Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

NGUYỄN TRÃI & ÂM NHẠC


NGUYỄN TRÃI & ÂM NHẠC

TRẦN VĂN KHÊ


Đôi dòng tiểu sử

Nhắc tới Nguyễn Trãi, đa số chúng ta đều biết rằng ông sanh tại Nhị Khê, tỉnh Hà Tây, năm Canh Thân (1380), cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, tôn thất nhà Trần; con trai của Nguyễn Phi Khanh. Lúc 20 tuổi (1400) đã đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) dưới thời nhà Hồ.

Năm 27 tuổi theo cha bị quân Minh bắt giải về Kim Lăng (1407), tới Nam quan, định đi theo để phụng sự cha trong cảnh tù đày. Nhưng để trọn hiếu, nghe theo lời cha khuyên phải trở về tìm cách báo thù cha, rửa hận nước. Ông bị giam lỏng tại Nam Đông Quan (Hà Nội).

Năm 38 tuổi (1418), ông cùng Trần Nguyên hãn trốn vào Lam Sơn, góp sức với người anh hùng áo vải Lê Lợi khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi, đem lại độc lập cho nước, tự do cho dân tộc. Ông nổi tiếng với bài Bình Ngô Đại Cáo, và là tác giả của Gia Huấn Ca, Ức Trai Thi Tập, Dư Địa Chí, Quốc Âm Thi Tập…, là một người văn võ toàn tài.

Theo phò vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), đến ngày vua băng hà, ông lui về ẩn dật tại Côn Sơn, tỉnh Hải Dương. Năm 1434 vua Lê Thái Tông lại triệu ra làm quan. Đã nhiều lần dâng sớ cho nhà vua trong những công việc giữ nước, dựng nước.

Vua Thái Tông ái mộ Nguyễn Thị Lộ, phu nhân của Nguyễn Trãi, gọi vào cung cho làm “Lễ nghi nữ học sĩ”, dạy lễ nghi, văn chương cho các cung nữ. Khi đi tuần miền Đông, vua nghỉ đêm tại nhà của Nguyễn Trãi (vườn Lệ Chi, xã Đại Lai, trên sông Thiên Đức). Sau một đêm vua băng hà. Triều đình, các hoạn quan cho rằng Nguyễn Thị Lộ đã âm mưu giết vua và buộc tội cả Nguyễn Trãi.

Ngày 16.08 năm Nhâm Tuất (1442), Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị tru di tam tộc. Nỗi hàm oan ấy ngày nay mới được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử làm sáng tỏ, nêu bật lòng trung quân ái quốc của Nguyễn Trãi cùng phu nhân Nguyễn Thị Lộ và ác tâm của bọn hoạn quan, đã cho một tỳ nữ lén bỏ thuốc độc vào bình trà của nhà vua để vu oan Nguyễn Thị Lộ và trả thù Nguyễn Trãi.

Có lẽ ít người biết rằng Nguyễn Trãi làu thông âm nhạc và đã tham gia vào việc nghiên cứu, xây dựng nền âm nhạc cung đình của nhà Lê.

Nguyễn Trãi và âm nhạc

Có lẽ cũng cần nhắc lại một điểm quan trọng: dù rất rành chữ Hán nhưng trong sáng tác Nguyễn Trãi dùng chữ Nôm nhiều hơn cả các văn nhân thời đó. Rất nhiều bài thơ của ông (trong Quốc Âm thi tập), đặc biệt tập “Gia Huấn Ca” được viết bằng chữ Nôm.

Ông rất sành nghệ thuật uống trà, biết thưởng thức trà ngon của Trung Quốc nhưng vẫn thích trà “Tước thiệt” (lưỡi chim se sẻ) trồng tại Quảng Trị hơn các loại trà Trung Quốc. Lúc giải trí ông không thích dùng các nhạc khí và những bản đàn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong bài thơ Tự Thuật ông đã viết: “Cầm Nam ta gảy khúc Nam thôi…”.

Sau khi lên ngôi – Đinh Tỵ năm thứ tư 1437 mùa xuân tháng giêng, vua Lê Thái Tông đã sai quan Hành khiển Nguyễn Trãi cùng với lễ bộ Ty giám là Lương Đăng đốc làm loan giá, nhạc khí, dạy tậ nhạc và múa (“Đại Việt sử ký toàn thư”, tập III, quyển XI, tr.112 – 146).

Hành khiển Nguyễn Trãi dâng biểu về khánh đá và tâu rằng: “Kể ra thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm Lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn sợ rằng trong khoảng thanh luật (1), khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”. Vua khen nhận, sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kinh Chủ để làm.

Đoạn vừa kể trên chứng tỏ Nguyễn Trãi đã có học lý thuyết về âm nhạc, nhưng lại có một tư tưởng rất mới: Trong âm nhạc có nội dung (mà ông gọi là gốc của âm nhạc) vàhình thức (là văn của âm nhạc). Theo ông, cái văn không quan trọng bằng cái gốc và cái gốc xuất phát từ nhân dân. Nếu quốc thái dân an, nhân dân có được một đời sống sống ấm no, đầy đủ, được tình thương lo của nhà vua thì chỉ có tiếng nhạc vui tươi. Nếu nhân dân bị thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, cất tiếng ta thán, tiếng nhạc sẽ bi ai, và ông cho rằng như thế là đã mất gốc của âm nhạc. Trong lịch sử chính trị và văn hóa nước ta, chưa người nào đưa ra những ý kiến sâu sắc về âm nhạc như vậy.

Trong lúc làm việc với Lương Đăng, nhiều điểm bất đồng đã nảy sinh giữa hai người. Lương Đăng có ý muốn chép y lại những quy định nhạc cung đình của nhà Minh, đặt ra hai dàn nhạc Đường thượng chi nhạc tấu trên cung điện, và Đường hạ chi nhạc tấu dưới sân đình.

Dàn Đường thượng chi nhạc gồm 8 loại nhạc khí thuộc về 8 âm (Bát âm) giống như dàn nhạc Triều hạ yến hưởng chi nhạc của nhà Minh, chỉ khác số nhạc khí được dùng trong biên chế.

  1. Huyền đại cổ (trống lớn treo) thuộc về âm cách (da)
  2. Biên khánh (một dàn 12 chiếc khánh nhỏ) thuộc về âm thạch (đá)
  3. Biên chung (một dàn 12 chuông nhỏ cùng một cỡ mà trọng lượng khác nhau) thuộc về âm kim (đồng)
  4. Thiết sắt cầm (đàn sắt 25 dây tơ, đàn cầm 7 dây tơ) thuộc về âm ty (tơ)
  5. Ống sinh (một loài kèn bè) thuộc về âm bào (bầu)
  6. Các loại ống tiêu (thổi dọc), quản, thược, trì (loại sáo trúc cổ, thổi ngang) thuộc về âm trúc (tre)
  7. Chúc ngữ (chúc là một cái thùng bằng gỗ, trên lớn dưới nhỏ; ngữ là một loại hạc khí gõ hình con cọp, trên lưng có những răng để cho nhạc công cầm một miếng gỗ quẹt nhẹ dài theo lưng cọp gây nên tiếng “rẹt, rẹt”) thuộc về âm mộc (cây)
  8. Huân (một ống thổi hình trứng ngỗng, có khoét một lỗ để thổi và sáu lỗ dùng những ngón tay bấm vào, làm bằng đất nung) thuộc về âm thổ (đất)
Về các loại nhạc, Lương Đăng đề nghị có 8 loại:

  1. Giao nhạc (dùng trong cuộc tế Nam giao)
  2. Miếu nhạc (dùng trong các miếu như Thái miếu, Thế miếu, Văn miếu…)
  3. Ngũ tự nhạc (dùng trong năm cuộc tế lễ, theo người xưa thì có thể dùng tế thần năm sắc trong cung, hoặc là năm vị thần mang tên Câu mang, Mục thư, Huyền minh, Chúc dương, Hậu thổ). Có người cho rằng năm vị thần trong cuộc tế lễ thuộc về hộ (cửa), táo (bếp), trung lưu (giữa nhà), môn (cửa lớn), hành (đường đi)
  4. Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc (dùng để cứu mặt trời, mặt trăng trong lúc nhật thực, nguyệt thực, vì theo tín ngưỡng của một số người Việt, khi nhật thực, nguyệt thực đang diễn ra, lúc đó có một con gấu khổng lồ muốn nuốt mặt trời và mặt trăng nên lúc đó phải có một loại nhạc dùng trống to đánh lên để làm cho con gấu hoảng sợ không dám nuốt)
  5. Đại triều nhạc (dùng trong những buổi quan trọng như Lễ ngày sanh của nhà vua, Tết Nguyên đán, ngày mồng một hay ngày rằm…)
  6. Thường triều nhạc (dùng trong những buổi triều chính thường trong tháng)
  7. Đại yến cửu tấu nhạc (dùng trong những buổi tiệc lớn)
  8. Cung trung chi nhạc (dùng để tấu trong cung như một đoạn nhạc tiêu khiển cho nhà vua và triều thần)
Bốn tháng sau, Hành khiển Nguyễn Trãi tâu rằng: “Mới rồi bọn thần cùng với Lương Đăng sửa định Nhã nhạc, nhưng sở kiến của Thần không giống sở kiến của Lương Đăng, thần xin trả lại mệnh ấy”.

Trước kia, Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định quy chế mũ áo, chưa kịp thi hành, Lương Đăng dâng thư, đại khái nói: “Kể Lễ thì có lễ đại triều, lễ thường triều. Tế Trời, cáo miếu, ngày thánh tiết, ngày Nguyên đán thì làm lễ đại triều, Hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan mang áo mũ triều. Còn như những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan mặc áo công, đội mũ phát đầu. Thường triều thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi sập vàng, trăm quan mặc áo thường, cổ tròn, đội mũ sa đen. Về Lễ bộ thì có đại giá, xe loan lớn, xe ngựa kéo, có kiệu cửu long (chín con rồng), kiệu thất long (bảy con rồng), có xe người kéo, đi bước một, xe chạy nhanh”.

Thư ấy dâng lên. Vua sai Lương Đăng định. Lương Đăng nhân thể mới dâng lên quy chế về áo mũ và nhạc khí. Đại khái quy chế do Lương Đăng và Nguyễn Trãi định, nhiều chỗ không hợp nhau; lời bàn về nhạc khí, lớn nhỏ, nặng nhẹ, nhiều điều trái nhau, mà cách tấu cũng không giống nhau, vì thế mà Nguyễn Trãi từ việc. Vua nghe lời đề nghị của Lương Đăng rồi làm theo (sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không có ghi lại lời đề nghị của Nguyễn Trãi).

Vua sai chép các nghi thức ấy treo ở ngoài cửa Thừa Thiên. Vua lễ yết Thái miếu, các quan mặc triều phục làm lễ bắt đầu từ đấy.

Mặc dầu không đồng ý với cách sắp đặt của Lương Đăng, Nguyễn Trãi cũng không chỉ trích biên chế của dàn nhạc và các loại nhạc, nhưng khi hành lễ thì những chi tiết trong cách tấu nhạc có nhiều điểm rất sai. Nguyễn Trãi (với sự đồng tình của một số quan trong triều đình như Tham tri Bạ Tịnh, Nguyễn Tuyền, các quan Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu) dã dâng sớ tâu rằng: “Đặt lễ làm nhạc, tất phải đợi được có người mới làm, được như Chu Công thì mới không có ai chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan Lương Đăng một mình định lễ nhạc, cả nước chẳng nhục lắm ư? Vả lại, lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không bằng cứ vào đâu. Như trước kia, đánh trống là báo giờ ra chầu buổi sớm, nay nhà vua ra chầu rồi mới đánh trống. Theo quy chế xưa, lúc vua ra, bên tả đánh chuông Hoàng chung, rồi năm chuông bên hữu ứng theo; lúc vua vào thì đánh chuông Nhuy tân (Di tân, một trong 12 luật lữ), rồi năm chuông cùng ứng theo. Nay vua ra chầu đánh 108 tiêng chuông, đó là số nhà sư lần tràng hạt. Theo quy chế thì vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có sập vàng, ở điện Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, thế là lễ nghi gì?”.

Đám hoạn quan vì thế rất thù ghét Nguyễn Trãi và nghĩ ra mưu kế làm hại Nguyễn Trãi tại Lệ Chi Viên.

♫♫♫♫

Đọc lại trang sử đó, tôi không khỏi ngậm ngùi và tiếc cho một người tài ba lỗi lạc, hiếu với cha, trung với nước. Khi vua không phải là minh quân thì ông đã treo ấn từ quan, nhưng lúc quốc gia cần thì phụng sự hết lòng hết dạ. Trong nếp sống và quan điểm về âm nhạc, ông coi trọng bản sắc dân tộc và bài trừ những tư tưởng vọng ngoại.

Khi xưa, vì một Lương Đăng mà nhạc cung đình nhà Lê không được xây dựng vững chắc. Ngày nay, trong những việc tổ chức âm nhạc tại nước Việt, chúng ta cũng phải tránh để đừng có những “Lương Đăng” vọng ngoại và coi thường nhạc cổ truyền ViệtNam.

Bình Thạnh, ngày 26.12.2007

(1) Thanh luật là Thất thanh thập nhị luật lữ. Bảy thanh của thang âm thời xưa là Cung-Thương - Giốc - (biến chủy) - Chủy – Vũ – (biến cung).

Thập nhị luật lữ là 12 âm chuẩn, có 6 luật (thuộc về dương) và 6 lữ (thuộc về âm) theo cổ nhạc Trung Quốc mà người Việt có học đều biết:

1- Hoàng chung; 2- Đại lữ; 3- Thái thốc; 4- Giáp chung; 5- Cô tẩy; 6- Trọng lữ; 7- Nhuy tân (có nơi đọc là Di tân); 8- Lâm chung; 9- Di tắc; 10- Nam lữ; 11- Vô xạ; 12- Ứng chung.

Những âm 1-3-5-7-9-11 là luật; 2-4-6-8-10-12 là lữ

1 nhận xét:

  1. lengochan wrote on Sep 17, '08

    Bài này hay quá thưa Thầy. Con nghĩ nếu có dịp nghe Thầy giảng, chắc còn nhiều chi tiết thú vị hơn về cụ Nguyễn Trãi.

    Nghĩ lại thời nay Lương Đăng cũng nhiều và nắm quyền lực để nền âm nhạc nước nhà trái đắng nhiều hơn trái ngọt như bây giờ

    Con Lê Ngọc Hân

    trantruongca wrote on Sep 17, '08, edited on May 31, '09

    Ngọc Hân ơi!
    Ngày xưa có Lương Đăng "Tàu". Ngày nay có Lương Đăng "Tây"
    Nhưng có ai là Nguyễn Trãi thời nay để "dâng sớ can Vua" ???
    Thầy cũng xót xa vô cùng nên đã không ngại đem cả sức tàn lưc tận, tung trời vượt biển để "đem tiếng nhạc chân chính của dân Việt sâu trong dân và rộng khắp năm Châu".

    Thầy TVK

    Trả lờiXóa