Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

GÁNH HÁT CỦA THẦY NĂM TÚ, GÁNH HÁT HUỲNH KỲ & GÁNH HÁT ĐỒNG NỮ BAN

GÁNH HÁT CỦA THẦY NĂM TÚ, GÁNH HÁT HUỲNH KỲ & GÁNH HÁT ĐỒNG NỮ BAN

A. GÁNH HÁT THẦY NĂM TÚ

Theo các nghệ nhân thì ca ra bộ là tiền thân của hát Cải Lương. Mặc dầu đa số các sử gia về hát Cải Lương đều cho rằng ca ra bộ xuất hiện tại tỉnh Vĩnh Long năm 1917, tại nhà ông cai tổng Tống Hữu Định với bản “Tứ Đại Oán” – bài “Bùi Kiệm thi rớt trở về”. Theo tư liệu của TS Mai Mỹ Duyên thì ca ca bộ đã được nhạc sư Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) đề xướng ra cách ca tài tử đứng dựa cột cạnh một chậu kiểng năm 1916. Mãi đến năm 1920, danh từ Cải Lương mới được dùng để chỉ một bộ môn nghệ thuật sân khấu đổi mới, ngang qua câu đối mà gánh hát Tân Thinh đã treo lên trong các cuộc biểu diễn:

“Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”

Nhưng trước năm 1920 tại Mỹ Tho đã có sự kiện Cải Lương được phổ biến rộng rãi trong các dĩa hát của hãng dĩa Tây Pathé Phono. Nhờ việc thầy Năm Tú – một người yêu nhạc Tài Tử & Cải Lương – từ năm 1917 đã mua lại gánh hát xiệc (cirque) của ông André Thận (là người đầu tiên đem ca ra bộ lên sân khấu biểu diễn giữa những màn hát xiệc). Thầy Năm Tú khi lập gánh hát phối hợp tất cả những tiết mục Ca Ra Bộ ăn khách trong một buổi diễn gồm toàn Ca Ra Bộ, và sau đó thầy thấy rằng nội dung các bài Ca Ra Bộ không cùng đi với nhau nên thầy nhờ một nhà nho là ông Trương Duy Toản – người đã từng tham gia phong trào Đông Du – đứng ra làm thầy tuồng và đặt những vở tuồng đầu tiên theo tích của “Kim Vân Kiều”.

Năm 1918 thầy Năm Tú cho xây cất một rạp hát đầu tiên tại Mỹ Tho rất rộng rãi và có đủ bề cao trên sân khấu. Thầy có mời một hoạ sĩ danh tiếng vẽ tranh cảnh để làm phông trang trí cho sân khấu cùng 2 bên cánh gà. Khán giả chia ra làm 3 hạng: hạng nhứt, hạng nhì, hạng ba; và 2 bên sân khấu có một số phòng đặc biệt cho khách quý. Nhờ có rạp hát khang trang và chương trình đầy đủ, tụ họp được nhiều đào kép danh tiếng: Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), Ba Du, Bảy Thông, Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Thoàn… nên hãng Pathé Phono bằng lòng ghi âm lại những bài ca cải lương và có khi ghi cả tuồng với câu mở đầu: “Bạn hát của thầy Năm Tú, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”. Thầy Năm Tú cũng cho làm máy hát tại Việt Nam, để hình con chó ngồi nghe và trên dĩa hát có hình con gà màu đỏ, sau đó đem bán khắp nơi. Nhờ vậy mà hát Cải Lương vừa mới thành hình đã được dĩa hát phổ biến rộng rãi khắp thôn quê.

Thầy Năm Tú tên thật là Châu Văn Tú, có người gọi là ông Pierre Tú vì ông là người có quốc tịch Pháp, sanh tại làng Vĩnh Kim. Phu nhơn của thầy Năm Tú là cô Tám Hảo – em ruột của cô Năm Thoàn (đào hát của gánh hát thầy Năm Tú). Thầy Năm Tú là người hào hoa phong nhã, là người Việt Nam đầu tiên mua chiếc xe hơi (xe auto) tại nước Việt. Sau mấy năm, nhờ rạp hát và dĩa hát làm ra tiền, thầy Năm Tú sanh ra tật xài lớn, sử không có ghi chép tại lý do gì, nhưng thấy làm ăn ngày càng sa sút, đến nỗi phải bán rạp hát cho người khác. Rạp hát đó vì vậy mà thay đổi tên nhiều lần. Có người mua rạp hát đó để làm rạp chiếu bóng, và mang tên là Ciné Palace. Đến sau một lần đổi chủ, rạp hát mang tên Vĩnh Lợi Giang, hiện giờ rạp hát đó vẫn còn và mang tên là rạp hát Tiền Giang tại tỉnh lị Mỹ Tho.

Mặc dầu thầy Năm Tú không phải là một kép hát, nhưng thầy Năm Tú có công xây dựng một rạp hát đầy đủ phương tiện, là một cơ ngơi xứng đáng cho những buổi diễn lớn. Ông lại có công gắn liền tên gánh hát của mình vào dĩa hát Pathé Phono và đã phổ biến lối hát cải lương vào những nơi hẻo lánh, đồng thời tạo điều kiện cho những đào kép giỏi có chỗ hành nghề, xây dựng tên tuổi. Các nghệ sĩ Tám Danh, Ba Du, Năm Châu… đều coi thầy Năm Tú như là một ân nhân giúp cho các nghệ sĩ đó bước chân vào nghề và tiến bộ trong nghệ thuật cải lương.

B. GÁNH HÁT HUỲNH KỲ

Ban tổ chức chỉ đề nghị tôi nói rõ xuất xứ và sự phát triển của hai gánh hát là gánh của thầy Năm Tú và gánh của Đồng Nữ Ban như là điển hình của nghệ thuật cải lương tại Tiền Giang. Nhưng tôi nhớ lại cùng gần một thời với gánh thầy Năm Tú, có Bạch công tử - tên thật là Lê Công Phước, con của ông Lê Công Sùng, là người tuy không phải trong nghề đờn ca tài tử, nhưng đã được cùng đi một lúc với dàn nhạc đờn ca tài tử của ông Nguyễn Tống Triều sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa tại Pháp. Nhờ vậy ông Lê Công Phước thuở nhỏ đã được có dịp du học bên Pháp. Năm 1926, ông Lê Công Phước gặp một người đam mê âm nhạc tài tử - cải lương tên Nguyễn Ngọc Cương. Hai người hùn lại lập nên gánh Phước Cương (lấy tên ghép của Lê Công Phước và Nguyễn Ngọc Cương) rất hùng hậu. Và gánh Phước Cương đã tập hợp tất cả các đào kép giỏi thuở ấy. Bạch công tử có cất một rạp hát ở sát cạnh nhà của mình. Ông Lê Công Sùng (thân phụ ông Phước) tuy là người miền Trung nhưng vào lập nghiệp tại Mỹ Tho. Như vậy tại Mỹ Tho có hai rạp hát cho nghệ thuật cải lương. Nhưng đến năm 1927, Bạch công tử tách riêng và lập một gánh hát khác mang tên là Huỳnh Kỳ, có cờ vàng làm biểu hiệu. Các gánh hát khác di chuyển bằng thuyền chèo (ghe), mà chỉ có gánh Huỳnh Kỳ là di chuyển bằng thuyền (ghe) máy. Chiếc ghe đầu dành riêng cho chủ gánh là Bạch công tử, có hai từng và nhiều phòng đầy đủ tiện nghi (phòng ngủ, phòng ăn, phòng giải trí…). Chiếc ghe máy thứ nhì dành riêng cho đào – kép hát. Chiếc ghe thứ ba dành cho dàn đờn và những người dọn lớp. Nhưng rồi cũng như gánh thầy Năm Tú, Bạch công tử làm ăn sa sút và gánh hát Huỳnh Kỳ lại tan rã. Đào – kép chia nhau tìm gánh khác hoặc lập ra gánh hát để mưu sinh.

Trong giai đoạn đầu tiên, khi hát cải lương mới được hình thành thì tại Mỹ Tho đã có 3 gánh hát góp phần không nhỏ cho việc phát triển cải lương về mặt nghệ thuật và tổ chức. Nhưng phải đến 1927, gánh Đồng Nữ Ban ra đời tạo một loại gánh hát rất đặc biệt không dùng đào – kép rành nghề, và lập ra không phải với mục đích mưu sinh mà để khơi dậy tấm lòng yêu nước của người Việt ngang qua tuồng tích. Một gánh cải lương mà có kỷ luật như một trường nội trú, đòi hỏi diễn viên không phải chỉ biết hát mà còn phải có văn hoá. Sau khi trang trải tất cả các chi phí, tiền lời dùng để giúp cho những nhà cách mạng.

C. GÁNH HÁT ĐỒNG NỮ BAN

Trong lịch sử Cải Lương, năm 1927, với sự thành lập gánh hát Đồng Nữ Ban, là một năm đáng ghi nhớ, vì sự chuyển mình về hình thức và nội dung rất quan trọng. Rất nhiều chuyên gia viết về lịch sử Cải Lương thường lướt qua năm 1927 và ghi tên của gánh Cải Lương Đồng Nữ Ban, mà không ngờ rằng gánh này không phải là một gánh Cải Lương thường như Văn Hý Ban hay Tập Ích Ban.

Gánh này rất đặc biệt về hình thức lẫn nội dung. Chúng tôi chỉ ghi lại những nét đặc thù khó tìm trong một gánh Cải lương khác.

I. Diễn viên:

1. Toàn thể diễn viên là những người thôn nữ chưa bao giờ biết nghề hay xuất hiện lên sân khấu. Do đó, gánh hát mang tên Đồng Nữ Ban.

2. Các diễn viên được đào tạo về nghề nghiệp, nhưng bắt buộc phải học văn hóa như những học sinh trường trung học. Và học võ thật sự với một người thầy võ Bình Định.

3. Thời khóa biểu rất chặt chẽ trong cả tuần và các diễn viên phải tuân theo kỷ luật được đặt ra:

- Trong nhà thì các diễn viên mặc áo bà ba, nhưng khi ra đường (đến rạp hát, đi chợ …) thì phải mặc áo dài tím (như Nữ sinh Trường áo tím).

- Tóc bỏ xõa và kẹp sau lưng, phải sắp hàng hai.

- Các diễn viên sống chung với nhau và theo thời khóa biểu như những học sinh nội trú: ăn, ngủ, học (văn hóa, ca, múa, võ thuật …), làm việc theo thời gian đã định.

II. Sân Khấu:

- Một họa sĩ được mời vẽ bức phông và cánh gà đặc biệt cho mỗi màn. Họa sĩ phải biết rõ nội dung vở tuồng để tạo ra những tấm phông có tính chất nghệ thuật như một bức tranh lớn.

- Giữa các lớp (hồi), một tấm màn nhung đỏ được kéo ngang để che cả sân khấu, trong lúc dọn màn, dàn nhạc đánh các bản truyền thống Việt Nam, chớ không được đánh các bản Tây như trong những gánh hát khác.

- Ánh sáng được thiết kế như các rạp hát lớn để làm nổi bật các diễn viên.

III. Trang phục và đạo cụ:

- Xiêm y của các vai do cô Ba Viện thiết kế và sáng tạo. Cô may, thêu thùa rất khéo, nên cô đã tạo ra những bộ đồ võ cho vai Võ Đông Sơ, không phải như áo giáp của Hát Bội, cũng không như đồ lụa của Hát Quảng, Hát Tiều, mà những trang phục mang tính chất Việt Nam. Màu sắc cũng được chọn lựa rất kỹ, phù hợp với tranh cảnh.

- Khi có dịp đấu võ thì dùng gươm, giáo, kích, đoản đao, song kiếm, côn, gậy và lăn khiên … được dùng trong giới võ thuật chớ không dùng đồ giả như trong các gánh hát khác.

IV. Âm nhạc phụ họa:

- Dàn nhạc phụ họa gồm có: đờn Kìm, đờn Cò, đờn Sến, ống Sáo, ống Tiêu.

Vì diễn viên toàn là nữ nên dây đờn không lên theo hai bực phù hợp cho giọng nam hay giọng nữ, mà phù hợp cho mỗi diễn viên. Hầu hết các bài bản trong Đờn ca Tài tử đều được dùng.

- Bản “Dạ cổ hoài lang” có mặt nhưng không được dùng nhiều. Cậu Năm Nguyễn Tri Khương có đặt thêm những bài khác, tuy là nhạc mới mà âm hưởng không khác gì các bài bản cổ: “Yến tước tranh ngôn” , “Phong xuy trịch liễu”, “Thất trĩ bi hùng”, “Bắc cung Ai” …

Tiếc rằng, tuồng “Giọt lệ chung tình” chỉ diễn được không tới một năm và gánh Đồng Nữ bị mật thám của Pháp tình nghi là gánh hát của cách mạng, nên lấy lại giấy phép cho lập gánh. Sau thời gian đi lưu diễn từ làng Vĩnh Kim qua các làng lân cận, khi lên diễn tại Sài Gòn được mấy đêm gánh hát phải giải tán.

V. Tập Tuồng và lên sân khấu:

Kỷ luật rất nghiêm, những giờ tập tuồng đã ghi trên thời khóa biểu, tất cả diễn viên đều phải có mặt, trừ những trường hợp bất khả kháng. Thời gian luyện tập khá nhiều, cô Ba Viện tuy thông cảm với trình độ văn hóa, nghề nghiệp của các diễn viên, nhưng cũng còn giữ tính cầu toàn nên đòi hỏi các diễn viên phải luyện tập nhiều hơn thường.

Mỗi đêm khi lên sân khấu, diễn viên phải tụ họp lại trước, tất cả đều mặc áo dài tím như đồng phục của học sinh trường Áo tím, tóc kẹp suông, sắp hàng hai, đi bộ từ nhà tới rạp, có bốn người võ sĩ bảo vệ. Khi vào hậu trường, mỗi diễn viên phải biết tự lo trang điểm và dậm mặt, 5 phút trước khi ra tuồng phải đứng sẵn sàng tại cánh gà. Hết lớp tuồng phải trở về phòng trang điểm, để nếu cần biết chỗ đi gọi. Sau khi hạ màn chót, trang phục phải xếp kỹ rồi lại mặc áo dài, kẹp tóc, sắp hàng hai đi về nhà hay xuống chiếc ghe chài lớn dùng cho việc ăn ở và di chuyển khi lưu diễn.

VI. Vài nét đặc biệt trong kịch bản các vở Tuồng:

1. Hầu hết các câu nói lối, Ông Năm Khương (Nguyễn Tri Khương) viết theo lối văn biền ngẫu, có vần, đối đáp, nội dung gợi lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Có những đoạn đối với hoàn cảnh nước Việt Nam, thuộc địa của Pháp, bị cho là có tính chất “cách mạng” chống Pháp. Như khi Võ Đông Sơ đánh bại tướng cướp, đạp chân trên mình tướng cướp hỏi:

“Sao nhà ngươi đem cường quyền đạp công lý?
Mượn võ lực dốc tung hoành?
Nhà người có biết:
Phạm tự do thì xã hội dám hy sinh
Đạp công lý quốc dân đành xả mạng?”

Tên cướp ngụy biện trả lời: (trong lớp Ú của bài “Tây Thi”)

“Nước non vẫn cũng nước non
Kẻ lầu son, kẻ sao phận bạc
Thân trâu ngựa nên tâm hồn cũng trâu ngựa”

thì Võ Đông Sơ ngắt lời và nói:

“Nhà ngươi nên nhớ
Lấy bạc tiền làm nô lệ cho thân hình
Chớ nhà ngươi đừng để
Vì tiền bạc mà thân hình làm nô lệ
Ôi tệ ôi rất tệ ! ! ! …”

2. Tất cả bài bản trong truyền thống Đờn ca Tài tử đều được dùng. Và có những bản mới do Ông Năm Khương đặt như đã viết bên trên.

Cốt chuyện là một mối tình cao thượng giữa Bạch Thu Hà và Võ Đông Sơ.

Trong những lớp sau có nhiều đoạn rất hay, chúng tôi chỉ đơn cử lại một vài thí dụ nhỏ như tên bán quán nhất định không bán hàng hóa du nhập từ nước ngoài, chỉ dùng toàn thổ sản, lời lẽ đối đáp theo văn biền ngẫu:

Đốt than Tòng nấu thịt đa đa
Nhen lửa Bá hâm lòng quốc quốc
Dùng chảo sắt xáo tan bầy hổ đất
Lấy nồi đồng nấu rụi đám cải trời.
Giống khum lưng là đồ tôm luộc để ăn chơi
Thứ co gối là ếch xào xơi nhậu lủi
(ám chỉ những người sợ chánh quyền phải khom lưng co gối)

Tuy mở đầu trước khi vào tuồng theo phong cách của Cải Lương thuở ấy, phải có một lớp đầu tất cả đào kép đứng lên sân khấu ca bài “La Madelon” và khi vãn tuồng phải ca phần điệp khúc của bản “La Marseillaise”, nhưng lời của bài ca cậu Năm Khương đặt ra mang đậm tư tưởng dân tộc, như những câu dân ta phải giúp cho ta (bài “La Madelon”); máu nóng quyết rưới vì nước (bài “Madelon de La Victoire”). Cuối cùng thay vì điệp khúc của “La Marseissllaise” là quốc ca Pháp, cô Ba Viện và cậu Năm Khương đồng ý thay vào bài “Long Hổ hội”, vì thế chánh quyền thuộc địa đã để ý và theo dõi gánh hát từ lúc mới lập đến ngày bị thu hồi giấy phép.

VII. Mục đích của gánh Đồng Nữ:

Gánh hát Đồng Nữ được lập ra không phải để kinh doanh, vì tất cả những tiền lời sau khi trang trải mọi chi tiêu được cô Ba Viện chuyển giúp đỡ cho những nhà cách mạng.

Gánh hát được lập ra không phải để cho khán giả “mua vui cũng được một vài trống canh” mà để giáo dục quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước và kỷ luật của diễn viên, văn chương của kịch bản cốt để xóa tan ý kiến “xướng ca vô loại”.

Trong khi các gánh hát khác chuyển hướng theo Tây, theo Tàu, thì gánh Đồng Nữ đề cao tính dân tộc trong tranh cảnh, trang phục và kịch bản.

Vì những lẽ trên đây mà tôi thấy rằng, năm 1927, và sự kiện ra đời của gánh hát Đồng Nữ Ban, là những điểm đáng nhớ và là một dấu son đáng ghi lại trong lịch sử của kịch nghệ Cải lương. Tiếc rằng trong những bài viết hoặc các quyển sách về Cải lương chưa có ai nhắc đến sự kiện này một cách đầy đủ!

Sau khi nhìn qua nội dung và hình thức của gánh Cải lương Đồng Nữ Ban, tôi thấy rằng nghệ thuật Cải lương là một nét đặc thù của văn nghệ Miền Nam Việt Nam. Cải lương có khả năng diễn tả những đề tài mà bộ môn nghệ thuật khác khó làm được. Cải lương tiếp thu kinh nghiệm của những bộ môn sân khấu khác nhưng có tính chất động nên dễ phát triển. Tôi muốn mượn lời của Nghệ sĩ nhân dân Năm Châu đã nói về bộ môn Cải lương mà suốt đời anh gắn bó để kết thúc:

“Cải lương là sản phẩm của nhân dân, phản ánh trung thực nhất sự tiến thoái của dân tộc. Trải qua những biến cố thăng trầm nó vẫn còn mãi với nhân dân và nhất định không bao giờ bị tiêu diệt”.

TRẦN VĂN KHÊ
Bình Thạnh 18.01.2014

(Bài viết trong kỷ yếu Hội thảo: “TIỀN GIANG LÀ CÁI NÔI CỦA HÁT CẢI LƯƠNG” do Uỷ ban Nhân Dân tỉnh Tiền Giang tổ chức 2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét