Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

ÂM NHẠC ĐẠO CAO ĐÀI

Âm nhạc Đạo Cao Đài
 
Hình như tôi có duyên với đạo Cao Đài. Năm 1931, tôi sang Tam Bình, Vĩnh Long học sơ học để thi Sơ học yếu lược. Tôi ở với người cô thứ năm là bà Trần Thị Cảnh. Chồng của cô là dượng Năm tên Phan Văn Tòng (Nguyễn Văn Dương), trong làng gọi là ông Mười Tòng, là Phối Sư của đạo Cao Đài. Từ năm 11 tuổi, mỗi ngày tôi được nghe bài Niệm hương, kinh Đại La Thiên Đế, Thái cực, Thánh hoàng. Tôi còn được dượng cho tham gia những buổi cầu cơ tại nhà. Trước đó thì phải giữ chay một ngày. Từ những ngày đó, tôi biết về đạo Cao Đài, biết về âm nhạc Cao Đài dùng như thế nào. Khi trở nên chuyên gia nghiên cứu, tôi vẫn nhớ những điệu Niệm hương, cầu kinh và cho rằng đó cũng là một điệu dân ca.
Khi ở Pháp, ông Jacques La Porte – chủ biên “Bách khoa Tự điển Âm nhạc Tôn giáo” có nhờ tôi viết bài về Âm nhạc tôn giáo Việt Nam. Tôi nhớ lại ở Việt Nam, hai tôn giáo có được nhiều tín đồ ở miền Nam đó là Phật giáo và Cao Đài. Tôi bắt đầu tìm hiểu âm nhạc của hai tôn giáo này. Về âm nhạc Cao Đài, tôi được thầy của tôi giúp đỡ. Thầy là Giáo sư Trần Văn Quế, Giáo sư Việt văn của trường Trung học Trương Vĩnh Ký, sau này cũng là một chức sắc cao cấp trong đạo Cao Đài. Thầy đến Tây Ninh, tìm lại những bản sao ghi chép Thánh ngôn từ lúc thành lập. Trong Thánh ngôn có đoạn nói về cách tổ chức lễ hội trong đạo Cao Đài và các loại âm nhạc được dùng. Sau khi đọc và nghiên cứu, tôi đã viết về những nét đặc trưng trong âm nhạc dùng trong các lễ hội đạo Cao Đài.
1. Bài kinh đọc theo lề lối Âm nhạc Việt Nam:
Bài Niệm hương: “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp, lòng nương nhang khói tiếp truyền ra” thì đọc theo “hơi ai”. Những bài Đại la Thiên đế thì đọc theo “hơi xuân”. Theo tôi thì “hơi ai”, “hơi xuân” ở đây không phải trong Âm nhạc Tài tử mà rất gần “hơi ai”, “hơi xuân” trong nhạc lễ. Bởi vì Âm nhạc Tài tử dùng để người ta thưởng thức nghệ thuật còn trong nhạc lễ đã bỏ bớt những dấu nhấn nhá hoặc tô điểm chữ nhạc, đã giản dị hóa mà dùng trong các buổi tế lễ. Trong nhạc lễ cũng theo lề lối của khí nhạc dùng trong âm nhạc dân tộc nghĩa là âm nhạc dùng dàn nhạc theo, có một kèn trung, hai trống (trống văn, trống võ, có khi gọi là trống đực, trống cái, hoặc trống dương, trống âm), mõ sừng trâu, thanh la, chập bạc và cái bồng. Dàn nhạc dùng trong Cao Đài thì y như dàn nhạc trong nhạc lễ miền Nam . Trong âm nhạc Cao Đài dùng thanh nhạc cho lời đọc kinh, rất đơn giản nhưng mang đậm mầu sắc âm nhạc Việt Nam .
Tôi có nhận xét lý thú rằng từ cách niệm hương trong đạo Cao Đài và niệm Phật của Phật giáo có cấu trúc âm thanh rất gần với cấu trúc âm thanh tiếng hát ru của bà mẹ ru con trong mỗi miền. Trong miền Nam , cấu trúc âm thanh bài Niệm hương: “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp” rất gần với cấu trúc âm thanh “Ầu ơ, ví dầu con cá nấu canh, bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”. Theo ngôn ngữ âm nhạc truyền thống dân tộc thang âm đó là hò, xự già (tức lên xư), xang là xang già (tức là nhấn một chút mà rung), xê rồi cống, cống thì hơi non một chút. Thang âm câu ru rất gần với bài Niệm hương.
Theo như cá nhân tôi nhận định, đọc kinh Cao Đài hay tụng kinh Đạo Phật thì cốt làm sao tiếng kinh được cách điệu hóa để tâm hồn người nghe được nhẹ nhàng, dễ dàng thấm nhuần nội dung câu kinh, hiểu được giáo lý như tiếng hát ru của người mẹ, đem lại sự êm dịu trong lòng người, truyền tình cảm của mẹ đến con và từ con đến mẹ.
Trong thiên nghiên cứu về âm nhạc Cao Đài của cháu Thu Thủy có nhắc đến điệu bát âm. Người ta thường tưởng rằng bát âm là trong dàn nhạc có tám nhạc cụ, khí cụ khác nhau nhưng thực ra bát âm là của Trung quốc để nói đến tám âm thanh cơ bản dùng phối hợp làm dàn nhạc lễ bên Trung quốc qua Việt Nam ngày xưa. Trong bát âm có:
+Thạch: từ nhạc cụ làm bằng đá (không phải đờn đá trên Tây Nguyên ngày nay mà là cái khánh hình thước mộc bằng đá, được đẽo ra để có âm thanh nhất định). Nhạc lễ Việt Nam , Trung quốc hay nhạc lễ của Triều Tiên đều có thanh đá đặc biệt và Việt Nam gọi là “đặc khánh”. Việt Nam còn có một dàn gồm 12 thanh đá, hình thức và kích thước giống nhau nhưng bề dày khác nhau, tạo nên 12 thanh âm cao độ khác nhau, 12 thanh tạo ra 06 luật, 06 lữ được treo trên một dàn gọi là biên khánh.
+Kim: là tiếng chuông, nhưng không phải chuông gia trì dùng để gõ theo tụng kinh đạo Phật hay Cao Đài mà là chuông lớn Đại hồng chung hay 12 chuông nhỏ gọi là biên chung. Tại Trung Quốc và Triều Tiên, biên khánh và biên chung không phải 12 khánh hoặc 12 chuông mà là 16.
+Ty: là tiếng tơ. Ngày xưa đờn Trung Quốc là “qin” và “se” tức là cổ cầm (gu qin), “se” tức là sắt. Cả hai được gọi chung là cầm sắt theo cụm từ “sắt cầm hảo hiệp”.
Trong nhạc cung đình Việt Nam , hai nhạc cụ cầm, sắt có mặt trong dàn thiết nhạc tức là dàn nhạc để trưng bày trong các cuộc tế lễ lớn như lễ Nam Giao mà không biểu diễn.
+Trúc: nghĩa là tre, tiếng trúc là tiếng của sáo trúc ngày xưa.
+Cách: nghĩa là da, những tiếng trống bằng da thì có trống lớn, trống nhỏ, đại cổ, tiểu cổ … dùng trong nhạc lễ.
+Mộc: là gỗ, không phải là song lang hay phách bây giờ mà là 2 nhạc cụ gọi là “chúc” và “ngữ”. “Chúc” là thùng bằng gỗ, nhạc công dùng búa gõ vào đáy hoặc 4 phía thùng đó làm thành tiếng mộc là tiếng của gỗ. “Ngữ” là nhạc khí hình con cọp có 24 cái răng trên lưng cọp và nhạc công dùng miếng gỗ đánh lướt lên trên.
+Bào: là trái bầu, nhạc khí là ống sanh (hay “sênh”), có 14 hoặc 17 ống sậy, trong lòng có “lưỡi gà” (anche libre) cắm vào trong một trái bầu khi được thổi hơi vào đầu trái bầu, tay bấm nút trên ống sậy thì nghe âm thanh mà người Trung Quốc cho rằng giống tiếng chim phụng.
+Thổ: là đất. Nhạc cụ bằng đất nung, người Việt Nam gọi là ống “huân”, hình tròn như quả trứng ngỗng lớn, một lỗ để thổi và 06 lỗ để bấm.
Một dàn nhạc lễ Trung Quốc ngày xưa phải gồm có những nhạc cụ phát ra tám âm đó.
Âm nhạc Cao Đài về sau chỉ làm phỏng theo tiếng bát âm là dùng tám nhạc cụ, nhạc khí. Nhưng không dùng những nhạc cụ phát ra âm “thổ” “,”thạch” mà thường dùng những nhạc cụ có mặt trong nhạc tài tử hay nhạc lễ tại miền Nam . Theo dân gian Việt Nam, miễn có tám nhạc cụ, nhạc khí thì gọi là “bát âm”.
Trong dàn nhạc lễ miền Nam có hai phe, nhà nghề gọi là “phe văn” và “phe võ”. Phe văn thì dùng 4 cây đờn cò (miền Trung và miền Bắc gọi là đờn Nhị), gồm cò chánh, cò lòn, đờn gáo và cò líu. Bốn cây ấy lên dây khác nhau.
Phe võ gồm có kèn trung, trống văn, trống võ, mõ, bồng và đẩu bạt. Nhạc lễ này rất độc đáo gọi là “ngũ âm”, có tất cả năm nhạc công sử dụng các nhạc khí kể trên.
Bài bản dùng trong nhạc lễ Cao Đài đa số rất giống bài bản dùng trong phe võ của nhạc lễ miền Nam . Tức là khi đốt hương, nhạc sẽ “đánh thét”, khi lạy thì đánh “bài trống lạy” hay điệu “đâm bang”, khi nghinh thần (đón bài vị thần) thì đánh bài “Nghinh thiên tiếp giá”. Nhạc Cao Đài không có phe văn nhưng cũng có lúc dùng bài bản của phe văn như bảy bài lớn “Xàng xê”, “Ngũ đối hạ”, “Ngũ đối thượng”, “Long đăng”, “Long ngâm”, “Tiểu khúc”, “Vạn giá”.
Cao Đài là một tôn giáo xuất xứ ngay trong lòng dân tộc Việt Nam, đã dùng nhạc lễ miền Nam để phụ họa những nghi thức trong đạo Cao Đài, đã có cách niệm hương rất gần gũi tiếng mẹ ru con của miền Nam.
Chúng tôi có thể kết luận rằng đạo Cao Đài trong nghi thức và âm nhạc rất đậm đà bản sắc văn hóa của miền Nam Việt Nam.
Ghi theo lời GSTS Trần Văn Khê

1 nhận xét:

  1. Con là Thu Thủy đây Thầy ơi!
    Khi đời sống ở Mỹ tượng đối ổn định, để con có thể trở lại công trình nghiên cứu Âm nhạc Cao Đài thì .. Thầy đã ra người thiên cổ!!!!!!!!!! Con nhớ Thầy và luôn nhớ ơn Thầy. Con đã có thờ Thầy trong nhà con. Hôm nay, con làm chương phát thanh Cao Đài chơn nguyên 1926 tại Mỹ. Mong Thầy chứng giám lòng con, như Thầy đã nhận xét về con. Là người Việt Nam! NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

    Trả lờiXóa