Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

ĐÀN AI MỘT TIẾNG DƯƠNG TRANH

ĐÀN AI MỘT TIẾNG DƯƠNG TRANH
GS. Trần Văn Khê 


Bên tai tôi tới giờ vẫn còn văng vẳng một câu hát, đó là câu cuối trong bài Thét nhạc mở màn cho Liên hoan Ca trù toàn quốc 2005 tại Hà Nội, cũng là câu Dương Khuê mượn làm câu kết trong Đào Hồng Đào Tuyết - bài Hát nói được chọn làm tiết mục bắt buộc với tất cả các đào nương tham dự Liên hoan. Vì thế trong hai ngày liền tại Văn Miếu cổ kính đã vang lên không biết bao nhiêu lần qua các giọng ca khác nhau cùng một câu hát: "Đàn ai...".

Hai ngày được sống trọn vẹn trong một bầu không khí tưng bừng mà trang nghiêm, trong cảnh Hát cửa đình theo phong cách xưa, có trống chiêng liên hồi, trầm hương nghi ngút, có dâng lễ vật, múa bỏ bộ, múa bát dật. Thật đẹp mắt được ngắm nhìn những vũ nữ xiêm y lộng lẫy, thật êm tai được thưởng thức những điệu hát cung đàn. Lời thơ hòa với tiếng nhạc, giọng ca thêm đẹp thêm duyên nhờ cách ém hơi nhả chữ, quyện trong tiếng đàn khi vê khi vẩy, khi bổng khi trầm, lúc mau lúc chậm, cuốn theo nhịp khoan nhịp dồn giòn giã của phách con phách cái, tiếng tom chát vừa chấm câu vừa phê phán của trống chầu. Thật, mà tôi cứ ngỡ như một giấc mơ!

Tôi sẽ không tường thuật chương trình mà chỉ muốn ghi lại vài cảm nghĩ về cuộc Liên hoan đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi.

Trước hết, tôi muốn nêu những yếu tố căn bản mà Ca trù có được, đủ điều kiện để làm hồ sơ đệ trình Unesco xét duyệt vào danh sách những kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại:

1) Có bề dầy của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật.

2) Đã có lúc bị chìm trong quên lãng, dù là một nghệ thuật cao siêu và độc đáo sanh ra từ thuở xa xưa tại Việt Nam chớ không du nhập từ nước ngoài.
3) Chánh quyền rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật ca trù: Unesco sẽ không tôn vinh một nghệ thuật đã không còn chỗ đứng trong xã hội hiện nay. Trong Liên hoan này, Ca trù được khẳng định là một "di sản phi vật thể quí báu của dân tộc" và Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin đã "giao trách nhiệm cho Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin Hà nội, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2000" (phát biểu của Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Lê Tiến Thọ).

4) Nghệ thuật Ca trù được quần chúng yêu mến : trong đợt Liên hoan này tại Khu di tích Nguyễn Du ở Hà Tĩnh (26-27/3/05) và Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội (2-3/4/05) lúc nào cũng đầy nghẹt người đến nghe hát, xem múa.

5) Được tuyên truyền trên các báo, Đài phát thanh, Truyền hình: Liên hoan được đưa tin đầy đủ lễ khai mạc, các buổi thi, lễ phát giải và lễ bế mạc cho đông đảo quần chúng có thể theo dõi từ xa.

6) Các nghệ sĩ, chuyên gia cũng thiết tha với việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật Ca trù : Liên hoan đã hội tụ các nghệ nhân cao niên, các nghệ sĩ trung niên và những mầm non, tất cả trên 70 diễn viên từ 20 CLB Ca trù, cùng các nhà nghiên cứu, sử gia, thi sĩ yên mến nghệ thuật Ca trù.

7) Được Quỹ Ford tài trợ: sau khi xem xét và nhìn nhận giá trị đặc biệt của nghệ thuật Ca trù, quỹ Ford đã tài trợ tổ chức Liên hoan. Sự tài trợ này có giá trị như một cuộc sơ khảo của Unesco.

Nhiều hình ảnh và âm thanh ghi trong Liên hoan sẽ là những minh họa sống động cho phần giới thiệu nghệ thuật Ca trù trong hồ sơ đệ trình Unesco.

Trên đây là những điều kiện cần để Ca trù có thể trở thành một "ứng cử viên" được Unesco xem xét và đánh giá.

Điều đáng mừng là Liên hoan Ca Trù toàn quốc năm 2005 đã cho thấy cái đẹp của hình thức đi đôi với chiều sâu của nghệ thuật.

Không những nghệ sĩ biểu diễn mặc quốc phục, mà cả Ban giám khảo - từ chánh khảo PGS.TS Vũ Nhật Thăng đến các ủy viên - đều rất đẹp trong chiếc áo the, đầu chít khăn đen, còn các bà mặc áo dài nhung đen, tóc bỏ đuôi gà. Vũ nữ cũng mặc xiêm y theo truyền thống, áo năm thân, thắt lưng lụa màu, tay cầm quạt cầm hoa, khi múa Cửa đình đi chân trần theo đúng nghi lễ ở chốn trang nghiêm. Bàn chân của phụ nữ Việt Nam, cũng như của phụ nữ nhiều nước châu Á rất đẹp. Đài truyền hình Pháp có lần chỉ quay bàn chân và bước đi của các thiếu nữ Philipine trong đoàn Bayanihan sang châu Âu biểu diễn với lời giới thiệu: "Mời quí vị xem bàn chân và dáng đi dẹp nhứt thế giới". Các vũ nữ Lào, Khmer, Indonesia, Ấn Độ đều đi chân không. Ngắm bàn chân của các cô gái Việt Nam khi đi tới đi lui, lúc bước qua bước lại, tôi cứ nhớ đến chàng trai trong câu hát Trống quân "để anh mua gạch Bát Tràng, xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân", nhớ tới cô gái Huế "nhón chân bước thuyền" đã làm cho cố Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phải "tình mơ thương nhớ" trong bài Hương giang dạ khúc.

Theo tôi, mặc quốc phục xưa đâu phải vì muốn giống vua quan thời phong kiến, mà để cho hình thức phù hợp với nội dung, nghệ thuật được toàn diện từ ngoài đến trong. Người phương Tây uống rượu champagne bằng ly thủy tinh hay pha lê, uống bia dùng loại "chope", người Trung Quốc hay Việt Nam thưởng thức trà trong chén nhỏ bằng đất nung, người Nhựt Bổn nhắm sa kê trong chung sứ nhỏ. Cứ thử uống rượu champagne trong cái ly giấy, uống bia trong một chén đá, uống trà ngon trong cái tô con Rồng, nếm sa kê trong chiếc ly chuyên dùng uống rượu đỏ, các bạn sẽ thấy hương vị của rượu quí trà ngon mất đi rất nhiều.

Vậy hãy thử nghe hai nhóm Ca trù, một nhóm không cần hình thức cổ truyền: người hát mặc áo đầm, người đàn đáy mặc quần bò, người cầm chầu mặc đồ Tây cổ thắt nơ..., còn nhóm kia theo đúng truyền thống: đào nương mặc áo the đen ánh lên sắc đỏ từ chiếc áo dài bên trong, đầu vấn khăn nhung buông tóc đuôi gà, người đàn đáy và cầm chầu mặc áo dài khăn đóng, các bạn sẽ có cảm giác khác nhau lắm.

Tôi thấy các nghệ sĩ châu Á đều mặc quốc phục khi biểu diễn nhạc truyền thống. Nghệ sĩ đàn Guqin (cổ cầm) Trung Quốc hiện nay luôn mặc áo vạt dài. Còn các nhạc công Việt Nam, phụ nữ thì mặc áo dài rất đẹp, nhưng nam giới trong khi đánh đàn bầu đàn nhị thổi sáo lại mặc áo sơ mi quần Tây, còn khoác thêm áo gilet màu theo kiểu Nga hay dân tộc Tziganes, tôi cảm thấy chút gì đó chưa ổn.

Trong Liên hoan này, riêng tôi đã có được bốn niềm vui.

Cái vui nhứt là được gặp gỡ và trò chuyện với nhiều bực lão thành trong truyền thống Ca trù như cụ Chu Hà - nhà văn nhà thơ sáng tác nhiều bài Hát nói trong đó có Xuân Rồng đã được cố nghệ nhân Quách Thị Hồ trình bày trong đĩa hát của Unesco: "Đào thắm, mai vàng chung kế hoạch năm năm". Tôi còn giữ một bài cụ Chu Hà viết tặng tôi qua giọng ca của cụ bà Quách Thị Hồ:

Trần ai bay bổng sơn khê

Hồn say nghệ thuật vì quê hương mình.


Nghệ nhân Ngô Trọng Bình, thành viên Ban giám khảo, người thạo cách cầm chầu và chuyên đàn đáy, đã tức hứng đặt một bài Mưỡu và Hát nói Duyên nợ ca trù, rồi chép tay tặng tôi ngay trong Liên hoan:

Ôm đàn từ thuở mười ba

Lời ca nhịp phách giao hoà tiếng tơ.

………………………………

Tay phách kia chưa lặng tiếng im hơi

Thì đàn đáy tang tình còn góp mặt

Nắn phím tơ rung, âm giai dìu dặt

Cùng hoà chung mưỡu, nói, thiên thai

Ca trù nay đã tái lai.


Tôi rất vui có dịp gặp gỡ nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm), tác giả cuốn sách Góp phần tìm hiểu lịch sử Ca trù.

Cái vui thứ nhì là được gặp những người nước ngoài mê Ca trù. Giáo sư Hàn Quốc Chun In Pyong không biết tiếng Việt mà vẫn theo dõi Liên hoan suốt hai ngày, sau đó còn đến nghe tôi thuyết trình cả một ngày về lịch sử, truyền thuyết và những nét đặc thù của Ca trù tại Viện Âm nhạc. Ông ngạc nhiên vì Ca trù đem lại cho ông cảm giác quen thuộc chứ không xa lạ. Tôi trả lời rằng từ hơn 20 năm nay tôi đã để ý trong cấu trúc thang âm Ca trù và cấu trúc thang âm điệu thức Kye-myong-Jo trong dân ca và bộ môn Pansori của Triều Tiên có điểm giống nhau. Điều này làm ông thú vị vì được gợi đến một hướng nghiên cứu đối chiếu trong ngôn ngữ âm nhạc.

Người thứ hai là ngài đại diện Quỹ Ford. Tại Festival Huế năm ngoái, ông đã đến khán đài Ngọ Môn chào tôi và nói bằng tiếng Việt: "Thầy không nhớ em chớ em vẫn nhớ thầy. Em là Michael đã học 40 tiết nhạc Việt Nam với thầy tại Đại học Honolulu năm 1988". Trong Liên hoan này ông ngồi ngay bên cạnh tôi. Khi tôi ngỏ lời cám ơn Quỹ Ford đã tài trợ cho chương trình "Đào tạo diễn viên ca trù trẻ" năm 2002 và nay lại tài trợ cho Liên hoan Ca trù toàn quốc, ông mỉm cười: "Thật ra Quỹ Ford phải cám ơn thầy. Nhờ bài giảng của thầy tại Đại học Honolulu mà em say mê Ca trù từ năm 1988. Mãi đến gần đây em mới có dịp thực hiện ý nguyện của mình là làm gì đó giúp cho nghệ thuật Ca trù đừng bị chìm vào quên lãng". Tôi xúc động không ngờ cậu sinh viên trẻ người Mỹ học tôi từ 18 năm trước vẫn còn nhớ thầy, cũng không ngờ bài giảng sơ lược của tôi về Ca trù tại Honolulu lại có hiệu quả đến vậy.

Niềm vui thứ ba là tôi được mời phát biểu hai lần tại Liên hoan, trước một cử tọa toàn cỡ chuyên gia về ca trù. Chưa bao giờ phát biểu mà lòng tôi lo âu như lần này, vậy nên tôi đã mở đầu: "Tôi là người «ngoại đạo», sanh trưởng tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang, vùng lưu vực sông Cửu Long, trong một gia đình bốn đời chuyên nhạc tài tử miền Nam, sống tại nước ngoài trên 55 năm, chỉ bắt đầu học Ca trù với các nghệ nhân Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Đinh Khắc Ban, nhà thơ Trúc Hiền, học vội vàng mà chưa bao giờ được thực nghiệm. Nhưng trước cử toạ toàn người nước ngoài, tại các trường Đại học, tôi mạnh dạn nói về Ca trù, vì thính giả không ai biết gì về Ca trù cả và vốn hiểu biết hạn chế của tôi cũng đủ để thuyết phục họ. Nay phải nói về những nét độc đáo trong nghệ thuật Ca trù trước một cử toạ nhiều chuyên gia như hôm nay, tôi có cảm giác mình đang «đánh trống trước cửa nhà sấm, múa búa trước cửa Lỗ Bang»! Nếu tôi có nói đều chi chưa đúng xin quí vị thẳng thắn chỉnh những sai lầm của tôi. Tôi rất vui và sẵn sàng lĩnh giáo". Thật may, sau buổi họp tôi được vài vị cho rằng những điều tôi nói không sai!

Niềm vui thứ tư của tôi là trong khung cảnh tráng lệ của Văn Miếu, cháu Thúy Hoà đã hát tặng tôi bài Mưỡu và Hát nói Nghĩ thay viết thế của Nguyễn Thị Đoan - một người bạn quí của tôi nay đà quá vãng - đã viết "trêu" tôi từ năm 1995:

(Mưỡu) Thế gian nghĩ cũng nực cười

Mình chưa muốn nói có người nói thay!

Sự đời đến thật là hay,

Mình chưa kịp viết, viết thay cho mình;

(Nói) Thơ một túi nhàn du miền châu Úc


Đàn Bá Nha dạo khúc tính tình tang

Ngắm núi sông, đùa với gió trăng

Thiếu tri kỷ, tri âm vui chẳng vẹn.

……………………………………

Chung tình ấy, người xưa âu cũng thế

Say men tình đâu phải chỉ riêng Ta

Ai ơi ! Có thấu chăng là…


Nhớ lại năm 1976, khi ghi âm tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ, tiếng đàn đáy của ông Đinh Khắc Ban, tiếng trống chầu của cụ Trúc Hiền để làm đĩa hát cho Unesco, lòng tôi se thắt vì nghĩ rằng mình chỉ ghi lại chút hương thừa của những đóa hoa sắp tàn trên một cành cây khô cằn cỗi.

Trở lại Hà nội năm nay không ngờ tôi được thấy nghệ thuật Ca trù như đoá hoa tưởng sắp tàn mà lại thắm tươi, cành cây xưa cằn cỗi nay chứa đầy nhựa sống. Trên cành cây có bao nụ non, có nụ đã nở thành hoa và nhiều nụ sắp nở thành hoa. Nói như Hoàng Cầm:

Được một cơn mưa mới

Ươm mầm non sắp thui.


Và câu hát xưa tưởng chừng chìm nghỉm trong âm thanh cuộc sống hiện đại, nay lại được các ca nương trẻ hát lên, vang vọng mãi trong tai người mộ điệu Ca trù:

Đàn ai một tiếng dương tranh...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét