Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

KỶ NIỆM VỚI ANH VĨNH BẢO TẠI CARBONDALE 1971

Đây là những hình ảnh ghi lại thời kỳ mà anh Vĩnh Bảo - anh Phạm Duy và tôi được mời sang Mỹ để thuyết giảng về Âm nhạc Việt Nam (kể cả cổ nhạc & tân nhạc). 3 người chúng tôi được Giáo sư Nguyễn Đình Hoà (trưởng khoa Việt học của trường Đại học Carbondale - Southern Illinois) đứng ra liên hệ để Ban giám hiệu của trường Đại học có thơ chánh thức mời chúng tôi sang Mỹ làm việc. Lúc đó tôi đang làm Giáo sư nhạc học tại trường Đại học Sorbonne Paris IV và Giáo sư chỉ đạo nghiên cứu cho Trung tâm nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) nên tôi chỉ nhận sang Mỹ trong thời gian 2 tháng. Anh Phạm Duy ở lại 3 tháng. Chỉ có anh Vĩnh Bảo là ở lâu hơn vì ngoài môn "Thuyết giảng về cách biểu diễn - dạy đờn theo phong cách Đờn ca tài tử", anh lại còn giảng thêm về cách lựa gỗ & đóng đờn thế nào cho cây đờn kêu to. Sau thời gian anh Vĩnh Bảo xong nhiệm kỳ tại Mỹ, trước khi về VN ghé lại Paris, ở lại nhà tôi trong 2 tháng, tôi có dịp mời bạn tôi đến biểu diễn & thuyết trình về các hơi - điệu trong nhạc tài tử cho học trò lớp cử nhơn của trường Đại học Sorbonne Paris IV, cùng nhiều buổi hội họp của người Việt tại Pháp nghe. Nhân dịp đó có nhiều chuyên gia ở đài phát thanh trong cơ quan OCORA (Office Co-oporation avec la radio) mời tôi và anh Vĩnh Bảo ghi âm một dĩa hát Đờn ca tài tử (số hiệu OCR 68), và năm 1993 dĩa hát 33 vòng này (đường kính 30cm) được chuyển ra thành dĩa CD. Tạp chí Diapasan ghi lại số dĩa được khách hàng mua trong mỗi năm thì năm 1994, dĩa hát của anh Vĩnh Bảo và tôi được bán nhiều nhứt nên tạp chí có gởi tặng cho chúng tôi danh hiệu Diapasan D'or (tương tợ như là huy chương vàng của những dĩa được khách hàng ưa chuộng mua nhiều nhứt).

Trong thời gian ở tại Mỹ, tôi được mời giảng về "Lịch sử & lý thuyết của các môn Âm nhạc truyền thống Việt Nam", có minh hoạ bằng dĩa hát dương bản & chính anh Vĩnh Bảo với tôi thường hoà chung đờn trước mặt học trò. Nhạc sư Vĩnh Bảo được mời thuyết trình về "Cách biểu diễn âm nhạc - cách dạy đờn trong truyền thống VN" và đặc biệt nhứt là cách đóng đờn mà chỉ có anh Vĩnh Bảo mới có đủ khả năng để dạy môn này. Anh Phạm Duy thì chuyên nói chuyện về dân ca: từ dân ca cổ trong truyền thống Việt Nam, đến những bài dân ca mà Phạm Duy cho là "dân ca mới". Phạm Duy cũng có dịch 1 số bài dân ca từ tiếng Việt sang tiếng Anh (Qua cầu gió bay...). Khi sang Pháp, tôi có tạo điều kiện cho anh Vĩnh Bảo gặp Giáo sư khoa Thanh học (Acoustique) là Giáo sư Émile Leipp. Ông này rất ngạc nhiên khi thấy những sáng tạo của anh Vĩnh Bảo trong khi đặt "cầu vồng" trong cây đờn Tranh, biết tìm cách làm cho diện tích những nơi âm thanh đến đó dội lại để tạo nên tiếng đờn rất vang từ trầm đến cao. Giáo sư Émile Leipp hỏi thăm anh Vĩnh Bảo đã học trường dạy về thanh học nào, thì anh Vĩnh Bảo cười mà trả lời: "Đó là những suy tư và sáng tạo của tôi".

Tôi rất hãnh diện mà có một người bạn không những biết rất rành về lịch sử của Đờn ca tài tử từ lúc xa xưa đến ngày nay, biết phân biệt và giải thích rành rẽ các hơi và các điệu, lại có những cách đóng đờn làm cho những chuyên gia Châu Âu phải thán phục. Anh lại có thể thuyết giảng bằng tiếng Anh và tiếng Pháp mà không cần thông dịch. Tôi rất sung sướng mà có được một bạn đồng hành như thế.

Hôm nay soạn lại những tấm hình cũ, thấy có 1 số ảnh kỷ niệm của mấy anh em nên muốn chia sẻ tới các bạn, đồng thời cũng để ghi nhớ lại 1 giai đoạn lịch sử trong sự giới thiệu âm nhạc truyền thống ra nước ngoài của các nhạc sư, nhạc sĩ Việt Nam.

Bình Thạnh 07.10.2014
Trần Văn Khê

(Hình ảnh tư liệu của TVK chụp tại Mỹ 1971 khi giảng dạy tại Đại học Carbondale - Southern Illinois)
 





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét