bài “Yu da ba xiao” (Vũ đả ba tiêu: Mưa rơi trên lá chuối).
Nếu tôi đàn đến chữ xự, chữ cống mà tôi mổ dây đàn, thì các bạn nghe
giống nhạc Quảng Đông. Nếu tôi rung hai chữ đó thì các bạn nghe giống
nhạc Việt”. Nói xong tôi đàn theo hai cách. Đến khi rung chữ xự, chữ cống, thính giả cười ầm lên mà nói: Yuenan! Yuenan! (Việt Nam! Việt Nam!). Dầu tôi đàn bản Vũ đả ba tiêu, là nhạc Trung Quốc, nhạc Quảng Đông, hễ rung chữ xự, chữ cống thì nghe giống nhạc Việt Nam.
Một
nhạc khí, một cách lên dây, một bản nhạc chưa có đủ điều kiện để định
rõ dân tộc tính. Phải có người nhạc sĩ cạnh cây đàn mới có khả năng thể
hiện được dân tộc tính. Cây đàn này là ‘gu zheng’ của Trung Quốc. Lại
lên dây theo ‘Zheng gong diao’ (Chánh cung điệu) của Trung Quốc. Nhưng
xin phép các bạn cho tôi bắt cây đàn Trung Quốc nói tiếng nhạc Việt cho
các bạn nghe.”
Đàn lên dây Bắc, nhưng tôi đàn hơi nhạc lễ trong bài ‘Ngũ đối hạ”, rồi tôi chuyển sang dây Nam, dùng luyến láy đặc thù của hơi Xuân, đàn hai lớp rưỡi Nam Xuân. Cuối cùng, tôi chuyển sang qua hơi Sa mạc để ngâm thơ.
Sinh
viên Trung Quốc rất thích thú và nói rằng chưa bao giờ nghe ai giảng về
sự quan trọng của luyến láy và cách rung mổ trong khi đàn như vậy.
Hôm
sau, Ban tổ chức mời tôi thuyết trình về phương pháp phân tích một bài
dân ca tại Viện Nghiên cứu âm nhạc. Tôi lại chọn một bài hát quan họ
“Mời giầu” để phân tích dưới ba phương diện: dân tộc học, âm nhạc học và
ngôn ngữ học. Bài hát quan họ mà tôi đã ký âm được chụp thành 150 bản
(photocopy) để cho 60 Giáo sư, chuyên viên nghiên cứu âm nhạc và non 100
sinh viên theo dõi cách phân tích của tôi. Tôi lại có dịp nói qua về 49
làng quan họ trong tỉnh Bắc Ninh, nói về phong tục “kết bạn”, về những
canh hát quan họ bắt đầu bằng những bài hát chào mừng, rồi hát lề lối,
sau đó đến hát vặt, những tình ca, đi lần đến lúc chia tay, hát những
bài giã bạn, chia tay phải cả giờ mới xong vì “đêm ngắn, tình dài”.
Ban
Giám đốc rất thích, không ngờ rằng một bài hát chỉ 01’45’’ mà phải phân
tích trong hơn 3 tiếng đồng hồ và ngỏ ý muốn mời tôi năm 1989 sang
giảng trong 1 hoặc 2 tháng!
Vì
nhiều lý do, tôi không trở lại Trung Quốc năm 1989, nhưng trong chuyến
đi năm 1987, tôi rất vui vì đã cho các Giáo sư và sinh viên Trung Quốc
thấy những nét đặc thù trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Trần Văn Khê