XUÂN DIỆU – HUY CẬN
TRÊN SÔNG SẦM GIANG
"Dưới trăng, mời chén tào thưng"
Năm 1976, tôi về Hà Nội lần đầu do Trung tâm nghiên
cứu khoa học Pháp gởi đi công cán. Viện nghiên cứu âm nhạc với phương pháp đối
chiếu tại Tây Bá Linh chịu trả tổn phí đi lại nếu tôi có thể ghi âm được nhạc
truyền thống Việt Nam để làm dĩa hát Unesco. Và Hội nhạc sĩ Việt Nam, ngang qua
thơ của anh Đỗ Nhuận (với vai trò Tổng thơ ký), có ý muốn mời tôi về nước gặp
các nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam tại
Hội nhạc sĩ và ở Trường nhạc Hà Nội. Nhờ ba sự trùng hợp mà tôi được về nước
thực hiện một chương trình của Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp, vừa ghi âm
được các điệu Quan Họ, các thể chánh trong truyền thống Ca Trù, các làn điệu cơ
bản trong Hát Chèo, vừa gặp lại rất nhiều bạn cũ, quen thêm các bạn mới.
Tôi đang ở tại khách sạn Dân Chủ, phố Tràng Tiền thì
có một người Việt tóc dợn sóng, mặt mũi khôi ngô đến tìm tôi.
- Ô kìa! Anh Xuân Diệu!
- Anh Khê! Anh còn nhớ tôi chớ?
- Làm sao quên được một nhà thơ lớn, một người bạn cố
tri như anh?
- Anh còn nhớ đêm chúng ta buông thuyền ở quê của anh,
làng Vĩnh Kim, tại Chợ Giữa, Sầm Giang?
- Tôi thì còn nhớ rõ lắm. Nhưng cái lạ là anh còn nhớ
đêm ấy.
- Nhớ chớ! Vì nhớ nên hôm nay đến thăm anh và tặng anh
một bài thơ tôi làm mấy năm nay, trông có dịp gặp anh để trao tận tay anh, bài
thơ nhắc lại đêm ấy. Tôi chép vào trong quyển sách của tôi viết về thi hào rất
lớn của chúng ta là Nguyễn Du.
- Cám ơn anh vô cùng! Quà này đối với tôi ngàn vàng
không mua được!
Trước khi chép bài thơ của anh Xuân Diệu mà các bạn
không thể tìm thấy được trong tuyển tập hay toàn tập thơ Xuân Diệu, bởi vì đó
là bài thơ anh riêng tặng cho người bạn ở Vĩnh Kim, tôi xin phép nhắc lại cái
đêm buông thuyền trên sông Sầm để các bạn có thể hiểu rõ hơn nhiều câu trong
bài thơ của Xuân Diệu.
Năm đó là năm 1939, anh Xuân Diệu đang làm việc tại Sở
Thương Chánh của Pháp tại Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Vì nghề thơ không nuôi
nổi con người nên anh thi vào Sở Thương Chánh mà người ta thường gọi là Sở
“đoan” (douanes), được bổ làm “cò mi” (commissaire). Nhà thơ Huy Cận, thuở ấy
là sinh viên Đại học Canh Nông, mới ra trường. Anh Xuân Diệu, thấy làm việc tại
Sở Thương Chánh, tuy có tiền mà thi hứng lại cạn, nên nhắn Huy Cận vào Nam để
thử cùng nhau tìm xem có cách nào giúp Xuân Diệu trở về với thơ chăng?
Năm đó, tôi còn là học sinh trường Trung học Trương
Vĩnh Ký, ban tú tài năm thứ nhứt. Người anh họ của tôi, anh Nguyễn Mỹ Ca học tú
tài năm thứ nhì. Chúng tôi đều sanh trưởng trong gia đình âm nhạc. Trong làng
tôi lại có một thi sĩ thường đăng thơ trong các tạp chí văn học là anh Khổng
Nghi, được biết anh Xuân Diệu trong một chuyến đi Mỹ Tho. Anh khoe với anh Xuân
Diệu rằng:
“Sầm Giang
nhân vật tối đa kỳ”
Có thơ, có nhạc, lại có nhiều người đẹp. Vợ và em vợ
anh Khổng Nghi là hai người đẹp rồi. Hai người chị bà con bên ngoại của tôi đã
đẹp lại biết đờn. Đáp lời mời của thi sĩ Khổng Nghi, hai nhà Thơ lớn Xuân Diệu
và Huy Cận đến Sầm Giang để cùng chúng tôi thưởng thức một đêm trăng trên sông,
có nhạc, có thơ, có người đẹp và có cả những thức ăn đặc sản. Đêm đó có cháo gà
xé phay, tráng miệng ngoài trái cây còn có món “tào thưng” (chè thưng gồm có bột
khoai, bún tàu, nước dừa, đường cát).
Đêm ấy là đêm rằm, trăng trong, gió mát. Thuyền thả
theo dòng nước. Nước ròng từ Vĩnh Kim, nước chảy ra Rạch Gầm, nơi Nguyễn Huệ đã
vẻ vang thắng trận. Anh lái đò chỉ coi chừng lái thuyền trôi giữa dòng sông.
Trên thuyền đêm nay, ngoài hai nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận còn có nhà thơ địa
phương của chúng tôi, thi sĩ Khổng Nghi, nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca là nhạc sĩ chuyên
môn đờn vĩ cầm (violon), hai chị Hường, Trang đờn Tranh, tôi đờn Kìm, Trạch (em
tôi) ca, chị Vân (vợ anh Khổng Nghi) lo việc bếp núc và anh Sáu, ngồi canh lái
thuyền.
Thuyền rời bến phía dựa lúa gần chợ cá. Hai bên bờ
sông dừa nước rậm rạp. Chúng tôi chuyện trò một lúc rồi nghe hai thi sĩ bình
thơ và đọc thơ.
Neo thuyền lại, để thuyền đừng bị chao, chị hai Hường,
Trang, anh Mỹ Ca và tôi so dây, đờn mấy bản “Bắc” nhỏ như Lưu Thủy, Kim Tiền,
rồi đi lần đến Vọng Cổ. Thuở ấy, Vọng cổ chỉ có 16 nhịp một câu. Khi chúng tôi
bắt đầu đờn thì hai bên bờ sông nhà nào cũng thắp đèn, mở cửa để nghe. Ngang
qua cửa, chúng tôi thấy thấp thoáng vài bóng dáng thiếu nữ yêu kiều. Có gia
đình ra ngồi cả ngoài sân vừa nghe đờn, vừa ngắm trăng. Có người pha trà, nhâm
nhi cạnh ngọn đèn dầu...
Khi đờn dứt, chúng tôi nhổ neo, để thuyền trôi theo
dòng nước. Trên bờ, thính giả tắt đèn, đóng cửa, có lẽ tiếc rằng buổi hòa nhạc
quá ngắn. Nhìn thấy bóng thiếu nữ, anh sáu cất tiếng hò to :
Hò ơ ơ ơ …
Gió đưa con buồn ngủ lên bờ
Mùng ai có
rộng (ờ) … cho tôi ngủ, ngủ nhờ một đêm (ơ ơ …)
Cánh cửa đóng mạnh một cái rầm. Tiếng cười của anh Sáu
vang to. Hai thi sĩ cũng cười nho nhỏ, thú vị khi thưởng thức được sinh hoạt
văn nghệ tại nông thôn, nghe những câu thơ bình dân mộc mạc.
Thuyền trôi đến chỗ nào ưng ý, chúng tôi neo thuyền
lại rồi bắt đầu hòa đờn. Lúc nào cũng có người “lắng tai Chung kỳ”. Rồi thưởng
thức món cháo gà xé phay, ăn kèm rau ghém, bên cạnh đó cũng có vài chung rượu
đế Vĩnh Kim cho ấm bụng. Chén “tào thưng” làm cho hai thi sĩ Miền Bắc tấm tắc
khen ngon. Một thiếu phụ nấu ăn ngon, hai thiếu nữ diễm lệ, tài năng, nghệ sĩ,
làm cho cuộc dạo thuyền này mang chút ít tính chất huyền thoại. Chúng tôi như
Từ Thức lạc lối Đào nguyên.
Chúng tôi cập bến lên bờ khi gà gáy sáng.
Tôi biết rằng hai thi sĩ sông Hồng đã thích thú khi
dạo trên sông Sầm. Nhưng tôi không ngờ rằng hơn 30 năm sau Xuân Diệu còn nhớ
đêm trăng ấy, và anh có ghi ngày anh viết mấy câu thơ tặng tôi là ngày 23 tháng
tư năm 1972. Bốn năm sau khi làm bài thơ ấy, anh mới gặp lại tôi và trao tận
tay tôi bài thơ của anh.
Tặng Nhạc sĩ
Trần Văn Khê
Hỡi lòng ta nhớ Vĩnh Kim
Vùng trăng Chợ Giữa cái đêm buông thuyền
Rì rào dừa nước hai bên
Bờ sông vắng lặng, mát hiền lòng sông
Chúng ta trẻ lắm hồn chung
Say thơ, mê nhạc, đắm cùng thiên nhiên
Ấy đêm nhạc nổi trong thuyền
Giọng ca nghệ sĩ, tiếng huyền tài năng
Dưới trăng, mời chén tào thưng,
Mà ba mươi lẻ năm chừng đã qua
Bạn ơi! Tổ quốc chúng ta
Cùng chung nhau đó mãi xa cách gì
Nắm tay thật chặt Văn Khê
Hẹn nhau Chợ Giữa ta về ngày mai
“Rằng nghe nức tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”
Xuân Diệu
23-04-1972
Trao tận tay tôi ngày 22-03-1976
Bài thơ này không có trong tuyển tập thơ Xuân Diệu.
Xin ghi lại để tạ tình thi sĩ đã nhớ buổi dạo thuyền trên sông Sầm Giang và nhờ
anh mà từ “tào thưng” được lọt vào thơ Xuân Diệu.
Trần Văn Khê
(Trích trong tập “Hồi ký của GSTS Trần Văn Khê")
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét