Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

CÁC LOẠI NHẠC VIỆT NAM

CÁC LOẠI NHẠC VIỆT NAM
Tác giả: Trần Văn Khê
(Bài đăng trên Bách Khoa số 41, 
ngày 15 - 09 -1958)







THƯ CHO CÁC BẠN VỀ HỘI NGHỊ SUWON 1999



THƯ CHO CÁC BẠN VỀ HỘI NGHỊ SUWON 1999
***
Hội nghị âm nhạc tại Suwon mang tên Hội nghị quốc tế lần thứ 6 của Hội dân tộc nạhc học của các nước châu Á và Thái Bình Dương (tên viết tắt là APSE: Asia Pacific Society for Ethnomusicology).

Hội nầy được khai sinh tại Đài Bắc năm 1992. Năm ấy, Hội Dân tộc nhạc học của Đài Loan có tổ chức Đại hội quốc tế. Trước ngày Hội nghị bế mạc, Giáo sư Hsu Tsang Houei (Hứa Thường Huệ) - Chủ tịch Hội nghị, sau khi hội ý với tôi, đã triệu tập đại biểu các nước châu Á và đề nghị thành lập một Hội Dân tộc nhạc học châu Á, vì từ lâu, bên Mỹ có Hội Society for Ethnomusicology (Hội Dân tộc nhạc học), có nhiều thành viên người châu Á, và nhiều chuyên gia Mỹ nghiên cứu âm nạhc dân tộc châu Á. Bên Pháp, từ hơn mười mấy năm qua, có Hội Société francaise d’ Ethnomusicology (Hội Dân tộc nhạc học của nước Pháp). Tôn chỉ và chương trình hoạt động của hai hội không khác nhau: sưu tầm nghiên cứu âm nhạc của tất cả các nước trên thế giới theo phương pháp mới, tức là không chỉ chú trọng đơn thuần vào âm nhạc như thang âm điệu thức, tiết tấu, ngôn ngữ âm nhạc mà phải đặt âm nhạc trong bối cảnh văn hoá xã hội. Đối tượng nghiên cứu không phải chỉ là âm nhạc cổ điển phương tây, mà là âm nhạc trong dân gian và âm nhạc “bác học” của bất cứ nước nào trên thế giới, chú trọng vào các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ La Tinh, châu Úc, các nước mà vài nhà nghiên cứu phương tây gọi là “âm nhạc các nước ngoài châu Âu" (musique extraeuropéenne), một danh từ mà tôi không thích dùng, vì nó hàm chứa ý nghĩa: châu Âu là “trung tâm” của vũ trụ. Hầu hết những đại biểu châu Á được mời họp hôm ấy đều là thành viên của Hội dân tộc nhạc học của Mỹ. Tôi là thành viên của hai hội Mỹ và Pháp.

Giáo sư Hsu Tsang Houei và tôi xin các đại biểu châu Á lưu ý đến 3 điểm:

1. Các Hội Mỹ hay Pháp tổ chức Đại hội và Hội nghị quốc tế tại nước Mỹ và Pháp: Bài tham luận bắt buộc phải viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp.

2. Chủ đề các Hội nghị có tánh cách chung cho các nước. Âm nhạc châu Á chỉ được thảo luận trong một hoặc hai buổi họp.

3. Chỉ có những buổi thảo luận trên lý thuyết. Không có liên hoan âm nhạc hay một chương trình ca vũ nhạc sống cho đại biểu và sinh viên thưởng thức.

Chúng tôi đề nghị thành lập một Hội Dân tộc nhạc của các nước châu Á và Thái Bình Dương, tôn chỉ, phương pháp nghiên cứu cũng như các hội trên. Nhưng có mấy điểm khác hơn:

1. Hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại một trong những nước châu Á. Những chuyên gia châu Á muốn dự Hội nghị sẽ trả tiền máy bay nhẹ hơn đi từ châu Á sang châu Âu, châu Mỹ.

2. Bài tham luận có thể viết bằng tiếng Anh và tiếng của nước tổ chức hội nghị. Như vậy, những nhà nghiên cứu châu Á không thông thạo tiếng Anh hay tiếng Pháp cũng có cơ hội đọc tham luận tại Hội nghị, nếu nước họ đăng cai tổ chức hội nghị. Sau mỗi Hội nghị, nước tổ chức sẽ có một số tư liệu bằng tiếng của nước mình.

3. Chủ đề Hội nghị chỉ lựa trong truyền thống châu Á. Tất cả các buổi họp đều có tham luận và thảo luận trên các vấn đề âm nhạc truyền thống châu Á. Nhưng bài tham luận bằng tiếng Anh được dịch ra tiếng của nước tổ chức, dịch ra thành văn bản, hoặc thông dịch ngay tại buổi họp cho sinh viên nước tổ chức dầu không biết ngoại ngữ cũng theo dõi được các buổi họp.

4. Không phải chỉ thảo luận suông trên lý thuyết. Trong thời gian hội nghị, có nhiều đêm dành cho những chương trình ca, vũ, nhạc của nước tổ chức hay nước châu Á khác đến tham dự. Các chương trình nghệ thuật đều có thể dùng cho Đài truyền hình, truyền thanh của nước tổ chức hội nghị.

Trong tôn chỉ của Hội, tôi có đề nghị ghi thêm mấy điểm:

1. Bảo vệ truyền thống âm nhạc châu Á, không những một cách “tiêu cực” như ghi âm, ghi hình những loại nhạc có thể bị mất đi, rồi cất kỹ tư liệu ấy trong bảo tàng viện, mà bảo vệ “tích cực” tức là làm sống lại những loại cổ nhạc quí báu, trong lòng người và trong xã hội.

2. Cần có sự trao đổi văn hoá giữa các nước châu Á. Giữ bản sắc dân tộc nhưng không “bế môn toả cảng”.

3. Khuyến khích sự nghiên cứu bằng cách cho bổng nghiên cứu, giúp tiền xuất bản các tư liệu nghiên cứu có giá trị.

4. Các nước có nền kinh tế dồi dào giúp đỡ các nước nghèo, trong việc tổ chức hội nghị quốc tế và phổ biến tài liệu nghiên cứu âm nhạc.

Toàn thể đại biểu tán đồng.

Về các điều lệ thì tóm tắt có những điểm cần nhắc là có:

+ Hội viên sáng lập: 7 Giáo sư có mặt tại Đài Bắc năm 1992, theo thứ tự ABC tên nước:

          - Đại Hàn (Nam Triều Tiên)      :    GS Kwon Oh Sung

          - Đài Loan                                  :    GS Hsu Tsang Houei

          - Indonesia                                  :    GS Soedarsono R.M.

          - Nhật Bổn                                  :    GS Tomoaki Fujii

          - Phi Luật Tân                            :    GS Jose Maceda

          - Thái Lan                                   :    GS Chonpairot Jaranchai

          - Việt Nam                                  :    GS Trần Văn Khê

+ Hội viên danh dự: Những Mạnh thường quân ủng hộ tài chánh cho Hội.

+ Hội viên hoạt động: Giáo sư, nghiên cứu sinh, sinh viên âm nhạc các nước châu Á được một Giáo sư Hội viên sáng lập giới thiệu và đóng niên liễm 10 Mỹ kim (hội viên trong các hội bên Mỹ hay Pháp phải đóng từ 30 Mỹ kim trở lên).

+ Ban chấp hành: Trong giai đoạn đầu 7 hội viên sáng lập. Sau sẽ có cuộc bầu cử:

- Chủ tịch Hội: do các Hội viên sáng lập đề cử. Chủ tịch có thể chọn Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và Thủ quỹ để tiện việc giúp đỡ mình trong công việc hành chánh. Nhiệm kỳ của mỗi Chủ tịch là 2 năm. Chủ tịch không được tái cử liên tục trong 2 khoá.

- Ban quản trị: Tất cả Hội viên sáng lập ở trong Ban quản trị. Hội trả tiền đi lại, ăn ở cho các nhân viên Ban quản trị trong mỗi kỳ họp Đại hội. Ban quản trị định nơi họp và chủ đề Hội nghị.

* Hội nghị:

Mỗi năm có một hội nghị quốc tế được tổ chức trong một nước châu Á; ưu tiên trong 7 nước của Hội viên sáng lập. Chủ tịch Ban tổ chức lo việc tìm ngân quĩ và thành lập các ban tổ chức, tiếp tân, thông dịch, văn phòng … (tôi có đề nghị việc các nước có nền kinh tế phồn thịnh giúp đỡ các nước nghèo nếu nước ấy thiếu khả năng tài chánh nhưng có ý muốn đăng cai tổ chức hội nghị, các đại biểu Nhật Bổn, Đại Hàn và Đài Loan đồng ý trên nguyên tắc, nhưng không ghi thành văn bản).

Hội nghị thứ nhứt được tổ chức tại Seoul, Đại Hàn năm 1994. Tôi đã có bài tham luận và trong chương trình âm nhạc của Liên hoan tôi được mời giới thiệu nhạc Việt Nam với con trai tôi Trần Quang Hải. Nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Một tuần lễ trước ngày khai hội, tôi phải vào bịnh viện vì bị thấp khớp toàn thân.

Hội nghị thứ nhì được được tổ chức tại Osaka, Nhật Bổn, tháng 8 năm 1995, cùng một lúc với Hội nghị vật lý thiên văn do GS Trần Thanh Vân tổ chức tại Việt Nam và tôi đã được mời làm cố vấn văn hoá cho Hội nghị và tổ chức Đêm Văn nghệ cho Hội nghị. Tôi thích về Việt Nam hơn đi Nhật, nên lại không có dự Hội nghị lần thứ nhì.

Hội nghị quốc tế lần thứ ba được tổ chức tại Thái Lan năm 1997. Tôi mới bị lệch hai đốt xương cột sống. Lại không dự được Hội nghị thứ ba của Hội tôi đứng ra thành lập với GS Hssu Tsang Houei.

Hội nghị quốc tế lần thứ tư được tổ chức tại Đài Bắc năm 1998. Tôi có dự. Năm đó từ trong nước GS Tô Ngọc Thanh có được mời. Chúng tôi tham luận về Nhạc Cung đình Việt Nam, trong chủ đề “Nhạc Cung đình các nước châu Á”.

Lần thứ năm Hội nghị quốc tế được tổ chức tại miền Nam Trung Quốc, vào tháng tư năm 1999. Lúc đó tôi đang dạy nhạc dân tộc tại Đại học Hùng Vương. Và sức khoẻ của tôi không cho phép tôi đi dự một hội nghị trên miền núi của miền Nam Trung Quốc, vì phải đi mấy trăm cây số bằng xe bus sau khi đến một phi trường quốc tế Trung Quốc.

Và theo lẽ Hội nghị lần thứ 6 sẽ được tổ chức năm 2000 tại Triều Tiên. Nhưng GS Kwon trưởng ban tổ chức được tiền trợ cấp của chánh phủ Đại Hàn và các Hội âm nhạc Đại Hàn, và phải dùng số tiền ấy trong năm 1999 trước ngày 31 tháng 12. Vì vậy Hội phải được tổ chức vào thời gian từ 12 đến 17 tháng 12 năm 1999, tại Suwon (Thuỷ Nguyên) Đại Hàn, và tôi vừa mới đi dự xong.

Ban quản trị đã đồng ý tổ chức các Hội nghị sẽ tới tại: Thái Lan năm 2001, Phi Luật Tân năm 2002, Đài Bắc năm 2003, Nhật Bổn 2004.

Chỉ có Indonesia vì tình hình kinh tế lụn bại, và Việt Nam chưa chắc được sự ưng thuận của chánh quyền, chưa dám đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế APSE.

Mong rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ có điều kiện tổ chức một lần để cho chuyên gia và sinh viên Việt Nam có dịp gặp gỡ đồng nghiệp của các nước châu Á, giới thiệu công trình nghiên cứu của mình bằng tiếng Việt, nghệ sĩ Việt Nam có dịp thi thố tài nghệ cho các chuyên gia quốc tế về âm nhạc thưởng thức.

Nếu tình hình kinh tế khả quan hơn, nếu có Mạnh thường quân tài trợ, biết đâu mộng của tôi sẽ được thực hiện. Chỉ mong tôi còn đủ sức khoẻ để cùng với các bạn trong nước bắt tay vào việc tổ chức chương trình hội thảo khoa học và Liên hoan văn nghệ vào năm 2005! Cứ hy vọng trước đi. Biết đâu giấc mơ sẽ thành sự thực?

Trần Văn Khê

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

"Dưới trăng, mời chén tào thưng"


XUÂN DIỆU – HUY CẬN

TRÊN SÔNG SẦM GIANG
 "Dưới trăng, mời chén tào thưng"
Năm 1976, tôi về Hà Nội lần đầu do Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp gởi đi công cán. Viện nghiên cứu âm nhạc với phương pháp đối chiếu tại Tây Bá Linh chịu trả tổn phí đi lại nếu tôi có thể ghi âm được nhạc truyền thống Việt Nam để làm dĩa hát Unesco. Và Hội nhạc sĩ Việt Nam, ngang qua thơ của anh Đỗ Nhuận (với vai trò Tổng thơ ký), có ý muốn mời tôi về nước gặp các nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Hội nhạc sĩ và ở Trường nhạc Hà Nội. Nhờ ba sự trùng hợp mà tôi được về nước thực hiện một chương trình của Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp, vừa ghi âm được các điệu Quan Họ, các thể chánh trong truyền thống Ca Trù, các làn điệu cơ bản trong Hát Chèo, vừa gặp lại rất nhiều bạn cũ, quen thêm các bạn mới.

Tôi đang ở tại khách sạn Dân Chủ, phố Tràng Tiền thì có một người Việt tóc dợn sóng, mặt mũi khôi ngô đến tìm tôi.

- Ô kìa! Anh Xuân Diệu!

- Anh Khê! Anh còn nhớ tôi chớ?

- Làm sao quên được một nhà thơ lớn, một người bạn cố tri như anh?

- Anh còn nhớ đêm chúng ta buông thuyền ở quê của anh, làng Vĩnh Kim, tại Chợ Giữa, Sầm Giang?

- Tôi thì còn nhớ rõ lắm. Nhưng cái lạ là anh còn nhớ đêm ấy.

- Nhớ chớ! Vì nhớ nên hôm nay đến thăm anh và tặng anh một bài thơ tôi làm mấy năm nay, trông có dịp gặp anh để trao tận tay anh, bài thơ nhắc lại đêm ấy. Tôi chép vào trong quyển sách của tôi viết về thi hào rất lớn của chúng ta là Nguyễn Du.

- Cám ơn anh vô cùng! Quà này đối với tôi ngàn vàng không mua được!

Trước khi chép bài thơ của anh Xuân Diệu mà các bạn không thể tìm thấy được trong tuyển tập hay toàn tập thơ Xuân Diệu, bởi vì đó là bài thơ anh riêng tặng cho người bạn ở Vĩnh Kim, tôi xin phép nhắc lại cái đêm buông thuyền trên sông Sầm để các bạn có thể hiểu rõ hơn nhiều câu trong bài thơ của Xuân Diệu.

Năm đó là năm 1939, anh Xuân Diệu đang làm việc tại Sở Thương Chánh của Pháp tại Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Vì nghề thơ không nuôi nổi con người nên anh thi vào Sở Thương Chánh mà người ta thường gọi là Sở “đoan” (douanes), được bổ làm “cò mi” (commissaire). Nhà thơ Huy Cận, thuở ấy là sinh viên Đại học Canh Nông, mới ra trường. Anh Xuân Diệu, thấy làm việc tại Sở Thương Chánh, tuy có tiền mà thi hứng lại cạn, nên nhắn Huy Cận vào Nam để thử cùng nhau tìm xem có cách nào giúp Xuân Diệu trở về với thơ chăng?

Năm đó, tôi còn là học sinh trường Trung học Trương Vĩnh Ký, ban tú tài năm thứ nhứt. Người anh họ của tôi, anh Nguyễn Mỹ Ca học tú tài năm thứ nhì. Chúng tôi đều sanh trưởng trong gia đình âm nhạc. Trong làng tôi lại có một thi sĩ thường đăng thơ trong các tạp chí văn học là anh Khổng Nghi, được biết anh Xuân Diệu trong một chuyến đi Mỹ Tho. Anh khoe với anh Xuân Diệu rằng:

“Sầm Giang nhân vật tối đa kỳ”

Có thơ, có nhạc, lại có nhiều người đẹp. Vợ và em vợ anh Khổng Nghi là hai người đẹp rồi. Hai người chị bà con bên ngoại của tôi đã đẹp lại biết đờn. Đáp lời mời của thi sĩ Khổng Nghi, hai nhà Thơ lớn Xuân Diệu và Huy Cận đến Sầm Giang để cùng chúng tôi thưởng thức một đêm trăng trên sông, có nhạc, có thơ, có người đẹp và có cả những thức ăn đặc sản. Đêm đó có cháo gà xé phay, tráng miệng ngoài trái cây còn có món “tào thưng” (chè thưng gồm có bột khoai, bún tàu, nước dừa, đường cát).

Đêm ấy là đêm rằm, trăng trong, gió mát. Thuyền thả theo dòng nước. Nước ròng từ Vĩnh Kim, nước chảy ra Rạch Gầm, nơi Nguyễn Huệ đã vẻ vang thắng trận. Anh lái đò chỉ coi chừng lái thuyền trôi giữa dòng sông. Trên thuyền đêm nay, ngoài hai nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận còn có nhà thơ địa phương của chúng tôi, thi sĩ Khổng Nghi, nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca là nhạc sĩ chuyên môn đờn vĩ cầm (violon), hai chị Hường, Trang đờn Tranh, tôi đờn Kìm, Trạch (em tôi) ca, chị Vân (vợ anh Khổng Nghi) lo việc bếp núc và anh Sáu, ngồi canh lái thuyền.

Thuyền rời bến phía dựa lúa gần chợ cá. Hai bên bờ sông dừa nước rậm rạp. Chúng tôi chuyện trò một lúc rồi nghe hai thi sĩ bình thơ và đọc thơ.

Neo thuyền lại, để thuyền đừng bị chao, chị hai Hường, Trang, anh Mỹ Ca và tôi so dây, đờn mấy bản “Bắc” nhỏ như Lưu Thủy, Kim Tiền, rồi đi lần đến Vọng Cổ. Thuở ấy, Vọng cổ chỉ có 16 nhịp một câu. Khi chúng tôi bắt đầu đờn thì hai bên bờ sông nhà nào cũng thắp đèn, mở cửa để nghe. Ngang qua cửa, chúng tôi thấy thấp thoáng vài bóng dáng thiếu nữ yêu kiều. Có gia đình ra ngồi cả ngoài sân vừa nghe đờn, vừa ngắm trăng. Có người pha trà, nhâm nhi cạnh ngọn đèn dầu...

Khi đờn dứt, chúng tôi nhổ neo, để thuyền trôi theo dòng nước. Trên bờ, thính giả tắt đèn, đóng cửa, có lẽ tiếc rằng buổi hòa nhạc quá ngắn. Nhìn thấy bóng thiếu nữ, anh sáu cất tiếng hò to :

Hò ơ ơ ơ … Gió đưa con buồn ngủ lên bờ

Mùng ai có rộng (ờ) … cho tôi ngủ, ngủ nhờ một đêm (ơ ơ …)

Cánh cửa đóng mạnh một cái rầm. Tiếng cười của anh Sáu vang to. Hai thi sĩ cũng cười nho nhỏ, thú vị khi thưởng thức được sinh hoạt văn nghệ tại nông thôn, nghe những câu thơ bình dân mộc mạc.

Thuyền trôi đến chỗ nào ưng ý, chúng tôi neo thuyền lại rồi bắt đầu hòa đờn. Lúc nào cũng có người “lắng tai Chung kỳ”. Rồi thưởng thức món cháo gà xé phay, ăn kèm rau ghém, bên cạnh đó cũng có vài chung rượu đế Vĩnh Kim cho ấm bụng. Chén “tào thưng” làm cho hai thi sĩ Miền Bắc tấm tắc khen ngon. Một thiếu phụ nấu ăn ngon, hai thiếu nữ diễm lệ, tài năng, nghệ sĩ, làm cho cuộc dạo thuyền này mang chút ít tính chất huyền thoại. Chúng tôi như Từ Thức lạc lối Đào nguyên.

Chúng tôi cập bến lên bờ khi gà gáy sáng.

Tôi biết rằng hai thi sĩ sông Hồng đã thích thú khi dạo trên sông Sầm. Nhưng tôi không ngờ rằng hơn 30 năm sau Xuân Diệu còn nhớ đêm trăng ấy, và anh có ghi ngày anh viết mấy câu thơ tặng tôi là ngày 23 tháng tư năm 1972. Bốn năm sau khi làm bài thơ ấy, anh mới gặp lại tôi và trao tận tay tôi bài thơ của anh.

Tặng Nhạc sĩ Trần Văn Khê



Hỡi lòng ta nhớ Vĩnh Kim

Vùng trăng Chợ Giữa cái đêm buông thuyền

Rì rào dừa nước hai bên

Bờ sông vắng lặng, mát hiền lòng sông

Chúng ta trẻ lắm hồn chung

Say thơ, mê nhạc, đắm cùng thiên nhiên

Ấy đêm nhạc nổi trong thuyền

Giọng ca nghệ sĩ, tiếng huyền tài năng

Dưới trăng, mời chén tào thưng,

Mà ba mươi lẻ năm chừng đã qua

Bạn ơi! Tổ quốc chúng ta

Cùng chung nhau đó mãi xa cách gì

Nắm tay thật chặt Văn Khê

Hẹn nhau Chợ Giữa ta về ngày mai

“Rằng nghe nức tiếng cầm đài

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”



Xuân Diệu

23-04-1972

Trao tận tay tôi ngày 22-03-1976



Bài thơ này không có trong tuyển tập thơ Xuân Diệu. Xin ghi lại để tạ tình thi sĩ đã nhớ buổi dạo thuyền trên sông Sầm Giang và nhờ anh mà từ “tào thưng” được lọt vào thơ Xuân Diệu.

Trần Văn Khê

(Trích trong tập “Hồi ký của GSTS Trần Văn Khê")

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

ÂM NHẠC ĐẠO CAO ĐÀI

Âm nhạc Đạo Cao Đài
 
Hình như tôi có duyên với đạo Cao Đài. Năm 1931, tôi sang Tam Bình, Vĩnh Long học sơ học để thi Sơ học yếu lược. Tôi ở với người cô thứ năm là bà Trần Thị Cảnh. Chồng của cô là dượng Năm tên Phan Văn Tòng (Nguyễn Văn Dương), trong làng gọi là ông Mười Tòng, là Phối Sư của đạo Cao Đài. Từ năm 11 tuổi, mỗi ngày tôi được nghe bài Niệm hương, kinh Đại La Thiên Đế, Thái cực, Thánh hoàng. Tôi còn được dượng cho tham gia những buổi cầu cơ tại nhà. Trước đó thì phải giữ chay một ngày. Từ những ngày đó, tôi biết về đạo Cao Đài, biết về âm nhạc Cao Đài dùng như thế nào. Khi trở nên chuyên gia nghiên cứu, tôi vẫn nhớ những điệu Niệm hương, cầu kinh và cho rằng đó cũng là một điệu dân ca.
Khi ở Pháp, ông Jacques La Porte – chủ biên “Bách khoa Tự điển Âm nhạc Tôn giáo” có nhờ tôi viết bài về Âm nhạc tôn giáo Việt Nam. Tôi nhớ lại ở Việt Nam, hai tôn giáo có được nhiều tín đồ ở miền Nam đó là Phật giáo và Cao Đài. Tôi bắt đầu tìm hiểu âm nhạc của hai tôn giáo này. Về âm nhạc Cao Đài, tôi được thầy của tôi giúp đỡ. Thầy là Giáo sư Trần Văn Quế, Giáo sư Việt văn của trường Trung học Trương Vĩnh Ký, sau này cũng là một chức sắc cao cấp trong đạo Cao Đài. Thầy đến Tây Ninh, tìm lại những bản sao ghi chép Thánh ngôn từ lúc thành lập. Trong Thánh ngôn có đoạn nói về cách tổ chức lễ hội trong đạo Cao Đài và các loại âm nhạc được dùng. Sau khi đọc và nghiên cứu, tôi đã viết về những nét đặc trưng trong âm nhạc dùng trong các lễ hội đạo Cao Đài.
1. Bài kinh đọc theo lề lối Âm nhạc Việt Nam:
Bài Niệm hương: “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp, lòng nương nhang khói tiếp truyền ra” thì đọc theo “hơi ai”. Những bài Đại la Thiên đế thì đọc theo “hơi xuân”. Theo tôi thì “hơi ai”, “hơi xuân” ở đây không phải trong Âm nhạc Tài tử mà rất gần “hơi ai”, “hơi xuân” trong nhạc lễ. Bởi vì Âm nhạc Tài tử dùng để người ta thưởng thức nghệ thuật còn trong nhạc lễ đã bỏ bớt những dấu nhấn nhá hoặc tô điểm chữ nhạc, đã giản dị hóa mà dùng trong các buổi tế lễ. Trong nhạc lễ cũng theo lề lối của khí nhạc dùng trong âm nhạc dân tộc nghĩa là âm nhạc dùng dàn nhạc theo, có một kèn trung, hai trống (trống văn, trống võ, có khi gọi là trống đực, trống cái, hoặc trống dương, trống âm), mõ sừng trâu, thanh la, chập bạc và cái bồng. Dàn nhạc dùng trong Cao Đài thì y như dàn nhạc trong nhạc lễ miền Nam . Trong âm nhạc Cao Đài dùng thanh nhạc cho lời đọc kinh, rất đơn giản nhưng mang đậm mầu sắc âm nhạc Việt Nam .
Tôi có nhận xét lý thú rằng từ cách niệm hương trong đạo Cao Đài và niệm Phật của Phật giáo có cấu trúc âm thanh rất gần với cấu trúc âm thanh tiếng hát ru của bà mẹ ru con trong mỗi miền. Trong miền Nam , cấu trúc âm thanh bài Niệm hương: “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp” rất gần với cấu trúc âm thanh “Ầu ơ, ví dầu con cá nấu canh, bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”. Theo ngôn ngữ âm nhạc truyền thống dân tộc thang âm đó là hò, xự già (tức lên xư), xang là xang già (tức là nhấn một chút mà rung), xê rồi cống, cống thì hơi non một chút. Thang âm câu ru rất gần với bài Niệm hương.
Theo như cá nhân tôi nhận định, đọc kinh Cao Đài hay tụng kinh Đạo Phật thì cốt làm sao tiếng kinh được cách điệu hóa để tâm hồn người nghe được nhẹ nhàng, dễ dàng thấm nhuần nội dung câu kinh, hiểu được giáo lý như tiếng hát ru của người mẹ, đem lại sự êm dịu trong lòng người, truyền tình cảm của mẹ đến con và từ con đến mẹ.
Trong thiên nghiên cứu về âm nhạc Cao Đài của cháu Thu Thủy có nhắc đến điệu bát âm. Người ta thường tưởng rằng bát âm là trong dàn nhạc có tám nhạc cụ, khí cụ khác nhau nhưng thực ra bát âm là của Trung quốc để nói đến tám âm thanh cơ bản dùng phối hợp làm dàn nhạc lễ bên Trung quốc qua Việt Nam ngày xưa. Trong bát âm có:
+Thạch: từ nhạc cụ làm bằng đá (không phải đờn đá trên Tây Nguyên ngày nay mà là cái khánh hình thước mộc bằng đá, được đẽo ra để có âm thanh nhất định). Nhạc lễ Việt Nam , Trung quốc hay nhạc lễ của Triều Tiên đều có thanh đá đặc biệt và Việt Nam gọi là “đặc khánh”. Việt Nam còn có một dàn gồm 12 thanh đá, hình thức và kích thước giống nhau nhưng bề dày khác nhau, tạo nên 12 thanh âm cao độ khác nhau, 12 thanh tạo ra 06 luật, 06 lữ được treo trên một dàn gọi là biên khánh.
+Kim: là tiếng chuông, nhưng không phải chuông gia trì dùng để gõ theo tụng kinh đạo Phật hay Cao Đài mà là chuông lớn Đại hồng chung hay 12 chuông nhỏ gọi là biên chung. Tại Trung Quốc và Triều Tiên, biên khánh và biên chung không phải 12 khánh hoặc 12 chuông mà là 16.
+Ty: là tiếng tơ. Ngày xưa đờn Trung Quốc là “qin” và “se” tức là cổ cầm (gu qin), “se” tức là sắt. Cả hai được gọi chung là cầm sắt theo cụm từ “sắt cầm hảo hiệp”.
Trong nhạc cung đình Việt Nam , hai nhạc cụ cầm, sắt có mặt trong dàn thiết nhạc tức là dàn nhạc để trưng bày trong các cuộc tế lễ lớn như lễ Nam Giao mà không biểu diễn.
+Trúc: nghĩa là tre, tiếng trúc là tiếng của sáo trúc ngày xưa.
+Cách: nghĩa là da, những tiếng trống bằng da thì có trống lớn, trống nhỏ, đại cổ, tiểu cổ … dùng trong nhạc lễ.
+Mộc: là gỗ, không phải là song lang hay phách bây giờ mà là 2 nhạc cụ gọi là “chúc” và “ngữ”. “Chúc” là thùng bằng gỗ, nhạc công dùng búa gõ vào đáy hoặc 4 phía thùng đó làm thành tiếng mộc là tiếng của gỗ. “Ngữ” là nhạc khí hình con cọp có 24 cái răng trên lưng cọp và nhạc công dùng miếng gỗ đánh lướt lên trên.
+Bào: là trái bầu, nhạc khí là ống sanh (hay “sênh”), có 14 hoặc 17 ống sậy, trong lòng có “lưỡi gà” (anche libre) cắm vào trong một trái bầu khi được thổi hơi vào đầu trái bầu, tay bấm nút trên ống sậy thì nghe âm thanh mà người Trung Quốc cho rằng giống tiếng chim phụng.
+Thổ: là đất. Nhạc cụ bằng đất nung, người Việt Nam gọi là ống “huân”, hình tròn như quả trứng ngỗng lớn, một lỗ để thổi và 06 lỗ để bấm.
Một dàn nhạc lễ Trung Quốc ngày xưa phải gồm có những nhạc cụ phát ra tám âm đó.
Âm nhạc Cao Đài về sau chỉ làm phỏng theo tiếng bát âm là dùng tám nhạc cụ, nhạc khí. Nhưng không dùng những nhạc cụ phát ra âm “thổ” “,”thạch” mà thường dùng những nhạc cụ có mặt trong nhạc tài tử hay nhạc lễ tại miền Nam . Theo dân gian Việt Nam, miễn có tám nhạc cụ, nhạc khí thì gọi là “bát âm”.
Trong dàn nhạc lễ miền Nam có hai phe, nhà nghề gọi là “phe văn” và “phe võ”. Phe văn thì dùng 4 cây đờn cò (miền Trung và miền Bắc gọi là đờn Nhị), gồm cò chánh, cò lòn, đờn gáo và cò líu. Bốn cây ấy lên dây khác nhau.
Phe võ gồm có kèn trung, trống văn, trống võ, mõ, bồng và đẩu bạt. Nhạc lễ này rất độc đáo gọi là “ngũ âm”, có tất cả năm nhạc công sử dụng các nhạc khí kể trên.
Bài bản dùng trong nhạc lễ Cao Đài đa số rất giống bài bản dùng trong phe võ của nhạc lễ miền Nam . Tức là khi đốt hương, nhạc sẽ “đánh thét”, khi lạy thì đánh “bài trống lạy” hay điệu “đâm bang”, khi nghinh thần (đón bài vị thần) thì đánh bài “Nghinh thiên tiếp giá”. Nhạc Cao Đài không có phe văn nhưng cũng có lúc dùng bài bản của phe văn như bảy bài lớn “Xàng xê”, “Ngũ đối hạ”, “Ngũ đối thượng”, “Long đăng”, “Long ngâm”, “Tiểu khúc”, “Vạn giá”.
Cao Đài là một tôn giáo xuất xứ ngay trong lòng dân tộc Việt Nam, đã dùng nhạc lễ miền Nam để phụ họa những nghi thức trong đạo Cao Đài, đã có cách niệm hương rất gần gũi tiếng mẹ ru con của miền Nam.
Chúng tôi có thể kết luận rằng đạo Cao Đài trong nghi thức và âm nhạc rất đậm đà bản sắc văn hóa của miền Nam Việt Nam.
Ghi theo lời GSTS Trần Văn Khê