THANH KHÍ TƯƠNG TẦM
BẮC PHẢN
Đè mây cưỡi gió thênh thang
Mấy sông cũng vượt, mấy ngàn cũng qua
Có duyên ta mới gặp ta
Dễ là Từ Thức hay là Tú Uyên
Bắc Nam một giải đất liền
Gặp nhau lọ sẵn là duyên hay tình
MƯỠU
Vô duyên chưa dễ đâu mà
Có duyên nghìn dặm tuy xa hóa gần
Đồng thanh đồng khí đồng tâm
Tinh thần quốc túy góp phần nâng cao
NÓI
Cung đàn vê dưới nguyệt
Nhịp phách luyến bên hoa
Điệu du dương trầm bổng khoan hòa
Chen tiếng hát ngân nga tiết tấu
Nam, Bắc, Huỳnh, Pha, Đinh Dự hậu (1)
Thi, Ca, Mưỡu, Nói mãn Huê tiền (2)
Bạn Văn Khê từng lịch lãm bao niên
Thì Đông hải Tây thiên đâu có lạ
Nghe danh kỹ Long Thành quý giá (3)
Điệu cầm ca thiên hạ vô song
Nào tiếng sênh, nhịp phách, giọng hát, cung cầm
Tom chát điểm thấu tâm thần thính giả
Khách phong lưu gặp người phong nhã
Dẫu chưa quen mà cũng đã như quen
Có duyên không hẹn mà nên
Kìa ai nghiên cứu một thiên ca trù
Đem tài khảo sát công phu
Đã thu giọng hát lại thu tiếng cầm
Mới hay thanh khí tương tầm
TRÚC HIỀN
--------------------------------------------------------------------------
(1) Nam, Bắc, Huỳnh, Pha là bốn trong năm cung khi hát “Thỏng Tỳ bà”. Năm cung ấy là: Bắc, Nam, Nao, Pha, Huỳnh. Đinh Dự là người được xem như là ông tổ của Ca Trù, người đã gặp tiên cho mẫu cây đàn đáy.
Đinh Dự sống vào đời nhà Lê, đầu thế kỷ thứ 15. “Thỏng 5 cung” có sau ông Đinh Dự, vì đến thế kỷ thứ 19, Phan Huy Vịnh dịch Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị (Thế kỷ thứ 9).
(2) Các điệu Thi, Ca, Mưỡu, Nói có trước bà Mãn Đào Hoa công chúa. Vì kiêng tên bà, nên thay vì nói Mãn Đào Hoa, dùng Mãn Huê. Mãn Đào Hoa là phu nhân của Đinh Dự, cũng thuộc về đời Lê, thế kỷ thứ 15.
(3) Người ca nhi đất Long Thành danh tiếng dưới thời Hậu Lê, thời Tây Sơn cuối thế kỷ 18. Cụ Nguyễn Du đã có bài thơ chữ Hán ca ngợi tài của người ca nhi ấy tựa là “Long Thành Cầm Giả Ca”.
---------------------------------------------------------------------------
Bài thơ “Thanh Khí Tương Tầm” được cụ Trúc Hiền, một nhà thơ rất rành về Ca Trù, viết một mạch rất thú vị ba bài Bắc phản, Mưỡu, Hát Nói tặng tôi ngày 23 tháng Tư năm 1976, khi tôi được phép ghi âm ca trù để in thành dĩa hát cho Unesco.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét