CHUNG QUANH PHONG TRÀO “VỀ NGUỒN” VÀ CHỨNG BỊNH CỦA THỜI ĐẠI
Năm nay, tôi lại có dịp về nước và các báo lại có dịp phỏng vấn tôi về những vấn đề văn nghệ. Đặc biệt năm nay, tôi nhiều lần được nghe câu hỏi:
“Giáo sư có thể cho chúng tôi biết ý kiến của Giáo sư đối với phong trào “Về nguồn” trong lĩnh vực Âm nhạc chăng?”
Tôi cười và trả lời: “Từ hơn 40 năm nay, tôi đã về nguồn rồi”.
Trong cuộc phỏng vấn tôi không có thì giờ nói rõ đầu đuôi. Hôm nay, tôi xin dẫn các bạn “Về nguồn” của tôi.
Xuất thân trong một gia đình bốn đời Nhạc sĩ truyền thống:
Ông cố tôi, Trần Quang Thọ, nhạc sĩ triều đình Huế vào Nam lập gia đình.
Người con trai thứ tư, cụ Trần Quang Diệm, nối nghiệp nhà và nổi tiếng danh cầm Tỳ bà. Ông nội tôi, ông Năm Diệm (theo truyền thống miền Nam, con trai đầu lòng mang thứ hai vì anh cả là người cha. Cho nên ông nội tôi, con trai thứ tư mà mang tên là Năm Diệm) có 6 người con. Chỉ có người cô thứ ba của tôi, cô Ba Viện là đàn Tranh rất hay và cha tôi, ông Trần Quang Triều (ông Bảy Triều) thiện nghệ đàn Kìm (đàn Nguyệt) và đàn Độc huyền. Đặc biệt, cha tôi đã chế ra cách lên dây đàn Kìm mang tên là dây “Tố Lan”, để đờn bài “Tứ đại oán”, “Văn Thiên Tường” mà ngày nay các nhạc sư nhạc tài tử miền Nam còn nhắc nhở.
Từ năm 6 tuổi, tôi đã biết chơi đờn Kìm và đờn Cò (đàn Nhị), 12 tuổi đờn Tranh và 14 tuổi học đánh Trống nhạc lễ, Trống hát bội với cậu Năm tôi là ông Nguyễn Tri Khương. Cố ngoại tôi là danh tướng Nguyễn Tri Phương, ông ngoại tôi là ông Nguyễn Tri Túc, nuôi nhạc sĩ, nhạc công trong nhà để cho hai người con là cậu tư và cậu năm tôi (ông Nguyễn Tri Lạc và Nguyễn Tri Khương) có điều kiện học đờn. Cậu Năm tôi có biệt tài thổi Sáo, đờn Cò, đánh Trống nhạc. Tôi được cậu Năm tôi dạy đánh trống nhạc lễ và hát bội. Được lớn lên trong một gia đình hai bên nội ngoại đều là nhạc sĩ truyền thống, hằng năm, ngày mùng 2 tết là ngày cả gia đình hòa đờn. Và trong năm, mỗi khi có đám hỏi, đám cưới, hay đến ngày giỗ kỵ, hoặc những đêm trăng sáng, thì luôn có hòa đờn trong gia đình. Nguồn của tôi ở tại hai làng Vĩnh Kim và Đông Hòa, thuộc vùng Sầm Giang, một con sông chảy từ làng tôi ra đến Rạch Gầm.
Nhưng khi tôi lớn lên đi học trường Trung học Trương Vĩnh Ký, tôi đã đi xa nguồn, tôi đã tìm cách “phối khí” để giới thiệu những bài truyền thống nhỏ như Bình Bán, Kim Tiền bằng dàn nhạc trong đó có đờn Cò, đờn Kìm, nhưng cũng có Mandoline, Tây ban cầm… Học trường Y tại Hà Nội, tôi lại xa nguồn hơn, tôi chỉ huy dàn nhạc sinh viên để giới thiệu những sáng tác mới của Lưu Hữu Phước “Tiếng gọi thanh niên”, “Bạch Đằng Giang”, “Chi Lăng”, “Người xưa đâu tá”… tôi lại còn đi xa nguồn hơn nữa trong lúc chỉ huy dàn nhạc sinh viên tấu những bản nhạc Tây phương như “Moment musical” của Schubert, “Marche turque” (Hành khúc Thổ Nhĩ kỳ) của Mozart.
Lúc đó tôi nghĩ rằng nhạc phương Tây tiến bộ hơn nhạc Việt Nam và muốn phát triển nhạc truyền thống Việt Nam, phải cần đến nhạc phương Tây. Đó là một ý kiến sai lầm của tôi trong thời niên thiếu. Năm 1952, lúc tôi đang dưỡng bệnh tại miền Nam nước Pháp, sau khi thấy mình đã đi sai đường và phản bội lại nhạc truyền thống, tôi quyết định trở“Về nguồn”. Tôi không thích đàn piano nữa, tôi luyện tập lại đờn Tranh, đờn Cò và viết thư thường xuyên cho cậu Năm tôi là ông Nguyễn Tri Khương để hiểu biết thêm về nhạc tài tử miền Nam, về ông Ký Quờn, về hát Cải lương… Rồi tôi soạn Luận án Tiến sĩ Nhạc học với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Tôi tặng cho con gái của anh bạn tôi, họa sĩ Mai Thứ, cây đàn piano mà tôi đã mua được giá rẻ trong một cuộc bán đấu giá và tôi đã tự tay lên dây đàn, để có thể tập trung vào nhạc truyền thống.
“Về nguồn” một cách triệt để! “Về nguồn” một cách trọn vẹn! Bảo vệ Luận án Tiến sĩ xong năm 1958, tôi tham dự Hội nghị quốc tế Âm nhạc mùa Thu năm 1958, tại trụ sở Cơ quan văn hóa Liên hiệp quốc (Unesco). Trong buổi hòa nhạc có Yehudi Menuhin, danh cầm violon, Ravi Shankar đàn sitar Ấn Độ, Shinichi Yuize đàn Koto Nhật, Ebadi đànsitar Ba Tư, Hussein Malek đàn santour Ba Tư và tôi đàn Tranh, đàn Cò Việt Nam. Từ ấy, tôi làm việc mật thiết với Hội đồng quốc tế Âm nhạc (thuộc Unesco) và năm 1960 tôi được cử vào ban chấp hành của Hội đồng quốc tế, được chấp nhận làm Tùy viên nghiên cứu Âm nhạc tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu Khoa học Pháp, với đề tài nghiên cứu “Nhạc dân tộc Việt Nam”. Được cử làm Giám đốc Trung tâm nhạc học Đông phương (thuộc Viện nhạc học Paris) tôi mở lớp dạy đờn Tranh, đờn Kìm cho sinh viên Paris.
Từ ấy đến nay, tôi đã được 42 nước mời tôi thuyết trình hay biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam tại trường Đại học hay trong nhạc hội, dự 187 Hội nghị quốc tế về Âm nhạc và đã hơn trăm lần nói chuyện, giải thích hay biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam, đã viết và đăng gần 200 bài trong các tạp chí chuyên môn trong đó có hơn 70 bài về nhạc truyền thống Việt Nam, đã chụp ảnh, ghi âm các loại nhạc Việt Nam, hoặc tự biểu diễn với Nhạc sư Vĩnh Bảo, hay với các con của tôi, viết bài giới thiệu cho 14 dĩa hát. Hiện giờ tôi vẫn tiếp tục “đi giảng đạo Nhạc Việt Nam” khắp năm châu bốn biển, thì tôi đã “về nguồn” liên tục trong hơn 40 năm trời.
Ngoài ra, từ 1961, tôi đã viết bài đăng trong tạp chí Bách Khoa số 99, xuất bản ngày 15 tháng 02 năm 1961, trang 67-71, tựa là “Để khơi mạch sống cho cổ nhạc Việt” và khơi mạch sống là phải về nguồn. Cũng trong năm đó, tôi dự Hội nghị Quốc tế với đề tài “Bảo vệ và phát triển nhạc truyền thống”. Tôi đã gặp nơi ấy nhiều người cùng quan điểm với tôi, tức là phải trở về nguồn: Giáo sư Salah el Mahdi, người Tunisie, Giáo sư Alain Daniélou, người Pháp, Giáo sư Mehdi Barkeshli người Ba Tư, Giáo sư Kishibe Shigeo người Nhựt Bổn. Chúng tôi kêu gọi nhạc sĩ Châu Á nên trở về nguồn, để tìm hiểu, học hỏi cái hay trong nhạc truyền thống. Giáo sư Kishibe trong phần kết luận đã nói một câu đầy ý nghĩa mà tôi thường nhắc lại:
“Chúng tôi, người Nhựt Bổn, từ một trăm năm nay, đã trèo lên các đỉnh núi Âm nhạc phương Tây. Chúng tôi đã lên đến tận đỉnh các núi ấy, núi mang tên Mozart, Beethoven, Schuber... Đứng trên đỉnh núi ấy, chúng tôi thấy ở chân trời, có những đỉnh núi khác, cũng cao, cũng đẹp như các ngọn núi mà chúng tôi đang đứng: Đó là núi Âm nhạc truyền thống của Nhựt Bổn. Xin các bạn trẻ Châu Á, Châu Phi đừng mất một trăm năm như chúng tôi, mới thấy được cái hay cái đẹp trong truyền thống Âm nhạc của ước các bạn”.
Trong những bài tham luận của tôi, tại các Hội nghị Quốc tế, hay những bài viết đăng trong các tạp chí chuyên môn, tôi đã rất thường kêu gọi nhạc sĩ Á, Phi hãy trở về nguồn, không phải tìm học vốn cổ, để “nệ cổ” mà “ôn cố tri tân”, học cái thời xưa để làm chuyện thời nay. “Về nguồn” để biết mình từ đâu tới và định hướng mình sẽ đi đâu.
Đã dấn thân và kêu gọi về nguồn từ 40 năm rồi, nay thấy được trên đất nước mình phong trào “Về nguồn” được các cơ quan có thẩm quyền, báo chí cổ động, khuyến khích, được thanh niên hoan nghinh, ứng dụng trong những buổi hòa nhạc ở nhiều nơi công cộng, lẽ tất nhiên phản ứng đầu tiên của tôi là vui mừng.
Cuộc phỏng vấn còn tiếp tục với những câu hỏi khác. Chẳng hạn:
- So với mấy lần trước, lần này về nước Giáo sư thấy chi mới lạ do phong trào “Về nguồn” phát động ?
- Cũng có nhiều hiện tượng lắm. Từ hình thức tới nội dung, đó là:
Chiếc áo dài thướt tha của thiếu nữ Việt Nam đã xuất hiện lại nhiều nơi: trong các trường Trung học, trong những buổi chiêu đãi, trên sân khấu ca nhạc. Cả khăn đóng áo dài mà cách đây không lâu, có người cho là “cổ lỗ sĩ”, là “phong kiến”, là “lạc hậu”, là “tiểu tư sản”, ngày nay, trong những đám cưới, đám ma, trong những lễ tế thần, những lễ hội ở chùa ở đình, tôi thấy áo thụng xanh, đỏ, áo the, áo gấm đậm màu sắc dân tộc, rõ nét trang nghiêm. Không phải chỉ người già cả, tuổi tác mới khăn áo chỉnh tề, mà các em thiếu nhi trong ban “Tiếng Hát Quê Hương”, trong các đội văn nghệ ở phường, ở quận cũng áo dài hồng, áo dài vàng, áo dài xanh da trời, mấy cháu trai lên tám, lên mười cũng mặc áo gấm xanh, áo gấm hoa trong khi trình diễn Âm nhạc dân tộc. Trông mấy cháu rất xinh, rất đẹp. Người nước ngoài có dịp xem những chương trình ấy đều trầm trồ khen ngợi hình thức lẫn nội dung.
“Đền Dâu” ở Hà Nội được trùng tu, ca nhạc múa Chầu Văn được thịnh hành, chẳng những ở các nơi có “lên đồng, lên bóng”, mà còn được nghiên cứu có thực tập tại Viện nghiên cứu văn học nghệ thuật dân gian.
Ca Trù không còn bị chỉ trích hay cấm đoán mà trong những buổi lễ cưới hay ngày giỗ kỵ, có những canh hát Ca Trù. Không phải “ả đào” đứng tuổi, mà ở Hà Nội có mấy cô trẻ tuổi mà cũng biết ngâm Sa mạc, Bồng mạc, Hát mưỡu, Hát nói, hay Thỏng tỳ bà.
Trong Nam, tôi dự lễ “Kỳ Yên” tại Đình Nhơn Hòa ở Cầu Ông Lãnh. Anh Đỗ Văn Rỡ làm chánh tế, có lễ thỉnh sắc thần, lễ xây chầu, lễ đại hội, lễ đàn cả, lễ tiến hiền, lễ rước nước, lễ vía Ngũ vị nữ nương có Bóng rỗi, chầu mời, đến lễ tất. Có học trò lễ, có đào thài, có nhạc lễ ngũ âm, trống văn, trống võ, kèn trung, chập bạt, có mõ, có bồng, có múa Mâm vàng, có hát bội, mỗi đêm diễn lại tuồng xưa: “Ngũ long đại hội”, “Lưu Bị cầu hôn Giang Tả”, “Triệu Tử đoạt ấu chúa”, “San hậu”… Có cả hai buổi giới thiệu chương trình văn nghệ ca nhạc truyền thống. Nhà văn hóa Quận 1 đã có nhóm “Ca nhạc dân tộc Về nguồn” giới thiệu ca nhạc dân tộc.
Trước kia chỉ có những “tụ điểm” tân nhạc, lần này tôi được thưởng thức mấy chương trình ca nhạc dân tộc tại “Bạch Tùng Diệp”, một quán cà phê đối diện với nhà Bảo tàng Cách mạng ngày nay, cách đây không lâu là nơi hò hẹn những cậu, cô “xì ke ma túy”, mà nay là một quán cà phê trang nhã, lấy cây đa to làm tấm “phong”, sân khấu lộ thiên, âm thanh trang bị tối tân, mỗi đêm có một chương trình đặc biệt như tối thứ ba có cổ nhạc và ngâm thơ. Đêm tôi đến nghe có ca nhạc Huế và hai nhà thơ Tô Kiều Ngân và Vân Khanh giới thiệu chương trình. Có những nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp như Hồng Vân, Thúy Vinh, Huyền Trân. Đặc biệt, Huyền Trân vừa là nghệ sĩ ngâm thơ, vừa là nhiếp ảnh gia, duyên dáng và tha thướt trong chiếc áo dài hoa, khách nước ngoài được người đẹp chụp ảnh rất thú vị và tấm ảnh dù mắc hơn thường cũng đáng tiền. Nhưng thật ra, cà phê đen, cà phê sữa đá không mắc hơn bên ngoài bao nhiêu, chắc chắn rẻ hơn “cà phê ôm”. Người mộ điệu đã được nếm cà phê ngon, nghe nhạc dân tộc, lại ở giữa trời có lắm đêm được trăng thanh gió mát. Đêm thứ tư, nhạc dân tộc với những nghệ sĩ Đinh Thìn (thổi sáo), Đỗ Lộc (đánh dàn Tơ-rưng), đàn ăng-cờ-lung (angklung). Đêm thứ sáu dân ca ba miền. Ngoài Hồng Vân, còn có những nghệ sĩ nổi tiếng trong làn tân nhạc như Bảo Yến nay cũng quay về với nhạc dân tộc. Có những đêm giới thiệu nhạc tiền chiến…
Có nhiều cuộc thi cho thiếu nhi, cho nhạc dân tộc, cho ca múa nhạc mà ca nhạc dân tộc thường chiếm được huy chương vàng.
Có giải Trần Hữu Trang cho các mầm non của giới Cải lương. Năm nay được giải có kép trẻ Vũ Linh, Ngọc Huyền (có sang Pháp biểu diễn xuất sắc trong vở tuồng “Mạnh Lệ Quân”), Thanh Thanh Tâm (con của Thanh Thanh Hoa), Tài Linh (em của tài Lương)…
Có giải Hoàng Mai Lưu tặng thưởng những nhạc sĩ sáng tác, biểu diễn, hay các nhà nghiên cứu nhạc dân tộc, những nhà đào tạo nghệ sĩ dân tộc.
Thật ra chưa có lúc nào Âm nhạc dân tộc truyền thống được biểu diễn rầm rộ như năm nay!
- Thưa Giáo sư, áo dài của phụ nữ thì quả là rất đẹp và phù hợp với con người Việt Nam. Nhưng khăn đen áo dài cho nam giới có cần phải khôi phục lại và có cần phải mặc khăn đóng áo dài mới biểu diễn nhạc dân tộc hay hơn chăng?
- Chẳng biết các bạn thanh niên Việt Nam trong nước nghĩ thế nào chớ tôi thì khỏi “khôi phục” lại khăn đóng áo dài. Năm 1958, tại trụ sở Unesco, khi giới thiệu nhạc Việt Namtôi đã mặc áo dài. Rất may cho tôi, chớ không thì khi ông Yuize Shinichi Nhựt Bổn mặc Kimono, khi Ravi Shankar mặc lễ phục Ấn Độ, mà tôi mặc âu phục, thì hóa ra Việt Nam mất bản sắc dân tộc, vì là dân thuộc địa nên bỏ cả quốc phục của mình để mặc y phục của người dân thống trị mình, thì chắc tôi rất xấu hổ hôm ấy. Có người cho là “phong kiến”, tôi đã cười mà trả lời: Phong kiến hay không là trong tư tưởng, hành động của mình, phong kiến hay không là trong đầu của mình, chớ cái khăn đóng chiếc áo dài có phong kiến chỗ nào đâu? Vả lại, nghệ thuật thường phải được giới thiệu một cách toàn diện. Khi uống chén trà ngon, tại sao lại phải dùng chén nhỏ như hột mít, uống rượu “champagne” phải có một thứ ly pha lê mà người Pháp gọi là “coupe de champagne”? Rượu champagne tự nó đã ngon rồi, nhưng thử uống rượu champagne bằng một cái ly giấy bồi, hay một chén hột dưa, liệu có ngon bằng uống với một cái “coupe” đúng điệu hay chăng? Nội dung và hình thức phải được đi đôi với nhau khi muốn giới thiệu nghệ thuật một cách toàn diện. Vì vậy, mặc dầu đã bị những người tự cho mình là “tiến bộ”, có khi cả những bạn rất thân chỉ trích, phê bình, nhạo báng vì tôi đã nhứt định mặc áo dài Việt Nam khi hòa nhạc Việt Nam cho người Việt hay người ngoại quốc nghe, tôi không hề nao núng, và hôm nay, tôi rất vui là thấy mình có lý và mình đã đi trước phong trào về nguồn đến 40 năm!
- Giáo sư nghĩ sao về việc lễ bái, cúng đình, xin xăm bói toán? Có phải như vậy là “về nguồn” một cách đúng đắn không?
- Tôi xin trả lời về việc lễ bái, cúng đình trước.
Cúng đình không phải là vì “mê tín dị đoan”. Cúng đình là nhớ lại công ơn của người trước, vì thần thánh hoàn toàn là những ông quan có công, có tài, có đức mới được phong Thành Hoàng. Trong đình Nhơn Hòa có thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo là người có công đánh đuổi quân Mông Cổ xâm lược, nêu cao tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nhớ lại người xưa đã có công dựng nước, cứu nước là đúng với đạo lý con người biết ân, biết nghĩa.
Lễ bái là một hình thức văn hóa, là thái độ trang nghiêm để tỏ lòng kính cẩn, mến phục tiền bối, là một bằng chứng của nếp sống văn hóa của người Việt.
Cúng đình lại là một dịp cho người trong một xóm, một vùng gặp gỡ nhau, và trong mấy hôm được ra khỏi cái bận rộn hay quay cuồng của cuộc sống, để ngồi yên, trầm tư hoặc tưởng niệm công đức người xưa, đó là một hình thức “thiền” hay “thư giãn” phù hợp với vệ sinh trong cuộc sống. Người Hồi giáo trong một năm dành đến một tháng “Ramadan” ăn chay, đọc kinh, tưởng niệm Giáo chủ. Ta chỉ có ba ngày, mà mỗi ngày tùy theo công việc, có ít giờ đồng hồ “thư giãn” như thế, theo ý tôi rất tốt cho cơ thể và tâm hồn của chúng ta. Huống chi có cúng đình là nhạc Lễ sẽ sống lại, vì không có nhạc không thành Lễ. Nhạc Lễ là một bộ môn âm nhạc rất tinh vi về tiết tấu. Cách đây 12 năm, tôi đã gặp anh Tám Phát tại rạp hát bội Long Phụng. Anh nói chuyện cho tôi nghe về cách “vỗ trống cơm”, “vỗ bồng”, tôi thấy anh rất sành nhạc Lễ, tôi hỏi tại sao anh không hành nghề nhạc lễ hoặc truyền nghề nhạc cho con em, lại đi theo gánh Hát bội, thì anh trả lời rằng theo nhạc Lễ sẽ chết đói. Nhưng năm nay, tôi gặp anh tươi cười, chít khăn đóng, mặc áo gấm xanh, thủ cặp trống Văn, trống Võ, thổi kèn trung trong một dàn nhạc ngũ âm hùng hậu, tôi có mấy lời chúc mừng nhạc Lễ được hồi sinh. Anh vui vẻ trả lời: “Nhờ có cúng đình, và trong hai năm nay nhiều đám tang rước nhạc Lễ, nên tôi cũng dễ thở”. Anh đã dạy cho con trai anh, cậu Dũng, năm nay hơn hai mươi tuổi nối nghiệp cha, và tuy tuổi trẻ đã dòn roi trống, đã khỏe hơi kèn rồi.
Về việc xin xăm, bói tướng thì tôi mặc dù không tin vào việc coi bói, nhưng tôi không chỉ trích việc xem bói. Nếu xã hội được tổ chức hoàn mỹ, mọi người dư ăn dư để, chắc không ai xem bói, xin xăm làm gì. Khi không tìm được lối thoát trong cuộc sống đầy khó khăn, thì người ta mới nghĩ đến việc tìm một chút an ủi, một tia hy vọng trong tương lai vô định, ngang qua sự hỗ trợ vô hình của thần thánh.
- Trong lĩnh vực âm nhạc, Giáo sư có ý kiến chi đối với phong trào “về nguồn”?
- Có nhiều triệu chứng đáng mừng, như số buổi biểu diễn nhạc dân tộc được nhiều hơn. Số người đi nghe nhạc truyền thống cũng đông hơn. Anh Lư Nhất Vũ cho tôi biết rằng số băng cassette ghi âm dân ca cổ nhạc được bán ra trong năm rồi lên đến con số 60 ngàn, trong khi nhạc Trịnh Công Sơn trước kia bán rất chạy mà chỉ được 10 ngàn băng nhạc. Thành đoàn năm nay cho Lư Nhất Vũ và Lê Giang phần thưởng 5 triệu đồng về công trình sưu tầm âm nhạc dân tộc miền Nam.
Nhưng tôi cũng lo ngại và không muốn nghĩ rằng phong trào “Về nguồn” là một “thời trang”, vì thời trang đến và thời trang sẽ đi khi không còn hợp thời nữa.
Các cơ quan hữu trách ủng hộ nhiệt tình phong trào “Về nguồn”. Tôi mong rằng đó không phải là một chính sách có tánh chất “giai đoạn”. Lúc này cổ động “Về nguồn”. Trong giai đoạn sau sẽ cổ động việc khác.
Các sinh hoạt dính với “Về nguồn” hiện nay khá rầm rộ. Tôi không muốn thấy phong trào ấy như một ngọn lửa rơm, cháy to, cháy cao, cháy mạnh, nhưng bộc phát mà chóng lụi tàn. Mà tôi mong rằng thái độ đi về nguồn sẽ do một ngọn lửa thiêng tự trong lòng của mỗi người Việt Nam, nung nấu hành động của mình đối với việc giữ gìn và phát triển “bản sắc dân tộc”, vì mình biết tự hào với cái vốn âm nhạc nghệ thuật mà cha ông chúng ta đã lưu truyền lại cho chúng ta.
- Thưa Giáo sư, làm sao để nhen nhúm ngọn lửa thiêng ấy?
- Đó là một vấn đề rất khó giải thích trong đôi câu. Muốn nhen nhúm ngọn lửa thiêng ấy, trước hết phải trị căn bịnh của thời đại. Nếu có thì giờ, tôi sẽ đề cập đến căn bịnh của thời đại, tìm nguyên nhân căn bịnh ấy và những phương thuốc để trị, mà trị căn chớkhông trị chứng và như thế mới khả dĩ nhen nhúm trong lòng mọi người một ngọn “lửa thiêng”.
CHỨNG BỊNH CỦA THỜI ĐẠI
- Thưa Giáo sư, thế nào là “bịnh của thời đại”? Có phải chỉ là căn bịnh của dân Việt Nam, hay là bịnh thời đại cho nhiều nước trên thế giới?
- Đúng là một căn bịnh cho nhiều nước trên địa cầu, những nước thuộc về “thế giới thứ ba”. Nhưng ở Việt Nam căn bịnh khá trầm trọng. Bịnh gây ra nhiều chứng, nhưng gốc của bịnh là “tự ti mặc cảm”, rồi sanh ra “bịnh vong bản”, “bịnh mất cá tính” và “bịnh vọng ngoại”.
- Tại sao lại mắc bịnh tự ti mặc cảm?
- Nguyên nhân thứ nhất của căn bịnh là do hoàn cảnh lịch sử. Nước Việt Nam đã mất chủ quyền trong gần 100 năm. Bị thất trận, bị đô hộ, bị thống trị, người Việt Nam thấy rằng về mặt kỹ thuật, không thể nào bì kịp người phương Tây. Lúc chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi thường nghe người Việt nói : “Nhà tây đẹp hơn nhà mình. Chó tây đẹp hơn chó ta. Bông glaieul đẹp hơn bông huệ. Bơ của tây thơm hơn mỡ chài. Người tây da trắng hơn, mũi cao hơn, đẹp hơn người mình. Người có đạo Thiên Chúa còn thấy rằng người Tây giống Đức Chúa Jésus hơn người Việt. Họ là con ruột của Chúa, mình là con ghẻ. Bao nhiêu nhận xét đó đủ làm cho người Việt tự ti mặc cảm đối với người Pháp”.
Người bị đô hộ thấy thua người đến cai trị mình về đủ mọi mặt, nhứt là trong lãnh vực vật chất. Từ đó đi đến chỗ tin rằng, nếu kỹ thuật họ cao, thì văn hóa họ cũng cao, chớ không nhớ rằng chỉ cần 25 năm có thể đào tạo một thế hệ kỹ sư, trong khi phải trải qua cả trăm cả ngàn năm mới tạo được một nền văn hóa.
Nước Việt Nam lại trải qua nhiều năm chiến tranh. Người nông dân làm việc trong đồng áng, trong mùa cấy hay mùa gặt, phải tránh lúc máy bay oanh tạc, im lặng làm việc trong đêm khuya, làm cho mau xong việc, không còn thì giờ rảnh rỗi, tâm hồn không thư thái, làm sao còn có thể cất cao tiếng hát giọng hò, để trao lời đổi ý, có khi trao đá đổi vàng và tạo những câu hò “huê tình” đầy thi vị?
Nguyên nhân thứ nhì là hoàn cảnh xã hội.
Dưới thời Pháp thuộc, người Việt, muốn được trọng vọng trong xã hội, phải ăn mặc tây (Âu phục), phải nói tiếng tây, phải biết đờn tây. Nhà ai có đàn piano là thuộc hạng “văn minh, tiến bộ”.
Học đàn Violon, thì rất hãnh diện khi xách đàn đi ngoài đường. Học đàn Cò thì xấu hổ, giấu đàn trong bao. Trong trường nhạc thì lớp dạy nhạc tây rộng rãi, sáng sủa, thầy dạy nhạc tây, đã đi tây về, nói tiếng tây thông thạo, đến trường bằng xe hơi, lương tháng rất cao. Trong khi thầy dạy nhạc Việt Nam đi bộ đến trường, không biết nói tiếng tây, không biết giảng lý thuyết theo sách vở, lương lại thấp hơn thầy dạy nhạc tây rất nhiều. Trong trường dạy nhạc có treo hình của các nhạc sĩ danh tiếng bên phương tây: Mozart, Beethoven, Chopin, Schubert… mỗi ngày, học sinh xem các vị ấy như thần tượng, như Phật trong chùa, như Chúa Trời trong nhà thờ, như Thần trong đình. Tự nhiên trong lòng các em học nhạc đều coi nhạc Việt Nam nhẹ hơn nhạc phương tây.
Nếp sống lại thay đổi rất nhiều, nhứt là ở trong thành thị.
Mẹ sanh con ra, ít khi ôm con vào lòng để ru con ngủ mà chỉ để con nằm trong nôi và mặc cho radio phát to những điệu nhạc hợp với thời trang, nhạc kích động hay nhạc khiêu vũ, miễn sao cho trẻ ngủ là được rồi.
Trong sân trường, ngoài đường phố, không còn nghe tiếng “trẻ em hát, trẻ em chơi”.
Ngoài đồng rộng, trên sông dài, không còn vang tiếng hò đối đáp như xưa.
Khi xưa, “công cấy” đi từ làng này sang làng khác, đi trên bờ dọc theo những thửa ruộng sâu đầy nước. Để quên con đường dài thì anh chị em trong đoàn cất cao giọng hò. Ngày nay, khi xe cải tiến chở nông dân đi từ làng này sang làng khác, nghe tiếng máy xe rù rù, người ngồi lắc lư, chen chúc, thì họ chỉ nói chuyện khào mà không thấy hứng để cất lên những “tiếng quan yêu dân chuộng”, để xưng mình là “người dạo kiểng lê viên” và gặp “gái thuyền quyên thì rủ nhau hò”.
Trên đồi Lim, trên sông Cầu, vắng bóng trai thanh gái lịch. Còn ai hát cò lả, trống quân, quan họ trữ tình, hay hát mời hát hỏi như thuở xa xưa?
Không còn tiếng phách Ca Trù giòn giã để phụ họa theo những câu hát Mưỡu, hát Nói hay tiếng đàn Đáy đưa hơi tiếp giọng cho các đào nương, hát ở “cửa đình”, hát thi hát hội, hay hát trong những tiệc cưới, tiệc khao.
Vỉa hè không còn vang tiếng trống đế của các phường chèo. Rạp hát bóng thu hút bớt khán giả của hát tuồng, hát bội.
Nếp sống mới đã lần lần đẩy lùi ca, nhạc, sân khấu truyền thống vào quên lãng.
Ở thành thị nhiều người thích nghe radio, hoặc xem truyền hình hơn đi xem hát. Sau này còn thêm video, làm cho các bộ môn nghệ thuật sân khấu gặp nhiều khó khăn!
Nguyên nhân thứ ba là điều kiện kinh tế.
Đến Đài phát thanh đờn nhạc Việt Nam lãnh thù lao chỉ được một, đờn nhạc tây lãnh thù lao gấp hai gấp ba.
Học nhạc tây dễ tìm việc hơn học nhạc Việt Nam truyền thống.
Biết chơi đờn lục huyền cầm, còn đờn ở nhạc hội, ở phòng trà, ở các buổi hội họp.
Biết chơi đàn dân tộc chỉ đờn chơi, giải trí, chớ không thể dùng nhạc truyền thống làm kế sinh nhai.
Âm nhạc không còn là một nghệ thuật để chúng ta phụng sự mà đã biến thành một món hàng để người ta bán. Quảng cáo rầm rộ và giới thiệu những loại nhạc “ăn khách”, hấp dẫn, kích động, ngang qua truyền thanh truyền hình trong những giờ gần hay sau bữa cơm chiều, trong khi âm nhạc dân tộc chỉ phát thanh, phát hình vào lúc khuya, lúc ít người xem, người nghe.
Trên thị trường thương mãi, tràn ngập dĩa hát, chương trình phát thanh, video truyền hình, phim điện ảnh do các nước tiên tiến về mặt kỹ thuật tung ra, bán khắp nơi, nhứt là trong các nước “chậm tiến”.
Nguyên nhân thứ tư là “bịnh làm biếng”
Người nông dân lao động ngày nay, không còn có can đảm đi “ngủ bọn” để học những bài hát “lề lối” của truyền thống quan họ như ngày trước, không muốn mất thì giờ học cách “buông hơi, bắt hơi” để hò đối đáp, chỉ thích nghe người khác hát, hơn tự mình hát.
Học đàn, học hát theo truyền thống, đòi hỏi nhiều thì giờ, lắm công phu luyện tập. Muốn hiểu được nghệ thuật Chèo, Tuồng, muốn thưởng thức tiếng phách Ca Trù, muốn biết được hơi Bắc, hơi Nam trong ca nhạc Huế, hay ca Cải lương tài tử, không phải một ngày một buổi mà được “nhập điệu”. Học khảy đàn Lục huyền cầm thì chỉ thuộc một số nhỏ hợp âm đã đủ sức đàn đệm cho người hát tân nhạc. Một số bài bản mới của Việt Nam hay của Nước ngoài, toàn là những điệu dễ nghe, dễ nhớ, mà cũng dễ quên, chỉ làm cho mình êm tai mà khỏi cần suy nghĩ. Những ai hơi làm biếng một chút thì nhứt định sợ các loại nhạc truyền thống mà chạy theo các lối nhạc thời trang.
Vì những lý do trên, thanh niên càng ngày càng đi xa âm nhạc, kịch nghệ dân tộc và trước sự tấn công ồ ạt của các loại nhạc kích động – thường được gọi là “nhạc trẻ” – thanh niên đã ít biết hát dân ca, nay lại say nhạc “Jazz”, nhạc “Pop”.
Không biết, không học đàn tranh, đàn bầu, mà thích sử dụng đàn guitar và organ điện. Không thích nghe nhạc Việt Nam, mà thích gật gù hay quay cuồng với nhạc Bắc Mỹ, Nam Mỹ, nhạc Âu Châu hoặc nhạc Hồng Kông, Đài Loan, tức là đã bị bệnh “tự ti mặc cảm” lậm sâu vào huyết quản, bịnh “vọng ngoại” thấm nhập cả tim gan rồi.
Bịnh đó rất trầm trọng, có thể vào trạng thái “kinh niên”, không phải chỉ một vài liều thuốc “trị chứng” mà có thể đánh lùi con bệnh, đem lại sức khỏe cho thanh niên Việt Nam đâu.
Có người nghĩ rằng nếu thanh niên quên vốn cổ, thì “bắt buộc” thanh niên học vốn cổ. Thanh niên mê nhạc nước ngoài thì “cấm” thanh niên biểu diễn nhạc nước ngoài. Đó là muốn “trị chứng” đấy. Nhưng làm sao có thể “ép buộc” người ta làm một việc mà người ta không thích thú, hay không thấy cần thiết phải làm? Và không có phương thuốc nào dở hơn là phương thuốc “cấm”. Cấm tức là xúi giục người ta làm những việc “bị cấm”, cho những “hàng bị cấm” càng thêm sức hấp dẫn của “trái cấm”.
Chúng ta đã thấy rõ rằng thanh niên không thích nhạc truyền thống, vì những hoàn cảnh lịch sử, xã hội, những điều kiện vật chất kinh tế, đã làm cho thanh niên đi xa và không còn hiểu rõ được truyền thống dân tộc, không hiểu mới sinh ra “tự ti”, vì tự ti mới sinh ra vọng ngoại. Thì trị căn, tức là làm sao đánh tan mặc cảm tự ti, bằng cách tiêm vào trong tâm hồn thanh niên niềm “ tự hào dân tộc”.
Muốn có “tự hào dân tộc”, phải nhận thức được giá trị của nhạc dân tộc, phải quen thuộc với nó, phải thấy mình gắn bó mật thiết với nhạc dân tộc. Muốn được vậy, phải thay đổi cách sống, thay đổi thái độ của chúng ta đối với âm nhạc, kịch nghệ dân tộc, phải tìm hiểu nghệ thuật truyền thống, phải nghiêm túc thi hành những biện pháp chúng tôi sẽ nêu ra một cách toàn diện và đồng bộ.
Bắt đầu là tạo điều kiện cho tiếng hát ru sống lại. Cùng một lúc với dòng sữa nóng của người mẹ truyền sang cơ thể của em bé, có một điệu hát ru rót vào tiềm thức của em. Đó là bài giáo dục âm nhạc đầu tiên, là một nét nhạc dân gian gắn liền với tình con thương mẹ. Em bé lớn lên, trong tiềm thức của em cũng như trong bộ nhớ của một máy tính điện tử đã có sẵn những nét nhạc dân tộc. Em yêu mẹ, em sẽ yêu những nét nhạc đã gắn liền với cánh tay ấm, với dòng sữa ngọt của mẹ lúc em còn nằm trong nôi.
Khi em đến tuổi biết chạy chơi, thì dạy cho em hát những bài hát dân gian phù hợp với tâm hồn trẻ em, như mấy bài “Nu na nu nống”, “Chi chi chành chành”, “Con công hay múa” hay những bài hát sáng tác cho trẻ em, mà đậm màu sắc dân tộc. Cho các em làm quen với trống da ếch, với kèn lá chuối, với ống đu đủ, với phách tre. Dạy cho các em biết xướng âm tiếng Việt Hò, Xự, Xang, Xê, Cống trước khi học Do, Re, Mi, Fa, Sol cũng như dạy cho các em biết nói tiếng Việt trước khi học ngoại ngữ. Cho các em nghe tiếng nhạc cụ dân tộc, làm quen với những điệu múa dân gian trước khi cho các em tiếp xúc với ca vũ nhạc nước ngoài.
Trên đồng áng, trên sông rạch, khuyến khích nông dân vừa làm việc vừa hò đối đáp, tặng giải cho những người hò tốt giọng, ứng đối nhanh, sáng tạo những câu hò phù hợp với nếp sống mới. Vừa hát đối đáp, vừa làm việc, năng suất sẽ cao hơn. Ít nhất cũng cho nông dân nghe những lối hát dân gian, dân tộc truyền thống có liên quan đến công việc làm. Trong giờ nghỉ giải lao, cho nghe băng ghi âm những câu hò điệu hát xưa còn lại, hoặc do các danh ca trẻ tuổi biểu diễn.
Ủng hộ, nâng đỡ, khuyến khích các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc, những đoàn ca múa nhạc dân tộc để cho nghệ thuật dân tộc đừng mai một, để cho khán giả không bị nghệ thuật sân khấu nước ngoài hay điện ảnh đẩy lùi vào bóng tối.
Trong các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học và cả đại học, nên có chương trình giáo dục âm nhạc. Học sinh không cần biết trong chi tiết, nhưng ít nhất cũng biết qua các loại đối ca nam nữ, Quan họ, Trống quân, Cò lả, Hát xoan, Hát ghẹo là gì? Hát chèo khác hơn hát Tuồng, hát Bội thế nào? Tại sao lại gọi tuồng Thầy, tuồng Pho, tuồng Đồ… Trong các trường tiểu học, trung học của nhiều nước trên thế giới đều có giờ giáo dục âm nhạc. Dưới thời thuộc địa, học sinh trung học Việt Nam lại phải biết các ông Molière,Racine, Corneille là ai, phải học thuộc lòng nhiều đoạn tuồng của các ông đã viết từ thế kỷ thứ XVII. Vậy mà học sinh Việt Nam, mấy cậu, mấy cô biết được các cụ Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh là ai? Và thuộc được mấy câu trong vở tuồng Thầy San Hậu? Không biết, làm sao hiểu? Không hiểu, làm sao nhận thức được giá trị nghệ thuật của kịch nghệ truyền thống Việt Nam?
Báo chí và các phương tiện truyền thông nên làm tròn phận sự thông tin đầy đủ về âm nhạc, kịch nghệ truyền thống. Nên nghĩ đến việc giáo dục thẩm mỹ cho độc giả hay thính giả. Cần có những bài báo, bài nói chuyện, có giải thích trên đài phát thanh, đài truyền hình về giá trị nghệ thuật của ca, vũ, nhạc dân tộc Việt Nam nhiều hơn trước và phát thanh, phát hình vào những giờ thuận tiện cho khán thính giả theo dõi chương trình.
Cần có những lớp đào tạo giáo viên thông hiểu đại cương về âm nhạc, kịch nghệ Việt Nam để dạy chương trình phổ thông về các bộ môn nghệ thuật ấy.
Cần có thêm nhiều nhà sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc và kịch nghệ dân tộc để nêu lên những đặc điểm, những nét độc đáo trong âm nhạc, kịch nghệ Việt Nam, in thành sách, báo, tạp chí có tính cách phổ thông cho quảng đại quần chúng.
Cần có những cuộc thi về nhạc cụ dân tộc, giọng ca dân tộc, kịch nghệ dân tộc để khuyến khích và phát hiện tài năng của các nghệ sĩ trong giới trẻ.
Cần phải tôn trọng và ưu đãi những nghệ sĩ truyền thống. Như ở Nhựt Bổn và Hàn Quốc, người nghệ nhân có công giữ gìn và phổ biến âm nhạc, kịch nghệ dân tộc được phong chức “Quốc gia chi bửu”. Ở Ấn Độ, danh hiệu “Padma Shri” cũng dành cho các bậc nhạc sư đã lâu năm chầy tháng truyền dạy hoặc biểu diễn âm nhạc truyền thống Ấn Độ. Có tôn trọng người Thầy trong truyền thống thì tuổi trẻ mới không coi thường những vị đã suốt đời tận tụy với nghệ thuật cổ truyền.
Tất cả những điều tôi nêu trên là những “vị thuốc” tối cần để trị tận căn chứng bệnh “tự ti mặc cảm” và bồi bổ cho “tính tự hào dân tộc”. Vị thuốc nào cũng có công dụng của nó. Không thể bỏ bớt vài vị vì lý do này hay lý do khác.
Nếu các biện pháp ấy được thực hiện đồng bộ và ngay từ bây giờ thì trong vài ba năm nữa, chúng ta có thể thấy được kết quả tốt, tức là sẽ có nhiều người tự hào với vốn dân tộc, thương yêu, bảo tồn, truyền bá âm nhạc và kịch nghệ dân tộc, sẽ không còn cảnh nghệ thuật truyền thống bị đẩy lùi trong bóng tối và chìm trong quên lãng. Sẽ có nhiều thanh niên thiếu nữ trở về nguồn, vì có ý thức giữ bản sắc dân tộc, có ngọn lửa thiêng nhen nhúm trong lòng các bạn ấy, chớ không phải vì một “phong trào”, một “chánh sách”, một “biện pháp” nào lôi cuốn thanh niên trở Về nguồn mà thanh niên sẽ tự nguyện trở Về nguồn. Như thế dân tộc Việt Nam sẽ đủ sức chống lại bất cứ sự “tấn công văn hóa” nào và truyền thống âm nhạc, kịch nghệ dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ bị tiêu diệt. Mong thay! Mong thay!
Trần Văn Khê
(ảnh tư liệu do GS Trần Văn Khê cung cấp)
trantruongca wrote on Apr 7, '08, edited on Apr 8, '08
Trả lờiXóaKhánh Vân ơi!
Thầy là người đầu tiên vào Mạng để xem Blog của Thầy do Khánh Vân tạo. Thầy rất ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy mình ngang qua nhãn quang và tâm trí của một sinh viên tuổi mới tròn đôi mươi, mà có cái nhìn sâu sắc của một người biết giới thiệu chủ nhân của Blog nầy bằng một bản nhạc, một bài thơ và những tư liệu mà người đó muốn gởi gắm đến những người thân, gia đình, bạn tri kỷ, khách tri âm, bạn bè thân hữu trong và ngoài nước, đồng nghiệp xa gần, những môn sinh lớn nhỏ, trong thế hệ này và cả mai sau.
Cám ơn con, Khánh Vân, một môn sinh thương quí của Thầy.
Trần Văn Khê